Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

TỔ HOA NGHIÊM CŨNG MÙ CÂM ĐIẾC?


Trong phần Giới thiệu Kinh Hoa Nghiêm của Cao Quán Như , CS. Định Huệ dịch, có đoạn: “Trong hội thứ chín của kinh Hoa Nghiêm, Phật ở rừng Thệ-đa cùng với 500 vị Đại Bồ-tát như Văn-thù, Phổ Hiền, các vị Đại Thanh Văn và vô lượng Thế chủ nhóm họp. Phật dùng đại bi nhập tam-muội Sư Tử Tần Thân chiếu khắp mười phương thế giới trang nghiêm, mỗi thế giới đều có bất khả thuyết sát vi trần số Bồ-tát đến dự hội, mỗi vị đều hiện thần biến cúng dường.
Các vị Đại Thanh Văn chẳng thấy, chẳng biết. …Sau đó Bồ-tát Văn-thù và đại chúng giã từ Đức Phật để đi về phương Nam. Tôn giả Xá-lợi-phất cùng 6000 Tỳ-kheo cũng nhờ thần lực Phật phát tâm cùng đi về phương Nam”  (Trích từ TRUNG QUỐC PHẬT GIÁO tập 3)
Trong Phần “Giới thiệu kinh Hoa Ngiêm” của HT Tiến Sĩ Thích Trí Quảng (Sách Phật Học Cơ Bản tập 3,  Phần II, Bài 7) còn ghi rõ: “Theo phán giáo của Thiên Thai Trí Giả đại sư, sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài thuyết kinh Hoa Nghiêm trong 21 ngày và sau đó Ngài đến Lộc Uyển độ 5 anh em Kiều Trần Như, bắt đầu lập giáo khai tông”
Trước đó HT Tiến sĩ cũng đã ghi nhận: “… Ðến phần kết của hội Hoa Nghiêm vẫn có mặt Xá Lợi Phật, Mục Kiền Liên, A Nan, nhưng các Ngài không nghe được. Ý này được kinh diễn tả rằng chúng Thanh Văn như người mù, người điếc dự hội.”
Câu hỏi: Căn cứ vào đâu để Thiên Thai Trí Giả đại sư phán rằng Phật thuyết kinh Hoa Ngiêm trong 21 ngày khi Ngài vừa thành đạo?
Câu hỏi: Nếu pháp hội Hoa Nghiêm được “Phật” thuyết trong vòng 21 ngày sau khi Ngài giác ngộ, lúc này năm anh em Kiều Trần Như còn chưa có; vậy lấy đâu ra có “các vị Đại Thanh Văn” để bảo rằng họ chẳng thấy, chẳng biết?
Câu hỏi: Một “Đại Thanh Văn” còn chưa có, lấy đâu ra có “Tôn giả Xá Lợi Phất cùng 6000 Tỳ-kheo” phải nhờ thần lực Phật mới đi được?
Phải chăng vì cố tâm muốn hạ uy tín của các Tỳ-kheo Thanh Văn nên những người sáng tác và kết tập kinh Hoa Nghiêm đã quên những điều dễ thấy, để rồi mắc phải những sai lầm cơ bản thô thiển như vậy?
Câu hỏi: 21 ngày chưa có năm anh em ông Kiều Trần Như, chắc chắn ngài A Nan cũng không thể có mặt trong pháp hội Hoa Nghiêm để "Như vầy tôi nghe". Nếu ngài A Nan được nghe lại hoặc hội Hoa Nghiêm diễn tiến sau này thì tại sao trong kinh Nikaya không hề có một dòng nào, người nào nhắc đến sự kiện “quan trọng đặc biệt” này?
Phải chăng những người tin vào những điều vô lý này mới chính là những người mù, người điếc, tin càn, tin bậy?
Câu hỏi: Nếu ngài A Nan “quên”, chẳng lẽ Đức Phật và các Thánh Tăng A La Hán khác cũng quên hay sao?
Xin nói thêm, trong Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Ud I. 1,2,3) còn ghi rõ, sau khi chứng đạo, Đức Phật đã quán thuận ứng, nghịch ứng, thuận ứng-nghịch ứng pháp Nhân Duyên mà thôi, không một ấn tích nhỏ nào liên hệ đến “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” mà tu sĩ gốc Bà-la-môn Long Thọ đã kết tập.
Câu hỏi: Nếu pháp hội Hoa Nghiêm thứ chín do người đời sau thêm vào để phỉ báng Thánh Tăng A La Hán, hẳn kẻ này còn sợ gì không dám bịa ra các pháp hội khác, các kinh-luật-luận khác nhằm lũng đoạn, phân hoá, phá hoại Phật pháp?
Những ai tin các tài liệu này hãy chứng minh các tổ sư gốc Bà-la-môn là đáng tin cậy? Các Tam Tạng do họ giới thiệu là thực sự từ Đức Phật truyền lại? Nếu không, họ mới chính là những người mù câm điếc trong Chánh Pháp của Đức Thế Tôn
TẠP CHÍ HỌC PHẬT CHÁNH TRUYỀN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét