Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

KINH - LUẬT VỀ TIỀN BẠC


 PHÁP TRÍCH LỤC
] Trích kinh Kandaraka (Kandaraka sutta) (TB II, 51)
… 46. Vị ấy từ bỏ không làm hại đến các hạt giống và các loại cây cỏ, dùng một ngày một bữa, không ăn ban đêm; từ bỏ các món ăn phi thời; từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc, các cuộc trình diễn; từ bỏ không dùng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa, trang sức, và các thời trang; từ bỏ không dùng giường cao và giường lớn; từ bỏ không nhận vàng và bạc; từ bỏ không nhận các hạt giống; từ bỏ không nhận thịt sống, từ bỏ không nhận đàn bà con gái; từ bỏ không nhận nô tỳ gái và trai; từ bỏ không nhận cừu và dê; từ bỏ không nhận gia cầm và heo; từ bỏ không nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái; từ bỏ không nhận ruộng nương đất đai; từ bỏ không dùng người làm môi giới hoặc tự mình làm môi giới; từ bỏ buôn bán; từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường; từ bỏ các tà hạnh như hối lộ, gian trá, lừa đảo; từ bỏ không làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá.
{ Thừa tự Pháp trích lục
Trên đây là một trong những đoạn chánh Kinh được nhắc rất nhiều lần về một trong những giới hạnh của một vị tu sĩ chân chánh. Trong các giới hạnh này có hạnh từ bỏ không nhận vàng và bạc. Giới hạnh này ngay trong thời Đức Phật còn hiện tiền được thực thi nghiêm chỉnh.
Nhưng chỉ mới một trăm năm sau các Tỳ-khưu dòng dõi Vajji ở Vesālīđã phá Luật khi tự đưa ra mười điều lệ mới, trong đó vị Tỳ-kheo được nhận tiền (Xem phần dưới). Qua đây cũng biết vấn đề nhận tiền bạc là tồn tại cả ngàn năm.
Tất nhiên có một ngàn lẻ một lý do để người tu sĩ nhận tiền. Nhưng với bất cứ lý do gì cũng không được Đức Thế Tôn chấp nhận. Trích đoạn kinh dưới đây là một minh chứng.
] Trích kinh “Manicùlam” (Châu Báu Trên Đỉnh Đầu) (S.iv,325) 
… Ngồi một bên, thôn trưởng Manicùlaka bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, trong cung vua, một số quần thần nhà vua đang ngồi tụ họp, và câu chuyện sau đây được khởi lên: "Các Sa-môn Thích tử được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử được nhận lấy vàng bạc".
Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với hội chúng ấy: "Các Tôn giả chớ có nói như vậy. Các Sa-môn Thích tử không được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được nhận lấy vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử từ bỏ châu báu và vàng bạc. Họ đã ly khai vàng và bạc". Nhưng bạch Thế Tôn, con không có thể làm cho hội chúng ấy chấp nhận.
Trả lời như vậy, bạch Thế Tôn, không biết con có nói đúng lời Thế Tôn? Con không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật? Con đã trả lời thuận pháp, đúng pháp và không một ai nói lời tương ứng đúng pháp có lý do để chỉ trích?
-- Trả lời như vậy, này Thôn trưởng, Ông nói đúng lời của Ta. Ông không xuyên tạc Ta với điều không thật. Ông đã trả lời thuận pháp, đúng pháp và không một ai nói lời tương ứng đúng pháp có lý do để chỉ trích.
Này Thôn trưởng, các Sa-môn Thích tử không được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được nhận lấy vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử đã từ bỏ châu báu và vàng bạc. Họ đã ly khai vàng và bạc. Ðối với ai được dùng vàng bạc, người ấy cũng được phép dùng năm dục công đức. Ðối với ai được phép dùng năm dục công đức, người ấy hoàn toàn thọ trì phi Sa-môn pháp, phi Thích tử pháp. 
Này Thôn trưởng, Ta nói như sau: Cỏ được đi tìm cầu bởi ai cần đến cỏ. Củi được đi tìm cầu bởi ai cần đến củi. Cỗ xe được đi tìm cầu bởi ai cần đến cỗ xe. Người được đi tìm cầu bởi ai cần đến người. Nhưng này Thôn trưởng, không bất cứ một lý do gì Ta nói rằng vàng, bạc được chấp nhận, được tìm cầu.
{ Thừa tự Pháp trích lục
Cần nhắc lại, không bất cứ một lý do gì vàng bạc được chấp nhận, được tìm cầu nơi người tu sĩ đệ tử Phật chân chánh. Phạm luật là phạm luật, phá giới là phá giới; phải nghiêm khắc nhìn nhận tội thì mới tránh được tội.
³
] Trích kinh “Các Uế Nhiễm”, số 50, Tăng Chi tập 1, Chương 4, V. Phẩm Rohitassa,
2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn uế nhiễm này của các Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.
Thế nào là bốn?
Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn uống rượu men, uống rượu nấu, không có từ bỏ rượu men, rượu nấu. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ nhất của Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn, hưởng thọ dâm dục, không từ bỏ dâm dục. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ hai của Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn chấp nhận vàng và bạc, không từ bỏ nhận lấy vàng và bạc. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ ba của Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn sinh sống với tà mạng, không từ bỏ tà mạng. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ tư của các Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, có bốn uế nhiễm này của các Sa-môn, Bà-la-môn, do những uế nhiễm này làm ô nhiễm, nên các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.
{  Thừa tự Pháp trích lục
Bốn uế nhiễm uống rượu, hành dâm, nhận tiền bạc, sống tà mạng khiến người tu sĩ không chói sáng, không rực sáng; trái lại khiến đọa cõi dữ, địa ngục và nêu gương xấu cho những người theo sau. Hy vọng những đệ tử Phật tránh được những uế nhiễm này.
 LUẬT TRÍCH LỤC
] TẠNG LUẬT - PHÂN TÍCH GIỚI TỲ-KHƯU, VII. CHƯƠNG NISSAGGIYA (ƯNG XẢ),
] ĐIỀU HỌC THỨ MƯỜI:
… Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi khi được nam cư sĩ nói rằng: “Thưa ngài, xin hãy chờ cho ngày hôm nay” lại không chờ đợi? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: Trường hợp đức vua, hoặc quan triều đình, hoặc bà-la-môn, hoặc gia chủ phái sứ giả đem số tiền mua y dành riêng cho vị Tỳ-khưu (nói rằng): ‘Hãy mua y với số tiền mua y này rồi hãy dâng đến vị Tỳ-khưu tên (như vầy).’ Nếu người sứ giả ấy đi đến gặp vị Tỳ-khưu ấy và nói như vầy: ‘Thưa ngài, số tiền mua y này được dành riêng cho đại đức đã được mang lại. Xin đại đức hãy nhận lãnh tiền mua y.’
Người sứ giả ấy nên được vị Tỳ-khưu ấy nói như vầy: ‘Này đạo hữu, chúng tôi không nhận lãnh tiền mua y và chúng tôi chỉ nhận lãnh y đúng phép vào lúc hợp thời.’
Nếu người sứ giả ấy nói với vị Tỳ-khưu ấy như vầy: ‘Vậy có ai là người phục vụ cho đại đức không?’ Này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu có sự cần dùng y nên chỉ ra người phục vụ là người phụ việc chùa hoặc là nam cư sĩ: ‘Này đạo hữu, đây chính là người phục vụ cho các Tỳ-khưu.’
Nếu người sứ giả ấy sau khi đã dặn dò người phục vụ ấy rồi đã đi đến gặp vị Tỳ-khưu ấy nói như vầy: ‘Thưa ngài, người phục vụ mà đại đức đã chỉ ra đã được tôi dặn dò. Đại đức hãy đi đến lúc đúng thời, người ấy sẽ dâng y cho ngài.’
Này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu có sự cần dùng y sau khi đi đến gặp người phục vụ ấy rồi nên thông báo nên nhắc nhở hai hoặc ba lần: ‘Này đạo hữu, tôi có nhu cầu về y.’
Trong khi thông báo nhắc nhở hai hoặc ba lần, nếu đạt được y ấy, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không đạt được thì nên đứng với trạng thái im lặng bốn lần, năm lần, tối đa là sáu lần.
Trong khi đứng với trạng thái im lặng bốn lần, năm lần, tối đa là sáu lần, nếu đạt được y ấy, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không đạt được rồi ra sức vượt quá số lần ấy và đạt được y ấy thì (y ấy) phạm vào nissaggiya và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Nếu không đạt được thì tiền mua y đã được mang lại là của nơi nào thì nên đích thân đi đến nơi ấy, hoặc nên phái sứ giả đi đến (nói rằng): ‘Này quý vị, các người đã gởi đến số tiền mua y dành riêng cho vị Tỳ-khưu nào, số tiền ấy không có được chút gì lợi ích cho vị Tỳ-khưu ấy. Quý vị hãy thâu hồi lại vật của mình, chớ để vật của quý vị bị mất mát. Đây là điều đúng đắn trong trường hợp ấy.”
{  Thừa tự Luật trích lục:
Theo trích đoạn Luật nêu trên, vị Tỳ-kheo có thể chỉ định vị “Hộ Tăng” để lo những việc chính đáng đúng Pháp đúng Luật cho mình. Vị Hộ Tăng có thể là người phụ việc cho chùa hoặc nam cư sĩ được tin cậy và có đủ năng lực lo tứ sự cúng dường cho vị Tỳ-kheo.
³
] VII. Chương Nissaggiya (Ưng Xả) (tt), Phần Tơ Tằm  - Điều Học Thứ Tám:
[105] … Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại thọ lãnh tiền bạc vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: Vị Tỳ-khưu nào nhận lấy hoặc bảo nhận lấy vàng bạc hoặc ưng thuận (vàng bạc) đã được mang đến thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Hoặc ưng thuận (vàng bạc) đã được mang đến: hoặc ưng thuận (vàng bạc) đã được mang đến (nói rằng): “Vật này hãy là của ngài” thì phạm vào nissaggiya, nên được xả bỏ ở giữa hội chúng. Và này các Tỳ-khưu, nên được xả bỏ như vầy: Vị Tỳ-khưu ấy nên đi đến nơi hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các Tỳ-khưu trưởng thượng, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy: “Bạch các ngài, tôi đã thọ lãnh vàng bạc, vật này nên được tôi xả bỏ. Tôi xả bỏ vật này đến hội chúng.
Sau khi xả bỏ, nên sám hối tội. Tội nên được ghi nhận bởi vị Tỳ-khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực. Nếu có người phụ việc chùa hoặc nam cư sĩ đi đến nơi ấy thì nên nói với người ấy rằng: “Này đạo hữu, hãy nhận biết vật này.” Nếu người ấy nói rằng: “Với vật này, hãy để cho vật gì được mang lại?” Không nên nói rằng: “Hãy mang lại vật này hoặc vật này.” Nên đề cập đến vật được phép là bơ lỏng, hoặc dầu ăn, hoặc mật ong, hoặc đường mía.
Nếu người ấy sau khi dùng (vàng bạc) ấy trao đổi và đem lại vật được phép thì tất cả nên thọ dụng trừ ra vị đã thọ lãnh vàng bạc. Nếu điều ấy có thể đạt được như vậy, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không thể đạt được thì nên nói với người ấy rằng: “Này đạo hữu, hãy quăng bỏ vật này.”
Nếu người ấy quăng bỏ, như thế việc này là tốt đẹp; nếu (người ấy) không quăng bỏ thì nên chỉ định vị quăng bỏ vàng bạc là vị Tỳ-khưu hội đủ năm điều kiện: là vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, là vị biết vật đã được quăng bỏ hoặc chưa được quăng bỏ.
{ Thừa tự Luật trích lục:
Luật ghi rất đầy đủ, giải thích cũng rất đầy đủ, vấn đề còn lại là phải y chỉ thực hành. Phải thấy phạm lỗi là phạm lỗi, nhờ vậy mới tránh khỏi tội lỗi. Sự bao che, bao biện chỉ khiến tội lỗi còn nguyên hoặc tăng trưởng thêm.
³
] ĐIỀU HỌC THỨ CHÍN:
[109] … Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại tiến hành việc trao đổi bằng vàng bạc dưới nhiều hình thức? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: Vị Tỳ-khưu nào tiến hành việc trao đổi bằng vàng bạc dưới nhiều hình thức thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
{ Thừa tự Luật trích lục:
Vị Tỳ-kheo không được nhận tiền bạc hoặc bảo nhận tiền bạc, cũng không được trao đổi vàng bạc dưới bất cứ hình thức nào. Vị Tỳ-kheo vi phạm bị tội Ưng đối trị.
³
] VI. CHƯƠNG DƯỢC PHẨM, ĐẠI PHẨM
[85] … Sau đó, Đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các Tỳ-khưu rằng:
- Này các Tỳ-khưu, Ta cho phép năm sản phẩm từ bò là sữa tươi (khīraṃ), sữa đông (dadhi), sữa bơ (takkaṃ), bơ đặc (navanītaṃ), bơ lỏng (sappi). Này các Tỳ-khưu, có những con đường, những khu rừng vắng, ít nước, ít vật thực, sẽ không được thuận tiện khi đi đường nếu không tiên liệu trước.
Này các Tỳ-khưu, vì sự tiên liệu (về hành trình đường xa) Ta cho phép tầm cầu về gạo lức với vị có nhu cầu về gạo lức, đậu xanh với vị có nhu cầu về đậu xanh, đậu māsa (?) với vị có nhu cầu về đậu māsa, muối với vị có nhu cầu về muối, đường với vị có nhu cầu về đường, dầu ăn với vị có nhu cầu về dầu ăn, bơ lỏng với vị có nhu cầu về bơ lỏng.
Này các Tỳ-khưu, có những người dân có niềm tin đã được an trú, những người này để tiền vàng ở tay của những người làm các vật trở thành đúng phép (kappiyakāraka) (nói rằng): “Hãy dâng đến ngài Đại Đức vật đã làm trở thành đúng phép từ (số tiền) này.” Này các Tỳ-khưu, Ta cho phép chấp nhận vật đã làm trở thành đúng phép từ điều ấy, nhưng này các Tỳ-khưu Ta không nói rằng: “Vàng và bạc có thể được chấp nhận, có thể được tầm cầu bởi bất cứ cách thức nào.”
{ Thừa tự Luật trích lục:
Theo lời dạy trên vị thí chủ có thể trao tịnh tài cho vị Hộ tăng được tin tưởng để vị này hộ độ đúng pháp đúng luật cho tu sĩ. Còn vị tu sĩ không được tầm cầu vàng bạc theo bất cứ cách thức nào. Luật đã đầy đủ, quy định cũng rõ ràng, nghiêm khắc, vấn đề còn lại là ở người thực hành theo.
³
] TIỂU PHẨM, XII. CHƯƠNG LIÊN QUAN BẢY TRĂM VỊ
 [630] Vào lúc bấy giờ, khi đức Thế Tôn Vô Dư Niết Bàn được một trăm năm, các Tỳ-khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī truyền bá trong thành Vesālī mười sự việc:
1.          Được phép cất giữ muối trong ống sừng (kappati siṅgiloṇakappo),
2.          được phép ăn khi bóng mặt trời đã hai ngón tay (kappati dvaṅgulakappo),
3.          được phép đi vào làng rồi ăn thêm lần nữa (kappati gāmantarakappo),
4.          được phép hành lễ Uposatha riêng rẽ (kappati āvāsakappo),
5.          được phép hành sự không đủ Tỳ-khưu (kappati anumatikappo),
6.          được phép thực hành theo tập quán (kappati āciṇṇakappo),
7.          được phép uống sữa chua lúc quá ngọ (kappati amathitakappo),
8.          được phép uống nước trái cây lên men (kappati jaḷogiṃ pātuṃ),
9.          được phép sử dụng tọa cụ không có viền quanh (kappati adasakaṃ nisīdanaṃ),
10.     được phép tích trữ vàng bạc (kappati jātarūparajataṃ).
[631] Vào lúc bấy giờ, đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka trong khi du hành ở xứ Vajji đã đến trú tại Vesālī. Tại nơi đó ở Vesālī, đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka đã trú tại Mahāvana (Đại Lâm) nơi giảng đường Kūṭāgāra.
[632] Vào lúc bấy giờ, các Tỳ-khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī vào ngày Uposatha (Bố Tát) đổ đầy nước vào cái chậu đồng rồi đặt ở giữa hội chúng Tỳ-khưu và nói với các cư sĩ ở Vesālī đang đi qua lại như vầy:
- Này các đạo hữu, hãy bố thí đến hội chúng một kahāpaṇa, một nửa, một pāda, một đồng māsaka. Hội chúng sẽ có việc phải làm về vật dụng.
Khi được nói như vậy, đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka đã nói với các cư sĩ ở Vesālī điều này:
Này các đạo hữu, chớ có bố thí đến hội chúng một kahāpaṇa, một nửa, một pāda, một đồng māsaka. Vàng bạc không được cho phép đối với các sa-môn Thích tử; các sa-môn Thích tử không thích thú vàng bạc; các sa-môn Thích tử không thọ lãnh vàng bạc; các sa-môn Thích tử đã từ bỏ châu báu vàng ròng và tránh xa vàng bạc.
[661] - Thưa ngài, vàng bạc là được phép?
- Này sư đệ, không có được phép.
- (Việc ấy) được phủ quyết ở đâu?
- Ở Rājagaha, trong Suttavibhaṅga.
- (Làm việc ấy) phạm tội gì?
- Phạm tội pācittiya (ưng đối trị) về việc thọ lãnh vàng bạc.
- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, vấn đề thứ mười này đã được hội chúng xác định. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo Sư. Tôi để riêng thẻ thứ mười này.” (Hết trích)
{ Thừa tự Luật trích lục:
Mới một trăm năm sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, luật nghi đã bị vi phạm. Tất nhiên ai tạo nghiệp tất phải chịu trách nhiệm trước nghiệp báo của mình. Mỗi tu sĩ cư sĩ phải ráng lo cho bản thân mình được trong sạch, được thanh tịnh càng nhiều càng tốt.
"Tự mình làm điều ác, 
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình không làm ác,
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình,
Không ai thanh tịnh ai!"
(Pháp Cú 165)


TẠP CHÍ KINH LUẬT PHẬT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét