Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

ĐẦU ĐÀ ẾCH NHÁI


Trong khu rừng vắng, hai vị Tiên Nhân đang ngồi đàm luận với nhau. Vị thứ nhất đặt vấn đề:
_ Thưa ngài, Phật Tổ Như Lai có tinh tấn ngủ ngồi không?
_ Không! Kinh tạng còn ghi rõ Rồi Thế Tôn sau khi đã đi kinh hành ngoài trời một phần lớn của đêm. Khi đêm đã gần mãn, Ngài rửa chân, bước vào tịnh xá, và nằm xuống phía hông bên phải theo thế nằm của con sư tử, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giác và nghĩ đến lúc thức dậy” (Tương Ưng 1, kinh số107)
_ Còn ngài Đại Ca Diếp - Đệ Nhất Đầu Đà - có ngồi ngủ không?
_ Theo sự tìm hiểu của tôi, không thấy ngài nhắc đến điều này! Tôi nói như vậy vì căn cứ vào bài kinh Trở Về Già, vị Thánh Tăng đã thưa với Đức Thế Tôn về lợi ích hạnh đầu đà của mình“- Bạch Thế Tôn, con thấy có hai lợi ích nên đã lâu ngày con sống ở rừng và tán thán hạnh ở rừng... con đi khất thực... con mang y phấn tảo... con mang ba y... con thiểu dục... con tri túc... con sống viễn ly... con sống không giao thiệp... con sống tinh cần và tán thán hạnh sống tinh cần” (Tương Ưng tập 2, kinh số 202). Rõ ràng Ngài Đại Ca Diếp đã không nêu khổ hạnh chỉ ngồi không nằm.
_ Rõ ràng, hạnh Đầu Đà của Đệ Nhất Đầu Đà - Đại Ca Diếp không có chuyện chỉ ngồi, không nằm. Thế, còn các Thánh Tăng A La Hán khác thì sao?
_ Theo tôi biết trong Chánh kinh có ít nhất một vị. Trong Trưởng lão Tăng Kệ, Ngài Anuruddha đã nói “Suốt năm mươi lăm năm, Ta không bao giờ nằm, Trong hai mươi lăm năm, Ðoạn dứt được ngủ nghỉ” (Thera. 83, kệ số 904). Mấy ông trường khổ hạnh Ni-kiền-tử biết được điều này hẳn không còn dám khinh thường đệ tử Phật.
_ Còn trong tạng Luật Patimokkha có quy định giới không nằm chỉ ngồi không?
_ Không bắt buộc một ai. Tuy vậy trong Bộ Tập Yếu, XV. Nhóm Năm Của Upali, Phần Đầu Đà [1191], Đức Phật đã phân biệt cụ thể: “Này Upāli, đây là năm hạng (đầu đà) oai nghi ngồi. Thế nào là năm? Hạng (đầu đà) oai nghi ngồi có bản tánh ngu khờ, có bản tánh si mê; hạng (đầu đà) oai nghi ngồi có ước muốn xấu xa, bị thúc giục bởi ước muốn; hạng (đầu đà) oai nghi ngồi do điên khùng, do mất trí; hạng (đầu đà) oai nghi ngồi (nghĩ rằng): “Được chư Phật và chư Thinh Văn của Đức Phật khen ngợi;” và cũng có hạng (đầu đà) oai nghi ngồi chính vì sự ham muốn ít, chính vì sự tự biết đủ, chính vì sự ức chế, chính vì sự tách ly, chính vì sự lợi ích của điều này. Này Upāli, đây là năm hạng (đầu đà) oai nghi ngồi”.
_ Hẳn nhiên Ngài Anuruddha thuộc hạng thứ năm, và hạnh không nằm chỉ ngồi không phải là giới đầu đà quan trọng trong Đạo Phật.
_ Bên cạnh đó trong Phần Phân tích giới Tỳ-kheo, Chương Pārājika thứ nhất có đoạn ghi rõ như vầy: “Rồi Sudinna Kalandaputta đã đạt được sự xuất gia trong sự hiện diện của Đức Thế Tôn, đã đạt được sự tu lên bậc trên. Khi đã được tu lên bậc trên không bao lâu, đại đức Sudinna đã thọ trì và thực hành các đức hạnh đầu đà có hình thức như vầy: là vị ngụ ở rừng, là vị chuyên khất thực, là vị mặc y paṃsukūla (phấn tảo), là vị đi khất thực theo tuần tự từng nhà. Đại đức đã sống nương tựa vào ngôi làng nọ trong xứ Vajjī.”
_ Nếu vậy tại sao nhiều người tin rằng nói tới giới hạnh đầu đà là nói tới hạnh không nằm, chỉ ngồi?
_ Vì họ đã không biết những Pháp và Luật nêu trên. Ngoài ra họ cũng không biết Đức Phật đã dạy rõ trong bài kinh Chân Nhân.
_ Ngài dạy thế nào?
_ Ông hãy lắng nghe nguyên văn thế này: “Và người Chân nhân, này các Tỷ-kheo, suy nghĩ như sau: "... Không phải vì mình theo hạnh thường ngồi (không nằm) mà các tham pháp đi đến đoạn trừ, hay các sân pháp đi đến đoạn trừ, hay các si pháp đi đến đoạn trừ. Nếu một người không theo hạnh thường ngồi (không nằm), nhưng hành trì đúng pháp và thuận pháp, hành trì chơn chánh, hành trì thuận pháp, thời ở đây, người ấy được kính trọng, ở đây, người ấy được tán thán". Người ấy, sau khi lấy Đạo Lộ làm chánh yếu, không khen mình chê người vì tự mình theo hạnh thường ngồi (không nằm). Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Chân nhân pháp” (Lược trích TB3, 113).
_ Lành thay, Đạo Lộ chính là Tám Chánh Đạo, trong đó không có Chánh Đạo nào lấy hạnh không nằm chỉ ngồi làm chánh yếu. Rõ ràng, không phân biệt chuyện này, chẳng lẽ mấy ông tu sĩ khổ hạnh Ni-kiền-tử là đệ nhất đầu đà hay sao?
_ Phật tử tham dự lễ hội ‘Đầu Đà’ để sách tấn nhau tinh tấn thì được, chứ đó không phải là ‘đạo lộ chánh yếu’ để đi tới giải thoát. Không hiểu rõ điều này coi chừng còn thua xa một vị!
_ Vị nào?
_ Ếch nhái!
PHÁP LUẬT THỰC HÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét