Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Hỏi sai, đáp đúng!

Một Ác Ma hiện hình thành một thiếu niên hư hỏng, tìm đến các thành viên của nhóm Gia Đình Phật Tử (GĐPT) hỏi giọng khiêu khích:
_ Này, con chó có Phật tánh không?
Một thành viên GĐPT ngồi gần đó hỏi lại:
_ Thế cậu có tánh ma hay ma có tánh cậu không?
Ác Ma nhíu mày nhăn mặt:
_ Ngươi hỏi ngớ. Ta mà có tánh ma hay ma có tánh ta để các ngươi gọi ta là ma à!
_ Nếu vậy, đừng hỏi những câu ngu ngốc nữa.
Thành viên thứ hai nói thêm:
_ Chỉ có những kẻ có tánh ma và ma cũng có tánh họ nên mới thích phá rối người khác.
Ác Ma xấu hổ ôm đầu lủi mất. Anh trưởng nhóm GĐPT quay sang hỏi các đồng đạo:
_ Ở đây, ai còn nhớ trong kinh nguyên thủy Đức Phật dạy có bốn loại câu hỏi và bốn cách trả lời? (*)
Thành viên nhỏ nhất đưa tay phát biểu:
_ Thưa, bốn loại câu hỏi và bốn cách trả lời đó là: thứ nhất, có những câu hỏi cần phải trả lời một chiều, dứt khoát. Thứ hai, có những câu hỏi cần phải hỏi một câu ngược lại. Thứ ba, có những câu hỏi cần phải để qua một bên. Và thứ tư, có những câu hỏi phải trả lời theo kiểu phân tích.
Anh trưởng nhóm gật đầu:
_ Đúng vậy. Nếu chúng ta không biết những điều này, sẽ có ngày rơi vào bẫy của những kẻ ác hiểm. Nhưng ở đây, ai có thể giải thích rõ hơn về bốn trường hợp nêu trên?
Cả nhóm im lặng. Lúc ấy vị huynh trưởng đi đến, vì đã biết đầu đuôi câu chuyện nên góp ý ngay:
_ Anh hoan nghênh các em đã có một cuộc thảo luận lợi ích. Ở đây, anh góp ý với các em thế này: những câu hỏi cần trả lời một chiều dứt khoát, không được nước đôi hai mặt là những câu hỏi về khổ và cứu khổ, về thiện và ác, về đạo đức và vô đạo đức v.v... Ví dụ anh hỏi các em Khổ đế là gì? Chánh tư duy là gì? Chánh ngữ là gì? Các em trả lời như thế nào?
Một em giơ tay:
_ Dạ, khổ đế là sanh-già-bệnh-chết. Chánh tư duy là tư duy không tham, không sân, không hại mình và người khác. Chánh ngữ là không nói láo, nói hai lưỡi, nói ác độc, nói phù phiếm. Phải trả lời một chiều dứt khoát là vậy!
Huynh trưởng hoan hỷ:
_ Đúng thế. Bên cạnh đó lại có những câu hỏi khiêu khích với hai “móc”, ba “móc” như câu hỏi lúc nãy của thiếu niên kia; hoặc có những câu hỏi chân tình nhưng không rõ ràng... Gặp những câu hỏi như vậy chúng ta phải hỏi lại để tránh sa bẫy hoặc để làm rõ hơn. Còn đối với những câu hỏi không liên hệ đến mục đích ý nghĩa, vớ vẩn bâng quơ; hoặc người hỏi cho có chuyện, không muốn lắng nghe trả lời... tốt hơn hết hãy để các câu hỏi loại này sang một bên. Riêng các câu hỏi nhằm mục đích đem lại lợi ích cho mình và mọi người, hoặc để hiểu toàn diện một vấn đề thiết thực; nếu biết, chúng ta nên trả lời theo lối phân tích rõ ràng. Câu hỏi của em trưởng nhóm lúc nãy là ví dụ cho loại này. Anh chỉ gợi ý như thế, các em nên tự mình suy xét thêm và cùng nhau thảo luận để hiểu kỹ hơn.
Cả nhóm hân hoan tán đồng lời nói của vị huynh trưởng và tiếp tục tham gia thảo luận.
Sen Nhỏ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét