Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

VÔ ÚY THÍ LÀ TỰ SÁT!

Hỏi: Vì sao trong Kinh Nguyên thủy Pali chỉ có hai loại bố thí là tài thí (bố thí tài vật) và Pháp thí (bố thí Chánh Pháp), thế nhưng Phật giáo Đại Thừa còn có thêm bố thí thứ ba là vô uý thí (bố thí không sợ hãi)?
Luận Sư (LS) LONG XÀ TỬ: Thật nực cười, đã là bố thí mà còn bị keo kiết, chỉ được Đức Phật cho có hai chứ không cho được đến ba. Đúng là Tiểu Thừa! 
Chính nhờ có được vô uý thí mà Bồ-tát nghịch hạnh Đề Bà Đạt Đa trong kinh điển Đại Thừa dù đang ở giữa địa ngục Vô gián vẫn được an nhiên tự tại, xem ngục hình như không. Hơn thế nữa, ngài còn dám lớn tiếng phán rằng, chừng nào Phật Thích Ca vào địa ngục thì ổng mới thèm ra. Đề Bà Đạt Đa quả là hiên ngang hơn những kẻ cuồng tín nhất chống phá đạo Phật. Thật là một tấm gương vô úy cho bao Bồ-tát nghịch hạnh nhát gan khác!
Cũng nhờ được bố thí không sợ hãi mà những Bồ-tát Đại Thừa mới có can đảm “Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ”, dũng cảm vượt ma chướng để tiến tu. Những người ngoại đạo cũng biết tích cực học hỏi tinh thần vô uý bất khuất ấy và còn thực hành rốt ráo ngay trong thực tế. Cho nên để tu tiến lên thiên đường của mình, họ cũng đã bao lần tích cực dũng cảm đốt chùa, giết tăng ni, tiêu diệt Phật giáo chứ có thua kém gì các Bồ-tát Đại Thừa?
Không chừng họ cũng là những Bồ-tát nghịch hạnh cả đấy! Mình còn phải lạy họ như Bồ-tát Thường Bất Khinh đã làm nữa kia: “Lạy các ngài, tôi không dám khinh thường các ngài, rồi tất cả đều sẽ thành Phật!”. Thật vậy, kinh Pháp Hoa đã dạy “chúng sanh đồng Phật tánh”, tức là mọi chủng loài đều bình đẳng cùng với tánh Bụt, không có gì khác nhau.Những kẻ mê tâm tiểu trí làm sao nhận thức được giáo lý thâm sâu “vô phân biệt” thế này.
Cũng nhờ được vô úy thí mà Thiền sư Nam Tuyền mới dám cả gan phá giới trọng, chém xả đôi một con mèo trước bao cặp mắt yếu hèn để dẹp tan tranh chấp. Hành động kiên quyết của ngài đã được bao thế hệ thiền sư ca ngợi như một biểu tượng mạnh mẽ của tinh thần phá chấp. Có người gọi pháp môn này là “sát nhất miêu, cứu vạn thử”. Có nghĩa là cứ giết quách một con mèo để vô úy thí cho cả ngàn con chuột là hay nhất.
Ấy thế mà vẫn có kẻ lắm chuyện, dám đụng đến trí tuệ bất khả tư nghì của các Tổ, cắc cớ hỏi rằng: sao ngài Nam Tuyền không biết “cứu nhất miêu, cứu vạn thử”? Thật là dở hơi! Chỉ cần chịu khó tư duy một chút cũng hiểu liền. Thử hỏi, nếu không biết “sát” mà chỉ có “cứu” bên này, “cứu” bên kia thì can đảm ở chỗ nào? không sợ hãi ở chỗ nào? vô úy thí ở chỗ nào? Rõ ngớ ngẩn!
Tuy nhiên, có lẽ Tổ Nam Tuyền cũng thấy sát sanh là không ổn, nên khi vị đệ tử là Tùng Thẩm trở về, Tổ liền kể lại sự việc để dọ ý. Tùng Thẩm chẳng nói năng chi, chỉ đội đôi dép lên đầu rồi đi ra khiến cho hành vi quái dị của ngài đã trở thành một “công án” qua bao năm vẫn không ai hiểu nổi.
Có gì mà khó hiểu! Người bình thường không thấy được là phải. Tôi giác ngộ công án này ở trong nhà thương điên cơ đấy. Hôm ấy, trong khi đang thăm hỏi các bệnh nhân tâm thần, tôi thấy một ngài cứ đội đôi dép trên đầu, im lặng đi ra đi vô. Tôi giật mình kinh hãi, tự nhủ “Tùng Thẩm tái sanh! Tùng Thẩm tái sanh!”. Tôi đem phát hiện này báo cho các bác sĩ. Mấy ổng đã không thèm quan tâm thì chớ lại còn cười vui ha hả: “Tổ gì thầy ơi. Ổng điên nặng nhất ở đây đấy, đã điên rồi còn biết phân biệt trên dưới, phải trái, đúng sai gì nữa”
Tôi lại giật mình phát nữa. Chết chửa, không lẽ ai đó nói Thiền Tông là thiền điên thiền khùng, là tà thiền, lạc thiền lại đúng? Chẳng thế mà mấy vị Tổ sư Thiền, ông nào cũng dở hơi, quái đản không thua gì mấy vị “điên nặng nhất” hay sao?
Thôi đúng rồi, Tùng Thẩm không điên nhưng chỉ giả khùng đội đôi dép lên đầu là muốn ngầm bảo ông ta đã vô phân biệt rồi còn chấp trước trên dưới, phải trái, trắng đen, thiện ác gì nữa. Cho nên rằng thì là ngài Nam Tuyền hãy cứ vô tư “Nam mô miệng cứ nam mô. Sát thời cứ sát, ra vô sợ gì”. Lục Tổ đã dạy rồi “Chẳng niệm thiện, niệm ác; bản lai diện mục hiện tiền” kia mà! Hành thiện đừng nghĩ thiện, hành ác đừng nghĩ ác, bộ mặt thật hiện liền, vô phân biệt. Ở đời không thiếu những kẻ giả điên để chạy tội giết người đấy sao. Ai đó còn phân biệt Tổ sư thiền, kẻ điên và tên sát nhân là còn đối đãi, nhị thừa, kém cỏi.
Rõ ràng thâm ý này chỉ có Tổ sư Nam Tuyền là hiểu được, nên ngài mừng rơn vì có được một đồng minh. Thế nên ngài liền phán ngay một câu xanh rờn chạy tội: “Giá lúc ấy có ngươi thì con mèo đã không bị giết!” Lời tuyên bố hùng hồn ấy đã cùng với tổ sư Nam Tuyền hiên ngang đi suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của tông Thiền. Quả là “danh bất hư truyền”, thực tình tôi không dám bịa.  
Nghe chuyện này tôi lại nhớ tới một câu chuyện khác thuộc loại tiểu thuyết hình sự viễn tưởng. Trong đó một tên sát nhân cũng đã dũng cảm hét thẳng vào mặt các quan tòa: “Giá lúc đó có cảnh sát, ta đã không giết người!”. Cả đám quan tòa tái mặt trước thái độ can đảm không sợ hãi của kẻ ác nhân. Đã thế họ lại càng khiếp đảm hơn, vì câu nói công án đầy bí hiểm của tên sát thủ chẳng khác gì lời phán truyền đầy tâm ấn của Tổ sư Nam Tuyền. Thế là mọi người đều tin rằng tên sát nhân cũng đã được “hoát nhiên đại ngộ” như các Tổ, nên tuyên bố tha bổng cho hắn. Chuyện bịa như thế, hóa ra lại có thật!
Cho nên rằng thì là những người tu thiền cũng phải biết noi theo gương vô úy của tổ sư Nam Tuyền, cũng phải biết vô phân biệt rốt ráo như Tùng Thẩm. Nếu hội chúng của mình có tranh chấp nhau chỉ vì một cô gái hay chàng trai, thì cứ thản nhiên vô úy “xả” ngay chúng là yên chuyện. Cần gì phải mất công khuyên ngăn bên này, can gián bên kia cho phí sức. Đã dám tu theo tinh thần Kim Cang - không phân biệt “ta, người, chúng sanh, thọ giả”  thời còn run tay gì nữa. Biết đâu chừng, nhờ hành vi táo bạo không sợ hãi hơn cả bậc tiền bối, rồi cũng sẽ được lưu danh thiên cổ.
Nhưng cho dù tội lỗi đến đâu chăng nữa cũng đừng sợ hãi! Hãy thực hành pháp sám hối chân thực cao siêu của hàng đại căn, đại trí là xong ngay. Các Tổ Đại Thừa đã dạy rồi: “Tội do tâm khởi, do tâm diệt. Tâm đã tịnh rồi tội liền tiêu. Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không. Đó mới thực là chân sám hối”. Cao siêu thật! Chẳng thế mà biết bao Bồ-tát Đại Thừa nhờ cái pháp sám hối thậm thâm sâu thẳm này nên vẫn được an nhiên tự tại, vô tâm vô tánh lướt qua mọi tội lỗi của mình. Những bọn vô lương tâm dù cũng biết thực hành điều này, nhưng chúng không có đầu tròn áo vuông như các Tổ, không biết lý luận trườn uốn như các ngài, cho nên chúng vẫn bị thế gian nguyền rủa. Đáng đời!
Thậm chí, căn cứ vào thánh kinh Đại Thừa, tôi xin mạnh dạn tuyên bố: cho dù có kẻ giết mẹ, giết cha, giết A-la-hán, làm Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng; tạo năm đại nghịch tội phải đọa vào địa ngục Vô gián cũng không việc gì phải sợ hãi. Vì sao? Vì đã có đại nguyện Phổ Hiền Bồ-tát bác ái cứu độ cứu nguy dễ dàng lẹ làng nhanh chóng. Thực vậy, trong kinh Hoa Nghiêm Đại Thừa, phẩm Hạnh nguyện Phổ Hiền (bản dịch của HT Thích Trí Quang) còn ghi rõ rành rành nguyên văn thế này cho đến chỉ sao chép được một bài chỉnh cú bốn câu, cũng mau chóng diệt được năm tội Vô gián” kia mà.
Nếu ai đó còn chưa tin, hãy mở to mắt, nắm chặt tay, đọc những vần thơ oai linh mầu nhiệm đầy tinh thần vô uý thí sau đây trong đoạn 57 của phẩm kinh trên, sẽ có đủ can đảm để xem thường cả năm đại nghịch tội Vô gián: 
“Nếu mà xưa kia
không có trí tuệ
nên tạo năm tội
địa ngục Vô gián,
nhưng nếu ngày nay
tụng đại nguyện vương
của đức Phổ Hiền,
thì một sát na
tiêu diệt tức thì
năm tội như vậy.” (Sđđ)
Tôi xin nhắc lại, chỉ cần một khoảnh khắc sát-na tích tắc thôi cũng tiêu diệt tức khắc năm đại tội địa ngục Vô gián: giết mẹ, giết cha, giết A-la-hán, làm Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng. Còn pháp nào cao siêu hơn pháp Hoa nghiêm Đại Thừa? Những kẻ Thanh Văn Tiểu Thừa dù có gan to tày trời đến đâu cũng phải kinh hồn hoảng vía, bái lạy từ xa!
Chưa hết, trong nguyện cuối cùng, Bồ-tát Phổ Hiền còn dám xả thân cứu người hung ác: “Nếu chúng sinh vì làm bao nghiệp dữ mà bị những quả khổ nặng nề thì tôi chịu thay hết cho họ” (Sđđ)Nếu Phật tử nào biết tin vào Bồ-tát Phổ Hiền hơn tin vào luật nhân quả; tin vào sự kết tập kinh Hoa Nghiêm của luận sư gốc Bà-la-môn Long Thọ hơn tin vào Phật Thích Ca trong kinh Nguyên Thủy Pali, dù có tạo đến năm đại tội Vô gián cũng không hề ngán sợ, huống hồ gây bao nghiệp dữ khác.
Những kẻ ác nhân dù đã, đang hoặc sẽ phạm năm đại nghịch tội vẫn có thể an tâm. Từ khi có kinh điển Đại Thừa và Bồ-tát Phổ Hiền, họ chẳng còn phải sợ hãi quả báo địa ngục gì nữa. Có vô uý thí như thế mới là tinh thần bi-trí-dũng của những bậc cao siêu - vĩ đại - tối thượng - tối tôn, đúng không nào?
Bồ-tát Phổ Hiền yêu thương chúng sanh, bố thí vô úy đến như thế để chúng sanh không còn phải sợ hãi khi gây nghiệp dữ; vậy mà có kẻ độc miệng gọi ngài là Dại Hạnh Phổ Ác Bồ-tát. Thử hỏi chúng có dại mồm dại miệng không kia chứ? Lại có kẻ nói các ngài là gián điệp của Bà-la-môn, ngụy trá chui vào Phật giáo để ngầm phá hoại đạo Phật ngay từ bên trong. Chuyện trá hàng hại kẻ thù chỉ có trong Tam Quốc Chí; hoặc đương thời Phật, như Tạng Luật còn ghi lại, chỉ có thứ sa-môn như Migalandika giả bộ đi theo Tăng đoàn để lợi dụng thời cơ mỗi ngày xách đao giết hàng chục vị Tỳ-Kheo mà thôi.
Còn các tổ sư, luận sư gốc Bà-la-môn có thâm ân kết tập xiển dương kinh văn mới cho Đại Thừa, ai nấy đều đầu tròn áo vuông như Phật, mở miệng là “nam mô”, khép miệng là “mô Phật”. Tất cả luận giải của các ngài đều ca ngợi pháp mới, chê bai pháp cũ chứ có ai dám chửi rủa, vung dao ném búa gì đâu mà nghi oan cho các ngài?
Cái này trong sách tướng số gọi là “tướng tự tâm sinh” tức là tâm lành thì tướng thiện mà tâm ác thì tướng ác. Có vậy, các diễn viên tài năng mới đóng vai nào ra vai ai đó, thấy là biết liền. Vả lại, chẳng lẽ những kẻ ác hiểm lại dám mặc cả áo của Phật, dám phá hoại con Phật hay sao? Vô minh đến thế thì thôi, hết nước nói!  
Các Trưởng Lão, Hoà Thượng, Thượng Tọa nhà mình đều “Phật giáo từ trong bụng mẹ” nên dễ dàng thấy được Phật Pháp thực sự cao siêu trí tuệ. Vì thế các ngài đều tin rằng việc đem giáo pháp của Phật để chiêu phục tu sĩ, luận sư thuộc các tôn giáo khác dễ như trở bàn tay, nghe xong là họ quy y Tam Bảo tức thì. Cho nên các ngài mới dám tin liền, không cần phải cảnh giác các Bồ-tát gốc Bà-la-môn như Đại Thiên, Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước, Phật Âm... Hơn nữa, trong tôn giáo làm gì có chuyện nằm vùng gián điệp. Chẳng lẽ đã tu hành lại đi phá nhau làm gì? Cứ suy bụng ta ra bụng người khắc biết. Đúng là ngây thơ! 
Trở lại vấn đề “vô uý thí”, thực tình mà nói, ngay thời đại khoa học tân kỳ này mà vẫn còn nhiều người sợ ma, tin dị đoan, bói toán, ngán ông đồng bà cốt… Cho nên nhờ biết tiếp cận thị trường, lại mang tinh thần cứu nhân độ thế, nên lắm thầy nhà mình còn phải kiêm luôn cả “dóp” pháp sư, ếm quái trừ tà, vẽ bùa dán ngải, xem giờ coi ngày, cúng sao giải hạn…
Họ làm thế để bố thí không sợ hãi cho các gia chủ. Ngược lại các đàn nai tín thí cũng phải biết điều đáp lễ, giúp các thầy khỏi phải sợ hãi vì thiếu những thứ ngoài tứ vật dụng như cái ô-tô đời mới kiểu này, hoặc bồn tắm sang trọng kiểu kia. Có vô uý thí qua lại như vậy mới phát triển đạo pháp, cải tạo chùa chiền, củng cố tiền đồ tông phái, an vui tăng bảo chứ. 
Tóm lại, những điều cao siêu ấy hàng hạ căn thiểu trí làm sao với tới được, làm sao có duyên may tiếp nhận được. Nói cho cùng, dù cỗ xe to lớn nhưng vẫn không có chỗ dành cho những kẻ hèn nhát, sợ hãi, kém may mắn. Mà có nhát gan sợ hãi, tôi khuyên nên học thuộc mấy câu ca dao sau đây để thấy thiên hạ phàm phu còn biết sợ hãi đúng người, đúng nơi, đúng bệnh:
Thế gian chẳng sợ anh hùng,
Thế gian chỉ sợ thằng khùng thằng điên.
***
TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG: Thợ săn nai luôn ban phát rộng rãi những miếng mồi. Chỉ có người hiền trí mới biết cho cái đáng cho, nhận điều đáng nhận.
Đúng như một nhà khoa học đã nói: "Khoa học mà thiếu tôn giáo là khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học là mù quáng”. Người Phật tử muốn không bị mù quáng để nhận rõ chân tướng của những kẻ ngụy trá gián điệp phá hoại ngầm Đạo Phật; trước hết họ phải biết bỏ qua một bên sự cả tin mê tín để tuân theo những nguyên tắc khách quan khoa học trong việc phân cấp thứ tự các kinh văn.
Trên cơ sở phân định khách quan khoa học đó, các kinh tạng truyền thống Pali được kết tập lần đầu tiên phải được nghiên cứu, quán xét, suy tư, phân tích kỹ lưỡng trước. Sau đó mới tìm hiểu đến các tài liệu cấp 2, cấp 3… tức là những kinh văn xuất hiện sau này và xa nơi Đức Phật du hóa. Được như vậy mới có thể gạn đục khơi trong, đãi cát tìm vàng, chánh tà phân định.
Trong bài kinh Khiếp Đảm và Sợ Hãi, Trung Bộ 1, thuộc tạng gốc Pali cấp 1, Đức Thế Tôn đã vào nghĩa trang ban đêm, đối diện trực tiếp với sự khiếp đảm để diệt sợ hãi. Đó là Ngài dạy chúng ta hãy mặt đối mặt trực diện với những nỗi sợ hãi siêu hình, chỉ do chính con người mê tín tưởng tượng ra để thấy rằng chúng hoàn toàn không có thực. Có can đảm như vậy mới đoạn diệt được những sự sợ hãi vô lý, mê tín, dị đoan, vô căn cứ.
Cũng trong bài kinh Sợ hãi, Tăng Chi 2, trang 610, Đức Thế Tôn nêu rõ có năm nguyên nhân khiến một Tỳ-Kheo rơi vào sợ hãi; đó là: không có lòng tin, giữ ác giới, nghe ít, biếng nhác và ác tuệ. Đồng thời Ngài cũng chỉ rõ thành tựu năm nguyên nhân sẽ khiến một Tỳ-Kheo không có sợ hãi: có lòng tin, có giới, nghe nhiều, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ.
Tương tự trong tạng kinh trên, với bài kinh cùng tên “Sợ hãi”, trang 638, Đức Phật cũng đã dạy rõ: một cư sĩ không rơi vào sợ hãi vô cớ là người giữ tròn năm giới. Rõ hơn nữa, trong bài kinh Nguồn Nước Công Đức, chương Tám pháp, Tăng Chi tập 3, Đức Thế Tôn khuyến khích các đệ tử thực hành không sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu tức là bố thí không sợ hãi, bố thí không hận thù, bố thí không làm hại cho các chúng sanh khác nhờ vậy cũng sẽ nhận được không sợ hãi, không hận thù, không hại.
Như vậy căn bản của sự không sợ hãi là do có trí tuệ, tu tập, rèn luyện, giữ giới và mang ý nghĩa nội tại bởi bản thân mỗi con người.
Nhưng mặt khác, xuyên suốt trong Kinh tạng Pali Nguyên Thủy, Đức Thế Tôn luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải biết sợ hãi những điều đáng sợ hãi: phải biết sợ hãi tội lỗi, điều ác, bất thiện; sợ hãi sự ngu dốt, tà kiến; sợ hãi đọa xứ, cõi dữ, địa ngục; sợ hãi luật nhân quả - sợ hãi cả “nhân” lẫn “quả”. Nhờ biết sợ hãi đúng pháp như vậy mới giúp ta có thêm sức mạnh để ngăn ngừa tội lỗi, điều ác bất thiện: nếu chưa làm sẽ không làm, nếu đã lỡ lầm thì quyết tâm không tái phạm.
Biết sợ hãi điều đáng sợ hãi được Đức Thế Tôn gọi là quý lực, một trong năm sức mạnh của bậc Thánh Thanh Văn Nhị Thừa, “Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng sợ hãi, sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sợ hãi đối với các pháp ác, bất thiện được thực hiện. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là quý lực” (Tăng Chi 2, Chương 5, trang 306).
Hơn thế nữa, biết sợ hãi đúng pháp cũng chính là một trong năm sức mạnh của chính Đức Thế Tôn, “Tín lực, tàm lực, quý lực, tinh tấn lực, tuệ lực. Có năm Như Lai lực này của Như Lai, này các Tỷ-kheo. Thành tựu các sức mạnh ấy, Như Lai tự xem đã được vị trí Ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử giữa các hội chúng, làm vận chuyển bánh xe Phạm thiên.” (Tăng Chi 2, Chương 5, trang 317)
Trong Tiểu Kinh Mãn Nguyệt, số 110, Trung Bộ 3, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng dạy rõ: “Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là người bất chánh đầy đủ pháp bất chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bất chánh bất tín, vô tàm, vô quý (không biết sợ hãi, TĐTV), nghe ít, biếng nhác, thất niệm, liệt tuệ… Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người bất chánh bố thí như người bất chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bất chánh bố thí một cách vô lễ, bố thí không phải tự tay, bố thí không có suy tư kỹ lưỡng, bố thí những vật không cần dùng, bố thí không nghĩ đến tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người bất chánh bố thí như người bất chánh… Và này các Tỷ-kheo, thế nào là cảnh giới của những người bất chánh? Địa ngục hay là bàng sanh.”
Không chỉ có vậy, trong Tăng Chi 2, Chương 4, Phẩm Chân Nhân, trang 240, Đức Phật đã dạy rõ, một kẻ không biết sợ hãi và còn khuyến khích kẻ khác không sợ hãi chính là kẻ không chân nhân tệ hại hơn kẻ không chân nhân: “Này các Tỷ-kheo, thế nào là người không Chân nhân còn hơn cả người không Chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình không tin và khích lệ người khác không tin; tự mình không xấu hổ và khích lệ người khác không xấu hổ; tự mình không sợ hãi và khích lệ người khác không sợ hãi; tự mình nghe ít và khích lệ người khác nghe ít; tự mình biếng nhác và khích lệ người khác biếng khác; tự mình thất niệm và khích lệ người khác thất niệm; tự mình liệt tuệ và khích lệ người khác liệt tuệ”.
Và ngược lại: “Này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc Chân nhân còn hơn cả bậc Chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình đầy đủ lòng tin, còn khích lệ người khác có đầy đủ lòng tin; tự mình có xấu hổ vàkhích lệ người khác có xấu hổ; tự mình có sợ hãi và khích lệ người khác sợ hãi; tự mình nghe nhiều và khích lệ người khác nghe nhiều; tự mình siêng năng tinh cần và khích lệ người khác siêng năng tinh cần; tự mình chánh niệm và khích lệ người khác chánh niệm; tự mình có trí tuệ và khích lệ người khác có trí tuệ”
Trong truyền thống “Tiểu Thừa” với Kinh Tăng Chi 2, chương 4 pháp, phẩm Sợ hãi, trang 46, Đức Phật đã phân biệt rõ có bốn sự sợ hãi cần thiết: sợ hãi tự mình trách (sợ hãi bị lương tâm cắn rứt. TĐTV), sợ hãi người khác trách, sợ hãi hình phạt và sợ hãi ác thú. Đúng như Đức Phật đã dạy, chính vì sợ hãi sự sợ hãi hình phạt nên một người không trộm cướp tài sản của người khác.
Điều này có nghĩa: nhờ biết sợ hãi đúng pháp nên một người không làm những việc trái pháp luật gây nguy hại cho mình, cho người và cho xã hội. Đồng thời cũng vì biết sợ hãi tự mình trách, sợ hãi người khác trách và sợ hãi phải đọa ác thú mà một người biết từ bỏ thân-miệng-ý độc ác để tu tập thân-miệng-ý thiện lành.
Không thể xem thường lời dạy sau đây của Đức Thế Tôn trong Kinh Tăng Chi tập 1, Chương 2, phẩm Hình Phạt, trang 96: “Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: "Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả hiện tại. Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả trong đời sau. Chúng ta phải tránh xa các tội. Chúng ta phải thấy rõ sự nguy hiểm của các tội”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập. Ðối với ai tránh xa các tội, này các Tỷ-kheo, đối với ai thấy rõ sự nguy hiểm của các tội, thời được chờ đợi rằng người ấy sẽ được giải thoát tất cả tội.”
Chính vì thế, biết sợ hãi điều đáng sợ hãi được xem là một trong bảy diệu pháp: Có bảy diệu pháp này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bảy? Tín, xấu hổ, sợ hãi, nghe nhiều, tinh tấn, chánh niệm, có trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, có bảy diệu pháp này” (Tăng Chi 3, chương 7, bài kinh Diệu Pháp số 10, trang 482)
Đối với người Phật tử phải đặc biệt ghi nhớ hai pháp quan trọng: lòng nhiệt tình và biết sợ hãi, vì đây là hai nguồn sức mạnh giúp đi tới giác ngộ giải thoát: “Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có nhiệt tình, không có sợ hãi, không có thể chứng được Chánh giác, không có thể chứng được Niết-bàn, không có thể chứng được vô thượng an ổn khỏi các khổ ách. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có nhiệt tình, có sợ hãi, có thể chứng được giác ngộ, có thể chứng được Niết-bàn, có thể chứng được vô thượng an ổn khỏi các khổ ách”, Kinh Phật Thuyết Như Vậy (It. 27).
Bên cạnh đó, còn có những sợ hãi nguy hiểm khác nữa đã xẩy ra đúng như sự tiên tri của Đức Chánh Biến Tri mà các tu sĩ Phật giáo cần phải thấy rõ và nỗ lực tinh tấn đoạn tận: “Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sẽ có những Tỷ-kheo trong tương lai thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, khi họ thuyết về Thắng pháp hay về Quảng thuyết (Trí giải luận), họ rơi vào hắc pháp, không có thể giác ngộ rõ ràng
đối với các kinh tạng do Như Lai tuyên thuyết, thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, siêu thế, liên hệ đến không (tánh), khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ không có nghe, họ không có lắng tai, họ không an trú tâm liễu giải, họ không nghĩ rằng các kinh ấy cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng.
Còn những kinh điển do các thi sĩ làm, những bài thi, với những chữ văn hoa, với những câu văn hoa, thuộc ngoại điển do các đệ tử thuyết, trong khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ sẽ lắng nghe, họ sẽ lóng tai, họ an trú tâm liễu giải. Các pháp ấy, họ sẽ nghĩ cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng.
Này các Tỷ-kheo, đây là do Pháp ô nhiễm, nên Luật ô nhiễm; do Luật ô nhiễm, nên Pháp ô nhiễm.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ tư… sợ hãi thứ năm về tương lai, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai, các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận sợ hãi ấy (Trích lược Kinh Tăng Chi 2, Chương 5, trang 480).
Trong kinh tạng gốc Pali cấp 1 còn rất nhiều những dẫn chứng khác nữa, nhưng thiết nghĩ, với bấy nhiêu lời dạy chánh đáng đích thực của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni cũng quá đủ để một người có chánh trí đi đến kết luận rõ ràng dứt khoát đối với bất kỳ ai, với bất kỳ thời đại nào, và bất cứ nơi nào cũng thế: không sợ hãi những điều không đáng sợ hãi và phải sợ hãi những điều đáng sợ hãi để thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm: đó là sức mạnh của Bậc Hiền trí, Đại tuệ. Ngược lại, sợ hãi những điều không đáng sợ hãi là sự yếu đuối của người dại; thế nhưng, không biết sợ hãi những điều đáng sợ hãi lại là sức mạnh của kẻ ngu.
Những Dạ Xoa bạo chúa diệt chủng cả một dân tộc; các A Tu La hung ác tàn sát hàng chục vạn người vô tội… sở dĩ họ làm được như vậy là do họ đã bố thí rộng rãi sự không sợ hãi cho những tay sai thuộc hạ, nên những thừa-sai-hung-thần ấy mới “can đảm” gây ra bao nỗi khổ đau kinh hoàng cho nhân loại. Chính vì không biết sợ hãi nhân quả nghiệp báo địa ngục nên những tệ nạn như trộm cướp, hiếp dâm, lường gạt, buôn người, bán ma túy… mới phát triển khắp nơi.
Những ai còn dám ca ngợi cho cái tinh thần “dũng lực vô uý” của Đề Bà Đạt Đa, hãy đi hỏi con cháu của ông ta - những kẻ diệt chủng độc ác tàn sát Tăng Ni Phật tử - để xem có ai trong số họ biết sợ nhân quả, nghiệp báo, đọa xứ, địa ngục? Do vậy, hỡi những kẻ điên rồ, hãy ghi nhớ kỹ: ngụy biện cho cái ác, đó cũng là một tội ác!
Những Phật tử nào cả tín tin vào các tổ sư gốc Bà-la-môn đến độ dám nhận bố thí không sợ hãi của họ để dũng cảm quay lại “giết Phật, giết tăng” dù chỉ bằng miệng lưỡi thì cứ việc. Nếu có đọa địa ngục, bàng sanh hay ác thú vì tội tà kiến ác ngữ, đừng trách tại sao Phật không nói trước. Trong Kinh Pháp Cú của “Tiểu Thừa”, số 317, Đức Thế Tôn đã khuyến cáo:
 "Không đáng sợ, lại sợ,
Đáng sợ, lại thấy không,
Do chấp nhận tà kiến.
Chúng sanh đi ác thú.”
Quan sát đời sống tập tính của các loài ác thú, chúng ta dễ dàng nhận thấy đúng như những gì Đức Phật đã dạy.
Cần ghi nhớ thêm, trong Kinh văn Pali của “Tiểu Thừa” còn ghi rõ: ngay khi Đức Thế Tôn còn tại thế đã có rất nhiều những sa-môn, Bà-la-môn vì mang nặng tà kiến, hận thù giai cấp, kỳ thị tôn giáo đến độ họ không hề biết sợ hãi quả báo địa ngục; cho nên họ đã có biết bao những âm mưu, thủ đoạn, ngụy trá, vu khống, đặt điều, dựng chuyện, bôi nhọ, xuyên tạc, xúi dục, thậm chí giết chết cả đệ tử Phật nhằm phá hoại Đạo Phật.
Chớ ngây thơ nghĩ rằng sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, những sự kết tập xiển dương cho xu hướng mới thuộc truyền thống Đại Thừa xuất phát từ các tu sĩ gốc Bà-la-môn là hoàn toàn đáng tin cậy. 
Trong khu rừng nguyên sinh, những con nai tinh khôn phải biết cảnh giác trước những dấu hiệu khác lạ để tránh nguy hại. Trong khi đó, chỉ có những con nai khờ dại, mất cảnh giác, mới dễ dàng đắm nhiễm và say mê mồi nhử được “bố thí” ngụy trang khéo léo để rồi bị rơi vào bẫy của thợ săn. 
Mọi người chớ quên, chỉ trong một đêm, toàn bộ thành trì kiên cố, các chiến binh và nhân dân thành Troy đã bị tiêu diệt chỉ vì mất cảnh giác, say sưa với lời ca ngợi ngụy trá và món quà “con ngựa quý tượng trưng cho sự vô úy” của kẻ thù.  
-o-o-o-
PHÁP TRÍCH LỤC

(XLLII) (Duk. II, 5) (It. 36)

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

Này các Tỷ-kheo, có hai pháp trắng này che chở cho đời. Thế nào là hai? Xấu hổ và sợ hãi.

Này các Tỷ-kheo, nếu hai pháp này không che chở cho đời, thời ở đây không có sự phân biệt giữa mẹ, chị em của mẹ, vợ của anh em của mẹ hay giữa vợ của bậc giáo thọ sư, giữa những người vợ của những bậc đáng được kính trọng; thế giới sẽ rơi vào loạn luân như các loài dê cừu, gia cầm, heo, chó và các con chó rừng.
Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có hai pháp trắng này che chở cho đời, cho nên ở đây có sự phân biệt giữa mẹ, chị em của mẹ, vợ của anh em của mẹ, hay vợ của bậc giáo thọ sư, giữa những người vợ của những bậc đáng được kính trọng.

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Với những ai không có,
Xấu hổ và sợ hãi,
Liên tục và thường xuyên,
Họ đi xuống bào thai,
Dựa trên gốc tinh dịch
Họ đi đến sanh tử,
Với những ai chánh trí,
Xấu hổ và sợ hãi,
Liên tục và thường xuyên,
Vững trú trên Phạm hạnh,
Họ được sự an tịnh,
Tái sanh được diệt tận.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

PHẬT HỌC CHÁNH TRUYỀN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét