Ảnh Internet |
Vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20, một tờ tuần báo Phật giáo tại một thành phố lớn của miền Nam đã cho đăng nhiều kỳ truyện tranh về Tế Điên Hòa Thượng ăn thịt chó, uống rượu như… thánh.
Chẳng bao lâu sau, chuyện có thực 100% đã xảy ra tại một trường Cơ Bản Phật Học của một tỉnh lân cận. Toàn bộ Ban giám hiệu và Ban giảng huấn của trường, từ vị hòa thượng hiệu trưởng đến các thượng tọa, đại đức giảng viên, hết thảy mọi người cùng nhất tâm đua nhau tu tập theo gương thánh tăng Tế Điên sư phụ. Tất cả các ngài đều sáu thời nỗ lực công phu tu… rượu. Lên lớp: nhậu. Tan lớp: nhậu. Họp giao ban: nhậu. Nói chung nhậu mọi lúc mọi nơi cho đúng với tinh thần phá chấp của vị tiền bối con nuôi Ngọc Hoàng.
Cuối cùng vô thường rồi cũng đến, cho nên ngôi trường Phật học ấy đã bị đóng cửa, đồng thời tờ tuần báo Phật giáo cũng ngưng không dám đăng tiếp truyện về vị thánh-tăng-nhậu-nhẹt.
Thế mới biết tấm gương công hạnh của “ngài” Tế Điên Tăng đến hàng trăm năm sau vẫn còn có kẻ noi theo. Không biết trí tuệ giác ngộ của “Thánh Tăng Tế Công” đã cứu độ được cho ai, chứ chắc chắn hành vi của “ngài” đã độ cho biết bao các đệ tử lưu linh được tha hồ nhập lưu và đắm mình vào dòng men tửu. Còn các Đế Tăng Điên thời đại, quả cũng không làm hổ danh sư phụ Tế Điên Tăng.
Long Vương Giáo Chủ Thuỷ Tề tôi đây tâm phục khẩu phục, xin gieo năm vóc đảnh lễ các ngài.
Long Vương Giáo Chủ Thuỷ Tề
Trị đạo sĩ thúi, tứ bề an vui
___________________________
PHÁP TRÍCH LỤC
-- Trích Kinh Tập, Tiểu Bộ 1, bài kinh “Kẻ Bần Tiện” (Vasalasuttam) (Sn 21) [tr. 505]
“137. Do đây, nên hiểu biết,
Như Ta trình bày rõ,
Màtanga được danh,
Bần tiện, ăn thịt chó.”
-- Trích Kinh Tăng Chi tập 1, Chương 4, V. Phẩm Rohitassa, (X) (50) Các Uế Nhiễm
“...2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn uế nhiễm này của các Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.Thế nào là bốn?
Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn uống rượu men, uống rượu nấu, không có từ bỏ rượu men, rượu nấu. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ nhất của Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn, không có cháy sáng... không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn, hưởng thọ dâm dục, không từ bỏ dâm dục. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ hai... không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn chấp nhận vàng và bạc, không từ bỏ nhận lấy vàng và bạc. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ ba... không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn sinh sống với tà mạng, không từ bỏ tà mạng. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ tư của các Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, có bốn uế nhiễm này của các Sa-môn, Bà-la-môn, do những uế nhiễm này làm ô nhiễm, nên các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.”
Thừa tự Pháp trích lục
Có nhiều người tự hỏi vì sao nhiều người lại tôn vinh một Tế Điên Công uống rượu, ăn thịt chó là ‘Thánh Tăng’; trong khi chính họ lại mạt sát thậm tệ những người ăn và cúng dường ‘Tam tịnh nhục’? Nhất là khi những người này chỉ tuân theo đúng với sự cho phép của Đức Thế Tôn trong kinh điển Nikaya và luật tạng Patimokkha. Trước sau họ đều ý thức giữ gìn năm giới, trong đó có giới không sát sanh, không uống rượu. Tất cả không tán thán sát sanh nhậu nhẹt, không khuyến khích sát sanh nhậu nhẹt.
Người ta phải ca ngợi Tế Điên Tăng vì tinh thần phá chấp của ngài ư? Xin lỗi, phá chấp kiểu này cần gì phải ‘Thánh Tăng’ mới làm được. Một kẻ phàm phu tục tử cũng thừa sức và thừa lý lẽ để phá chấp như Tế Điên Công. Ai không tin cứ đến các hội chúng say sưa nhậu nhẹt mà nghe các con nuôi Ngọc Hoàng vừa phá chấp vừa thuyết lý.
Người ta phải ca ngợi Tế Điên vì ngài có thần lực uống rượu nhưng không say ư? Có kẻ say nào thừa nhận mình say? Có hội chúng ưa say xỉn nào lại không tán thán những ông ‘chủ xị’ đầu têu cho cuộc nhậu? Có bợm nhậu nào lại không khen ngợi nhau uống rượu nhưng không say để tiếp tục... say xỉn với nhau? Vả lại công phu uống rượu không say để làm gì? Để khuyến khích những kẻ thích say xỉn hãy cố gắng tu rượu thêm nữa cho ‘tăng đô’ ư?
Rõ ràng với những người trí, sự mâu thuẫn đầy uế nhiễm trên đã đạt tới mức phi lý, phi pháp đến tận cùng.
Còn chuyện uế nhiễm do hưởng thọ dâm dục thì sao? Các học giả Đại Thừa nào không biết đến Cưu Ma La Thập, một dịch giả khét tiếng đã giới thiệu rất nhiều kinh luận mới cho Phật giáo cải biến. Thế nhưng theo cuốn “Tranh Biện” của Xích Liên xuất bản 1929 – 1932, quyển Thượng, trang 151 – 169, có nêu rõ Cưu Ma La Thập đã ngang nhiên nhận cả mười cung nữ từ vua Diêu Tần ban cho để hầu hạ riêng cho ‘ngài’.
Dù Cưu Ma La Thập có là một cư sĩ chân chính của Phật giáo chăng nữa, ông ta cũng không nên làm như vậy, huống hồ là nhà sư, là luận sư ‘đáng kính’ của nhiều người. Những ai vinh danh một dịch giả như vậy, hẳn họ cũng sẽ thoải mái chấp nhận các thị nữ ‘hầu hạ’ riêng cho mình. Thử hỏi các ‘Thánh kinh’ từ các dịch giả một tay ôm bút, một tay ôm thị nữ có còn thanh tịnh hay bị uế nhiễm đến tận cùng?
Nếu ai đó hoài nghi thông tin trong ‘Tranh Biện’ là không đáng tin cậy? Vậy tại sao mọi người lại tin ngay tất cả các kinh luận từ một dịch giả sống sau Phật hàng trăm năm như Cưu Ma La Thập? Sự cả tin này có phải là sự uế nhiễm đáng chê trách không?
Còn uế nhiễm thứ ba do chấp nhận vàng bạc thì khỏi nói. Ngay sau khi Đức Thế Tôn vừa mới nhập diệt một trăm năm thì các Tỳ-khưu xứ Vajji đã ngang nhiên chế ra mười điều luật mới. Trong đó đã có chuyện xé rào cho phép Tỳ-khưu nhận tiền. Việc phá luật này đã bị các trưởng lão giới hạnh tinh nghiêm chặn đứng, thế nhưng sau đó sự uế nhiễm này vẫn tiếp diễn như thế nào, mọi người đều thấy rõ.
Chỉ có điều ngày nay nhiều người đã xem việc tu sĩ nhận tiền là đương nhiên, việc tu sĩ có nhiều tiền không phải là uế nhiễm mà là ‘phước báu’. Đây mới là sự uế nhiễm tận cùng.
Còn uế nhiễm do tà mạng như xin xăm, xem bói, coi ngày, coi giờ, cầu đảo, bùa chú, lên đồng, gọi hồn... thì sao? Trong thực tế các uế nhiễm kiểu này cũng lắm đường nhiều cách. Mọi người chỉ cần duyệt qua các tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đủ thấy rõ. Thế nhưng cũng giống như việc nhận tiền, nhiều nơi xem việc sinh sống bằng tà mạng không phải là uế nhiễm, trái lại là những hoạt động bình thường trong chùa chiền. Đây mới chính là sự uế nhiễm tận cùng.
Tất cả các uế nhiễm trên đã khiến cho những ai tin theo ‘không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng’, trái lại bị lu mờ, tối tăm, mê muội. Chính vì bị lu mờ, tối tăm, mê muội cho nên mới không thấy rõ những tà hạnh của các tà nhân, mới không thấy rõ các tà thuyết lươn lẹo ngụy biện trong các tà kinh, để rồi nhắm mắt đưa chân vào cõi dữ, đoạ xứ, địa ngục.
Đây mới là khốn khổ đến tận cùng! Chính vì thế mong mọi người hãy tỉnh mau kẻo trễ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét