Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

HOÀI NGHI SÁCH "PHÁP DUYÊN KHỞI"

NHỮNG CÂU HỎI DÀNH CHO CUỐN SÁCH
 “Pháp Duyên Khởi”
Nguyên tác của Đại trưởng lão Mahàsi Sayadaw
Việt dịch: Tỳ kheo Minh Huệ
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo – 2007
-- Căn cứ theo “Lời giới thiệu” của Tỳ-kheo Minh Giác cho quyển sách “Pháp Duyên Khởi” nêu trên, trong đó có đoạn như sau: “Ðại đức Minh Huệ có gửi tặng tôi bản thảo quyển kinh "Pháp Duyên Khởi" do Ðại đức phiên dịch… Nhận lấy quyển kinh… Nơi đây, điều mà tôi rất ngần ngại đấy là tựa đề và nội dung của quyển kinh "Pháp Duyên Khởi(trang 7).
-- Căn cứ trong phần Dẫn nhập, dịch giả Minh Huệ (MH) đã cảnh báo như sau: “Có một đoạn kinh trong bộ Diệu Pháp Liên Hoa của Bắc Tạng nói rằng: Có một đứa con được cha mẹ để lại viên ngọc quí trong lai áo mà cứ mãi đi lang thang từ nhà này sang nhà nọ để xin ăn. Cuối cùng, một người có trí đã chỉ cho thấy viên ngọc ấy. Viên ngọc là pháp duyên khởi, bậc trí tuệ là Trưởng lão Mahāsi Sayadaw, và dĩ nhiên, Ðức Phật là chủ nhân đầu tiên của viên ngọc” (trang 12).
-- Căn cứ trong phần kết luận của quyển sách, vị đại trưởng lão Mahāsi Sayadaw - tác giả và cũng là “bậc trí tuệ” của MH, đã chỉ cho thấy “viên ngọc” như thế này: Không có giáo lý nào mà nói rằng: Do thọ diệt, ái cũng diệt. Ðiều này không có gì lạ, bởi vì ngay cả những vị A-la-hán cũng không ngăn chặn được các thọ khi chúng khởi sanh do sự tiếp xúc của căn và cảnh” (trang 281).
Xin hỏi Tỳ-kheo Minh Giác và dịch giả Minh Huệ:
1) Tỳ-kheo Minh Giác có phân biệt được thế nào là Kinh, Luật Luận không? Ba tạng này khác nhau như thế nào? Không biết phân biệt rõ các văn bản này có nguy hại gì?
2) Đứa con “cứ mãi đi lang thang từ nhà này sang nhà nọ để xin ăn” mà Tỳ kheo Minh Huệ muốn ám chỉ là ai?
3) Bất kỳ một người nào đọc kinh điển Phật giáo cũng đều có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều những lời dạy của Đức Phật về duyên thọ diệt nên ái diệt; điển hình như đoạn kinh này:
 “Do vô minh diệt không có dư tàn, nên các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu nhập diệt. Do sáu nhập diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này diệt. Ðây là Thánh lý được khéo thấy và khéo thể nhập với trí tuệ.” (Tăng Chi tập 4, Chương 10, kinh số 92, trang 490).
Vậy, căn cứ vào đâu vị “đại trưởng lão, đại trí tuệ” của MH lại dám cho rằng “không có giáo lý nào mà nói rằng: do thọ diệt, ái cũng diệt”? Chẳng lẽ tác giả Mahāsi Sayadaw chưa từng đọc kinh Nikāya nên đã không khéo thấy và khéo thể nhập được Thánh lý với trí tuệ hay sao?
Nên chăng những đệ tử của Đại trưởng lão Mahāsi nên sửa lại cho đúng lời của đạo sư mình như sau: “Không có một giáo lý nào của phái Minh-sát-tuệ-phồng-xẹp, do tổ sư Mahāsi “trí tuệ” sáng chế ra, nói rằng: Do thọ diệt, ái cũng diệt”?
4) Bên cạnh đó, cũng dễ dàng tìm thấy rất nhiều những lời dạy của Đức Phật về Bốn Thiền: “Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm, thanh tịnh”.
Như vậy chỉ ở Bốn Thiền, chứ chưa nói tới Diệt Thọ Tưởng Định, một Tỳ kheo cũng đã không những ngăn chặn mà còn xả ly được thọ. Phải chăng “bậc đại trí tuệ của MH” đã không hề biết Bốn Thiền là gì (dù chỉ trên giấy trắng mực đen), nên mới viết ra những điều kỳ lạ khác thường với lời Phật dạy như vậy?
5) Tỳ-kheo MH có lý giải được đoạn kinh trong Đại kinh Phương Quảng dưới đây để thấy rõ lập luận của ngài Mahāsi về cảm thọ của vị A-la-hán là sai lầm: 
“Này Hiền giả, những pháp thọ hành này không phải là những pháp được cảm thọ này. Này Hiền giả, nếu những pháp thọ hành này là những pháp được cảm thọ này thì không thể nêu rõ sự xuất khởi của vị Tỷ-kheo đã thành tựu Diệt thọ tưởng định. Này Hiền giả, vì rằng những pháp thọ hành khác, những pháp được cảm thọ khác nên có thể nêu rõ sự xuất khởi của vị Tỷ-kheo đã thành tựu Diệt thọ tưởng định”?
6) Cũng trong Đại Kinh Phương Quảng đã nói rõ: “Này Hiền giả, CHÁNH TRI KIẾN phải được hỗ trợ bởi năm chi phần để có tâm giải thoát quả, tâm giải thoát quả công đức, tuệ giải thoát quả và tuệ giải thoát quả công đức. Ở đây, này Hiền giả, chánh tri kiến có GIỚI hỗ trợ, có VĂN (Sutta) hỗ trợ, có THẢO LUẬN hỗ trợ, có CHỈ (Samatha) hỗ trợ, có QUÁN (Vipassana) hỗ trợ. Này Hiền giả, CHÁNH TRI KIẾN được hỗ trợ bởi năm chi phần này để có tâm giải thoát quả, tâm giải thoát quả công đức, tuệ giải thoát quả và tuệ giải thoát quả công đức”.
Trong khi đó, trưởng lão Mahāsi chỉ chú trọng và xiển dương phương pháp thiền Quán (Vipassana), như vậy 16 tầng tuệ Minh Sát của ngài đã bao gồm đầy đủ các chi phần cho Chánh Tri Kiến như thế nào?
Thiền quán mà không có đầy đủ các chi phần hỗ trợ cho Chánh Tri Kiến là thiền gì? Có phải là tà thiền? Định mà không có đầy đủ các chi phần hỗ trợ cho Chánh Tri Kiến là định gì? Có phải là tà định? Tri kiến trái ngược với kinh văn (Sutta) là kiến gì, có phải là tà kiến?
7) “Đại trưởng lão Mahāsi Sayadaw” đối với các kinh văn thuộc truyền thống của mình còn tỏ ra thiếu hiểu biết căn bản như vậy, thử hỏi ngài làm sao chỉ dạy đúng chánh đạo cho những người khác được?
Hơn nữa, đã không thấy được lý Duyên Khởi với một kiến thức Phật pháp sơ đẳng, thì “viên ngọc” mà “bậc trí tuệ của MH” đã giới thiệu phải chăng cũng chỉ là ngọc giả? Các đệ tử tin theo ngài cũng chính là các cùng tử?
8) Phải chăng do các cùng tử Minh sát tuệ tu hoài nhưng vẫn không thấy giải thoát nên chán nản cuốn chiếu bỏ về nhà; ở nhà không xong lại trở vào tu tiếp, thế nhưng được các trưởng lão phong ngay cho hành vi này là tầng tuệ thứ chín - “Tuệ cuốn chiếu” (Xem “Mười sáu Tuệ Minh sát”, Trương Văn Huấn, Phước Tuệ Tịnh Môn, Saigon 1971, phần “Tuệ thứ IX - Mũncitukamyatanāna”)?
Phải chăng chứng như vậy để các Minh Sát tử tiếp tục cố công cắn răng hành tiếp thiền minh sát tuệ “đau, đau, đau”?
Cuốn chiếu bỏ về nhà cũng là “tuệ”, chẳng lẽ hầu hết các Thánh Tăng, Thánh Ni thời Phật suốt đời đi theo Phật nên đã không đạt được “trí tuệ” này?
Lại nữa, giả sử có một kẻ vô lại nào đó vào chùa ăn bám. Vì y phóng dật nên cũng thấy chán nản rồi “cuốn chiếu” bỏ về nhà. Bỏ về nhà không xong, y lại quay vào chùa và hô hoán lên rằng hắn đã đạt được tầng thứ 9 của thiền Minh Sát tức “Tuệ cuốn chiếu”. Mọi người vì tin theo “16 Tuệ Minh Sát” nên cũng tin theo hắn để rồi bị hắn lừa bịp. Như vậy, có phải pháp “Minh Sát Tuệ” đã dọn đường cho ma phá đạo không?
9) Phải chăng, do đại trưởng lão Mahāsi có lúc ức chế tâm “quán” thọ khổ khiến ý thức tỉnh giác của ngài tách khỏi năm căn khiến ngài bị rơi vào tưởng nên tạm thời không còn thấy đau nữa (giống như người ngủ mơ không thấy thân đau) và ngài cho rằng đó là trạng thái thọ diệt, nhưng khi xuất thiền (ngủ mơ thức dậy) ngài vẫn thấy mình còn ái luyến đầy đủ nên ngài mới phán “không có giáo lý nào mà nói rằng: do thọ diệt, ái cũng diệt”?
10) Phải chăng ngài Mahāsi đã không phân biệt được thế nào là ‘các pháp thọ hành’ (trong Danh Sắc) và ‘các pháp được cảm thọ’ (từ Xúc sanh) trong 12 Chi Phần Nhân Duyên, và nghĩ rằng các Thánh Tăng A La Hán cũng giống như ngài, cho nên ngài đã rất chủ quan khi phán rằng: ‘những vị A-la-hán cũng không ngăn chặn được các thọ khi chúng khởi sanh do sự tiếp xúc của căn và cảnh? Ngài Mahāsi ngang bằng Phật rồi hay sao lại biết rõ tâm can của các Thánh Tăng A La Hán như vậy?
11) Có phải Tỳ-kheo MH cũng đã quá chủ quan khi chỉ dựa vào nhận thức riêng của mình đã lớn tiếng quy kết một cách hồ đồ “Do đó, tôi dám nói rằng quí vị nào đọc và hiểu bài pháp này thì xem như đã học pháp được hai chục năm, nếu đọc một ngàn lần thì trí tuệ cũng tăng lên ngàn lần” (trang 11)? Tỳ-kheo Minh Huệ đã đạt được “tuệ cuốn chiếu” chưa? Có biết hàng chục bài kinh khác Đức Phật dạy ‘do thọ diệt, nên ái diệt’ không?
12) Trong Chánh Kinh Nikaya và Chánh Luật Patimokkha có chỗ nào Phật dạy 16 Tuệ Minh Sát không? Chẳng lẽ trưởng lão Mahasi "giỏi" hơn Phật nên mới biết chế ra 16 tầng tuệ cho người đời sau tu chứng? Phật hơn tổ Mahasi, hay tổ Mahasi hơn Phật? 
Minh Chánh Pháp
-----------------------
THAM KHẢO
] Trích kinh Thiện Tinh (số 105, Trung Bộ 3)
“Như vậy, này Sunakkhatta, là chết trong giới luật của bậc Thánh, khi vị ấy từ bỏ tu tập, trở về hoàn tục, và như vậy, này Sunakkhatta, là khổ như chết, khi vị ấy phạm một ô uế tội nào.”

Ý kiến Minh Chánh Pháp: Với Đức Thế Tôn, vị đệ tử từ bỏ tu tập, trở về hoàn tục được xem như cái “chết trong giới luật của bậc Thánh”, thế nhưng với ngài Mahāsi, vị ấy chỉ là “cuốn chiếu” bỏ về nhà (do phạm tội hoặc không). Và nếu họ trở lại chùa thì được vinh thăng đạt tầng tuệ thứ chín của thiền Minh Sát. Tầng “Tuệ thứ chín” còn như thế, đủ biết 15 tầng tuệ còn lại như thế nào!

À, cũng cần nói rõ thêm, nếu có vị nào còn muốn bênh vực cho ngài Mahāsi về ‘Tuệ thứ 9 - Mũncitukamyatanāna’ hoặc 16 tầng Tuệ Minh Sát, các vị làm ơn trích dẫn lời Phật trong chánh Kinh Nikaya rõ ràng, chứ đừng nói khơi khơi hoặc dựa vào luận giải của các tổ sư như ngài Mahāsi thì uổng công. Các bậc Thiện Trí Thức họ không ngây thơ, cuồng tín, bạ đâu tin đó như vậy.
] Trích Đại Kinh Đoạn Tận Ái, số 38, Trung Bộ 1:
“Này các Tỷ-kheo, ái này lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Ái lấy thọ làm nhân duyên, lấy thọ làm tập khởi, lấy thọ làm sanh chủng, lấy thọ làm nguyên nhân.
… -- Trước đã nói: Do thọ diệt nên ái diệt. Này các Tỷ-kheo, do thọ diệt nên ái diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, do thọ diệt nên ái diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là vậy: Do thọ diệt nên ái diệt.”
… - Lành thay, này các Tỷ-kheo! Các Ông nói như vậy và Ta cũng nói như vậy: "Cái này không có nên cái kia không có, cái này diệt nên cái kia diệt", như vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên sáu nhập diệt, sáu nhập diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệtái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.”
] Bài kinh “Sở Y Xứ”, số 61, Tăng Chi chương 3, VII. Phẩm Lớn:
“-Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ diệt?
Do vô minh diệt không có tàn dư, nên các hành diệt. Do hành diệt, nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não đều diệt. Như vậy là sự đoạn diệt toàn bộ của khổ uẩn này. Này các Tỷ-kheo, Ðây gọi là Thánh đế về Khổ diệt.”
-- Bài kinh “Sợ Hãi Và Hận Thù”, số 92, Chương 10, X. Phẩm Nam Cư Sĩ“…Do thọ diệt nên ái diệt…”
-- Bài kinh “Thuyết Pháp” -- (Tạp 12.16, Ðại 2,85a) (S.ii,1): “…Do thọdiệt nên ái diệt…”
-- II. Phân Biệt -- (Tạp 12.16, Ðại 2,85a) (S.ii,2)  “…Do thọ diệt nên ái diệt…".
] IV. Vipassī (Tỳ-bà-thi) (Tạp 15.2-3, Ðại 2,101a) (S.ii,5):
“Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassī lại suy nghĩ như sau: "Cái gì không có mặt nên ái không có mặt? Do cái gì diệt nên ái diệt?" Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassī nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến như sau: "Do thọ không có mặt nên ái không có mặt. Do thọ diệt nên ái diệt".”
] XII. Moliya Phagguna (Tạp 15,10. Ðại 2,102) (S.ii,12).
“Nhưng này Phagguna, do ly tham, đoạn diệt một cách hoàn toàn sáu xứ nên xúc diệt. Do xúc diệt, nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.”
] II. Mười Lực (Tạp 14.6 Thập Lực, Ðại 2,98a) (S.ii,28): “Do thọ diệt nên ái diệt”
] X. Susīma (Tạp 14.5 Ðại 2,96b) (S.ii,119):
-- "Do thủ diệt, nên hữu diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do danh sắc diệt, nên sáu xứ diệt. Do thức diệt, nên danh sắc diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do vô minh diệt, nên hành diệt!". Này Susīma, Ông có thấy chăng?
Còn dưới đây là các bài Kinh trong Tương Ưng có câu: “Do thọ diệt nên ái diệt”

1) Kinh Con Ðường... (S.ii,4)
2) Kinh Kaccāyanagotta: (Ca-chiên-diên Thị) (Tạp 12.19 Ðại 2,85c) (S.ii,16)
3) Kinh Loã Thể (Tạp 12.20, Ðại 2,86a Ðại 14,768) (S.ii,18)
4) Kinh Timbaruka (Tạp 12.21 Ðại 2, 86b) (S.ii,22)
5) Kinh Mười Lực (Tăng 46,3, Ðại 2,776a) (S.ii,27)
6) Kinh Ngoại Ðạo (S.ii,32)
7) Kinh Những Căn Bản Của Trí (Tạp 14.15 Chủng Trí, Ðại 2, 99c) (S.ii,56)
8) Kinh Không Phải Của Ông (Tạp 12.13, Phi Nhữ Sở Hữu, Ðại 2, 84a) (S.ii,64)
9) Kinh Tư Tâm Sở (Tạp 14.20 Tư Lường, Ðại 2, 100b) (S.ii,66)
10) Kinh Năm Hận Thù Sợ Hãi (S.ii,68) 
11) Kinh Năm Sợ Hãi Hận Thù (S.ii,70)
12) Kinh Bó Lau (Tạp 12.6 Lô, Ðại 2,81a) (S.ii,112)

{ Ý kiến Minh Chánh Pháp:

Trên đây mới chỉ liệt kê một số bài Kinh trong tạng Nikāya có câu: “Do thọ diệt nên ái diệt”, chứ chưa nêu hết được. Tuy vậy cũng đã quá đủ để chứng minh cho mối liên hệ giữa THỌ và Ái trong định lý Duyên Khởi, một định lý được chính Đức Thế Tôn tuyên bố: "Ai thấy được lý Duyên Khởi, người ấy thấy được Pháp; ai thấy được Pháp, người ấy thấy được lý Duyên Khởi” (Đại Kinh Dấu Chân Voi, số 28, Trung Bộ 1)

Không thấy “Do thọ diệt nên ái diệt”, tức không thấy đầy đủ lý Duyên Khởi. Không thấy đầy đủ lý Duyên Khởi là chưa thấy Pháp. Dù không thấy Pháp nhưng nếu có đọc Nikāya cũng phải thấy lý “Thọ diệt, ái diệt”. Ấy thế nhưng Trưởng Lão Mahāsi lại dám khẳng định rằng:Không có giáo lý nào mà nói rằng: Do thọ diệt, ái cũng diệt” (???)

Chẳng lẽ ngài Mahāsi và những ai tin theo ngài không đọc kinh Nikāya hay sao? Một pháp quá hiển nhiên, được nhắc đi nhắc lại biết bao nhiêu lần như vậy còn không thấy, không biết, thời làm sao thấy được các pháp cao siêu vi diệu khác?

Mà có lẽ không thấy thật, một người có cẩn trọng đọc kinh Nikāya hẳn phải biết Đức Phật đã dạy như vầy: 

10. Có hai pháp này, này các Tỷ-kheo, thuộc thành phần Minh. Thế nào là hai? CHỈ và QUÁN.

CHỈ được tu tập, này các Tỷ-kheo, chờ đợi lợi ích gì? Tâm được tu tập. Tâm được tu tập, chờ đợi lợi ích gì? Cái gì thuộc về tham được đoạn tận.

QUÁN được tu tập, này các Tỷ-kheo, chờ đợi lợi ích gì? Tuệ được tu tập. Tuệ được tu tập, chờ đợi lợi ích gì? Cái gì thuộc vô minh được đoạn tận.

Bị tham làm uế nhiễm, này các Tỷ-kheo, tâm không thể giải thoát. Hay bị vô minh làm uế nhiễm, tuệ không được tu tập. Do vậy, do ly tham, là tâm giải thoát. Do đoạn vô minh, là tuệ giải thoát. (Tăng Chi Chương 2 Pháp, Phẩm Người Ngu)

Chính vì thế xuyên suốt Kinh Tạng Nikāya, Đức Phật luôn chỉ dạy và khuyến giáo các Tỳ-kheo phải luôn kết hợp song hành cả hai pháp thuộc thành phần Minh này. Tu Chỉ phải có Quán, tu Quán phải có Chỉ, không thể thiếu một, cả hai phải “Gắn Liền Cột Chặt” đúng như Kinh Tăng Chi 4 Pháp, Phẩm Đạo Hành đã chỉ dạy.

Thế nhưng phái ngài Mahāsi lại chỉ chủ trương tu thiền Quán “Minh Sát Tuệ - Vipassana”. Họ bỏ lờ thành phần Minh thứ hai là thiền “Chỉ - Samidhi”. Như vậy sự thiếu sót này làm sao đạt được giải thoát đầy đủ. Nếu chỉ cần có thiền “Quán” không thôi, Đức Phật dạy tu thiền “Chỉ” làm gì? Nếu chỉ cần tu Tuệ mà không cần tu Tâm thì giải thoát chỉ là “giải thoát ảo”, tà giải thoát, giải thoát nửa vời mà thôi!

Cho nên dù 16 tầng Tuệ Minh Sát của ngài Mahāsi có thực sự giúp trí tuệ được tu tập và giải thoát chăng nữa; nhưng nếu không nói gì đến tu “Chỉ” thì tâm không được tu tập, tham không được đoạn tận, tâm không được giải thoát hoàn toàn, khổ đau vẫn hoàn đau khổ.

Mà khổ đau thật, cho nên như đã nói ở trên, những ai tu theo phái ngài Mahāsi riết không thấy giải thoát thực sự, nếu có chán nản cuốn chiếu bỏ về rồi quay trở lại, họ sẽ được ấn chứng đạt ngay tầng “Tuệ thứ chín - Tuệ cuốn chiếu” (Mũncitukamyatanāna) của 16 tầng Tuệ Minh Sát (Xem “16 Tuệ Minh Sát” của Trương Văn Huấn, sđd, xxx.budsas.org/uni/u-vbud/vbthn064.htm).

Đương nhiên lúc này các hành giả tức khắc sướng mê mẩn cả người và phải ráng đi theo thiền Minh Sát cho tới lúc… chết. Một tầng “tuệ” như rứa, đủ biết 15 tầng tuệ còn lại “tuệ” như thế nào!

Trí tuệ như thế nào ư? Nếu 16 tầng Tuệ Minh Sát siêu việt thì Đức Phật đã dạy rồi. Chẳng lẽ Đức Phật Chánh Biến Tri thấu suốt nhiều đời kiếp không biết các pháp biến chuyển, các Thánh Tăng A-la-hán không biết thế gian biến đổi, phải đợi tới lúc ngài Mahāsi ra đời mới chỉ rõ cho chúng sanh thấu đạt được pháp mới ư? Như vậy ngài Mahāsi “giỏi” hơn Đức Phật và các Thánh Tăng rồi!

Lại nữa, trong Thánh Kinh Nikāya có chỗ nào nói đến 16 tầng Tuệ Sát Minh đâu. Vì sao Thánh Kinh không nói? Vì Đức Phật và tất cả các Thánh Tăng, Thánh Ni có vị nào cảm thấy chán nản “cuốn chiếu” bỏ về nhà đâu. Rõ ràng, chiếu theo 16 Tuệ Minh Sát thì Đức Phật và các vị Thánh Tăng không ai đạt được tầng tuệ thứ 9 của phái ngài Mahāsi rồi, không ai có đủ trình độ dạy Minh Sát Tuệ rồi!

Ôi thôi nguy tai, kỳ này những ai tin theo Phật chết cả nút thật rồi! Những ai không theo ngài Mahāsi, coi chừng đọa cả đám!

Thế nhưng có hai khả năng xảy ra:

1) Một là Đức Phật và các vị Thánh Tăng A-la-hán chưa ai có đủ Tuệ Sát Minh như ngài Mahāsi. Chẳng có vị nào có đủ trình độ để diễn giải chánh pháp thành 16 tầng Tuệ Minh Sát.

2) Hai là phái ngài Mahāsi đã tu sai đường, chứng sai lối, vẽ thêm tầm phào tầm bậy bằng những kiến giải chủ quan riêng của mình, khiến những người đi theo dù tu thật hay tu giả cũng đều thấy mơ hồ phân vân chán nản, đến độ “cuốn chiếu” bỏ về nhà. Nhưng tất cả đều được ấn chứng đạt ngay tầng tuệ thứ chín của 16 tầng Tuệ Minh Sát (híc).

Đến đây việc nhận thức ai đúng, ai sai, ai phải, ai trái, đã quá rõ ràng.Nếu còn ai đó phân vân hãy đọc kỹ hai bài kinh sau đây để thấy ra sự thực:

1. Kinh Thanh Tịnh, số 29, Trường Bộ 2. Trong bài Kinh này Đức Thế Tôn đã dạy rõ cho sadi Cunda về Diệu Pháp thành tựu hết thảy tướng, không thiếu sót, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn. Do vậy những ai nghĩ rằng cần phải thêm vào hoặc bớt đi chỗ này chỗ kia, thực ra họ đều là những kẻ không thấy gì.

2. Kinh Năm và Ba, số 102, Trung Bộ 3Trong kinh này Đức Thế Tôn đã tiên tri sau này sẽ có những vị hậu sinh bị tưởng chứng đắc, cho nên các vị mới vẽ ra con đường khác chứng đạt Niết Bàn: Chắc chắn vị Ðại đức này tuyên bố con đường thích hợp đưa đến Niết Bàn. Nhưng vị Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn này khởi lên chấp thủ...”.

Rõ ràng 16 tầng Tuệ Minh Sát của ngài Mahasi là chứng minh cụ thể cho hai bài kinh nêu trên.

Cho nên mới có thơ rằng:
Nguyên Thủy nhưng chẳng thủy chung
Tuệ Minh Sát lại sát minh tận cùng
Lìa Kinh, ăn nói lung tung
Xa rời Chánh Pháp, đọa chung cõi mù.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét