Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

THIỀN CÂY, THIỀN LƯƠN

Một cư sĩ nhập vào thiền định Thức Vô Biên Xứ, vận thần thông bay lên cõi trời Phạm thiên, hỏi Thiên chủ Baka:
_ Thưa Phạm thiên Baka, bộ mặt thật xưa nay của Lục Tổ Huệ Năng là gì khi ngài phán “chẳng niệm thiện, niệm ác, bản lai diện mục hiện tiền”?
_ Là… cây ta-la to lớn.
_ Nghĩa là sao?
_ Trong Tương Ưng tập 5, bài kinh số 375, Đức Thế Tôn đã dạy rồi: “Nếu những cây ta-la lớn này, này Mahànàma, biết những gì là thiện thuyết, ác thuyết, thời Ta cũng sẽ tuyên bố những cây ấy là những bậc Dự Lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ, huống nữa là họ Thích Sarakàni. Này Mahànàma, họ Thích Sarakàni, sau khi mệnh chung, đã chấp nhận học giới” . Đức Phật giả định vậy thôi, chứ thực tế cây ta-la cũng “chẳng niệm thiện, niệm ác” gì cả. Ai tin Phật, theo Phật. Ai tin Tổ, theo Tổ.
_ Nhưng có người bảo rằng những kẻ như ngài còn chấp thiện chấp ác là còn hữu biên, nhị thừa, thấp kém. Họ nói họ đã vượt ra ngoài đối đãi nhị biên tầm thường, cho nên dù có ai chấp trước đúng sai, thiện ác, họ cũng im lặng như Thánh. 
_ Im lặng mà còn nói tào lao! Nếu họ thấy họ khác, tôi khác; như vậy là phân biệt đối đãi rồi, vô phân biệt chỗ nào? Vả lại, những “ông thần Ta-la” lớn nhỏ ấy thuộc loại ngụy biện luận và đã bị mắc vào tấm lưới võng rộng lớn mà Đức Phật đã cảnh giác từ hàng ngàn năm trước. Hiền giả hãy đọc đoạn kinh Phạm Võng trong Trường bộ này cho họ: “23. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Ngụy biện luận. Khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn với bốn luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn ấy, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương ngụy biện luận, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn với bốn luận chấp?
24-25. Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn không như thật biết "Ðây là thiện", không như thật biết "Ðây là bất thiện”. Vị ấy nghĩ: Tôi không như thật biết: "Ðây là thiện", không như thật biết: "Ðây là bất thiện" và nếu tôi trả lời: "Ðây là thiện" hoặc tôi trả lời: "Ðây là bất thiện", thời dục, tham, sân hoặc hận, khởi lên nơi tôi. Nếu dục, tham, sân hoặc hận, khởi lên nơi tôi, như vậy tôi có thể bị sai lầm. Nếu tôi sai lầm thì tôi bị phiền muộn. Nếu tôi bị phiền muộn sẽ thành một chướng ngại cho tôi
Như vậy, vì sợ sai lầm, vì chán ghét sai lầm... vì sợ chấp thủ, vì chán ghét chấp thủ, nên vị ấy không trả lời: "Ðây là thiện", cũng không trả lời: "Ðây là bất thiện". Khi hỏi đến vấn đề này hay vấn đề khác, vị ấy dùng lời ngụy biện trườn uốn như con lươn: "Tôi không nói là như vậy. Tôi không nói là như kia. Tôi không nói là khác như thế. Tôi không nói là không phải như thế. Tôi không nói là không không phải như thế". Đấy, nguyên văn Phật đã dạy như thế. Tôi nhắc lại, ai tin Phật thì nghe lời Phật, ai tin Tổ thì theo lời Tổ.
Vị cư sĩ liền xuất thiền, vội vàng mở kinh Nikaya ra kiểm chứng, thấy Thiên chủ Baka nói không sai lời Phật. Ngay tức khắc vị cư sĩ lấy giấy bút ghi lại câu chuyện này. 
CƯ SĨ CHÁNH TRUYỀN
__________________
Trích lục Kinh “Cho là khinh”, số 151, Tăng Chi 5 Pháp:

Đức Phật dạy:

“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người ám độn ngu si?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không biết các pháp thiện, bất thiện; không biết các pháp tội, không tội; không biết các pháp hạ liệt, thù thắng; không biết các pháp dự phần đen trắng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người ám độn ngu si”.
Trích lục Kinh Chánh Tri Kiến, số 9, Trung Bộ 1:
“Tôn giả Sariputta nói như sau:
-- Chư Hiền, khi Thánh đệ tử tuệ tri được bất thiện và tuệ tri được căn bổn bất thiện, tuệ tri được thiện và tuệ tri được căn bổn thiện, chư Hiền, khi ấy Thánh đệ tử có Chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.”
Thừa tự Pháp trích lục: Theo lời dạy của Đức Phật và của vị Tướng Quân Chánh Pháp, Huệ Năng có đúng là “ta-la to lớn” không? Có Chánh tri kiến không? Có tri kiến chánh trực không? Có lòng tin Pháp tuyệt đối không? Và có thành tựu Diệu pháp của Phật không?
Rõ ràng là không! Thế nhưng hàng ngàn năm qua Huệ Năng được kính tôn làm Tổ, làm Thánh, lời phán được kính tin như Bụt. Thử hỏi, trần gian có hạng người ‘ám độn ngu si’ không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét