Hai vị Luận sư và Kinh sư ngồi nói chuyện với nhau. Vị thứ nhất hỏi:
_ Tứ Diệu Đế được Phật dạy trong kinh điển, đúng không?
_ Đúng vậy! Vị thứ hai đáp.
_ Có phải những điều trong Kinh văn chỉ là thường pháp, là tục đế? Tạng Luận mới chính là siêu pháp, là chân đế?
_ Không phải. Ngược lại mới đúng. Tạng Luận là thường pháp, là tục đế. Tạng Kinh mới chính là siêu pháp, là chân nghĩa đế.
_ Chứng minh?
_ Tôi hỏi ông: Kinh và Luận, tạng nào được kết tập lần đầu tiên?
_ Kinh kết tập trước. Nhưng các Tổ nói rằng, trong kỳ hạ thứ bảy Phật lên cung trời Đao Lợi dạy Vi Diệu Pháp cho chư Thiên và cho mẹ Ngài. Lúc Phật trở về còn có cầu thang bắc từ trên trời xuống đất nữa đấy! Sợ không?
_ Không sợ, cũng chẳng tin!
_ Vì sao?
_ Vì nếu quả có một sự kiện “hy hữu” như vậy, tại sao suốt trong Kinh tạng Nikaya và Luật Patimokkha chánh gốc Đức Thế Tôn không hề nhắc đến một lần nào? Vàng, kim cương người ta còn làm giả được, huống hồ ba dấu tích mơ hồ ấy. Đúng là ngây thơ! Ông có phân biệt sự khác nhau giữa “tưởng tri chư Thiên là chư Thiên” và “tuệ tri chư Thiên là chư Thiên” không? Chuyện ông vừa kể là tưởng tri hay tuệ tri?
_ À… thì… mà chẳng lẽ không tin các luận sư?
_ Vấn đề là điều họ nói có đáng tin hay không. Giả sử hôm nay có kẻ xấu bịa chuyện Phật xuống địa ngục dạy “Pháp Diệu Vi” còn cao siêu hơn cả Kinh-Luật-Luận, thế nhưng vài trăm năm sau vẫn có những người nhắm mắt tin theo. Vậy, đám con cháu này thuộc loại khờ hay dại?
_ Ơ… nhưng trong kinh Nikaya Đức Phật cũng có nói đến Abhidhamma.
_ Đúng thế, nhưng đừng lập lờ đánh lận con đen. Nói cho chính xác, trong bài kinh Nghĩ Như Thế Nào (Trung Bộ 3), Đức Phật đã dùng khái niệm “Abhidhamma” (Thắng Pháp, A-tỳ-đàm) để gọi chung các hệ thống Bốn Như Ý Túc, Bốn Chánh Cần, Bốn Niệm Xứ, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác Chi và Tám Chánh Đạo. Ai giữ giới thanh tịnh đọc kinh, hiểu nghĩa đều thấy hệ thống “Abhidhamma – 37 Phẩm Trợ Đạo” này mới thực sự cao siêu vi diệu. Các hệ thống Thánh Pháp này rõ ràng rành mạch và đầy ý nghĩa cụ thể giúp diệt khổ, chứ hoàn toàn không phải là một mớ khái niệm rối rắm, vô giá trị như trong tạng Luận. Ông có biết thủ đoạn “dùng vũ khí người để giết người” của mấy tay gián điệp không?
_ Ờ… mà Phật nói Kinh, đọc khó hiểu quá, xem luận giải dễ hiểu hơn! Chú giải kinh Pháp Cú của ngài Phật Âm đọc hay như tiểu thuyết.
_ Không giữ gìn Thánh Giới cho thanh tịnh, làm sao hiểu được Thánh Pháp? Lại nữa, một ông thầy nói, người nghe không hiểu, phải chờ các ông luận-sư-đệ-tử chú giải thêm mới hiểu. Điều này có hai khả năng xảy ra: một là ông thầy dở hơn luận-đệ-tử, hai là những người nghe quá ngu không hiểu nổi ông thầy. Thử hỏi: Phật và Tổ, ai giỏi hơn? Ai đáng tin hơn?
_ À… thì Phật cao siêu hơn, đáng tin hơn.
_ Như vậy trường hợp thứ nhất đã bị loại trừ. Cứ đem luận ra tuyên truyền, coi chừng là trường hợp thứ hai đó. Nhất là khi luận giải không y cứ chánh Kinh của Phật.
_ Nhưng… lời Phật trong Kinh điển chỉ dành cho kẻ kém cỏi, cạn cợt. Trong ấy Ngài thường dùng những danh từ chế định tục đế như người, loài vật, hữu tình... Còn tạng Luận, mọi pháp đều được chia chẻ rất tỉ mỉ và các chữ trừu tượng như năm uẩn, mười hai xứ được dùng. Như vậy, vì tạng Luận dạy rất đặc biệt, vì phương pháp phân tích rất đặc biệt, nên mới gọi là “Tripitaka” Tam Tạng thánh điển Kinh-Luật-Luận.
_ Ông chê bai chánh pháp không khác gì các Bà-la-môn đương thời Đức Phật. Ông có biết vì sao khi du sĩ ngoại đạo Ajita khoe người bạn của ông ta biết đến năm trăm tâm xứ, Đức Phật đã không thèm trả lời lấy một câu không? Năm trăm tâm xứ của người bạn du sĩ ngoại đạo Ajita khác gì với hàng trăm khái niệm tâm sở, tâm vương… trong tạng “Vi diệu pháp” của các luận sư gốc Bà-la-môn sau này? Ông có hiểu vì sao lối phân tích “chẻ sợi tóc làm tư” bị người trí chê trách không? Ông hãy chứng minh cái “chân đế chia chẻ rất tỉ mỉ” của tạng Luận giúp diệt tham-sân-si, diệt triền cái, diệt kiết sử, diệt dục cụ thể như thế nào? Ông có hiểu…
_ Trời ơi! Ông hỏi nhiều quá, tôi biết đường nào trả lời!
_ Vậy nghe tôi hỏi từng câu: Tứ Diệu Đế là gì?
_ Là Bốn Chân Lý diệu kỳ.
_ Còn gọi là gì?
_ Bốn Thánh Đế.
_ Nghĩa là gì?
_ Là Bốn Chân Lý của Bậc Thánh Nhân!
_ Thế đấy! Chính Đức Phật đã xác chứng Tứ Diệu Đế là Bốn Chân Lý Diệu Kỳ, là Bốn Chân Lý của Bậc Thánh Nhân và Bốn Thánh Chân Lý này được giảng dạy xuyên suốt trong Thánh Kinh. Như vậy Thánh Kinh làm sao là thường pháp, là tục đế, là dành cho kẻ kém cỏi được. Có chăng là vì những kẻ ngu si, dốt nát, giới luật không thanh tịnh mới không hiểu rõ nên mới chê càn nói bậy. Trong kinh điển gốc còn biết bao những pháp thiết thực khác, nhưng vì có người cứ nhắm mắt mê tín theo các luận sư gốc Bà-la-môn gián điệp nên mới không hiểu, đã thế còn quay lại coi thường chánh Kinh, chánh Pháp. Những kẻ như vậy có đáng bị đọa địa ngục không? Liệu tôi còn phải chứng minh gì nữa?
Im lặng hoàn toàn…
Đến đây, người đọc nào tỉnh trí mới biết được câu nói nào của Kinh sư, câu nói nào của Luận sư. Xin dành phần phân định và phán định cho người đọc.
PHÁP LUẬT THỰC HÀNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét