Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

KINH NIKAYA DẠY CÁCH DIỆT VỌNG TƯỞNG


Các con cháu Thiền gia nếu cứ “buông” hoài nhưng vẫn không sao hết "vọng", cứ “trực chỉ chân tâm” hoài, vẫn không “kiến tánh thành Bụt”; đó là do họ đã “giáo ngoại biệt truyền, không cần văn tự”, không theo đúng lời dạy của chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong kinh Nguyên thủy Nikaya.

Thật vậy, trong bài kinh Đế Thích Sở Vấn, số 21, Trường Bộ 2, Thiên chủ Bakka đã hỏi Đức Thế Tôn về vấn đề này và đã được Bậc Thầy Trời Người giải thích đầy đủ:

“- Bạch Thế Tôn, vị Tỷ Kheo phải chứng đạt như thế nào? Phải thành tựu con đường nào thích hợp và hướng dẫn diệt trừ các loại vọng tưởng hý luận?

- Này Thiên chủ, Ta nói hỷ có hai loại, một loại phải thân cận, một loại phải tránh xa. Này Thiên chủ, Ta nói ưu cũng có hai loại, một loại phải thân cận, một loại phải tránh xa. Này Thiên chủ, Ta nói xả cũng có hai loại, một loại phải thân cận, một loại phải tránh xa.

** Này Thiên chủ, Ta nói hỷ có hai loại, một loại phải thân cận, một loại phải tránh xa. Lời tuyên bố là như vậy. Do nhân duyên gì tuyên bố như vậy?

Ở đây, loại hỷ nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với hỷ này, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm", thời hỷ ấy cần phải tránh xa.

Ở đây loại hỷ nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với hỷ này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng", thời hỷ ấy nên thân cận.

Ở đây, có hỷ câu hữu với tầm, câu hữu với tứ; có hỷ không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ. Các loại hỷ không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ thì thù thắng hơn.

Này Thiên chủ, Ta nói hỷ có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Sở dĩ có lời tuyên bố như vậy là do nhân duyên như vậy.

** Này Thiên chủ, Ta nói ưu cũng có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Lời tuyên bố là như vậy. Do nhân duyên gì, tuyên bố như vậy?

Ở đây, loại ưu nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với ưu này, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm", thời ưu ấy cần phải tránh xa.

Ở đây, loại ưu nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với ưu này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng", thời ưu ấy nên thân cận.

Ở đây, có ưu câu hữu với tầm, câu hữu với tứ; có ưu không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ. Các loại ưu không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ thì thù thắng hơn.

Này Thiên chủ, Ta nói ưu là hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Sở dĩ có lời tuyên bố như vậy, là do nhân duyên như vậy.

** Này Thiên chủ, Ta nói xả cũng có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Lời tuyên bố là như vậy. Do nhân duyên gì, tuyên bố như vậy?

Ở đây, loại xả nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với xả này, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm", thời xả ấy cần phải tránh xa.

Ở đây, loại xả nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với xả này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng", thời xả ấy nên thân cận.

Ở đây, có xả câu hữu với tầm, câu hữu với tứ; có xả không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ. Các loại xả không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ thì thù thắng hơn.

Này Thiên chủ, Ta nói rằng xả có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Sở dĩ có lời tuyên bố như vậy là do nhân duyên như vậy.

Này Thiên chủ, vị Tỷ Kheo phải chứng đạt như vậy, phải thành tựu con đường như vậy, mới thích hợp và hướng dẫn đến sự diệt trừ các vọng tưởng hý luận.

Ðó là hình thức câu trả lời Thế Tôn cho câu hỏi Thiên chủ Sakka…” (hết trích)
Các con cháu Thiền gia “giáo ngoại biệt truyền” có nghe rõ chưa? Có hiểu gì không?
Rõ ràng theo lời dạy trên, vị tu sĩ muốn chứng đạt, muốn thành tựu con đường diệt trừ vọng tưởng, trước hết cần phải hiểu và phân biệt rõ: hỷ, ưu và xả có hai loại, một loại nên thân cận và một loại phải tránh xa.
Có những vọng tưởng có hỷ, có những vọng tưởng có ưu; vì vậy vọng tưởng cũng có hai loại: một loại nên thân cận và một loại phải tránh xa, phải diệt trừ. Cụ thể hơn: những vọng tưởng có hỷ hoặc vọng tưởng có ưu nào có hại, như dục tưởng, sân tưởng, hại tưởng… (tức khiến bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm) những vọng tưởng hỷ và vọng tưởng ưu ấy không những phải tránh xa, mà còn phải dùng những vọng tưởng thuộc thiện pháp, có lợi để diệt trừ mới hết được. Ví dụ dùng tưởng vô dục diệt tưởng dục, dùng tưởng vô sân diệt tưởng sân, dùng tưởng vô hại diệt hại tưởng…
Do vậy, những vọng tưởng có hỷ hoặc vọng tưởng có ưu nào có lợi, như tưởng bất tịnh, tưởng vô thường, tưởng vô tham, vô sân, vô si… (tức khiến bất thiện pháp thối giảm, thiện pháp tăng trưởng) những vọng tưởng hỷ - vọng tưởng ưu ấy nên thân cận, nên gần gũi, nên tăng trưởng lớn mạnh để đủ sức diệt các tưởng bất thiện, có vậy tâm mới thanh tịnh nhập Thánh Định được.
Nói chung, có những vọng tưởng có hại nên cần phải tránh xa, nhưng cũng có những vọng tưởng có lợi nên cần phải thân cận. Chứ không phải như những kẻ hậu sinh ngoại giáo đã lầm tưởng tất cả “mọi vọng tưởng đều buông” một cách phiến diện, hời hợt, vô suy vô nghĩ.
Tương tự, xả cũng có hai loại: có loại xả nên thân cận, có loại xả phải tránh xa.
Loại xả nào nên thân cận? Đó là những loại xả khi thực hành đem lại lợi ích giải thoát, giúp đoạn trừ phiền não lậu hoặc, tức là làm thiện pháp tăng trưởng, bất thiện pháp suy giảm. Ví dụ như pháp Xả trong Tứ Vô Lượng Tâm: Từ-Bi-Hỷ-Xả; hoặc Xả của Tam Thiền: “Ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm được sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “xả niệm lạc trú”, chứng và trú Thiền Thứ Ba; hoặc Xả của Tứ Thiền: “Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền Thứ Tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịn”, hoặc Xả của Xả Giác Chi trong Bảy Giác Chi…
Ngược lại có loại xả không có lợi mà còn có hại, không giúp giải thoát thực sự. Đó là những phương pháp xả thuộc tà pháp, tà định, tà đạo, không dựa trên chánh đạo, chánh tri kiến. Vì các phương pháp xả này khiến bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm, không giúp đoạn trừ phiền não thực sự và giải thoát đích thực cho nên phải tránh xa. Ví như các kiểu xả bỏ mọi y áo, sống lõa thể của các Ni-kiền-tử thời Đức Phật; hoặc lối xả bỏ mọi vọng tưởng của các con cháu Thiền gia theo kiểu cứ “thấy vọng liền buông”.
Do vậy người khôn ngoan phải biết phân biệt một cách có trí tuệ như lời Phật dạy trong kinh tạng Nikaya thì mới diệt vọng tưởng một cách đúng pháp, nhờ vậy mới thấy thực sự “Pháp thiết thực hiện tại, không có thời gian”, giải thoát ngay liền.
Tu theo tà đạo, tà pháp, tà thiền, tà định mà cứ tưởng chánh đạo, chánh pháp, chánh thiền, chánh định cho nên tu hoài mà vẫn “vô chứng, vô đắc” là vì vậy. Còn nếu “có chứng, có đắc”, thì mâu thuẫn với Bát nhã Tâm kinh, và cũng chỉ là sự lừa bịp đúng như ngài Thường Chiếu đã lên án: “Một con chó sủa, một bầy chó sủa hùa” mà thôi!
******************
Pháp Trích Lục
Một số bài kinh được trích lược sau đây chứng minh Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni trong lúc thiền tịnh độc cư Ngài không những không thấy mọi vọng tưởng đều buông như Thiền Tông ‘chỉ dại’, trái lại Ngài còn chấp nhận những tư tưởng thuộc Chánh Pháp và sau đó đem dạy lại các đệ tử.

] Trích kinh Khổ Hạnh Và Nghiệp (S.i,103)

1) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Uruvelà bên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Ajapàla Nigrodha, khi Ngài vừa giác ngộ.

2) Rồi Thế Tôn trong khi Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên"Thật sự Ta được giải thoát khỏi khổ hạnh ấy. Tốt lành thay, thật sự Ta được giải thoát khỏi khổ hạnh không liên hệ đến lợi ích ấy! Tốt lành thay, Ta kiên trì, chánh niệm, chứng đạt Bồ-đề!"…

] Trích kinh Thống Trị (S.i,116)

1) Một thời Thế Tôn ở Kosala, dưới chân núi Tuyết Sơn, tại một am thất nhỏ trong rừng.

2) Trong khi Thế Tôn thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên"Có thể chăng cai trị mà không giết hại, không để người giết hại; không chinh phục, không khiến người chinh phục; không sầu muộn, không khiến người sầu muộn một cách đúng pháp?"…

] Trích kinh Thỉnh Cầu (S.i.136)

1) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Uruvelà trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Ajapàla Nigrodha, khi Ngài mới thành đạo.

2) Rồi Thế Tôn, trong khi Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên:

3) "Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người có trí mới cảm nhận! Còn quần chúng này ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó thấy định lý này, tức là y duyên tánh duyên khởi pháp. Thật khó thấy định lý này, tức là tất cả hành là tịch tịnh, tất cả sanh y được từ bỏ, ái tận, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết Pháp mà các người khác không hiểu Ta, như vậy thật mệt mỏi cho Ta, như vậy thật bực phiền cho Ta."…

] Trích kinh Cung Kính [kế tiếp kinh Thỉnh Cầu (S.i,136)]

1) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở tại Uruvelà trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Ajapàla Nigrodha, khi Ngài mới thành đạo.

2) Và Thế Tôn trong khi Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên"Thật là khó khăn, sống không có cung kính, không có vâng lời. Vậy Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào một Sa-môn hay Bà-la-môn"

] Trích kinh Tại Uruvelà (1), số 21, Tăng Chi 4 Pháp, III. Phẩm Uruvelà

“… Thế Tôn nói như sau:

- Một thời, này các Tỷ-kheo, Ta trú ở Uruvelà trên bờ sông Neranjarà, dưới cây bàng ajapàla, khi mới thành Chánh giácTrong khi Ta Thiền tịnh độc cư, này các Tỷ-kheo, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Thật là khó khăn, sống không cung kính, không vâng lời, vậy Ta hãy cung kính, đảnh lễ và sống y chỉ vào một vị Sa-môn hay Bà-la-môn"… 
… Nhưng Ta không thấy một chỗ nào trong thế giới chư Thiên, Ác ma và Phạm thiên, giữa quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên hay loài Người, không có một vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác với Giới đầy đủ hơn Ta… với Định đầy đủ hơn Ta … với Tuệ đầy đủ hơn Ta … với giải thoát đầy đủ hơn Ta, mà Ta có thể sống cung kính, đảnh lễ, sống y chỉ.

Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: "Với Pháp này mà Ta đã chơn chánh giác ngộ, Ta hãy cung kính đảnh lễ và sống y chỉ Pháp ấy"

{ Thừa tự Pháp trích lục:

Những ai mang danh đệ tử Phật nhưng không biết lời Phật Thích Ca, không tu theo lời Phật Thích Ca, trái lại tin và thực hành theo ông Tổ ngoại lai “giáo ngoại biệt truyền” dù họ có tu vạn kiếp ‘tri vọng, thấy vọng liền buông’ cũng chẳng bao giờ ‘kiến tánh thành Bụt’. Có chăng họ chỉ thành được Bụt tưởng, Bụt dởm, Bụt giả mà thôi! Nguy hiểm hơn, như lời Phật dạy: kẻ mang tà kiến chỉ có hai sanh thú: địa ngục hoặc bàng sanh! Mọi người phải tránh xa tà kiến ngoại lai, có vậy mới tránh khỏi khổ đau vì vô minh lầm chấp.

Rõ ràng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong lúc thiền tịnh độc cư, Ngài có những vọng tưởng không những không diệt trừ mà còn phát triển đem dạy lại chúng Tăng. Xuyên suốt kinh tạng gốc Nikaya, Đức Thế Tôn luôn dạy các Tỳ-kheo biết xả những vọng tưởng đáng xả, biết diệt trừ những vọng tưởng đáng diệt trừ; đồng thời phải biết tăng trưởng những vọng tưởng đáng tăng trưởng, biết an trú những vọng tưởng đáng an trú đúng đối tượng, đúng thời, đúng pháp.

Rõ ràng chỉ có những kẻ “tưởng chứng mà không chứng, tưởng đắc mà không đắc” mới nhắm mắt trực chỉ tâm đen, xả ly tất cả, bất chấp cả những pháp không nên xả, không được xả.

Một người trí chỉ cần suy tư bấy nhiêu cũng đủ biết đâu là thắng, đâu là liệt; đâu là chánh, đâu là tà; đâu là chân, đâu là ngụy; đâu là thực giải thoát, đâu là giả giải thoát.
Đã đến lúc những gì không phải của Đạo Phật phải bị nhận diện và đào thải. Những gì thực sự của Đạo Phật phải được xương minh trân quý. Có vậy Phật Pháp mới còn nguyên giá trị giúp diệt khổ, cứu khổ; giải thoát ngay liền.

_____________
Trích lục Kinh theo bản dịch của HT Minh Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét