Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Cứu cấp chân lý!!!



Hai thành viên GĐPT ngồi nói chuyện với nhau. Em thứ nhất đặt vấn đề:
_ Trong cuộc sống có quá nhiều cứu cánh chân lý khác nhau. Trong Phật giáo cũng có quá nhiều tông phái khác nhau. Theo cậu, vấn đề nên hiểu như thế nào?
Đối với đời thường, chín người mười ý, do vậy có nhiều chân lý khác nhau là lẽ đương nhiên. Còn trong Đạo Phật, chân lý và cứu cánh chân lý cũng khác với đời thường. Mỗi người phải suy xét cho cẩn thận kẻo đi sai đường.
_ Khác thế nào? Sai đường thế nào?
Thứ nhất, cậu nên đọc kỹ lại bài kinh Canki, số 95, Trung Bộ tập 2. Trong đó Đức Thế Tôn đã phân tích cụ thể có ba mức độ của chân lý theo quan điểm của đạo Phật, đó là: (1) Hộ trì chân lý hay chân lý được hộ trì, (2) Giác ngộ chân lý hay chân lý được giác ngộ và (3) Chứng đạt chân lý hay chân lý được chứng đạt. Hiểu được điều này, vấn đề sẽ rõ ràng hơn.
_ Mình sẽ đọc kỹ. Còn điều thứ hai?
Cứu cánh chân lý chỉ có một, không có hai. Và người nói Pháp không có tranh luận với bất cứ ai ở đời.
_ Mình không tranh luận, chỉ thảo luận thôi.
Em thứ hai gật đầu:
Tốt rồi! Theo ý kiến cá nhân, mình nghĩ trong Đạo Phật Niết Bàn chính là mục đích, là cứu cánh, và bước đầu để đi tới, người cư sĩ đã phải giữ nghiêm năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Mọi người giữ được như vậy thôi, an lạc hiện tiền, còn tìm đâu xa.
_ Còn nhiều nơi khác, để đạt đến mục đích cứu cánh, người ta bất chấp mọi thứ, thậm chí tiêu diệt cả những ai không theo mình dù họ có hiền lương vô tội.
_ Theo mình, cứu cánh chân lý chỉ có ý nghĩa khi nó có lợi cho mình, cho mọi người, cho cả hai, cho toàn thế giới; và không gây hại cho mình, hại cho mọi người, hại cả hai, hại toàn thế giới ngay trong hiện tại lẫn ở tương lai. Muốn vậy, cứu cánh chân lý ấy phải không có tham lam, không có sân hận, không có si mê.
_ Cứu cánh chân lý như vậy thật khó gặp, phải không?
_ Đúng vậy. Cậu hãy tìm kiếm cho chính mình và tìm trong Tám Chánh Đạo thử xem.
_ Tông phái nào cũng nói đến Tám Chánh Đạo.
_ Nhưng họ có theo đúng với định nghĩa của Đức Thế Tôn không? Họ có Chánh Tinh Tấn theo Bốn Chánh Cần không? Họ có Chánh Niệm theo Bốn Niệm Xứ không? Họ có Chánh Định theo Bốn Thiền Bốn Thánh Định không?
_ Mình đã hiểu. Sau hai ngàn năm, cứu cánh chân lý đã thành ‘cứu cấp chân lý’ mất rồi!

Thiện Đạo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét