Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

TÀ KINH A HÀM MIỆT THỊ PHẬT GIÁO


So sánh kỹ hai bài kinh tương đương sau đây người đọc sẽ thấy rõ hơn thâm ý phá hoại ngầm của các dịch giả A Hàm
Tiểu Kinh Thiện Sanh Ưu Đà Di (số 79, Trung Bộ Pali)  Kinh Tiễn Mao II (số 208, Trung A Hàm)
Chánh kinh Pāli: “Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Du sĩ Sakuludayi lấy một ghế thấp khác rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với du sĩ Sakuludayi đang ngồi một bên:
-- Này Udayi, nay các vị hội họp nhau ở đây, đang bàn vấn đề gì? Và câu chuyện gì giữa các vị gián đoạn?
-- Bạch Thế Tôn, hãy gác một bên vấn đề chúng con đang hội họp bàn luận. Về sau Thế Tôn nghe lại cũng không khó khăn gì. Bạch Thế Tôn, khi con không ở gần chúng này, thời chúng này ngồi nói nhiều câu chuyện phù phiếm. Và bạch Thế Tôn, khi con ở gần chúng này, thời chúng này ngồi nhìn thẳng mặt con và nghĩ: "Sa-môn Udayi thuyết pháp gì, chúng ta sẽ nghe". Bạch Thế Tôn, khi nào Thế Tôn đến với chúng này thời con và chúng này, ngồi nhìn thẳng mặt Thế Tôn và nghĩ: "Thế Tôn thuyết pháp gì, chúng ta sẽ nghe".
-- Vậy này Udayi, hãy nói lên ở đây vấn đề gì, để Ta có thể nói chuyện.”
Tà kinh A Hàm: “Thế Tôn hỏi rằng: “Ưu-đà-di, các ông vừa bàn luận những gì? Do việc gì mà cùng nhau ngồi họp ở đây?
Dị học Tiễn Mao đáp rằng: “Bạch Cù-đàm, xin bỏ qua vấn đề này, vấn đề này không hay ho gì. Sa-môn Cù-đàm muốn nghe vấn đề này để sau này nghe cũng không khó gì.”
Thế Tôn hỏi như vậy ba lần rằng: “Ưu-đà-di, vừa bàn luận những gì? Do việc gì mà nhóm họp ngồi đây?”
Dị học Tiễn Mao cũng đáp lại ba lần rằng: “Bạch Cù-đàm, xin bỏ qua vấn đề này, nó không hay ho gì, Sa-môn Cù-đàm nếu muốn nghe, sau này nghe cũng không khó. Nhưng nếu Sa-môn Cù-đàm ba lần muốn nghe, nay tôi phải nói”
Phân tích so sánh: Các dịch giả A Hàm xuyên tạc Đức Phật đến thế thì thôi! Từ một Đấng Thế Tôn được du sĩ Sakuludayi kính trọng và phải ngồi thấp xuống một bên, chỉ vài dòng bỏ bớt cải biên Bụt A Hàm đã biến thành một kẻ lắm chuyện, tò mò hỏi tới hỏi lui đến ba lần chuyện “không hay ho gì” của người khác, cuối cùng Tiễn Mao buộc lòng phải nói ra.
Đúng là tà kinh ngụy tạo. Ai tuyên truyền phổ biến những tạng kinh như thế này đã không được phước, lại còn mang họa vì phỉ báng Đấng Thiên Nhân Sư.
***
Chánh kinh Pāli: “-- Thuở xưa, bạch Thế Tôn, rất xa xưa, bậc biết tất cả, thấy tất cả tự nhận mình có tri kiến không dư thừa: "Khi ta đi, khi ta đứng, khi ta ngủ và khi ta thức, tri kiến được tồn tại liên tục thường hằng". Vị ấy khi được con hỏi câu hỏi về quá khứ, liền tránh né với một câu hỏi khác, trả lời ra ngoài đề, và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, và bất mãn. Do vậy, bạch Thế Tôn, con khởi lên niệm hoan hỷ đối với Thế Tôn: "Thật sự Thế Tôn, thật sự bậc Thiện Thệ là bậc thiện xảo về những pháp này".
-- Này Udayi, vị nào là bậc biết tất cả, thấy tất cả và tự nhận mình có tri kiến không dư thừa: "Khi ta đi, khi ta đứng, khi ta ngủ, khi ta thức, tri kiến được tồn tại, liên tục thường hằng"? Vị ấy là ai mà khi được Ông hỏi câu hỏi về quá khứ liền tránh né với một câu hỏi khác, trả lời ra ngoài đề, và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận và bất mãn?
-- Bạch Thế Tôn, vị ấy là Nigaṇṭha Nāṭaputta.”
Tà kinh A Hàm: “Bạch Cù-đàm, tôi có sách lự, có tư duy; trụ trong trạng thái sách lự, trụ trong trạng thái tư duy, có trí tuệ, có biện tài, khi nghe có người nói: ‘Thật sự có Tát-vân-nhiên (Nhất thiết trí) tất cả, biết tất cả, không cái gì không biết, không cái gì không thấy. Tôi liền vấn sự vị ấy, nhưng vị ấy không biết. Bạch Cù-đàm, tôi nghĩ như vầy, ‘Đây là những ai?’.”  
Thế Tôn hỏi rằng: “Này Ưu-đà-di, ông có sách lự, có tư duy; trụ trong trạng thái sách lự, trụ trong trạng thái tư duy, có trí tuệ, có biện tài, nhưng ai nói, ‘Thật sự có Tát-vân-nhiên, biết tất cả, thấy tất cả, không có gì không biết, không có gì không thấy’ nhưng khi ông đến vấn sự, thì vị ấy không biết?”
Dị học Tiễn Mao đáp rằng: “Bạch Cù-đàm, đó là Bất-lan Ca-diếp. Vì sao? Bạch Cù-đàm, vì Bất-lan Ca-diếp tự cho là thật có Tát-vân-nhiên, biết tất cả, thấy tất cả, không gì không biết, không gì không thấy. Tôi có sách lự, có tư duy, trụ trong sách lự, trụ trong tư duy có trí tuệ, có biện tài; tôi đến vấn sự. Nhưng vị ấy không biết. Bạch Cù-đàm, vậy nên tôi nghĩ thế này, ‘Đây là những ai?’”
Phân tích so sánh: Trong Chánh kinh Pāli, Sakuludayi nhận thấy thực sự Nigaṇṭha Nāṭaputta không phải như vị này tự khoe khoang, và Sakuludayi nêu rõ lòng kính trọng đối với bậc Thiện Thệ.
Thế nhưng các dịch giả A Hàm đã “quên” không phản ánh đúng sự kiện này. Không những thế vấn đề của Udayi còn bị cải biến khác hẳn, dễ gây ngộ nhận tai hại cho Phật giáo. Theo A Hàm, Ưu-đà-di tự nhận mình có tư duy và hỏi Ca-diếp (chứ không phải Nigaṇṭha Nāṭaputta) về nhất thiết trí, nhưng thực ra Ca-diếp thuộc loại “thùng rỗng kêu to”, ba hoa bá láp.
Các dịch gia A Hàm cố tình chuyển từ tên Nigaṇṭha Nāṭaputta thành tên Bất-lan Ca-diếp, hẳn là họ muốn gây ngộ nhận nơi người đọc về tôn giả Ca Diếp của Phật giáo rồi. Còn vị “Nhất thiết trí” là ai lại được Ca Diếp tin tưởng? Không lẽ là thầy của Ca Diếp tức là Đức Thế Tôn? Rõ ràng là lối xỏ xiên thâm độc!
***
Chánh kinh Pāli: “Khi được nghe nói vậy, chúng du sĩ của Sakuludayi nói với du sĩ Sakuludayi:
- Tôn giả Udayi, chớ có sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Sa-môn Gotama. Tôn giả Udayi, đã là bậc Ðạo sư, nay chớ có sống làm đệ tử. Như một ghè nước tốt, nay bị thủng lỗ bị chảy nước; hành động của Tôn giả Udayi cũng sẽ như vậy. Tôn giả Udayi, chớ có sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Sa-môn Gotama! Tôn giả Udayi đã là bậc Ðạo sư, nay chớ có sống làm đệ tử.
Như vậy, chính chúng du sĩ của Sakuludayi đã làm một chướng ngại pháp cho du sĩ Sakuludayi sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn.”
Tà kinh A Hàm: “Bấy giờ Dị học Tiễn Mao liền từ chỗ ngồi đứng dậy, muốn cúi đầu sát chân Phật. Ngay lúc đó các đệ tử dị học phạm hạnh của Dị học Tiễn Mao thưa với Dị học Tiễn Mao rằng: “Tôn giả nay đáng làm bậc Thầy mà muốn làm đệ tử Sa-môn Cù-đàm ư? Khi nào Tôn giả không đáng làm Thầy, rồi hãy làm đệ tử Sa-môn Cù-đàm vậy.”
Đó là các đệ tử của Dị học Tiễn Mao là chướng ngại cho Dị học Tiễn Mao đối với sự tu học phạm hạnh.”
Phân tích so sánh: Làm sao ông A-nan, người thuật lại bài kinh này chưa có tha tâm thông lại biết được Tiễn Mao muốn cái gì? Chỉ cần gài một từ này vàothôi, các dịch giả A Hàm đã gán thêm một điều vô lý cho kinh điển của Phật giáo.
Những người đọc A Hàm không nhận ra sự phi lý này vì họ không đọc kỹ kinh Trung Bộ Pāli. Thánh Kinh gốc không bao giờ có những điều ấu trĩ như thế.
Chưa hết, câu trong kinh Pāli “Tôn giả Udayi đã là bậc Ðạo sư, nay chớ có sống làm đệ tử” có nghĩa là các đệ tử của Udayi ngăn cản không muốn thầy của họ làm đệ tử của người khác.
Thế nhưng, với câu cải biến trong A Hàm “Khi nào Tôn giả không đáng làm Thầy, rồi hãy làm đệ tử Sa-môn Cù-đàm vậy” có nghĩa là các đệ tử Sa-môn Cù-đàm không đáng làm thầy ai cả (?) Hiểu ra điều này các đệ tử Sa-môn Cù-đàm có còn dám tin bừa vào các kinh văn ngụy tạo không vậy?
TẬP SAN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét