Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Bợp tai công án!


Đà Đầu đại sư là một tu sĩ ẩn lâm theo hạnh khất thực và sống độc trú biệt cư trong rừng. Một hôm, vị khất sĩ ung dung ôm bình bát rảo bước đến trước thiền môn xin ăn.
Thiền sư Inhuka, trụ trì thiền tự, vốn nổi tiếng là một người cao mạn. Dưới mắt ngài, tất cả bọn“Tiểu thừa” “đi xe con mu rùa” chỉ là thứ “chồi khô mộng lép”, “trầm không trệ tịch, tiêu nha bại chủng”.
Cho nên gặp được dịp này, Thiền sư đã không thèm lấy lễ chủ khách tiếp đón Đại sư thì chớ, trái lại ngài còn đặt điều kiện buộc đạo sư Đầu Đà phải giải đáp được một công án thiền của ngài rồi mới bố thí cho ăn, bằng không cứ quá bộ đến xin nơi khác. Trời đã quá trưa, Đại sư Đầu Đà không còn cách nào khác đành phải gật đầu chấp nhận.
Thiền sư Inhuka liếc nhìn kẻ tiểu nhân đang đứng lặng im ôm bình bát chẳng khác nào một tên ăn mày, ngài liền nhếch mép cười gằn, rồi lách mình bước lên bậc thềm cao.
Vị thiền chủ đảo mắt qua khắp chúng đệ tử một lượt như ngầm bảo mọi người hãy chứng kiến ngài ra tay dạy pháp cao siêu cho những kẻ ngoại đạo tiểu tâm, tiểu trí.
Thấy mọi người đều chăm chú nhìn mình, thầy trụ trì lại càng ra vẻ tự mãn. Ngài xoay người vung tay oai vệ bước lên bảo tọa, khoanh chân ngồi chễm chệ trên bồ đoàn gấm thêu.
Vừa mới an toạ, Thiền sư đã trầm tư lim dim đôi mắt, thân mình ngài lắc lư như một kẻ ngồi đồng đang phải tập trung tất cả tâm tưởng vào khoảng không bao la vi diệu. Mọi người còn đang hồi hộp, bất thình lình Thiền sư xuất chiêu tung công án:  
_ Khi vỗ hai tay vào nhau phát ra tiếng kêu. Thế nào là “LẮNG NGHE TIẾNG VỖ CỦA MỘT BÀN TAY”? (1)
Ngay tức khắc đại sư Đầu Đà bước tới, xòe một bàn tay trước mặt vị Thiền sư: “bốp... bốp... bốp...”. Thiền sư Inhuka tối tăm mặt mũi, miệng la bai bải:
_ Ối giời ơi, sao ngươi lại tát ta?
_ Thưa, đó là tiếng vỗ của một bàn tay. Còn một tay nữa, ngài muốn nghe tiếp không?
_ Thôi, thôi, thôi ta đã “đại ngộ” rồi!
Tương truyền, kể từ dạo ấy, Thiền sư Inhuka không còn dám vỗ ngực xưng tên tông môn mình là “Tối thượng thừa thiền” nữa, và chi phái thiền công án của ngài cũng biệt tích trên chốn giang hồ từ đó. Chỉ tiếc rằng nhiều người đời sau không biết đến câu chuyện này, nên vẫn còn bị các đạo sĩ rởm bày trò bịp bợm (2)

Trở Về Chánh Đạo
________________
(1) Công án thiền học “nổi tiếng” của tổ sư Hakuin.
(2) Theo chi phái thiền này, mỗi thiền sinh được giao cho một công án - thường là một câu hỏi hoặc một sự kiện nghịch lý - để giải nghi. Thiền sinh cứ tập trung tâm trên khối “nghi tình” này sẽ đến lúc được “hoát nhiên đại ngộ”.
Thực chất của tiến trình này chỉ là một lối thực hành theo tà pháp.  Bởi lẽ, sự kiện càng nghịch lý, càng vô lý bao nhiêu càng khiến hành giả phải chú tâm trên nghi vấn bấy nhiêu, và khi hành giả gom tâm đơn thuần trên một đối tượng như vậy, sẽ đến lúc ‘cái biết’ tức ý thức tách rời khỏi sự nhận thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.
Theo Đại Kinh Phương Quảng nguyên thuỷ, đây là lúc ý thức tách rời năm căn, và vì vậy hành giả sẽ rơi vào trạng thái mà Đức Phật gọi là 'Hư Không Vô Biên Xứ Định Tưởng' - tức tầng thiền đầu tiên của tà định bốn thiền vô sắc.
Chỉ cần đạt được định “Hư Không Vô Biên Xứ” này, hành giả cũng có thể giải đáp được tất cả các công án thiền còn lại; và vì vậy nghĩ rằng mình đã “giác ngộ” (!) Điều này giống như một người nhờ một con đường leo lên đỉnh đồi, khi người ấy đã ở trên đỉnh sẽ thấy được tất cả các con đường khác.
Thế nhưng, điều này không có nghĩa người ấy đã thấy được các đỉnh núi cao nơi khác, càng không có nghĩa thấu suốt được cả trái đất, càng không có nghĩa thấu suốt được cả vũ trụ. Nói theo Kinh Pháp Môn Căn Bản của Đạo Phật Nguyên thuỷ, người này mới chỉ “tưởng tri giác ngộ là giác ngộ”, “tưởng tri Niết Bàn là Niết Bàn”.
Tưởng tri này do đâu mà có? Cũng do định tưởng Hư Không Vô Biên Xứ mà ra. Với tưởng tri của trạng thái “Không” này, hành giả cũng sẽ “ngộ” ra và dễ dàng chấp nhận sự phủ định sạch trơn của Bát Nhã Tâm Kinh do các tổ sư gốc Bà-la-môn xiển dương với “sắc tức thị không, không tức thị sắc... vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo”.
Và đương nhiên, vì là tà thiền tà định, không nhắm đến diệt dục ái ngay từ đầu, nên dù nhập được các tầng định này, vị tu sĩ vẫn còn ôm giữ cả một khối tham-sân-si, năm triền cái, các kiết sử, phiền não lậu hoặc đầy đủ.
Chính vì thế mới có chuyện “vô trí diệc vô đắc”, hoặc “độ bao nhiêu (niệm) chúng sanh nhưng vẫn không thấy chúng sanh nào được độ”, hoặc “người tu chứng nhưng không thấy mình tu chứng” (!!!)
Chỉ với thứ tà tuệ, tà giải thoát có được từ tà định như vậy, thế nhưng các Thiền sư, theo chân các tổ sư Bà-la-môn gián điệp, đã dám quay lại khinh thường phỉ báng Chánh Định - Bốn Thiền, Bốn Thánh Định của Đức Phật là “phàm phu thiền”, “tiểu thừa thiền”, “ngoại đạo thiền” (sic). Thử hỏi, có gì là quá đáng khi phải gọi đích danh họ là những “đạo sĩ rởm bày trò bịp bợm”?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét