DẪN: Phong trào phóng sanh trong Phật giáo mới nghe qua tưởng là từ bi nhân ái, thế nhưng phân tích kỹ mới thấy ra nhiều điều "lợi bất cập hại". Hủ tục này bắt nguồn từ đâu và nguy hại như thế nào, xin mời đọc giới khinh 20 của Bồ-tát giới và phần phân tích phản biện dưới đây sẽ rõ.
Nguyên văn Bồ-tát giới khinh thứ 20
“20.- GIỚI KHÔNG PHÓNG SANH 47
Nếu Phật tử, vì tâm từ bi mà làm việc phóng sinh. Tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ năng là mẹ ta. Từ nhiều đời ta đều thác sinh nơi đó. Vì lẽ ấy nên chúng sinh trong lục đạo đều la cha mẹ ta. Nếu giết chúng để ăn thịt, thời chính giết cha mẹ ta, mà cũng là giết thân cũ của ta. Tất cả chất tứ đại đều là bổn thân bổn thể của ta, cho nên phải thường làm việc phóng sinh và khuyên bảo người làm. Nếu lúc thấy người đời sát sinh, nên tìm cách cứu hộ cho chúng được thoát khỏi nạn khổ! Thường đem giới Bồ Tát giảng dạy để cứu độ chúng sinh. Nếu ngày cha mẹ hay anh em chết, nên thỉnh Pháp sư giảng kinh luật Bồ Tát giới. Người chết nhờ phước đức ấy, hoặc được vãng sinh Tịnh độ ra mắt chư Phật, hay thác sinh trong cõi trời cõi người. Nếu không làm các điều trên đây, Phật tử nầy phạm “khinh cấu tội”.”
Chú thích 47 (tr.34): “Tội không cứu vớt chúng sanh có bốn duyên thành tội: (a) chúng sanh bị khổ, (b) nhận biết là chúng sanh bị khổ, (c) không có từ tâm, (d) ngồi nhìn không cứu vớt. Nếu vì không đủ sức để cứu, thời phải niệm Phật chú nguyện cho nó. Đó là không cứu được xác thân nó, thời cứu huệ mạng nó.”
Phản bác
Đối với bất kì Phật tử chân chánh nào, việc cứu khổ cứu nạn là chuyện đương nhiên. Tinh thần từ bi độ tha không phải là đạo đức riêng của Đại Thừa giáo, mà là hạnh đức chung của mọi người con Phật, cũng như của tất cả những ai có lòng từ ái.
Các tổ sư gián điệp Đại Thừa Bà-la-môn đã ‘ăn cắp’ tinh thần này của Đạo Phật chính thống, đã vậy họ lại còn quay lại vu khống xuyên tạc Tiểu Thừa là ích kỉ, không biết độ tha, chỉ biết tu cho riêng mình. Đây là kiểu ‘vừa ăn cướp, vừa la làng’ rất ‘dã man’ của ác ma nhằm tiêu diệt Phật Giáo Chính Thống. Các Phật tử cần nhận thức rõ việc này để không rơi vào bẫy của Dạ Xoa, không tiếp tục phân hóa Đại Thừa - Tiểu Thừa, khinh chê Chánh Tam Bảo.
Bên cạnh đó Phật tử còn phải hiểu và thực hành ‘phóng sanh’ cho đúng với chánh pháp mới thể hiện tinh thần từ bi trí tuệ thực sự. Nếu không, nó sẽ trở thành hành vi phô trương, thiểu trí, lợi bất cập hại, và ‘phóng sanh’ trở thành ‘phóng giết’.
Thật vậy, sự ‘phóng sanh’ chỉ có ý nghĩa trong trường hợp tự nhiên. Ví dụ người Phật tử tình cờ thấy một con chim hay con cá mắc nạn, sau khi cứu giúp chúng, nên trả chúng trở về với tự nhiên. Đây là sự ‘phóng sanh’ đúng ý nghĩa nhất. Thế nhưng khi ‘ép phóng sanh’ trở thành một giới luật, một nghi thức thì lại trở thành trò hề với biết bao cảnh dở khóc dở cười.
Đã có chuyện một số Tăng - Ni ôm giỏ đầy rắn phóng sanh tràn lan bên đường. Lại có chuyện một cô gái phóng sanh cả một xuồng cá sấu con xuống sông khiến cho dân chúng phải một phen lên cơn hốt hoảng, cộng đồng phải lên tiếng chỉ trích. Cũng may cho đến nay chưa có sự việc đáng tiếc xảy ra, thế nhưng ai biết được tương lai không có chuyện? Cá sấu con trưởng thành dần, hoặc gặp giỏ toàn rắn độc, mà vô tư phóng sanh kiểu này, chỉ có nước giết người không gươm giáo. Phóng sanh thiểu trí kiểu này có phải là lợi bất cập hại không?
Chính vì hủ tục mua vật phóng sanh cho nên đã kích thích người khác săn lùng tận diệt chim trời cá nước. Bởi, theo quy luật cung cầu, nơi nào cần cá chim cho nghi lễ phóng sanh, nơi đó sẽ có cá chim bị bắt để buôn bán. Để có nhiều cá chim bán, các ‘điểu tặc, cá tặc’ phải săn lùng, bẫy sập chúng với bất cứ giá nào miễn sao có tiền. Cá chim tự nhiên bị tận diệt, chim lồng cá chậu bị bắt phải ngắc ngư. Các con chim lồng cá chậu đợi tới lúc được thả ra, một số đã bị chết, số còn lại cũng suy kiệt, sống dở chết dở.
Cá chim bị tàn diệt, sâu bọ được sinh sôi nảy nở, môi trường sống mất cân đối. Vô hình chung nhiều chùa đã trở thành nơi lý tưởng cho việc buôn bán kiếm tiền từ việc huỷ diệt môi trường sống. Phước đâu không thấy chỉ thấy tai họa.
Chính hủ tục ‘phóng sanh’ một cách hình thức đã tạo nên cái vòng luẩn quẩn mua - thả - bắt - bán, kích thích mạnh mẽ sự tận diệt chim thú, biến cửa chùa thành nơi buôn bán tội lỗi. Hủ tục ‘phóng sanh’ đã thực sự biến thành màn ‘phóng giết’ bởi những kẻ vô minh. Cho nên thế gian thường nói ‘nhiệt tình cộng với sự ngu dốt chỉ mang lại sự phá hoại’ là như vậy.
Chưa hết, còn chuyện vơ đũa cả nắm ‘Tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ năng là mẹ ta. Từ nhiều đời ta đều thác sinh nơi đó. Vì lẽ ấy nên chúng sinh trong lục đạo đều là cha mẹ ta’, đây là kiểu suy nghĩ áp đặt võ đoán hồ đồ.
Bởi, trong vòng sanh tử luân hồi, các chúng sanh đều có thể có nhân duyên với nhau, thế nhưng không có nghĩa mọi chúng sanh đều là cha, là mẹ ta, và ta là cha mẹ của các chúng sanh khác. Thương yêu tất cả chúng sanh phải xuất phát từ lòng từ bi nhân ái có trí tuệ, chứ không phải từ sự gán ghép chung chung kiểu này.
Cứ hàm hồ kiểu này không lẽ một kẻ tà dâm dụ dỗ ‘Tất cả nam tử là chồng ta, tất cả nữ năng là vợ ta. Từ nhiều đời ta đều sống chung nơi đó. Vì lẽ ấy nên chúng sinh trong lục đạo đều là chồng vợ ta’, cho nên rằng thì là ‘nếu ngủ với chúng để ăn ở, thời chính là ngủ với vợ chồng ta, mà cũng là ngủ thân cũ của ta’ sao?
Đã có chuyện một ông thầy ma giáo dụ dỗ một tín nữ rằng vì kiếp trước cô vốn là vợ thầy, cho nên kiếp này thầy với cô có chuyện gì thì cũng là nhân duyên kiếp trước mà thôi, không sao cả. Quả là pháp luật nào thì có thầy bà kiểu đó. Pháp luật ma mãnh, tất phải sanh ra các tà sư ma mãnh.
Sự thâm hiểm của các tổ sư Bà-la-môn còn ở chỗ họ vừa ăn cắp tinh thần Từ Bi của Đạo Phật vừa dựa vào đây lập lờ ‘Nếu giết chúng để ăn thịt’ nhằm vu cáo tất cả những người ăn thịt là sát sanh, trong đó có cả những ai ăn theo ‘tam tịnh nhục’. Từ đây họ tạo nên sự chia rẽ Phật giáo chay - Phật giáo mặn, kích động khinh chê truyền thống chính giáo. Đây là kiểu ‘dùng dao người để giết người’.
Sự tà vạy của giới luật 20 chưa hết. Thử hỏi, một kẻ tàn ác diệt chủng vô luân khi chết, người thân cứ thỉnh các pháp sư Đại Thừa tới là được vãng sanh, như vậy còn gì là luật Nhân Quả, còn chi công bằng cho các nạn nhân?
Cứ độ tha tà vạy kiểu này những kẻ ác cứ ác, giết cứ giết cuối cùng cũng bình yên giải thoát, thử hỏi còn ai biết sợ ác? còn ai muốn làm thiện? Thế gian này làm sao tốt đẹp được? Chuyện vãng sanh Tịnh Độ có phi lý không?
Chính vì thế, trong bài kinh “Người Đất Phương Tây hay Người Đã Chết”, Tương Ưng 4, số 311, Đức Thế Tôn đã dạy cho thôn trưởng Asibandhakaputta thế này:
“-- Ví như, này Thôn trưởng, có người lấy một tảng đá lớn ném xuống một hồ nước sâu. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: "Hãy đứng lên, tảng đá lớn! Hãy nổi lên, tảng đá lớn! Hãy trôi vào bờ, này tảng đá lớn!" Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, tảng đá lớn ấy do nhân cầu khẩn của đại quần chúng ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, có thể trồi lên, hay nổi lên, hay trôi dạt vào bờ không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Cũng vậy, này Thôn trưởng, người nào sát sanh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: "Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này!" Nhưng người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục”.
Theo lời dạy trên việc ‘thỉnh Pháp sư giảng kinh luật Bồ Tát giới. Người chết nhờ phước đức ấy, hoặc được vãng sinh Tịnh độ’ là chuyện của các Bà-la-môn đẻ ra vừa phá hoại Chánh Pháp vừa để nuôi dưỡng ‘các con trùng trong lông sư tử’.
Vì sao phá hoại Chánh Pháp? Vì Bồ-tát giới tà vạy như thế nào mọi người đã rõ. Và tà giới này có cứu giúp người chết được giải thoát là điều phi lý cùng cực. Có chăng nó chỉ lợi dụng người chết để truyên truyền tà giới tà pháp. Nói phá hoại Chánh Pháp là vì vậy.
Vì sao nuôi dưỡng các ‘tục tử sa-môn’? Vì các giả sư, giả ni dựa vào đây để làm tiền gia đình người quá cố. Chuyện pháp sư bày vẽ kiếm chác, ra giá tụng kinh đám ma, đám giỗ, không còn là chuyện cá biệt trong Phật giáo. Trước tệ trạng này dân chúng ví von các giả sư giả ni ăn tiền trên xác của người chết chẳng khác nào lũ kên kên rúc rỉa xác chết, thực cũng không có gì quá đáng.
Tóm lại chuyện phóng sanh, chuyện tất cả chúng sanh là cha mẹ, chuyện ăn thịt là sát sanh, chuyện khi chết rước thầy được giải thoát đều là các câu chuyện tà vạy vô minh của những kẻ thiểu trí phá hoại Phật Pháp.
TẬP SAN LUẬT HỌC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét