Ngày thứ nhất
_ Trong kinh Nikaya, Phật có dạy thần chú không?
_ Hoàn toàn không.
_ Sao người ta lại niệm?
_ Vì ông chú của thần linh bảo thế.
Ngày thứ nhì
_ Trong kinh Nikaya, Phật có dạy 16 tầng Tuệ Minh Sát không?
_ Không.
_ Sao người ta lại tập?
_ Vì họ chê pháp tu của Đại Thừa là do các Tổ sáng chế ra, không phải của Đức Phật.
_ 16 tầng Tuệ Minh Sát do ai chế tác?
_ Tổ Tiểu Thừa!
_ Sao mọi người tin Tổ hơn tin Phật?
_ Vì Phật... tử!
_ Nghĩa là sao?
_ “Tử” là chết. Phật “tử” là Phật “chết”. Phật làm sao còn hiện hữu với những kẻ không theo Pháp và Luật của Ngài?
_ Chết thật!
Ngày thứ ba
_ Có tông phái chủ trương kết hợp âm dương, nam nữ “phối hợp song tu” để được giải thoát?
_ Đúng vậy. Để giải thoát khỏi kiếp làm người và làm các chúng sanh khác ngay trong đời hiện tại.
Ngày thứ tư
_ Chân lý chỉ có một hay hai?
_ Nếu chân lý có hai ba, và “lý” nào cũng là “chân”, Đức Phật ra đời làm gì?
_ Loài người có tám vạn bốn ngàn căn tánh khác nhau, vì vậy cũng phải có tám vạn bốn ngàn pháp môn mới cứu hết được?
_ Đó là thuốc của phường Sơn Đông mãi võ. Thuốc chữa Khổ Đế của Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ cần một toa duy nhất là “Đạo Đế” chữa cho tất cả mọi người, mọi lúc, mọi nơi.
_ Tất cả các tông phái đều có dạy Đạo Đế - Bát Chánh Đạo, chỉ có phương pháp tu tập rất khác nhau?
_ Nếu không biết tu theo Chánh Tinh Tấn – Bốn Chánh Cần: ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện, mọi tinh tấn trái ngược là tà tinh tấn. Nếu không tu theo Chánh Niệm – Bốn Niệm Xứ, mọi niệm trái ngược đều là tà niệm. Nếu không tu theo Chánh Định, tức Bốn Thiền - Bốn Thánh Định, mọi thiền định trái ngược đều là tà thiền, tà định. Chân lý chỉ có một không có hai. Ngoài chân lý là tà lý. Ngoài chánh pháp là tà pháp.
Ngày thứ năm
_ Trong kinh Nikaya, các tu sĩ Bà-la-môn có xuyên tạc, chống phá đạo Phật không?
_ Có. Có rất nhiều là đằng khác.
_ Nhưng tại sao Bắc Tông, Mật Tông và cả Nam Tông đều một chiều tin tưởng tuyệt đối các luận sư gốc Bà-la-môn của mình như Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước, Phật Âm…?
_ Vì tất cả đều muốn chứng minh lời tiên tri của Đức Phật trong kinh Gotami là hoàn toàn chính xác.
_ Tiên tri thế nào?
_ Phật pháp thay vì tồn tại một ngàn năm, chỉ còn năm trăm năm!
Ngày thứ sáu
_ Đức Phật có hoát nhiên đại ngộ không?
_ Không. Ngài chứng Tam Minh trong ba canh: canh đầu - Túc Mạng Minh, canh giữa - Thiên Nhãn Minh, canh cuối - Lậu Tận Minh.
_ Sao các Tổ đều hoát nhiên đại ngộ?
_ Vì các ngài muốn đắc nhanh hơn Phật!
Ngày thứ bảy
_ Các Tỳ-kheo Thanh Văn có hoát nhiên đại ngộ không?
_ Có và không.
_ Nghĩa là sao?
_ Ngộ đạo thì có, nhưng ngộ quả thì không.
_ Các Thiền sư cũng thế!
_ Được thôi, nếu họ không “giáo ngoại biệt truyền” (*)
Thiền Sinh
________________
(*) PHÁP TRÍCH LỤC
] Trích kinh Kìtàgiri, số 70, Trung Bộ 2:
“Này các Tỷ-kheo, Ta không nói rằng trí tuệ được hoàn thành lập tức. Nhưng này các Tỷ-kheo, trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ”.
{ Thừa tự Pháp trích lục:
Chính vì vậy, này các tà sư, chỉ có tà tuệ mới được hoàn thành lập tức, mới có kiểu hoát nhiên đại ngộ để hấp dẫn mấy kẻ ngây thơ. Những người trí đều biết “dục tốc bất đạt” vội vã gánh thất bại. Lẽ thường còn như thế huống hồ lẽ đạo. Do vậy các bậc Chánh thiện sư đều thừa nhận chánh trí tuệ phải được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ.
] Trích kinh Canki, số 95, Trung Bộ 2:
“Này Bharadvaja, chính nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần, chân lý mới được chứng đạt. Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy, chân lý được chứng đạt, cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương sự chứng đạt chân lý”
{ Thừa tự Pháp trích lục:
Này các Bà-la-môn Đại Xế, chỉ có ngụy chân lý mới được chứng đạt không phải do luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần. Chính vì vậy, này các Bà-la-môn Đại Xế, chỉ có ngụy chân lý mới được chứng đạt nhờ “cá ngáp phải ruồi”, mới kiến tánh thành Bụt… tưởng. Cho đến như vậy, này các Bà-la-môn Đại Xế, các vị chủ trương chứng đạt ngụy chân lý.
] Trích kinh Phật Tự Thuyết:
“Cũng vậy này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình.
Này Paharada, vì rằng trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhứt. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này” (Ud 51).
{ Thừa tự Pháp trích lục:
“Cũng vậy này các Bà-la-môn Đại Xế, ngoài Pháp và Luật của Đức Thích Ca, có những học pháp không tuần tự, có các quả dị thục không tuần tự, có các con đường là không tuần tự, nên mới có sự thể nhập tà trí thình lình.
Này các Bà-la-môn Đại Xế, vì rằng trong Pháp và Luật của Đức Thích Ca, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này các Bà-la-môn Đại Xế, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhứt. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét