Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018

THẾ NÀO LÀ CHÁNH THIỀN, CHÁNH ĐỊNH CỦA PHẬT? TÀ THIỀN, TÀ ĐỊNH CỦA ÁC MA???

Ai hiểu ý nghĩa bài kinh dưới đây sẽ trả lời được câu hỏi trên
Bài kinh "SANDHA", số 10, Tăng Chi tập 4, Chương 11, I. Phẩm Y Chỉ
"1. Một thời Thế Tôn trú ở Nàtika, tại ngôi nhà có lợp ngói. Rồi Tôn giả Sandha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Sandha đang ngồi một bên:
2. Này Sandha, hãy tu Thiền với sự Thiền định của con ngựa thuần thục, chớ có với Thiền định của con ngựa chưa thuần thục.
Và này Sandha, thế nào là Thiền định của con ngựa chưa thuần thục?
3. Con ngựa chưa thuần thục, khi bị cột vào máng ăn, liền Thiền tư: "Cỏ ăn, cỏ ăn". Vì sao? Này Sandha, con ngựa chưa thuần thục, khi bị cột vào máng ăn, không có nghĩ như sau: "Không biết hôm nay, người đánh xe điều phục ngựa sẽ bảo ta làm việc gì? Nay ta có thể làm gì để báo đáp?". Con ngựa bị cột vào máng ăn, chỉ Thiền tư: "Cỏ ăn, cỏ ăn! "
Cũng vậy, này Sandha, ở đây có hạng người chưa được thuần thục, khi đi đến ngôi rừng, hay khi đi đến gốc cây, hay khi đi đến ngôi nhà trống, trú với tâm bị dục tham ám ảnh, bị dục tham chi phối, không như thật rõ biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên. Người ấy tàng trữ dục tham vào trong, rồi Thiền tư, Thiền lự, Thiền liên tục, Thiền quán,
Vị ấy trú với tâm bị sân ám ảnh, bị sân chi phối... trú với tâm bị hôn trầm thụy miên ám ảnh, bị hôn trầm thụy miên chi phối... trú với tâm bị trạo hối ám ảnh, bị trạo hối chi phối... trú với tâm bị nghi hoặc ám ảnh, bị nghi hoặc chi phối, không như thật rõ biết sự xuất ly ra khỏi nghi hoặc đã khởi lên. Người ấy tàng trữ nghi hoặc vào trong, rồi Thiền tư, Thiền lự, Thiền liên tục, Thiền quán.
Người ấy Thiền tư, y chỉ vào đất, Thiền tư y chỉ vào nước, Thiền tư y chỉ vào lửa, Thiền tư y chỉ vào gió,
Thiền tư y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ,
Thiền tư y chỉ vào đời này, Thiền tư y chỉ vào đời sau, phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy tư, đều ý chỉ vào đấy người ấy Thiền tư. Như vậy, này Sandha là người Thiền tư không thuần thục.
4. Và này Sandha, như thế nào là Thiền tư như con ngựa thuần thục?
Con ngựa hiền lương, này Sandha, con ngựa được thuần thục, khi bị cột vào máng ăn, không có Thiền tư: "Cỏ ăn, cỏ ăn!" Vì sao? Này Sandha, con ngựa đã thuần thục, khi bị cột vào máng ăn, suy nghĩ như sau: "Không biết hôm nay, người đánh xe điều phục ngựa sẽ bảo ta làm việc gì? Nay ta có thể làm gì để báo đáp? "
Con ngựa bị cột vào máng ăn, không có Thiền tư: "Cỏ ăn, cỏ ăn! " Con ngựa hiền lương, này Sandha, được thuần thục, nhìn sự áp dụng cây gậy thúc ngựa hiền lương như là món nợ, như là trói buộc, như là một thiệt hại, như là một điềm xấu.
Cũng vậy, này Sandha, con người hiền thiện, thuần thục, khi đi đến khu rừng, khi đi đến gốc cây, khi đi đến ngôi nhà trống, trú với tâm không bị dục tham ám ảnh, không bị dục tham chinh phục, như thật quán tri sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên.
Vị ấy an trú với tâm không bị sân ám ảnh... Vị ấy an trú với tâm không bị si ám ảnh... Vị ấy an trú với tâm không bị hôn trầm thụy miên ám ảnh... Vị ấy an trú với tâm không bị trạo hối ám ảnh... Vị ấy an trú với tâm không bị nghi hoặc ám ảnh, không bị nghi hoặc chinh phục, như thật rõ biết sự xuất ly ra khỏi nghi hoặc đã khởi lên.
Vị ấy Thiền tư không y chỉ vào đất, Thiền tư không y chỉ vào nước, Thiền tư không y chỉ vào lửa, Thiền tư không y chỉ vào gió,
Thiền tư không y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư không y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ,
Thiền tư không y chỉ vào thế giới này, Thiền tư không y chỉ vào thế giới sau, phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy tư, Thiền tư không y chỉ vào cái ấy.
Tuy vậy, vị ấy vẫn có Thiền tưLại nữa, này Sandha, với vị ấy Thiền tư như vậy, chư Thiên với Thiên chủ, các Phạm thiên với chúng Phạm thiên, dầu từ xa, đảnh lễ con người hiền thiện thuần thục:
Chúng tôi đảnh lễ Ngài,
Con người hiền, thuần thục,
Chúng tôi đảnh lễ Ngài,
Con người bậc Thượng thủ,
Y chỉ gì Ngài Thiền,
Chúng tôi không được biết.
5. Khi nghe nói như vậy, Tôn giả Sandha bạch Thế Tôn:
- Thiền tư như thế nào, bạch Thế Tôn là con người hiền thiện thuần thục Thiền tư? Vị ấy Thiền tư không y chỉ vào đất, Thiền tư không y chỉ vào nước, Thiền tư không y chỉ vào lửa, Thiền tư không y chỉ vào gió,
Thiền tư không y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư không y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ,
Thiền tư không y chỉ vào thế giới này, Thiền tư không y chỉ vào thế giới sau, và phàm cái gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được tầm cầu, được đạt đến, được ý suy tư, vị ấy Thiền tư, không y chỉ vào cái ấy.
Tuy vậy vị ấy vẫn thiền tư. Thiền tư như thế nào, bạch Thế Tôn là con người hiền thiện thuần thục, khiến chư Thiên với Thiên chủ, các Phạm thiên với chúng Phạm thiên dầu từ xa, đảnh lễ con người hiền thiện thuần thục:
Chúng tôi đảnh lễ Ngài,
Con người hiền, thuần thục,
Chúng tôi đảnh lễ Ngài,
Con người bậc Thượng thủ,
Y chỉ gì Ngài Thiền,
Chúng tôi không được biết?
6. Ở đây này Sandha, với con người hiền thiện thuần thục, tưởng đất trong đất được sáng tỏ, tưởng nước trong nước được sáng tỏ, tưởng gió trong gió được sáng tỏ, tưởng lửa trong lửa được sáng tỏ,
tưởng Không vô biên xứ trong Không vô biên xứ được sáng tỏ, tưởng Thức vô biên xứ trong Thức vô biên xứ được sáng tỏ, tưởng Vô sở hữu xứ trong Thức vô sở hữu xứ được sáng tỏ, tưởng Phi tưởng phi phi tưởng xứ trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ được sáng tỏ,
tưởng thế giới này trong thế giới này được sáng tỏ, tưởng thế giới sau trong thế giới sau được sáng tỏ, phàm cái gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được tầm cầu, được đạt đến, được ý suy tư, tưởng ấy được sáng tỏ.
Thiền tư như vậy, này Sandha là người đã hiền thiện thuần thục, vị ấy Thiền tư không y chỉ vào đất, Thiền tư không y chỉ vào nước, Thiền tư không y chỉ vào lửa, Thiền tư không y chỉ vào gió,
Thiền tư không y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư không y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ,
Thiền tư không y chỉ vào thế giới này, Thiền tư không y chỉ vào thế giới sau.
Phàm cái gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được ý suy tư, Thiền tư không y chỉ vào cái ấy. Tuy vậy vẫn có Thiền tư.
Do Thiền tư như vậy, này Sandha, là con người hiền thiện thuần thục, khiến chư Thiên với Thiên chủ, các Phạm thiên với chúng Phạm thiên dầu từ xa, đảnh lễ con người hiền thiện thuần thục:
Chúng tôi đảnh lễ Ngài,
Con người hiền, thuần thục,
Chúng tôi đảnh lễ Ngài,
Con người bậc Thượng thủ,
Y chỉ gì Ngài Thiền,
Chúng tôi không được biết." <Hết trích>
Ghi chú:
Theo bài kinh trên, mọi người hãy quan sát tất cả các tông phái ‘Phật giáo’ hiện nay xem có phải tất cả chỉ biết hè nhau hành thiền là gom tâm, ức chế tâm theo kiểu: thấy mọi vọng tưởng đều buông, hoặc ‘phồng xẹp, giở bước đạp’, hoặc ‘Budho thở vô... Budho thở ra...’, hoặc leo lẻo ‘Á mi tù phù, Á mi tù phù’, hoặc niệm chú ‘Yết đế, yết đế... Úm ma ni...’ v.v...
Tất cả tu tập trong khi vẫn còn ôm giữ một đống dục tham, sân hận, hôn trầm thuỳ miên, trạo cử hối quá, nghi hoặc, ngã mạn, ái kiết sử... vì không có phái nào biết cách nào đoạn trừ chúng. Tất cả đều như những con ngựa không thuần thục, chỉ biết cắm đầu cắm cổ vào những ‘máng ăn’ tà thiền, tà định của mình, và bỏ quên những lời dạy thực sự minh triết của Đức Phật trong chánh kinh Nikaya.
Để không trở thành những con ngựa hoang không thuần thục, mọi người phải hiểu rõ: Thế nào là tưởng đất trong đất, tưởng nước trong nước, tưởng gió trong gió, tưởng lửa trong lửa? Quán tưởng như vậy được sáng tỏ điều gì? Và vì sao như vậy là con người hiền thiện thuần thục?
Như được biết cũng theo Kinh văn NIKAYA, Phật dạy thân người là do bốn đại hợp thành, cũng có đất, nước, lửa, gió; và gọi chung là nội giới, bao gồm nội địa giới, nội thủy giới, nội hỏa giới và nội phong giới. 

Thế giới bên ngoài cũng có bốn đại và gọi chung là ngoại giới, bao gồm: ngoại địa giới, ngoại thủy giới, ngoại hỏa giới và ngoại phong giới.

Thân bốn đại của mỗi người sống trong môi trường có bốn đại của ngoại giới, điều này có nghĩa người hành thiền phải biết quán tưởng thân bốn đại của mình trong bốn đại của thế giới

Hay nói khác đi phải biết quán “tưởng đất (nội địa giới) trong đất (ngoại địa giới)tưởng nước (nội thủy giới) trong nước (ngoại thủy giới)tưởng gió (nội phong giới) trong gió (ngoại phong giới)tưởng lửa (nội hỏa giới) trong lửa (ngoại hỏa giới)”.

Quán tưởng như vậy để thấy điều gì? Thấy rằng bốn đại của ngoại giới vĩ đại, to lớn đến như thế còn phải vô thường biến hoại, huống hồ bốn đại mỏng manh của thân này: 

Chư Hiền, tánh vô thường của ngoại địa giới… thủy giới… hỏa giới… phong giới xưa ấy có thể nêu rõ; tánh hủy hoại có thể nêu rõ; tánh đoạn diệt có thể nêu rõ; tánh biến dịch có thể nêu rõ. Như vậy còn nói gì đến thân thể yểu thọ do khát ái chấp thủ này? Ở đây không có gì để có thể nói là tôi, là của tôi, hay tôi là (Trích Đại kinh Dụ Dấu Chân Voi, số 28, Trung Bộ 1). Đây chính là điều cần phải sáng tỏ.

Nhờ liễu tri được điều sáng tỏ này nên không chấp thủ thân năm uẩn là ta, là của ta, là tự ngã nơi ta. Nhờ không chấp thủ thân năm uẩn nên tránh được khổ đau, từng bước đạt đến giải thoát an vui Niết Bàn. 

Rõ ràng chánh thiền ‘được sáng tỏ’ càng thêm sáng tỏ, chánh định thiết thực hiện tại càng thêm thiết thực hiện tại. Chứ không phải ngồi lom lom nhìn cục đất, giọt nước, đốm lửa, ngọn gió, hơi thở, tri vọng, phồng xẹp... để rồi rơi vào tà thiền tà định như các tà sư ‘chỉ dại’.

Tất nhiên ý nghĩa của bài kinh trên không chỉ có bấy nhiêu, nhưng hiểu bấy nhiêu thôi cũng giúp ích rất nhiều rồi. Chỉ có điều Chánh Pháp chỉ có người trí mới tự mình giác hiểu, ngay cả đến Phạm thiên, vua trời tối cao của mấy ông Bà-la-môn còn không hiểu thấu, huống hồ đám con cháu Bà-la-môn giáo. 

Cho nên sau này đám luận sư gốc Bà-la-môn mới ra sức xuyên tạc, hủy báng Chánh Thiền Chánh Định của Đức Thế Tôn bằng những tà pháp lai Bà-la-môn như niệm chú, niệm tên, thiền thấy vọng, thiền công án; thậm chí cái gì cũng là thiền: thiền lười, thiền ôm, thiền ấp, thiền chữ, thiền hoa, thiền trà…
Dù thực chất các ngoại pháp này biến thái cải trang hư ngụy nhưng lại được tô vẽ bằng những danh từ rất kêu theo kiểu “Như Lai thiền”, “thiền tối thượng”, “tánh không”, “không tướng”, “không pháp”, đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú” v.v.. và v.v…
Kết quả là những chú sư tử con yếu hèn lêu lổng chỉ còn biết một chiều tôn vinh pháp ngoại lai của các tổ sư gốc Bà-la-môn gián điệp và quay lưng coi thường Chánh Pháp, Chánh Luật, Chánh Thiền, Chánh Định của Bậc Đạo Sư Thích Ca Mâu Ni.
Một lần nữa lời dạy của Đức Thế Tôn lại được thêm minh chứng “Ở đây, khi nào các người ngu có mặt, chính họ làm Diệu Pháp biến mất”(S.ii,223).
BUDDHISM MAGAZINE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét