Trong Thánh Kinh Nguyên Thủy Nikaya, hầu hết các bài kinh được các Thánh Tăng thuyết giảng sau khi Đức Phật đã nhập Niết Bàn đều có một đoạn kết giống nhau. Đó là bất kỳ một người nào sau khi được các vị Thánh Tăng giáo giới và họ muốn quy y vị Thánh Tăng đó, thì các ngài đều từ chối và dạy họ phải quy y nơi Đức Thế Tôn.
Dưới đây là hai trích đoạn kinh tiêu biểu
1) Trích Kinh Madhura, số 84, Trung Bộ 2:
“Vua Madhura Avantiputta thưa với Tôn giả Mahakaccana:
…Con xin quy y Tôn giả Kaccana, quy y Pháp, quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Kaccana nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
-- Thưa Ðại vương, Ðại vương chớ có quy y tôi, Ðại vương hãy quy y Thế Tôn, chính tôi đã quy y Thế Tôn.
-- Thưa Tôn giả Kaccana, nay bậc Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ấy trú ở đâu?
-- Bậc Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, nay đã nhập Niết-bàn rồi, thưa Ðại vương…”
2) Trích Kinh Ghotamukha, số 94, Trung Bộ 2:
“Khi được nói vậy, Bà-la-môn Ghotamukha nói với Tôn giả Udena:
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Udena! Thật vi diệu thay, Tôn giả Udena! Thưa Tôn giả Udena, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những người đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, (Chánh) pháp đã được Tôn giả Udena dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con xin quy y Tôn giả Udena, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Udena nhận còn làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
-- Này Bà-la-môn, chớ có quy y với ta. Hãy quy y với Thế Tôn, bậc mà ta đã quy y.
-- Thưa Tôn giả Udena, nay Tôn giả Gotama, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ở tại đâu?
-- Này Bà-la-môn, nay Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nhập Niết-bàn..."
Ý KIẾN
Vì sao các vị Thánh Tăng không chấp nhận quy y nơi cá nhân các Ngài mà dạy người theo Phật phải quy y nơi Đức Thế Tôn?
Đó là do các nguyên nhân sau đây:
-- Thứ nhất việc quy y nơi bất kỳ một cá nhân vị Tỳ Kheo nào cũng là sự bất kính với Đức Thế Tôn, với Tam Bảo, bởi lẽ truyền thống quy y Tam Bảo tức quy y Phật, quy y Pháp và quy y chúng Tỳ Kheo Tăng đã được Đức Thế Tôn thiết lập ngay từ đầu. Điều này có nghĩa không có bất cứ vị Tỳ Kheo nào, ngay cho dù vị ấy là A La Hán cũng không thể thay thế Phật, thay thế Tam Bảo để làm chỗ quy y cho người Phật tử.
-- Thứ hai đối với các bậc Thánh Tăng A La Hán ngã mạn đã tận trừ, do vậy các Ngài không muốn lấy mình làm y cứ cho người khác, nhất là khi truyền thống quy y Tam Bảo đã được thiết lập. Một vị Tỷ Kheo không còn ngã mạn và kính trọng Phật, kính trọng Tam bảo sẽ phải giải thích cho Phật tử rõ và giúp họ quy y Tam Bảo chứ không thể quy y cá nhân mình.
-- Thứ ba, người nào nói rằng “Tôi quy y nơi Hòa thượng X, Thiền sư Y…” là đã tự tước đi phước duyên hy hữu được quy y nơi Tam Bảo, tức quy y Phật, quy y Pháp và quy y chúng Tỳ Kheo Tăng. Vả lại, nếu vị Hòa thượng tu sai hoặc phá giới thì coi như cộng nghiệp, chết chùm. Chính vì thế, quy y Tam Bảo là quy y đúng đắn nhất, chắc chắn nhất và cao quý nhất.
-- Thứ tư, việc quy y nơi cá nhân bất kỳ một vị Hòa thượng, Thiền sư, hay Tổ sư nào cũng dễ gây ra sự phân hóa nơi hội chúng. Điều này đã được thấy rõ ngay trong thực tế. Phật giáo hiện nay đã không còn là một thể thống nhất như khi Đức Phật còn tại tiền, mà bị phân hóa thành các nhóm nhỏ tùy theo sự quy y nơi cá nhân Hòa thượng X, hay Thiền sư Y….
Theo TẬP SAN PHẬT HỌC
------------------------
Xem thêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét