Hỏi: Xin cho biết ý nghĩa của hình tượng Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi và Bồ-tát Địa Tạng cưỡi trên lưng sư tử?
LS LONG XÀ TỬ: Sư tử vốn được ví như chúa sơn lâm. Nó tượng trưng cho sức mạnh vô địch. Tiếng rống của sư tử làm chấn động cả núi rừng khiến các loài thú khác phải run sợ, kinh hồn, khiếp vía. Cho nên Đức Phật đã ví mình như sư tử và khi Ngài vạch rõ sự ấu trĩ, trống rỗng của 62 tà thuyết luận chấp của ngoại đạo, đó là Ngài đã rống tiếng rống sư tử. Sự xuất hiện của Đạo Phật đã xoá đi sự bất bình đẳng về giai cấp, các ông Bà-la-môn đã không còn vị trí thống trị như xưa.
Lại nữa, các Bà-la-môn thường ví mình mạnh mẽ to lớn như voi chúa đứng đầu thiên hạ (chỉ không dám sống trong rừng núi mà thôi), nhưng nghe mấy ông Tỳ-kheo Thanh Văn Nguyên Thủy tụng mấy câu sau đây trong kinh Tăng Chi, tất họ phải run sợ, khiếp đảm, toát mồ hôi hột:
“Này các Tỷ-kheo, các loài thú thuộc loại bàng sanh nghe tiếng rống của con sư tử, vua các loài thú, phần lớn chúng trở thành sợ hãi, run sợ, khiếp đảm. Các loài ở hang tìm vào hang. Các loài ở nước tìm xuống nước. Các loài ở rừng tìm vào rừng. Các loài chim bay lên hư không. Này các Tỷ-kheo, các loài voi chúa ở tại làng, thị trấn hay thành phố, bị trói bởi các dây da cứng chắc, bứt đứt, giật đứt những sợi dây ấy, khiếp đảm cuồng chạy tung cả phân và nước tiểu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là đại thần thông lực của con sư tử, vua các loài thú, đối với các loài bàng sanh, như vậy là đại thế lực, như vậy là đại uy lực” (Chương 4, trang 611).
Do đó, đương thời Đức Phật cũng có không ít những sa-môn, Bà-la-môn ngoại đạo hận thù Đạo Phật nên họ đã không từ một thủ đoạn nào để vu khống, xuyên tạc, phỉ báng, chống phá Tam Bảo. Nhìn vào hiện trạng Phật giáo ngày nay ngay tại thánh địa của đạo Phật cũng có thể thấy rõ được sự khốc liệt đó.
Tuy vậy, tiếng rống chân lý của “Chúa Sơn Lâm” vẫn còn tiếp tục vang xa tới những nơi khác, đến độ muốn hủy diệt nó, các ngoại đạo sư phải dùng mọi cách phá hoại, kể cả việc tạo ra mấy con trùng trong lông sư tử để đục khoét, làm vữa nát chính thịt của sư tử. Cho nên người ta hay nói “sư tử trùng thực sư tử nhục” là vậy.
Biết rõ điều đó nên hàng trăm năm sau khi Phật nhập diệt, các tổ sư gốc Bà-la-môn như các ngài Đại Thiên, Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước, Phật Âm… đều hiền lành như nai tơ, mới nghe đến chữ “Phật” thôi là các ngài đã sợ khiếp vía và quy y theo Phật giáo dễ dàng. Các ngài ra sức chạy theo tiếng rống của sư tử và cứu nguy bằng cách phân chia Phật giáo thành nhiều tông phái khác nhau cho đa phương, đa diện.
Không những thế, nhờ các ngài đã kết tập được các kinh văn mới còn cao siêu hơn các kinh điển gốc, nên các ngài mới nỗ lực cổ xuý cho các pháp cải biến. Nhờ vậy, chúng ta mới có được mấy bộ luận vĩ-đại-thừa to lớn đến như thế. Mô Phật! Thật là đại phước, đại hạnh, đại may mắn cho những người tin theo.
Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi và Bồ-tát Địa Tạng hiện thân trong kinh điển cao siêu ấy phải có sức mạnh thần sầu quỷ khóc, dám ngồi cả trên lưng sư tử (hay lân sư tử cũng thế); có như vậy mới thị hiện được uy lực tối thượng, mới ra vô địa ngục, mới trấn quỷ trừ tà được chứ. Đến chúng tôi tu hành lâu năm còn phải sợ hãi, cúc cung bái lạy, huống hồ bọn đầu trâu mặt ngựa trên dương trần lẫn dưới âm phủ. Nói tóm lại, đó là biểu tượng siêu sức mạnh đáng kính ngưỡng của các ngài Bồ-tát Đại Thừa.
Nam Mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Cùng Địa Tạng Vương Bồ-tát Ma Ha Tát.
TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG: Nam Mô Con Ngựa Thành Troy Ngầm Phá Phật Pháp Mà Không Biết Ma Hay Thánh!
TẬP SAN HỌC PHẬT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét