Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

Hòa hợp hay hỗn hợp?

Một thời bấy giờ trong kỳ trăng tròn lễ trai giới Uposatha, khi đêm đã gần mãn Thiên Chủ Vinata với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng đất thánh hiện đến bên Thần Kim Cang Vajradhara. Sau khi đến, Thiên Chủ Vinata nói lên với Thần Kim Cang Vajradhara những lời chào đón hỏi thăm thân hữu. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, Thiên Chủ Vinata liền đứng sang một bên. Đứng một bên, Thiên Chủ Vinata nói với Thần Kim Cang Vajradhara:
_ Thưa Thần Kim Cang Vajradhara, theo tôi được biết trong chánh kinh, có một lần Đức Thế Tôn thấy các trưởng lão A La Hán cùng với hội chúng của họ đi kinh hành gần đó, Ngài đã dạy các Tỳ-kheo về sự phân định khác biệt trong Tăng chúng. Đức Phật phân biệt rõ: các Tỳ-kheo đi theo tôn giả Xá-lợi-phất đều là những bậc đại trí tuệ. Các Tỳ-kheo tu theo ngài Mục-kiền-liên đều là những bậc đại thần thông. Các Tỳ-kheo theo ngài Đại Ca-diếp đều là những vị chủ trương hạnh đầu đà. Các Tỳ-kheo theo ngài Anuruddha đều là những bậc có thiên nhãn. Các Tỳ-kheo theo ngài Upāli đều là những bậc trì luật. Các Tỳ-kheo theo ngài A-nan đều là những bậc đa văn. Thưa, có đúng như vậy không?
Thần Kim Cang Vajradhara hoan hỷ:
_ Pháp nhĩ như thị. Chánh Pháp là như vậy. Lành thay, hiền giả đã biết y cứ đúng nơi Thánh Kinh! Trong bài kinh “Nghiệp” thuộc Tương Ưng tập 2, số 155, có ghi lại sự kiện này.
_ Thưa, căn cứ theo bài kinh trên, phải chăng mỗi người tùy theo căn cơ, đặc tánh riêng mà chọn lấy vị giáo thọ sư thích hợp cho mình?
_ Đúng thế!
_ Bạch ngài, nếu vậy, có gì là sai trái khi sau này tăng đoàn Phật giáo phân chia thành nhiều tông phái khác nhau?
_ Đến đây không còn đúng nữa rồi. Đã có sự ngộ nhận tai hại. Sự phân hóa Tăng đoàn như hiện nay không những sai mà còn trái nữa!
_ Sai trái thế nào? Ngộ nhận tai hại ra sao? Vấn đề thật hệ trọng. Nay đã đến thời, kính xin Thần Kim Cang Vajradhara từ bi giải thích rõ hơn.
_ Đúng thế, này Thiên Chủ Vinata, nay đã đến thời, vậy ông hãy lắng nghe, ta sẽ nói.
_ Dạ, xin vâng.
_ Này Thiên Chủ Vinata, hiền giả nên nhớ, tuy đặc tướng, đặc tánh của mỗi người có khác nhau nhưng khổ đau do sanh-già-bệnh-chết đều không khác được. Chính vì thế, để diệt những Khổ Đế này, tất tất cả các Tỳ-kheo dù tu theo vị trưởng lão nào cũng phải đi theo một con đường duy nhất, đó là Tám Chánh Đạo. Vì sao? Vì Tám Chánh Đạo là Đạo Đế - tức Chân lý về con đường diệt khổ. Đã là cứu cánh chân lý thì chỉ có một chứ không có hai. Và nó phải đúng cho tất cả mọi người, đúng qua tất cả mọi thời đại và đúng ở tất cả mọi nơi. Nói cách khác, khi và chỉ khi thỏa mãn được các yếu tố này, một giáo pháp cứu khổ và diệt khổ mới được gọi là Cứu cánh Chân lý tức Đạo Đế. Chính vì lẽ đó dù đại trí tuệ, đại thần thông, đại đầu đà, đại thiên nhãn, đại trì luật, đại đa văn; hay dù từ dòng họ Sát-đế-lị như ngài A-nan, Anuruddha; hay từ gốc ngoại học như ông Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Đại Ca-diếp; hoặc từ giai cấp cùng đinh như ngài Upali, thậm chí đến cả hàng chư Thiên như ngài, từ ngàn xưa đến nay và mãi mãi về sau, tất tất cả những người con chân chánh của Phật đều phải tu tập chung theo một lộ trình thống nhất là Đạo Đế tức Tám Chánh Đạo, bao gồm: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn - tức Bốn Chánh Cần, Chánh Niệm - tức Bốn Niệm Xứ, Chánh Định - tức Bốn Thiền, Bốn Thánh Định. Tất tất cả Phật tử không phân biệt ai, dù ở bất kỳ đâu, trong bất cứ thời đại nào cũng đều phải tuân theo cứu cánh Đạo Đế duy nhất này. Đây gọi là SỰHÒA HỢP TRONG SỰ THỐNG NHẤT: hòa hợp tất cả mọi đặc tướng, căn tánh, giai cấp, giới tính, nội-ngoại học, chư Thiên – loài Người trong một đạo lộ Tám Chánh thống nhất, không sai khác, mọi lúc, mọi nơi.
_ Thưa Ngài, như vậy ngoài Tám Chánh Đạo không thể có một con đường nào khác đi tới Niết Bàn của Đức Thế Tôn?
_ Chắc chắn là như thế! Nếu có chăng, đó chỉ là “con đường giả” dẫn đến “Niết Bàn tưởng” của tưởng tri, tà tưởng mà thôi. Xin hỏi hiền giả, sinh sống bằng cách bói toán, đồng bóng, bùa chú, xin xăm xủ quẻ, ếm qủy trừ ma, xem ngày coi giờ, cúng vong cầu siêu, giả dối hại người… Đức Thế Tôn có gọi đó là Chánh Mạng không?
_ Thưa không.
_ Tinh tấn hành hạ xác thân, tinh tấn chặt tay, tinh tấn móc mắt, tinh tấn nhịn ăn, tinh tấn nín thở, tinh tấn cho muỗi đốt, tinh tấn kinh hành đến chân bật máu hủy hoại xác thân một cách vô lý; hoặc tinh tấn theo chiều của bản năng dục: đói cứ ăn bừa, mệt cứ ngủ bậy… có phải là Chánh Tinh Tấn – Bốn Chánh Cần: ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện không?
_ Thưa không. 
_ Niệm bùa, niệm chú, niệm thiên linh cái, niệm tên chư thần… có phải là Chánh Niệm - Bốn Niệm Xứ không?
_ Thưa không. 
_ Tu tập thiền Yoga, thiền xuất hồn, thiền vắng lặng, Tri vọng tâm, Tham thoại đầu, Tham công án, Minh sát tuệ, thiền quán đất - nước - lửa - gió … có phải là Chánh Định – tức Bốn Thiền, Bốn Thánh Định không?
_ Thưa không. 
_ Tập hợp tất cả những thứ hỗn độn, chống trái nhau, cạnh tranh nhau trong một danh xưng “tám vạn bốn ngàn” như vậy có phải là SỰ HỖN HỢP CỦA NHỮNG SỰ PHÂN HÓA, CHIA RẼ không?
_ Thưa phải!
_ Hiền giả cần nhớ thêm, cũng chính trong bài kinh “Nghiệp” ấy, bên cạnh các Trưởng lão A La Hán và hội chúng của các ngài còn có cả Đề Bà Đạt Đa và hội chúng của ông ta. Đức Thế Tôn đã lưu ý rằng: tất cả các Tỳ-kheo đi theo Đề Bà Đạt Đa cũng đều là ác dục. Nói nôm na đây là cộng nghiệp “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Như vậy, nếu một bên gồm những người đang thực hành đúng Tám Chánh Đạo tức thực hiện nghiệp đi tới đoạn nghiệp, thì bên kia là những người đeo mang nghiệp ác của mình với lộ trình của tà kiến, tà tư duy, tà tưởng. Vì là tà kiến, tà đạo nên mới có đến tám vạn bốn ngàn chủng loại khác nhau.
_ Trái lại chánh kiến, chánh đạo chỉ có một và duy nhất một mà thôi? (1)
_ Đúng vậy, ngay trong kinh này, Đức Phật đã dạy thêm: “Này các Tỷ-kheo, tùy thuộc theo giới, các chúng sanh cùng hòa hợp, cùng đi với nhau. Chúng sanh liệt ý chí cùng hòa hợp, cùng đi với chúng sanh liệt ý chí. Chúng sanh thiện ý chí cùng hòa hợp, cùng đi với chúng sanh thiện ý chí”. Xin hỏi hiền giả, SỰ HÒA HỢP TRONG SỰ THỐNG NHẤT theo con đường Tám Chánh duy nhất, trong đó có Chánh Tinh Tấn tức Bốn Chánh Cần, Chánh Niệm tức Bốn Niệm Xứ, Chánh Định tức Bốn Thiền, Bốn Thánh Định; là sự kết hợp của thiện ý chí hay của liệt ý chí?
_ Thưa, của thiện ý chí.
_ Nó tạo sức mạnh đoàn kết hay khiến suy yếu?
_ Thưa, tạo sức mạnh đoàn kết.
Sự hỗn hợp của sự phân hóa theo tà tinh tấn, tà niệm, tà định là sự kết hợp của liệt ý chí hay của thiện ý chí?
_ Thưa, của liệt ý chí.
_ Nó tạo sức mạnh hay khiến cho phân hóa suy tàn?
_ Thưa, làm cho phân hóa suy tàn.
_ Đến đây đối với một người có trí tuệ đã thấy quá rõ ràng. Hiền giả còn thắc mắc gì nữa?
_ Dạ, xin tri ân ngài, bản thân tôi đã hiểu rõ. Thế nhưng, có thể vẫn có người cho rằng một giáo pháp với tám mươi bốn ngàn pháp môn và một Tăng đoàn gồm hàng ngàn tông phái khác nhau để cứu cho nhiều người cũng là một biểu hiện của đa phương, đa diện, đa dụng?
_ Không đơn giản như vậy! Xin nêu một ví dụ để hiền giả như lý tư duy rồi dạy lại cho họ. Giả sử có một người cha là vị Y Vương, ông để lại cho các con một bình thuốc thần dược vô giá để cứu khổ cho mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Khốn thay những người con nghe theo người ngoài, đổ thêm vào đó các thứ thuốc tiêu chảy, táo bón, xức ghẻ, thuốc mê, thuốc lá và cả những tạp chất giả tạo khác, rồi khoe khoang rằng nó cũng là thần dược, có thể cứu chữa cho nhiều người khác nữa. Xin hỏi hiền giả, bình thuốc hổ lốn ấy có còn nguyên giá trị diệu dụng ban đầu?
_ Thưa, không thể. Trái lại còn gây ngộ độc nữa.
_ Phật Pháp cũng vậy! Xin nhắc lại: đối với một Tỳ-kheo chân chánh, Tám Chánh Đạo là Đạo Đế tức Chân lý về con đường diệt khổ. Và cứu cánh chân lý chỉ có một và duy nhất một mà thôi (2). Trái với Tám Chánh Đạo là Tám tà đạo, và chỉ có Tám tà đạo mới có tám vạn bốn ngàn muôn lối thích hợp cho tám mươi bốn ngàn loại tà nhân. Hẳn Hiền giả còn nhớ, ngay trong thời Phật, các ông Bà-la-môn cũng đã quan niệm theo kiểu “đường nào cũng đến La Mã (Roma)”, đúng không?(3)
_ Vâng thưa ngài, tôi còn nhớ rõ. Thậm chí có nhiều Bà-la-môn còn mạo nhận đã chứng được Niết Bàn của Phật bằng những tà pháp của họ. Khốn thay, nhiều Phật tử đời sau cũng đã tin theo các ông Bà-la-môn, nghĩ rằng “đường nào cũng đến Niết Bàn”.
_ Đương thời Phật đã phải nhiều lần vạch trần sự khoác lác của ngoại học. Mọi người quên rằng Roma là một thành phố nên phải có nhiều đường để đến. Niết Bàn của Phật không phải là thành phố, lại càng không phải là Roma. Niết Bàn là Diệt Đế, cho nên nó chỉ có một cứu cánh duy nhất là Đạo Đế để đến mà thôi.
_ Sự thật hiển nhiên là thế, nhưng tại sao những người con của Phật lại dễ dàng nghe theo người khác, quay lưng với Tám Chánh Đạo, tu cuồng theo tám vạn nẻo tà vạy? Chẳng ai còn biết Chánh Tinh Tấn tức Bốn Chánh Cần vì sao lại là ‘định tư cụ’ tức dụng cụ để nhập các định (Tiểu Kinh Phương Quảng)? Vì sao Chánh Niệm - Bốn Niệm Xứ là CON ĐƯỜNG ĐỘC NHẤT đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, thành tựu chánh trí, giác ngộ Niết Bàn Hữu Dư Y (Kinh Niệm Xứ)? Vì sao chỉ có DUY NHẤT Chánh Định tức Bốn Thiền, Bốn Thánh Định mới chứng đắc được Tam Minh và thể nhập được Niết Bàn Vô Dư Y (Kinh Nikaya)?
_ Để hiểu rõ vì sao mọi người đã vô tình quay lưng với Chân Lý duy nhất của Phật, tu cuồng theo tám vạn bốn ngàn pháp môn, cần nhìn rộng thêm một chút. Chúng ta hãy khách quan quán xét lịch sử các cuộc chiến tranh, kể cả các cuộc đấu tranh ý thức hệ tôn giáo. Xin hỏi hiền giả: muốn tiêu diệt kẻ đối nghịch, người ta phải tấn công từ bên ngoài hay chui vào bên trong để phân hóa, chia lìa, phá hoại?
_ Thưa, cả hai! Có kẻ gọi đó là mưu kế “nội công, ngoại kích”: vừa chui vào bên trong làm suy yếu đối phương bằng cách ly gián xé họ thành trăm mảnh; đồng thời tấn công từ bên ngoài bằng cách đốt tự viện, hủy kinh văn, giết hại tu sĩ.
_ Để thực hiện “nội công”, nếu những kẻ ngoại học vẫn cứ đứng từ bên ngoài, hô hào chia chẻ Phật pháp thành tám mươi bốn ngàn mảnh hoặc pha các tạp chất mới vào thần dược cũ, liệu có được không?
_ Thưa, thật khó lòng.
_ Nhưng giờ đây họ ngụy trá trở thành chính những người con trong gia đình và mọi người đều tin theo họ thì sao?
_ Thưa, dễ như trở bàn tay.
_ Việc cạo đầu, đắp y có quá khó khăn đối với những luận sư ngoại học không?
_ Thưa, ngay trong thời Phật cũng đã có các tu sĩ giả dạng, nhưMigalaṇḍika, Uttara, nhóm Lục Sư…  
_ Hiền giả nghĩ kỹ xem, tuy Đạo Phật không làm hại một ai, nhưng nó có thể trở thành một đối trọng cần phải phá hoại đối với những kẻ cuồng tín với tôn giáo của mình và luôn thù ghét người khác không?
_ Thưa, Đạo Phật gần như biến mất tại chính thánh địa của mình và cũng là lãnh địa của ngoại học là câu trả lời. Thời kỳ hoàng kim của Đạo Phật cũng là lúc các giáo phái khác phải tự mình bị đào thải, do đó người ta phải tích cực xóa sổ Đạo Phật từ bên trong lẫn bên ngoài.
_ Đúng vậy. Hơn thế nữa, Đức Phật cũng đã tế nhị khuyến cáo về phương thức phá hoại và lý do Diệu Pháp biến mất: “Ví như, này Kassapa, vàng (thật) không biến mất khi nào vàng giả chưa hiện ra ở đời. Và này Kassapa, khi nào vàng giả hiện ra ở đời, thời vàng (thật) biến mất… Ở đây, khi nào các người ngu có mặt, chính họ làm Diệu Pháp biến mất” (S.ii,223). Cũng vậy, khi nào Bụt giả ra đời, thời Phật thật biến mất. Khi nào kinh giả ra đời, kinh thật biến mất. Khi nào thánh giả ra đời, Thánh thật biến mất. Vì sao? Vì ngu si nên mới lộng giả thành chân, mới hiển tà phá chánh. Và cũng vì ngu si nên không biết phân biệt trắng đen, thật giả, chánh tà; nhắm mắt tin theo sư giả, Bụt giả, thánh giả, kinh giả để rồi quay lưng với Thánh Kinh, Chánh Pháp. Hai cái ngu này cộng lại, Diệu Pháp làm sao còn được?
_ Tuy vậy, thưa Ngài, bên cạnh những tay luận sư gián điệp phá hoại từ bên trong bằng các thủ đoạn Bụt giả, kinh giả; còn có những người con ruột chính tông giới thiệu những thứ thuốc khác với Tám Chánh Đạo. Thậm chí có người cũng nói Bốn Thiền, Bốn Niệm Xứ nhưng nội dung hoàn toàn khác với lời Phật dạy.
_ Vì họ đã phạm vào điều Đức Thế Tôn đã chánh biến tri trong kinh Pháp Môn Căn Bản. Đó là do những vị này đạt được các thiền chứng thuộc tà giải thoát nhưng “tưởng tri Niết Bàn là Niết Bàn”, “tưởng tri Bốn Thiền là Bốn Thiền”; và Chắc chắn vị Ðại đức này tuyên bố con đường thích hợp đưa đến Niết Bàn. Nhưng vị Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn này khởi lên chấp thủ...” (4) Vì tu theo định tưởng nên có tuệ tưởng. Vì mang tuệ tưởng nên rơi vào tà đạo, tà thiền, tà định nhưng cứ tưởng chánh đạo của Đức Thế Tôn.
_ Và vì mang sẵn ngã mạn nên họ vội vàng vỗ ngực xưng tên hoặc mặc nhiên để người khác xưng tụng họ là “Phật sống”, “Bồ-tát”, “Bậc Tam Minh”, “A La hán”, “Vô thượng sư” v.v.. và v.v…?
_ Tà pháp nhĩ như thị! Tà pháp là như vậy! Hiền giả nên nhớ, một Tỳ-kheo chưa chứng tri mà tự xưng mình chứng đắc là phạm tội Ba-la-di thứ tư, tự làm “rơi đầu” rồi.
_ Thưa, có vị nói rằng họ chứng đắc thật thì tuyên bố chứng thật, chứ họ không nói dối!
_ Việc vị ấy chứng đắc thật hay giả, đúng hay sai, chỉ có Đức Phật là biết rõ. Thế nhưng một kẻ gian xảo bắt chước theo đấy, y cũng dối gạt rằng đã đắc đạo và mọi người đều tin theo đó thì sao? Có nguy hại cho đạo Pháp không? Một người thực sự có trí tuệ phải hiểu được điều này. “Hữu xạ tự nhiên hương” còn “thùng rỗng hay kêu to”, hiền giả nhớ cho!
_ Vâng, đúng là lợi bất cập hại. Bạch Ngài, Kinh Nikāya và Luật Pātimokkha đã lưu ý rất nhiều về những vấn đề vừa nêu, nhưng tại sao mọi người lại không biết?
_ Vì THÂN không tu tập, GIỚI không tu tập, TÂM không tu tập, TUỆ không tu tập nên không thể hiểu được Chánh kinh, để rồi nhắm mắt tin theo lời phù thủy bên ngoài, quay lại xem thường nó hoặc không đọc cẩn thận mới không thấy (5). Chỉ có điều, xin nhắc hiền giả, không nên suy nghĩ một chiều cho rằng tất cả các tu sĩ ngoại học đến với Đạo Phật đều có những ý đồ xấu xa. Các tôn giả Đại Ca-diếp, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên… là những minh chứng.
_ Nhưng cũng không phải tất cả đều có thiện chí tốt lành. Ví dụ nhóm Lục sư ngoại đạo, sa môn giả hiệu Migalandika, các Bà-la-mônVassakāra, Verañja, Sonakāyana, Lohicca, Paccaniikasāta, Pancasālā, Sangarava, Assalayana, Uttara, Sanjaya, Vekhanassa, Magandiya, Niganthaputta Saccaka, Ambattha, Subha Todeyyaputta, các Bà-la-môn ở Thūna… cũng là những điển hình trái ngược.
_ Do vậy, suy nghĩ một chiều sẽ rơi vào cực đoan có hại. Vì thế, mong hiền giả hãy tỉnh giác nhưng không được phân chia kỳ thị. Cảnh giác với những điều trái với Đạo Đế - Tám Chánh Đạo, và không được kỳ thị với những ai thực lòng đến với Đạo Phật từ bên trong lẫn bên ngoài, thuộc bất cứ hệ phái nào. Đồng thời tất cả chúng ta phải biết dựa vào những “Đại giáo pháp” đã được Đức Thế Tôn căn dặn trước khi nhập Niết Bàn. Hẳn hiền giả vẫn còn nhớ chứ?
_ Thưa, tôi còn nhớ rõ. Đức Thế Tôn đã di giáo: “- Này các Tỷ-kheo, có thể có Tỷ-kheo nói: “Này Hiền giả, tôi tự thân nghe từ miệng Thế Tôn, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo Sư”. Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với KINH, đem đối chiếu với LUẬT.
Khi đem so sánh với KINH, đối chiếu với LUẬT, nếu chúng không phù hợp với KINH, không tương ứng với LUẬT, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Và này các Tỷ kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng.
Khi đem so sánh với KINH, đem đối chiếu với LUẬT, nếu chúng phù hợp với KINH, tương ứng với LUẬT, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là ÐẠI GIÁO PHÁP THỨ NHẤT, các Ngươi hãy thọ trì”  (6)
_ Thế đấy, ngay cho dù từ vị Tỳ-kheo đích thân được nghe chính Đức Thế Tôn giảng dạy còn phải thẩm định lại lời của vị ấy theo Chánh Kinh, theo Chánh Luật, huống hồ từ các vị tu sĩ sau này, huống hồ từ các luận sư gốc Bà-la-môn hậu bối. Hiền giả phải ghi nhớ thêm, khi Đức Thế Tôn di giáo điều này thì chỉ có hai kho “vàng” thật: Chánh Kinh là kinh NIKĀYA và Chánh Luật là luật PĀTIMOKKHA! Và với các Đại giáo pháp thứ hai, thứ ba, thứ tư cho thấy từ đó đến muôn đời sau, trước sau cũng chỉ có hai kho tàng này mà thôi, ngoài ra cần phải cảnh giác với tất cả các kinh-luật-luận xuất hiện sau này  (7)
_ Thế ra bấy lâu nay những ai tin rằng Phật giáo có tới Tam tạng thánh điển, tạng Luận là cao siêu vi diệu, là chân nghĩa đế còn tạng Kinh chỉ là thường pháp, là tục đế; như vậy là họ đã rơi vào bẫy của các luận sư gián điệp?
_ Đúng vậy! Tôi nhắc lại, trước sau Chánh Phật Pháp chỉ có hai tạng KINH NIKĀYA và LUẬT PĀTIMOKKHA mà thôi. Vì vậy các luận sư gốc Bà-la-môn muốn phá nó, họ phải tạo ra biết bao kinh giả, luật giả, luận rởm.
- Và để mọi người tin đồ giả là đồ thật, các Bà-la-môn phải đóng vai gián điệp. Họ có trong vai tăng giả mới giới thiệu ‘tam tạng’ giả được. Giống y như Trọng Thuỷ phải đóng vai gián điệp, phải giả làm con rể An Dương Vương mới tráo được nỏ Thần thật bằng nỏ thần giả, để rồi phá tan thành trì của kẻ khác.
- Đúng vậy. Chính vì thế, bất kỳ tài liệu nào, của bất kỳ ai mà khác với Nhị Thánh Tạng của Phật đều phải thận trọng, chớ có tin bừa, kẻo mang hoạ tày trời!
_ Xin muôn vàn tri ân những lời chỉ dạy quý báu của Thần Kim Cang Vajradhara. Ai tin Phật, theo lời Phật. Ai tin gián điệp, theo lời gián điệp. Phần tôi sẽ tích cực nhắc nhở những ai có duyên lành với mình để cứu họ.
_ Lành thay! Phước báu thay! Thiện chí ấy sẽ tạo thêm công đức vô lượng cho ngài. (8)
Thiên Chủ Vinata
___________________________
(1) “… Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng bị chia rẽ. Khi chúng Tăng bị chia rẽ, này các Tỷ-kheo, có sự mắng nhiếc lẫn nhau, có sự đấu khẩu lẫn nhau, có sự thanh trừng lẫn nhau, có sự tẩn xuất lẫn nhau. Ai không có tịnh tín không tìm được tịnh tín, và những ai có tịnh tín có thể đổi khác. Ðây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, đưa đến Diệu Pháp hỗn loạn và biến mất…
…Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh luận, cùng một giáo lý, sống an ổn. Khi chúng Tăng hòa hợp, này các Tỷ-kheo, không có sự mắng nhiếc lẫn nhau, không có sự đấu khẩu lẫn nhau, không có sự thanh trừng lẫn nhau không có sự tẩn xuất lẫn nhau. Ai không có tịnh tín tìm được tịnh tín, và những ai có tịnh tín không có đổi khác. Ðây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, đưa đến Diệu Pháp được an trú, không hỗn loạn, không biến mất…”(Tăng chi 2, chương 5, bài kinh “Diệu Pháp Hỗn Loạn (3)”)
(2) Này các Tỷ-kheo, sự tình này xảy ra, khi ở đây, những Du sĩ ngoại đạo có thể nói: “Chư Hiền, chúng tôi cũng có lòng tin bậc Ðạo Sư, vị ấy là Ðạo Sư của chúng tôi. Chúng tôi có lòng tin Pháp, Pháp ấy là Pháp của chúng tôi, chúng tôi thành tựu viên mãn các Giới luật, những Giới luật ấy là Giới luật của chúng tôi. Và những pháp hữu của chúng tôi, những người cư sĩ và cả những người xuất gia, được chúng tôi thương, được chúng tôi mến. Chư Hiền, như vậy có sự sai biệt gì, có sự đặc thù gì, có sự khác biệt gì giữa quý vị và chúng tôi?”.
Chư Tỷ-kheo, nếu được các Du sĩ ngoại đạo nói như vậy, cần phải trả lời họ như sau: “Chư Hiền, cứu cánh là một hay cứu cánh là đa diện?” Nếu trả lời đứng đắn, các Du sĩ ngoại đạo phải trả lời: “Chư Hiềncứu cánh là một, cứu cánh không phải đa diện (Tiểu Kinh Sư Tử Hống, TB1, 11)
(3) “10. - Tôn giả Gotama, về vấn đề chánh đạo và tà đạo. Tôn giả Gotama, nhiều Bà-la-môn thuyết dạy nhiều con đường sai khác như các vị Bà-la-môn Addhàriyà, các vị Bà-la-môn Tittiriyà, và các vị Bà-la-môn Chandokà, các vị Bà-la-môn Chandavà, các vị Bà-la-môn Bràhmacariyà - tất cả con đường này hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo. Tôn giả Gotama, như gần làng hay gần trị trấn có nhiều con đường sai khác, nhưng tất cả con đường này đều dẫn đến làng.
Cũng vậy, Tôn giả Gotama, nhiều Bà-la-môn thuyết dạy nhiều con đường sai khác - như các Bà-la-môn Addhariyà, các vị Bà-la-môn Tittiriyà, các vị Bà-la-môn Chandokà, các vị Bà-la-môn Chandàvà, các vị Bà-la-môn Bràhmacariyà. Tất cả con đường này hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo.” (Kinh Tam Minh, số 2, Trường bộ 1)
(4) Kinh Năm và Ba, TB3, 102
(5) “Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sẽ có những Tỷ-kheo trong tương lai thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, khi họ thuyết về Thắng pháp hay về Quảng thuyết (Trí giải luận), họ rơi vào hắc pháp, không có thể giác ngộ rõ ràng…đối với các kinh tạng do Như Lai tuyên thuyết, thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, siêu thế, liên hệ đến không, khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ không có nghe, họ không có lắng tai, họ không an trú tâm liễu giải, họ không nghĩ rằng các kinh ấy cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng.
Còn những kinh điển do các thi sĩ làm, những bài thi, với những chữ văn hoa, với những câu văn hoa, thuộc ngoại điển do các đệ tử thuyết, trong khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ sẽ lắng nghe, họ sẽ lóng tai, họ an trú tâm liễu giải. Các pháp ấy, họ sẽ nghĩ cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng. Này các Tỷ-kheo, đây là do Pháp ô nhiễm, nên Luật ô nhiễm; do Luật ô nhiễm, nên Pháp ô nhiễm.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ tư… thứ năm về tương lai, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai, các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận sợ hãi ấy” (Lược trích bài kinh “Sợ Hãi Trong Tương Lai (3)”, Tăng Chi 2, Chương 5, Phẩm Chiến Sĩ, trang 479).
(6) Trích kinh Đại Bát Niết Bàn, TrB1, số 15, trang 618.
(7) Người trong nhà đóng cửa dạy nhau một cách từ hòa, nhưng đối với những gián điệp ngoại học nguy hiểm phá hoại Đạo Phật thì phải áp dụng lời dạy này của Đức Thế Tôn đối với Anathapindika: "Lành thay, lành thay, này Gia chủ. Như vậy, này Gia chủ, những kẻ ngu si ấy thường cần phải được bác bỏ với sự khéo bác bỏ nhờ Chánh pháp…Tỷ-kheo nào dầu đã được đầy đủ 100 năm an cư mùa mưa trong Pháp và Luật này, vị ấy cần phải như vậy, thường thường bác bỏ các du sĩ ngoại đạo, với sự khéo bác bỏ nhờ Chánh pháp, như Gia chủ Anàthapindika đã khéo bác bỏ”  (Tăng chi, chương 10, số 93)
(8) “Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, chặn đứng cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ sai lạc các kinh điển và những văn tự thích ứng, thì những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chịu trách nhiệm về bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, không lợi ích cho đa số, bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chất chứa nhiều vô phước làm cho Diệu Pháp biến mất. 
Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, tùy thuận cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ đúng đắn các kinh điển và những văn tự thích ứng, thì những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chịu trách nhiệm về hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, hạnh phúc, và an lạc cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo,chất chứa nhiều phước đức, làm cho Diệu Pháp an trú” (Kinh Tăng Chi 1, Chương 2, trang 132)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét