Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018

ĐỐ PHẬT TỬ. ĐỐ CHƯ TIÊN


Thiên chủ Sakka với ánh sáng chói loà hiện đến hỏi Đại vương Vessavana:
_ Đố ngài, vì sao bài kinh “Đại Bát Niết Bàn” nguyên thuỷ thuộc Trường Bộ Pali cấp I lại bị đổi tên thành kinh “Du Hành” trong Trường A-Hàm cấp II?
_ Dễ ợt! Để mọi người không còn chú ý đến bài kinh chính gốc ghi lại những sự kiện quan trọng đặc biệt trong những ngày tháng cuối cùng trước lúc Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn, và từ đó mới cài vào kinh “Đại Bát Niết Bàn giả” với các dữ kiện sai lạc. Tà kinh phải như thế.
_ Đố ngài, vì sao kinh “Đại Bát Niết Bàn thật” lại bắt đầu bằng sự kiện vua A-xà-thế cử sứ giả Bà-la-môn Vassakara đến hỏi Đức Phật về việc tấn công dân thành Vajii hùng mạnh?
_ Dễ ợt! Vì nó cũng tương tự như sự hưng vong của Tăng bảo: sự đoàn kết giúp dân Vajii hùng mạnh như thế nào thì đối với Tăng đoàn cũng y như vậy. Những sự kiện tối quan trọng thường được giới thiệu đầu tiên.
_ Đố ngài, vì sao ngay sau khi Bà-la-môn Vassakara bộc lộ âm mưu chống phá dân Vajji bằng mưu kế ngoại giao và ly gián từ giã ra về, Đức Thế Tôn đã tức khắc cho triệu tập tất cả các Tỳ-kheo sống quanh thành Ràjagaha (Vương Xá) để dạy về “Bảy pháp không bị suy giảm trong Tăng đoàn” trong đó nhấn mạnh đến tinh thần đoàn kết chúng Tăng?
_ Dễ ợt! Vì Đức Chánh Biến Tri thừa biết Bà-la-môn Vassakara và con cháu của ông ta cũng sẽ dùng mưu kế ngoại giao và ly gián, giả bộ kết thân hoặc làm gián điệp để gây chia rẽ nội bộ. Những kẻ hèn hạ đều biết phải ly gián phá hoại ngay từ bên trong, có vậy mới hy vọng tiêu diệt một giáo đoàn thù nghịch hùng mạnh đã lấn át chính tôn giáo và giai cấp của họ.
_ Đố ngài, hệ quả đầu tiên của kế “ngoại giao ly gián” trong Phật giáo là gì?
_ Dễ ợt! Mới chưa đầy một trăm năm sau khi Phật nhập diệt, chính các Tỳ-kheo tại Vajji là những người đầu tiên nêu thêm mười điều luật mới gây phá hoà hợp Tăng.
_ Đố ngài, thực tế Tăng đoàn đã bị ly gián đúng như vậy, nhưng tại sao kinh văn lại không nói thẳng cho mọi người biết?
_ Dễ ợt! Chuyện này nếu chưa xảy ra mà nói thẳng sẽ gây phản tác dụng, các Tỳ-kheo sẽ nghi ngờ lẫn nhau, kẻ ngoài chưa lý gián, Tăng đoàn đã tự phân hoá. Do vậy các Tỳ-kheo không được đa nghi nhưng cũng chớ nên tin bừa tín ẩu các luận sư Bà-la-môn và các kinh văn sau này, nhất là họ phải đoàn kết chặt chẽ hơn bao giờ hết.
_ Đố ngài, vì sao mưu kế thâm hiểm “ngoại giao và ly gián” của Bà-la-môn Vassakara lại bị ai đó lược bỏ trong kinh “Du Hành” của Trường A-hàm phương Bắc?
_ Dễ ợt! Điều này chứng tỏ “ai đó” phải là một gián điệp mới làm được chuyện này, và nếu để mọi người biết huỵch tẹc kế độc, làm sao phá hoại được? Làm sao còn đòn ly gián “…giáo pháp Đại thừa, nói cho những người đi theo giáo pháp Đại thừa tối thượng… bởi vì những ai ưa pháp Tiểu thừa, vẫn còn ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả”? (kinh Kim Cang) (1)
_ Đố ngài, trong thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không có khái niệm Đại thừa, Tiểu thừa nhưng tại sao “Bụt Kim Cang” đã dạy vô phân biệt lại còn phân biệt như vậy?
_ Dễ ợt! Điều này chứng tỏ kẻ sáng tạo ra Kim Cang cũng là một nhà ngoại giao và ly gián.
_ Đố ngài, vì sao các nhà đại trí tuệ thuộc truyền thống Mahayana - Đại thừa lại không hiểu những điều dễ hiểu như vậy?
_ Dễ ợt! “Trí to” mà ham xe lớn cũng dễ bị dụ. Đã sái cổ tin vào kinh văn ngụy tạo, phù thủy nói gì mà không nghe, xỏ mũi dắt đi đâu mà không theo.
_ Đố ngài, vì sao những điều hiển nhiên như vậy lại không được các Tỳ-kheo Nguyên Thủy Tiểu Thừa lên tiếng báo động, giải thích, chứng minh để thống nhất Tăng đoàn?
_ Dễ ợt! Vì họ mới nguyên thuỷ về y áo chứ chưa nguyên thuỷ về Pháp Bảo. Thật vậy, rất nhiều Tỳ-kheo Therevada cũng tin tưởng vào các ông luận sư “đáng nghi ngờ” của mình, và họ đều cho rằng những lời dạy của Phật trong Kinh điển gốc chỉ là thường pháp, là tục đế; còn tạng luận của các luận sư mới là chân nghĩa đế, là pháp siêu việt, là quan trọng nhất. Trong đó luận sư Phật Âm - Buddhaghosa, vốn là một Bà-la-môn khét tiếng trong việc chống phá các đạo ly khai (đương nhiên cũng có cả Đạo Phật), nhưng lại được xem như một vị thánh tăng nhất ngôn y chỉ (2). Ông cứ đọc các chú giải của ông ta với một tinh thần khách quan, không mê tín sẽ biết. Các gián điệp ngoại học đã dám chui vào Bắc tông phá hoại, họ còn sợ gì Nam tông. Các tu sĩ “thừa tự y áo nhưng không thừa tự Pháp” tự cảnh giác cho mình còn không xong, đi báo động cho ai?
_ Đố ngài, làm thế nào để các “hành giả xe to, xe nhỏ” mở mắt tỉnh thức biết được thật giả, trắng đen, chánh tà để thống nhất làm một?
_ Dễ ợt! Tất cả phải trai giới cho thanh tịnh, dám ăn ngày một bữa, nghiền ngẫm những lời dạy đích thực của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong kinh điển gốc Pali sẽ hiểu. Giới thanh tịnh thì tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì kiến thanh tịnh. Kiến thanh tịnh thì đoạn nghi thanh tịnh. Đoạn nghi thanh tịnh thì có đạo – phi đạo tri kiến thanh tịnh chứ sao.
_ Thưa ngài, làm được như thế không phải dễ. Cho nên Tăng đoàn ngày nay vẫn còn bị rơi vào gian kế của các ông luận sư gốc Bà-la-môn, bị chia năm xẻ bảy, manh mún đến tám mươi bốn ngàn tông phái.
_ Dễ ợt! Hiểu được như vậy là bắt đầu hưng thịnh rồi đấy!
Nói xong ánh sáng hào quang của hai vị Chư Thiên hoà quyện vào nhau làm rực rỡ cả bốn phương trời.
TIÊN TRÍ
________________
(1) Kinh Kim Cang, đoạn 25, bản dịch của HT Thích Trí Quang.   
(2) Theo bản tường trình Dhammakitti viết về Buddhaghosa (Nguyên tác: The Life and work of Buddhaghosa. Tác giả: Bimala Charan Law, M.A., B.L; Dịch giả: Tỳ Khưu Thiện Minh) Trong khi tường trình về triều đại nhà vua Mahānāma trị vì tại đảo quốc Tích Lan vào những năm đầu thế kỷ thứ V sau CN, cuốn biên niên sử Mahāvasa đã kể lại cuộc đời và sự nghiệp của Buddhaghosa như sau: "Ông là một thanh niên thuộc đẳng cấp Bà-la-môn, sinh tại vùng phụ cận thị trấn Magadha, là nơi trồng cây Đại Bồ-đề, ông đã hoàn tất việc huấn luyện theo phái "vijja" và "sippa”,  và có kiến thức rất sâu rộng về ba phái "Phệ-đà”,  và ông cũng là người có được nhiều tài năng uyên bác, đã hoạt động không biết mỏi mệt chống lại các phái ly giáo, đã tự coi mình là người chống lại ly giáo khắp vùng Jumbudīpa…”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét