Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018

PHÂN BIỆT THÁNH CHÂN LÝ VÀ NGỤY 'CHÂN LÝ'

Phân tích so sánh
Chánh Kinh "Phân Biệt Về Sự Thật" (số 141, Trung Bộ Pali) Tà kinh "Phân Thánh Đế" (số 31, Trung A Hàm)
Chánh kinh Pāli: “Này chư Hiền, thế nào là Chánh Tư Duy? Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại. Này chư Hiền, như vậy gọi là Chánh Tư Duy.”
Tà kinh A Hàm: “Này chư Hiền, thế nào là Chánh Tư Duy? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó là sự tư sát, tư sát toàn diện, tùy thuận tư sát, điều nào nên niệm thì niệm, điều nào nên hy vọng thì hy vọng. Đó là Chánh Tư Duy.”
Phân tích: Ngay tựa đề Tà kinh A-hàm số 31 đã là một kiểu chơi chữ ma mãnh! Nhưng không phải chỉ có một tựa đề này đâu, nhiều bài kinh khác cũng vậy, hãy chú ý sẽ thấy rõ.
Ở đây, định nghĩa về Chánh Tư Duy trong kinh nào dễ hiểu và cụ thể hơn? Hẳn là định nghĩa trong kinh Phân Biệt Về Sự Thật rõ ràng hơn.
Trong khi Kinh Nhất Dạ Hiền Pāli dạy “quá khứ không truy tìm”, nhưng kinh Phân Thánh Đế A Hàm lại phán “quán sát về sự tạo tác trước kia của mình” là sao? Ai quán sát được sự tạo tác trước kia của mình như thế nào và bằng cách nào xin lên tiếng! Nếu không, có kẻ đầy tà dục đệ tử của tà dịch sư lại luận bàn tà vạy đó là chuyện “âm dương tạo tác” thì nguy!
Chỉ bằng tư duy mà “thấy Niết-bàn là tịch tĩnh” có phải là suy niệm của chủ quan và ảo tưởng không?
***
Chánh kinh Pāli: “Này chư Hiền, và thế nào là Chánh Tinh Tấn?
Này chư Hiền, ở đây Tỷ-kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.
Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.
Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.
Ðối với các thiện pháp đã sanh khởi, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.
 Này chư Hiền, như vậy gọi là Chánh Tinh Tấn.”
Tà kinh A Hàm: “Này chư Hiền, thế nào là Chánh Tinh Tấn?
Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó, nếu có phương tiện tinh tấn thì quả quyết, tinh cần để mong cầu, có khả năng để thú hướng, chuyên chú không xả bỏ, cũng không suy thối, quyết định hàng phục tâm mình.
Đó là Chánh Tinh Tấn”
Phân tích: Theo Chánh kinh Pāli, Chánh Tinh Tấn là Tứ Chánh Cần tức bốn điều chân chánh cần tinh tấn thực hiện. Nói cho gọn, đó là: ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện. Thật rõ ràng, minh bạch và cụ thể.
Trái lại Tà kinh A-hàm không phân định rõ Chánh Tư Duy và Chánh Tinh Tấn khi lập đi lập lại những điều vô lý suy niệm nơi “sự tạo tác trước kia”, “thấy Niết-bàn là tịch tĩnh”…
Thêm nữa Chánh Tinh Tấn của A Hàm rất mơ hồ và không thực tế: nếu những kẻ xấu ác cũng “có phương tiện tinh tấn thì quả quyết, tinh cần để mong cầu, có khả năng để thú hướng, chuyên chú không xả bỏ, cũng không suy thối”; họ cũng đang Chánh Tinh Tấn hay sao? Sàm!
“Quyết định hàng phục tâm mình” chưa đủ để nêu rõ Chánh Tinh Tấn. “Quyết định hàng phục tâm bất thiện của mình, tăng trưởng tâm thiện của mình” mới đầy đủ hơn. Thánh kinh của Bậc Chánh Đẳng Giác không thể thiếu sót ấu trĩ như vậy. Ai không tin, hãy đọc Pāli sẽ rõ!
***
Chánh kinh Pāli: “Này chư Hiền, thế nào là Chánh Niệm
Này chư Hiền, ở đây, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời... quán thọ trên các cảm thọ... quán tâm trên các tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời. Này chư Hiền, như vậy gọi là Chánh Niệm.”
Tà kinh A Hàm: “Này chư Hiền, thế nào là Chánh Niệm
Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó, nếu tâm tùy thuận niệm, phản chiếu giải thoát niệm, suy niệm, biến mãn suy niệm, liên tục ức niệm, tâm niệm không xao lãng.
Đó là Chánh Niệm.”
Phân tích: Theo Chánh kinh Pāli, Chánh Niệm là Bốn Niệm Xứ tức quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp. Nói nôm na đó là sự nhớ nghĩ chân chánh theo nguyên tắc quán một niệm thiện trên một niệm bất thiện tương ưng để đoạn diệt, tẩy trừ niệm bất thiện ấy trên bốn hướng Thân, Thọ, Tâm và Pháp.
Ngược lại theo Tà kinh A-hàm, những kẻ ác nhân diệt chủng, buôn lậu, trộm cướp… nhưng “nếu tâm tùy thuận niệm, phản chiếu giải thoát niệm, suy niệm, biến mãn suy niệm, liên tục ức niệm, tâm niệm không xao lãng, đó cũng là “Chánh Niệm” hay sao?
Lời dạy trong kinh nào thiết thực hiện tại và xác đáng hơn?
Lại nữa, trong Chánh kinh Tương Ưng Đức Thế Tôn đã dạy rõ: “Do Bốn Niệm Xứ không được tu tập, không được làm cho sung mãn, này Bà-la-môn, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không có tồn tại lâu dài. Do Bốn Niệm Xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, này Bà-la-môn, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài” (S,v.174).
Chính vì lẽ đó cả một bản kinh Đại Niệm Xứ trong Trường A Hàm đã bị xoá bỏ hoàn toàn, còn kinh Niệm Xứ trong Trung A Hàm thì bị cắt xén, cải biên; và ở đây, ngay cho đến định nghĩa cơ bản của Chánh Niệm - Bốn Niệm Xứ cũng bị xuyên tạc biến cải, thử hỏi Diệu Pháp làm sao còn tồn tại trong truyền thống Đại Thừa? Nếu có, nó chỉ là tà pháp của các ông luận sư Bà-la-môn gián điệp mà thôi!
***
Chánh kinh Pāli: “Này chư Hiền, thế nào là Chánh Định?
Này chư Hiền, ở đây, Tỷ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền Thứ Nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ.
Vị Tỷ-kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền Thứ Hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền Thứ Ba.
Tỷ-kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền Thứ Tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
Này chư Hiền, như vậy gọi là Chánh Định.”
Tà kinh A Hàm: “Này chư Hiền, thế nào là Chánh Định?
Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó, nếu tâm trụ, thiền trụ, thuận trụ, không loạn, không tán, chuyên nhất.
Đó là Chánh Định.”
Phân tích: Theo Chánh kinh Pāli, Chánh Định là Bốn Thiền - Bốn Thánh Định, điều này có nghĩa ngoài Bốn Thiền là tà thiền, ngoài Bốn Thánh Định là tà định.
Nhưng theo định nghĩa trong A Hàm dễ gây ngộ nhận rằng bất kỳ sự định tâm nào cũng là định chân chánh, điều này có nghĩa các loại định xuất hồn, định yoga, định vắng lặng, định tưởng nhiễm dục… cũng là Chánh Định, miễn sao “nếu tâm trụ, thiền trụ, thuận trụ, không loạn, không tán, chuyên nhất” là được (?)
Trong Chánh kinh Pāli, Đức Phật nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần về Bốn Thiền - Bốn Thánh Định. Vì sao? Vì nó là Chánh Định, một trong Tám Chánh Đạo giúp đoạn trừ lậu hoặc đi tới giải thoát Niết Bàn.
Chính nhờ Tứ Thiền mà Bồ-tát Gotama chứng Tam Minh (Kinh Saccaka), chính từ Tứ Thiền mà Như Lai nhập Niết Bàn (Kinh Đại Bát Niết Bàn).
Tứ Thánh Định quan trọng như vậy, thế nhưng ở đây các nhà biên dịch A Hàm đã xoá bỏ nó hoàn toàn, đã thế họ còn khiến nhiều tu sĩ Đại Thừa tin rằng Tứ Thiền của Phật chỉ là “phàm phu thiền, Tiểu Thừa thiền, ngoại đạo thiền” (sic), cho nên những người tin theo các tổ sư Bà-la-môn cứ “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”, tưởng “chứng mà không chứng” là vì vậy. 
Tóm lại, theo A Hàm, các chánh đạo đã bị xuyên tạc xóa nhòa một cách thâm độc. Tám Chánh Đạo là Chân lý về con đường diệt khổ, là đạo lộ chân chính để đi tới Niết Bàn; thế nhưng nó lại bị xuyên tạc biến cải mơ hồ như vậy, thời làm sao những người tin theo A Hàm, không tu theo Tám Chánh Đạo Nguyên thuỷ thoát khổ cho được? 
Rõ ràng lời tiên tri của Đấng Chánh Biến Tri “Chánh pháp chỉ tồn tại năm trăm năm” là hoàn toàn đúng đối với những ai đã mù quáng tin vào các tổ sư gián điệp và các kinh-luật-luận ngụy tạo của họ.
BUDDHISM RESEARCH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét