Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

A LA HÁN LÀ AI? BỒ TÁT LÀ AI?

Hỏi: Trong truyền thống Đại Thừa hình tượng của các A-la-hán rất cổ quái kỳ dị; ngược lại các Bồ-tát ai nấy đều xinh đẹp ưa nhìn, thậm chí Bụt Di Lặc còn vô tư thoải mái đến độ phanh ngực, hở bụng, lòi rốn. Tại sao có sự tương phản như vậy?
Luận Sư LONG XÀ TỬ trả lời: Thật vô cùng dễ hiểu. Phàm ở đời, ai mà chẳng thích đẹp đẽ, ghét xấu xí; thích tự do, ghét lề luật gò bó. Tinh thần Đại Thừa được các tổ sư gốc Bà-la-môn xiển dương phải khác biệt hẳn với truyền thống cũ. Sự khác biệt đó nếu biết xuôi theo thị hiếu của người đời mới dễ dàng được chấp nhận và phát triển. Cứ vẽ các A-la-hán với các căn trong sáng, tướng mạo oai nghi, phong thái ung dung như trong kinh Nguyên thuỷ Tiểu Thừa mô tả, không khéo Phật tử Đại Thừa tu theo họ hết thì nguy. Còn gì là cỗ xe to lớn cải biến?
Nhưng tôi nói trước, cứ vặn vẹo nhau vẻ đẹp xấu bên ngoài, hẳn sẽ bị các thiền sư gọi là chấp tướng đấy nhé. Các ngài đã chủ trương không chấp dung sắc từ lâu rồi. Ngay cả những bậc pháp khí Đại Thừa mới bước chân vào chốn thiền môn cũng đã ngộ được diệu lý thượng thừa này. Có lần tôi nghe hai chú tiểu con cà khịa với nhau thế này:
Tiểu A trách: “Sao tổ Bồ Đề Đạt Ma đã xuất gia còn để râu tóc bờm xơm?”
Tiểu B quát: “Cậu chấp tướng!”
Tiểu A vặn: “Tổ không chấp tướng, sao còn chấp áo quần? Không bản thể tồng ngồng luôn cho trọn?”
Tiểu B nạt: “Tổ không chấp râu tóc, nhưng còn chấp áo quần là may đấy. Có “giáo ngoại biệt truyền” còn lõa thể nữa kia. Này, cậu dám thách mình phá chấp không hả?”
Tiểu B vừa hét vừa đưa tay nắm lấy lưng quần đe dọa. Tiểu A sợ xanh mắt, ôm mặt quay lưng chạy thục mạng, không dám hồi đầu thị… bạn. Chuyện kể cứ như đùa, nghe vui hỉ. Pháp khí thượng thừa có khác!
Cho nên cứ ganh tỵ hỏi tới hỏi lui chuyện sắc tướng, không khéo các nhà phá chấp lại như chú tiểu B, cải tiến Phật giáo phát triển thêm một bước nữa, biến tất cả thành “bản lai” trống trải từ trên xuống dưới thì khốn. Lúc ấy xem ai xấu hổ cho biết!
Cũng chuyện chấp tướng, Đức Phật hóa thân của kinh Tiểu Thừa quá nghiêm trang, khắc kỷ đến độ làm nhiều người phải sợ hãi khiếp phục. Ngang ngạnh như vua A Xà Thế khi đến gần tịnh xá của Phật còn phải hoảng vía, lông tóc dựng ngược. Uy vũ như vua Pasenadi còn phải cung kính, quỳ mọp sát đất để được hôn chân Ngài. Các chư Thiên cho đến cả Đại Phạm thiên cũng chẳng ai dám ngồi trước mặt Ngài. 
Nghiêm quá đến độ Tỳ-Kheo cười hở răng như ngài Di Lặc cũng bị Phật chê là còn “trẻ con trong giới luật bậc Thánh”. Cứ trang nghiêm như thế thời tinh thần tự do, phóng khoáng, an nhiên tự tại phải bị diệt mất chứ còn gì nữa.
Có lẽ các luận sư gốc Bà-la-môn sau này cũng bị sợ hãi như vậy, nên các ngài đã giới thiệu Bụt Di Lặc tương lai cho các con Phật với một hình ảnh hoàn toàn khác. Bụt Di Lặc của Đại Thừa giáo thoải mái, dung dị, bình dân đến độ bọn con nít lục tặc xem ngài như búp bê. Đứa móc mắt, đứa ngoáy tai, đứa chọc rốn. Có đứa còn leo cả lên đầu lên cổ ngài, thản nhiên đùa vui thích thú. Vậy mà ngài vẫn cười toe toét y như mấy anh hề, vui thiệt là vui! Chẳng thế có người tưởng ngài là ông Địa, hạ xuống dưới đất, nhét trong góc nhà, vô tư cho hút thuốc lá cũng chẳng sao. Đúng là hiền như Bụt!
Cái sự tự do, vui tươi, phóng khoáng của ngài Di Lặc quả thực tuyệt vời hết chỗ chê. Hãy thử hình dung hội Long Hoa tương lai, khi tất cả mọi người từ đấng giáo chủ cho đến tăng, ni, sa di, sa di ni, nam nữ cư sĩ đều không chấp chước vào sự gò bó xiêm y, tất cả đều bắt chước sự hồn nhiên thoải mái như Bụt Di Lặc, lúc ấy thật tự tại vô ngại biết bao là tình. Không khéo mọi người vì thấy được những điều “siêu tự nhiên” vui nhộn hấp dẫn mà theo Phật giáo hết không chừng.
Sự tương phản đó là tốt hay xấu? Thắng hay liệt? Nên hay không nên?
Tóm lại, từ hình ảnh Đức Phật Thích Ca trang nghiêm, thiêng liêng đến hình tượng Bụt Di Lặc bình dân, phồn thực chẳng khác nào một anh hề vui nhộn, là một đóng góp đáng kể của các luận sư gốc Bà-la-môn Đại Thừa phát triển. Chúng ta phải mang ơn các ngài.
TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNGMô Phật! Hết ý kiến!
TẬP SAN HỌC PHẬT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét