Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018

CÙNG LÀ TIẾNG VIỆT VÀ XEM NHƯ NGUYÊN THUỶ NHƯNG TẠNG PALI KHÁC A HÀM NHƯ THẾ NÀO?


Như đã được biết, việc phân cấp thứ tự nguồn tư liệu là yêu cầu khách quan có ý nghĩa thiết thực nhằm giúp cho việc nghiên cứu, đánh giá, so sánh các kinh văn tài liệu được chính xác và trung thực.
Theo các nguyên tắc khách quan của Phương Pháp Luận Nghiên Cứu Khoa Học, số lần chuyển dịch ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng để xác định thứ tự các tài liệu.
Theo đó các tài liệu, kinh văn được dịch từ tài liệu nguồn hoặc ngôn ngữ gốc đầu tiên phải được xem là các tài liệu cấp 1. Dựa vào tài liệu cấp 1 nếu dịch sang một ngôn ngữ khác thì tài liệu này xem là cấp 2. Từ tài liệu cấp 2 dịch sang ngôn ngữ khác thì đây là tài liệu cấp 3 v.v…
Các bản tài liệu, kinh văn thứ cấp phải căn cứ theo các bản gốc hoặc cấp nhỏ hơn để thẩm định tính chính xác. 
Như vậy các bản kinh bằng chữ Sanskrit và chữ Pali, ghi lại từ kim khẩu của Đức Thế Tôn, được xem như các kinh văn cấp 1. Các bản kinh A-hàm chữ Hán dịch từ chữ Sanskrit và bản kinh Nikaya tiếng Việt dịch từ chữ Pali là các kinh cấp 2. Đương nhiên các bản kinh A-hàm tiếng Việt dịch từ bản tiếng Hán là kinh cấp 3 (Sanskrit à A Hàm Hán ngữ à A Hàm Việt ngữ)
Vì vậy hai bản kinh, Nikaya và A-hàm, tuy cùng là tiếng Việt nhưng chúng có các cấp độ khác nhau, chúng không thể so sánh tương đương; trái lại phải căn cứ vào bản Nikaya Việt để đối chiếu, xác định mức độ chuẩn xác của bản A-hàm Việt, từ đó mới có thể phát hiện những dị biệt có ý nghĩa xuyên tạc, phá hoại.
Dựa theo các bản kinh Nikaya Việt ngữ cấp 2 do HT Thích Minh Châu dịch từ nguyên bản Pali và các bản kinh A-hàm Việt ngữ cấp 3 do TT Tuệ Sĩ dịch từ bản tiếng Hán của Phật Ðà Da Xá và Trúc Phật Niệm, xin trích dẫn ra đây một số dẫn chứng tiêu biểu, trong hàng ngàn chứng cứ, để thấy rõ hơn âm mưu, thủ đoạn của các dịch giả gián điệp gốc Bà-la-môn.
] Kinh Nikaya
-- Kinh Đại Bát Niết-bàn, Trường Bộ 1, trang 545:
“Khi được nói vậy, Bà-la-môn Vassakara, đại thần nước Magadha bạch Thế Tôn:
- Tôn giả Gotama, nếu dân Vajjì chỉ hội đủ một pháp bất thối này, thời dân Vajjì nhất định được cường thịnh, không bị suy giảm, huống nữa là đủ cả Bẩy Pháp Bất Thối Chuyển. Tôn giả Gotama, Ajàtasattu Vedehiputta, vua nước Magadha không thể đánh bại dân Vajjì ở chiến trận trừ phi dùng ngoại giao hay kế ly gián. Tôn giả Gotama, nay chúng con phải đi, chúng con có nhiều việc và có nhiều bổn phận
- Này Bà-la-môn, Người hãy làm những gì Người nghĩ là hợp thời”.
! Kinh A-Hàm tương đương
-- Kinh Du Hành, Trường A-hàm:
“Bấy giờ, đại thần Vũ-xá liền bạch Phật:
“Nhân dân nước kia nếu thi hành có một điều còn không mong gì thắng họ, huống nay họ đủ cả bảy điều. Vì việc nước quá bận, con xin từ tạ trở về.”
Phật nói: “Nên biết thời giờ.”
{
Lời bình:
Hai đoạn kinh trích dẫn ở trên thuộc phần mở đầu của hai bản kinh tương đương: “Đại Bát Niết-bàn” của Trường bộ Pali và kinh “Du Hành” của Trường A Hàm.
Ngay cả việc đổi tên kinh cũng là một thâm ý nham hiểm của các luận sư gián điệp. Thật vậy, như nhiều người biết “Đại Bát Niết-bàn” là bản kinh ghi lại những sự kiện, những lời dạy cuối cùng của Đức Thế Tôn, vì thế bản kinh này rất đặc biệt, dễ khiến mọi người phải chú ý và phải thọ trì cẩn thận hơn, nhờ vậy mới nhận thức được những ý nghĩa rất quan trọng trong bản kinh này.
Thế nhưng từ bản kinh “Đại Bát Niết-bàn” biến thành “Du Hành”, tự khắc nó đã làm giảm đi sự chú ý của người đọc và đồng thời mở đường cho một bản kinh “Đại Bát Niết-bàn” mới, với đầy những khác biệt và thâm ý phá hoại. Việc đưa ra ánh sáng những phá hoại này đòi hỏi một công trình so sánh dài hơn. Xin để dành Pháp sự này cho các vị có tâm huyết với Đạo Phật. Ở đây, chỉ nêu vài ý kiến sơ khởi.
Ngay trong phần đầu kinh “Đại Bát Niết-bàn” Pali, kể lại sự kiện Bà-la-môn Vassakara, đại thần nước Magadha được vua A Xà Thế phái đến hỏi Đức Thế Tôn về việc tấn công dân thành Vajji hùng mạnh. Đức Thế Tôn không muốn xảy ra chiến tranh giữa hai đất nước, nên đã tế nhị khuyên ngăn bằng việc nêu lên những pháp ưu việt của dân thành Vajji.
Nhưng Bà-la-môn Vassakara đã bộc lộ ngay bản chất thâm độc của mình bằng kế sách “ngoại giao và ly gián” để đánh bại dân Vajji.
Ngay khi Bà-la-môn Vassakara cáo lui, Đức Thế Tôn đã tức khắc cho triệu tập chúng Tăng để răn dạy về Bẩy Pháp Bất Thối Chuyển, tức bảy yếu tố giúp Tăng đoàn không bị thối chuyển, trong đó nhấn mạnh đến sự đoàn kết trong chúng Tỳ-kheo. Tất nhiên Bậc Thầy Trời Người thừa biết Bà-la-môn Vassakara và con cháu ông ta “có nhiều việc và có nhiều bổn phận” phải làm gì đối với một giáo đoàn hùng mạnh đã lấn át cả đạo Bà-la-môn của Vassakara.
Thế nhưng chi tiết quan trọng này đã bị “ai đó” lược bỏ trong bản kinh Du Hành – A Hàm, và đại thần Vũ Xá, tức Bà-la-môn Vassakara, trở thành vị tôi trung với “việc nước quá bận” chứ không có thâm ý gì khác (!)
Chính vì vậy, những người thọ trì kinh A Hàm ở phương Bắc đã không nhận thức được bài học quan trọng mà kinh “Đại Bát Niết-bàn” đã nhắc nhở: đó là âm mưu thâm độc của Bà-la-môn. Cho nên họ đã không biết cảnh giác trước các con cháu của Bà-la-môn Vassakara, đã tin liền các luận sư Bà-la-môn sau này.
Những người con Phật đều “Phật giáo từ trong bụng mẹ” nên chủ quan nghĩ rằng những ông luận sư Bà-la-môn ngoại đạo như Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước… cũng giống như họ, nghe xong vài câu của Phật là quy y Phật giáo tức thì (?!) Thế nên các ông Bà-la-môn ngoại đạo chỉ cần cạo trọc đầu, đắp lên chiếc y, tự xưng Tổ, xưng Thánh là những người con Phật tin ngay tức khắc, không cần suy xét.
Các Bồ-tát-Bà-la-môn dạy “Phật giáo đa phương, đa diện”, thế là các Phật tử tin ngay Phật giáo phải lắm tông nhiều phái: Bắc Tông, Nam Tông, Tịnh Độ Tông, Thiền Tông, Mật Tông, Pháp Hoa Tông, Hoa Nghiêm Tông… để rồi nhắm mắt rơi vào cái bẫy “ngoại giao và ly gián” của đám con cháu Bà-la-môn Vassakara.
Các Tổ sư gián điệp chỉ cần hoang truyền các “ngài” đã đắc được pháp cao siêu, hoặc xuống được tận Long Cung để thỉnh các kinh đại giáo “Như vầy tôi nghe” thế là các con Phật cúc cung bái lạy, thọ trì, truyền tụng!
Các Tổ sư gốc Bà-la-môn chỉ cần tự xưng danh Thích Phật Giáo, Thích Đại Giáo và thần thánh hóa mình rồi giới thiệu và dạy rằng các kinh-luật-luận đời mới còn cao siêu hơn kinh-luật gốc, thế là tất cả hè nhau tin ngay “tám vạn bốn ngàn” pháp-luật trái đạo của họ, quay lại khinh thường Kinh thật, Thánh thật, ngấm ngầm hơn thua với nhau.
Chỉ so sánh hai đoạn kinh ngắn nêu trên cũng nói lên bao điều, huống hồ là cả một tạng A Hàm dày cộm. Thế nhưng cả một tạng kinh gốc bằng chữ Sanskrit đã bị biến mất hoàn toàn, thay vào đó là cả một đống những kinh-luật-luận ngụy tạo trái ngược hoàn toàn với kinh-luật Pali gốc.
Nhiều người con Phật chỉ cần nhận thức rõ sự khác biệt giữa kinh giả và kinh thật như trên thôi, cũng tránh được khỏi địa ngục vì tà kiến, thoát khỏi những vực thẳm đọa xứ, tạo nên bởi những kẻ ngoại học thâm hiểm như Bà-la-môn Vassakara và con cháu của ông ta. Mong rằng những nhận thức trên sẽ sớm được mọi người ý thức và thọ trì.
____________
] Kinh Nikaya
-- Đại Kinh Nghiệp Phân Biệt, Trung Bộ 3, số 136:
“Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn ở Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng sóc.
Lúc bấy giờ, Tôn giả Samiddhi trú tại một cái cốc trong rừng. Rồi du sĩ ngoại đạo Potaliputta tiêu dao tản bộ, tuần tự du hành, đi đến Tôn giả Samiddhi; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Samiddhi những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, du sĩ ngoại đạo Potaliputta thưa với Tôn giả Samiddhi:
- Này Hiền giả Samiddhi, trước mặt Thế Tôn, tôi tự thân nghe, tự thân ghi nhận như sau: "Hư vọng là thân nghiệp, hư vọng là khẩu nghiệp, chỉ có ý nghiệp là chân thật. Và có một Thiền chứng (samapatti), do thành tựu Thiền chứng này, sẽ không có cảm giác gì".
- Này Hiền giả Potaliputta, chớ có nói vậy. Này Hiền giả Potaliputta, chớ có nói vậy. Chớ có phỉ báng Thế Tôn; phỉ báng Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không có nói như vậy: "Hư vọng là thân nghiệp, hư vọng là khẩu nghiệp, chỉ có ý nghiệp là chân thật". Và Hiền giả, có một Thiền Chứng, do thành tựu thiền chứng này, sẽ không có cảm giác gì...
Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, Ta chưa từng thấy du sĩ ngoại đạo Potaliputta, thời câu chuyện này từ đây xảy ra? Này Ananda, câu hỏi đáng lý phải trả lời phân tích rõ ràng cho du sĩ ngoại đạo Potaliputta, lại được kẻ ngu si Samiddhi này trả lời theo một chiều”.
! Kinh A-Hàm tương đương
-- Kinh Phân Biệt Đại Nghiệp, số 171.
“Tôn giả A-nan thưa:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sẽ tự nghe hết câu chuyện”.
“Rồi thì Tôn giả Đại Châu-na thuật lại đầu đuôi cuộc đối thoại giữa Tôn giả Tam-di-đề và dị học Bộ-la-đà Tử cho Phật nghe. Nghe xong, Thế Tôn bảo rằng:
“Này A-nan, hãy xem Tỳ-kheo Tam-di-đề người si, không đạo lý gì. Vì sao? Vấn đề dị Bộ-la-đà Tử hỏi là bất định mà Tỳ-kheo Tam-di-đề, người ngu si kia chỉ trả lời theo nhất hướng đáp”
{
Lời bình:
Theo chánh kinh Pāli, rõ ràng là Đức Thế Tôn chưa từng gặp Potaliputta, thế nhưng du sĩ ngoại đạo này vẫn ngang nhiên bịa chuyện chính mình được như vầy tôi nghe, “trước mặt Thế Tôn, tôi tự thân nghe, tự thân ghi nhận như sau” để xuyên tạc chánh pháp, phổ biến tà pháp nhằm lừa gạt đệ tử Phật. Sự kiện này đã diễn ra ngay khi Phật còn tại tiền, ngay nơi Phật đang du hóa.
Thế nhưng trong các bản kinh A-hàm đã lược bỏ những sự kiện quan trọng này. Nói “các bản kinh A Hàm” vì đây không phải là trường hợp duy nhất, trái lại hầu hết các sự việc ngoại học giả danh Đức Phật để xuyên tạc Phật Pháp, phá hoại Tam Bảo có trong các bài kinh Pali đều đã bị xóa bỏ trong các bản A Hàm tương đương.
Chính thủ đoạn thâm độc này đã góp phần khiến cho các Phật tử mất cảnh giác trước các tà sư gián điệp và dễ dàng chấp nhận các tà kinh-luật-luận của họ để rồi dẫn đến tình cảnh tự hủy hoại chính mình và hủy hoại luôn Chánh Phật Pháp một cách vô ý thức.
Các tà sư ngoại học sau này chỉ cần cạo trọc đầu, đắp vào tấm y, mạo xưng “Thánh Tăng A La Hán, Bồ-tát Đại Thừa” là tức khắc có biết bao các Phật tử tin ngay họ liền.
Các tà sư gián điệp chỉ cần chua vài chữ “Tôi nghe như vầy” vào các tà kinh ngụy tạo thế là các con Phật nhắm mắt tin ngay nó là kinh của Phật, lời của Phật.
Các gián điệp chỉ cần vẽ vời vài câu chuyện từ trên trời, thế là những người con Phật đời sau tin ngay răm rắp pháp “Vi Diệu” của họ mới thực cao siêu vi diệu, còn Chánh Kinh – Chánh Pháp chỉ là thường pháp, là tục đế, không phải chân nghĩa đế, Kinh là để dụ người, Luật là để trói người… (sic!)
Vì tin theo tà nhân nên xem thường Chánh Nhân, vì tin theo tà kinh nên bỏ lờ Chánh Kinh, vì tin theo tà pháp nên phủ định cả Chánh Pháp để rồi ôm giữ tà kiến, trở thành đệ tử của tà đạo mà cứ tưởng là chánh đạo của Đức Thế Tôn.
Hỡi ôi! Địa ngục không tha những kẻ ác nhân lẫn những người ngây thơ tin lầm tín bậy. Khốn khổ thay, sanh thú nguy hiểm đã được chính Đức Thế Tôn khuyến cáo rất nhiều lần: số người được tái sanh đi lên ít như hai sừng bò, còn số người hạ sanh đọa xứ nhiều như lông bò rừng. Bởi lẽ “Vô minh là nguyên nhân gây ra đau khổ”, và “mang tà kiến chỉ có hai sanh thú: địa ngục hoặc súc sanh”.
Trong thực tế, số Phật tử biết tin và thực hành theo đúng lời Phật Thích Ca dạy thì ít như hai sừng bò; nhưng số đông còn lại nhắm mắt tin vào Phật giả, Bụt dỏm, Bồ-tát rởm do các Tổ sư gián điệp ngụy tạo thì nhiều như lông bò rừngVì lông bò rừng nhiều phải chở bằng cỗ xe lớn, lông bò rừng ít phải chở bằng cỗ xe nhỏ. Còn hai sừng bò ở trong Viện Bảo Tàng quên lãng.
Hỡi những kẻ ngây thơ cả tin còn đang mơ ngủ, hãy mau mau tỉnh thức trở về nguồn với Chánh Kinh Nikaya và Chánh Luật Patimokkha để may ra còn kịp có phước duyên cứu rỗi chính mình, được thượng sanh giải thoát!
Con Phật ơi, tỉnh mau kẻo trễ!!!
_____________
] Kinh Nikaya
-- Đại Kinh Đoạn Tận Ái, Trung Bộ 1, trang 582, xb 1992:
“Rồi này các Tỷ-kheo, sau chín hay mười tháng, người mẹ sinh đẻ với sự lo âu lớn đối với gánh nặng ấy. Khi đã sinh, người mẹ nuôi hài nhi ấy với máu của mình. Này các Tỷ-kheo, trong luật của bậc Thánh, sữa của bà mẹ được xem là máu”.
! Kinh A-Hàm tương đương
-- Kinh Trà Đế, số 201, Trung A-hàm tập 4, trang 471, xb 1992:
“Thai mẹ kéo dài chín tháng hay mười tháng rồi sanh. Sau rồi được nuôi dưỡng bằng máu. Máu đó ở trong Thánh pháp gọi là sữa mẹ”.
{
Lời bình:
- Miễn bình luận! Chỉ ráng nhắn vài lời:
Ai không hiểu hãy đi hỏi những bậc “đại nhân” hiểu được kinh đại giáo cao siêu được kết tập từ Long Cung siêu việt, hoặc hỏi các vị luận sư Vi Diệu Pháp, những người đang tin rằng mình thọ trì được pháp diệu siêu vi từ cung trời Đao Lợi!!!
Hỏi để may ra có vị nào trong số các ngài xem lại pháp mà các ngài đang tin tưởng có phải là “Thánh pháp” của các tổ sư gốc Bà-la-môn giả danh kết tập A-hàm hay không!? Vậy thôi!
____________

] Kinh Nikaya
-- Kinh Kannakatthala, Trung Bộ 2:
“Rồi vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con có nghe như sau: "Sa-môn Gotama có nói: "Không có một Sa-môn hay một Bà-la-môn nào toàn tri, toàn kiến, có thể tự cho là chứng được tri kiến viên mãn; sự tình như vậy không thể xảy ra". Bạch Thế Tôn, những ai nói như sau: "Sa-môn Gotama có nói: "Không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào toàn tri, toàn kiến có thể cho là chứng được tri kiến viên mãn; sự tình như vậy không thể xảy ra", bạch Thế Tôn, có phải những vị ấy nói lời Thế Tôn nói, họ không xuyên tạc Thế Tôn, không đúng như thật; họ giải thích pháp đúng pháp và những ai nói hợp pháp, đúng pháp sẽ không có cơ hội để chỉ trích hay không?
- Thưa Ðại vương, những ai nói như sau: "Sa-môn Gotama có nói: "Không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào toàn tri, toàn kiến, có thể cho là chứng được tri kiến viên mãn; sự tình như vậy không thể xảy ra", những vị nói như vậy không nói đúng lời Ta nói, và họ xuyên tạc Ta một cách hư ngụy, không đúng sự thật.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với tướng quân Vidudabha:
-- Này Tướng quân, ai đã đem vấn đề này vào trong nội cung?
-- Tâu Ðại vương, Bà-la-môn Sanjaya, thuộc dòng họ Akasa.
...-- Thưa Ðại vương, Ta tự xem là đã nói những lời như sau: "Không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào có thể trong một lúc, biết hoàn toàn và thấy hoàn toàn, không thể có sự tình như vậy”.
! Kinh A-Hàm tương đương
-- Kinh Nhất Thiết trí, số 212.
“... Sau khi người sứ giả đi rồi, Đức Thế Tôn quay lại bảo rằng:
“Này A-nan, ông cùng Ta sang ngôi nhà lớn hướng phía Đông, mở cửa sổ ra và đóng cửa lớn lại, vào trong chỗ kín đáo ấy. Hôm nay Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, nhất tâm, không loạn động, muốn nghe và thọ lãnh Chánh pháp.”
...Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:
“Bạch Cù-đàm, con nghe Sa-môn Cù-đàm nói như vầy, ‘Trong quá khứ không có, trong tương lai không, và hiện tại cũng không có, không có Sa-môn Phạm chí nào là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến’. Bạch Cù-đàm, Ngài đã nhớ là đã nói như vậy chăng?
Thế Tôn đáp rằng:
“Này Đại vương, Ta không nhớ là đã nói như vậy, ‘Trong quá khứ không có, trong tương lai không có, và hiện tại không có, không có Sa-môn Phạm chí nào là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến’.”
{
Lời bình
- Một đàng vua Pasenadi nghe kẻ khác nói lại lời Phật, còn một đàng Ba-tư-nặc nghe từ chính “Bụt A Hàm” là hai ngữ cảnh hoàn toàn khác nhau, có những ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.
- Một đàng Đức Thế Tôn khẳng định sự xuyên tạc hư ngụy của kẻ khác đối với lời nói của Ngài, một đàng “Bụt A Hàm” không nhớ đã có nói hay không (?). Xin hỏi các “Như Lai sứ giả”: chi tiết cải biến trong kinh A-hàm có ý đồ gì?
- Liệu có chăng sự kiện một bậc Túc Mạng Minh nhớ hàng vô số kiếp về trước, thuyết giảng những bài kinh dài hàng trăm trang với những phân tích rõ ràng cụ thể, với hàng trăm chi tiết thứ tự không thiếu sót lại không nhớ một câu mà người khác nhắc? Sự cải biên cố tình này có thâm ý gì?
- Có thể chăng sự kiện một đấng Đạo sư Minh Hạnh Túc luôn nêu gương quang minh chính đại, đã ban giới luật cấm Tỳ-kheo vào thâm cung hoặc chỗ riêng tư của vua lại vẽ chuyện tiếp vua “trong chỗ kín đáo”? Rõ ràng kẻ biên dịch cố tình thêm thắt chi tiết này là nhằm bôi nhọ vị Thầy Trời Người một cách nham hiểm.
Muốn biết thêm nhiều cải biên thâm độc khác nữa, xin mời đọc “So sánh Chánh Kinh Trung Bộ Pali và Tà kinh Trung A Hàm” của Kinh Sư Chánh Tư Duy sẽ rõ.
______________________
Chú thích: Các trích dẫn dựa theo bản dịch tiếng Việt kinh Nikaya của HT Thích Minh Châu, kinh A Hàm của Thượng Toạ Tuệ Sĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét