Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Có mắt như mù! Có tai như điếc! Có óc như… đậu hũ!

Một Dạ Xoa nhập vào cô Ba-đồng-bóng để khai thị hội nhập tri kiến đạo cho một nữ cư sĩ Ưu Bà Di:
_ Này Ưu Bà Di, tu là phải biết thực hành hạnh “ba không”: không thấy, không nghe, không nói. Phải có mắt như mù, có tai như điếc, có miệng như câm.
Ưu Bà Di giật mình kinh hãi:
_ Ối, cô tu kiểu gì giống mấy con giun quá! Loài thấp sanh giun trùng chúng cũng biết “tam vô”: không thấy, không nghe và có miệng ăn nhưng “câm như hến”, thưa cô.
_ Ờ… thì…
Dạ Xoa lóng ngóng bối rối. Thiện nữ tiếp tục phản công “bắt ấn” trừ tà:
_ Chẳng lẽ thấy người chết đuối cô cũng nhắm mắt làm ngơ? Nghe đứa bé đói rét khóc, cô cũng bịt tai bỏ lờ? Nói để cứu người, cứu mình, cũng ngậm miệng luôn chăng?
Im lặng bao trùm. Dạ Xoa ngắc ngứ, ợ lên ngáp xuống. Ưu Bà Di điềm nhiên “chưởng” tiếp:
_ Không nhìn làm sao đọc được lời Phật dạy trong kinh điển? Không nghe làm sao biết lời người hiền trí nói? Không nói thì cô mở miệng làm gì?
Cô Ba-đồng-bóng lắc lư giật mình tỉnh ngộ, hỏi lại:
_ Vậy thế nào là tu?
_ Tu là không nhìn những gì không đáng thấy, không nghe những điều không đáng nghe, không nói những lời không đáng nói. Và phải biết nhìn những gì đáng thấy, nghe những điều đáng nghe và nói những lời đáng nói.
_ Những gì không đáng thấy, không đáng nghe, không đáng nói?
_ Không đáng thấy, không đáng nghe, không đáng nói những gì hại mình, hại người, không lợi mình, không lợi người; làm ác pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm.
_ Còn những gì đáng thấy, đáng nghe, đáng nói?
_ Đáng thấy, đáng nghe, đáng nói những gì không hại mình, không hại người, lợi mình, lợi người; làm thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm.
_ Xin tâm phục, khẩu phục. Ưu Bà Di mới chính là đạo sư thực sự!
_ Không dám, thưa cô Ba Dạ Xoa!
Dạ Xoa biết mình đã bị bại lộ liền tháo lui biến mất tại chỗ. Kể từ dạo đó Dạ Xoa sợ hãi và luôn tránh né Ưu Bà Di, riết rồi nó phải từ bỏ thôn xóm ra đi. Nhờ thế dân làng thoát khỏi sự phá hoại của Dạ Xoa. Mọi người trở nên khôn ngoan hơn và gia đình cũng được an vui hạnh phúc nhiều hơn.

Tiểu Thiên Vương 
_________________________
Ghi chú: Thấy việc thiện mà vẫn khoanh tay nhắm mắt làm ngơ khác nào kẻ chết nằm. Chánh Kinh Pali đã dạy rõ:
“-- 501. Có mắt, như kẻ mù,
Có tai như kẻ điếc,
Có trí, như kẻ ngu,
Có sức, như kẻ yếu,
Ðể việc lành khởi lên,
Nằm như kẻ chết nằm”
 (Thera. 52)
Lại nữa, từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước Đức Thế Tôn đã dạy rồi nhưng những kẻ có mắt như mù, có tai như điếc, có óc như đậu hũ nên mới không hay biết gì cả. Thật vậy,
“Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn ở Kajangala, tại Mukheluvana.
Rồi thanh niên Bà-la-môn Uttara, đệ tử của Pasariya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với thanh niên Bà-la-môn Uttara, đệ tử của Pasariya đang ngồi một bên:
-- Này Uttara, Bà-la-môn Pasariya có thuyết về căn tu tập cho các đệ tử không?
-- Thưa Tôn giả Gotama, Bà-la-môn Pasariya có thuyết về căn tu tập cho các đệ tử.
-- Nhưng này Uttara, Bà-la-môn Pasariya thuyết về căn tu tập cho các đệ tử như thế nào?
-- Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, không nên thấy sắc với mắt, không nên nghe tiếng với tai. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, Bà-la-môn Pasariya thuyết về căn tu tập cho các đệ tử.
-- Nếu là như vậy, này Uttara, theo như lời nói của Bà-la-môn Pasariya, người mù sẽ là người có căn tu tập, người điếc sẽ là người có căn tu tập. Này Uttara, người mù không thấy sắc với mắt, người điếc không nghe tiếng với tai.
Khi được nói vậy, thanh niên Bà-la-môn Uttara đệ tử của Pasariya ngồi im lặng, hổ thẹn, thụt vai, mặt cúi gầm xuống, trầm ngâm, không nói năng gì…” (Trích Kinh Căn Tu Tập, Trung bộ 3, số 152)
Đọc đến đây các ngài thích-vô-vô còn chút lương tri hẳn cũng phải biết “ngồi im lặng, hổ thẹn, thụt vai, mặt cúi gầm xuống, trầm ngâm, không nói năng gì”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét