Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Kinh bịa hay người bậy???

Hai vị trưởng lão Như Chơn và Như Thật ngồi đàm đạo với nhau. Trưởng lão Như Chơn nêu vấn đề:
_ Thưa Hiền huynh, có một vị tu sĩ nói rằng kinh Đại Bát Niết Bàn của Nguyên thủy đã bị người đời sau bịa thêm.
Trưởng lão Như Thật nhíu mày, hỏi gặng:
_ Họ nói kinh “bịa” như thế nào?
_ Vị tu sĩ phán rằng trong kinh có đoạn Đức Phật biết nấm độc mà vẫn ăn để rồi chết; như vậy là vô minh, là vô lý, không thể có sự kiện này. Do vậy chuyện Đức Phật ăn nấm độc rồi chết là do người đời sau bịa ra. Những người đi theo vị tu sĩ này cũng tin như thế để rồi đâm ra nghi ngờ cả kinh tạng Nikaya.
Trưởng lão Như Thật lắc đầu quầy quậy:
_ Đúng là thày nói tào lao, trò lao theo nói tầm bậy, không ai chịu suy tư, quán xét gì cả.
_ Họ hồ đồ ư? Xin Hiền huynh hãy chứng minh cụ thể!
Trưởng lão Như Thật nghiêm trang nhấn giọng:
_ Chứ gì nữa. Huynh nên nhớ dù Đức Thế Tôn có ăn hay không ăn bữa ăn cuối cùng ấy thì Ngài vẫn nhập Niết Bàn vào đúng ngày hôm ấy. Vì sao? Vì trước đó, Ngài đã tuyên bố đúng ba tháng sau Ngài sẽ xả bỏ báo thân.
_ Điều này có nghĩa Đức Phật không phải vì ăn nấm độc mà chết?
_ Đúng như vậy. Hẳn vị tu sĩ “bịa thêm” kia và những ai tin vị ấy đã không đọc kỹ chánh Kinh và chánh Luật. Huynh không tin hãy hỏi họ xem trong chánh Kinh – chánh Luật có bao nhiêu lần Đức Thế Tôn đã từng thọ dụng những thức ăn có tẩm độc nhưng Ngài đều vô sự.
_ Thế ư?
_ Những ai còn hồ nghi hãy đọc kỹ chánh Kinh – chánh Luật sẽ rõ. Thậm chí có lần Đức Thế Tôn còn nói Bà La Môn Velaṭṭha Kaccāna hãy cúng dường thêm mật đường có độc cho cả Tỳ-kheo và nhiều người khác nữa, thế nhưng tất cả cũng đều bình an vô sự. Vì sao, Huynh có biết không?
_ Vì Bậc Thầy Trời Người đã hóa giải được chất độc?
_ Đúng vậy. Các ông ngoại học ác hiểm sau khi biết âm mưu của mình đã bị bại lộ và bị vô hiệu hóa đã phải kinh hồn khiếp vía.
Trưởng lão Như Chơn nhanh miệng:
_ Như vậy ở đây nếu muốn, Đức Phật cũng có thể hóa giải nấm độc?
_ Đương nhiên rồi. Chánh kinh ghi lại nguyên văn lời Phật dạy: “- Này Cunda, món ăn mộc nhĩ còn lại. Ngươi hãy đem chôn vào một lỗ. Này Cunda, Ta không thấy một ai ở cõi Trời, cõi Người, ở Ma giới, ở Phạm thiên giới, không một người nào trong chúng Sa-môn và chúng Bà-la-môn, giữa những Thiên, Nhân, ăn món mộc nhĩ này mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai.
_ Chỉ có Như Lai mới tiêu hóa được nấm độc ấy, còn kẻ khác phải chết ngay tức khắc?
_ Sự việc là như vậy!
_ Thế nhưng biết nấm độc, Đức Phật có quyền từ chối món ăn ấy?
Trưởng lão Như Thật cao giọng:
_ Nếu vậy thì còn gì là Như Lai Lực, còn đâu xứng đáng là Bậc Thầy Trời Người.  
_ Nhưng chứng tỏ thần lực của Như Lai kiểu ấy thì kẻ ganh ghét có thể nói xấu rằng Đức Phật còn ngã mạn, còn muốn ‘khoe’ thần, ‘khoe’ lực.
_ Ai nói sàm như vậy, vì họ đã không hiểu một lý do sâu xa khác nữa.
_ Lý do gì, thưa huynh?
_ Chính trong bài kinh này, Đức Phật đã dạy rõ có hai sự cúng dường bữa ăn được phước báo tối thượng, đó là cúng dường bữa ăn trước khi Đức Phật thành đạo và bữa ăn cuối cùng trước khi Đức Phật nhập Niết Bàn.
_ Thế ra Đức Như Lai thọ nhận bữa ăn cúng dường cuối cùng ấy là vì lòng từ bi muốn ban phước báu hy hữu cho thợ sắt Cunda?
_ Pháp nhĩ như thị. Pháp là như vậy. Hiền huynh nên lưu ý, không chỉ có bấy nhiêu, đoạn kinh kế tiếp cho ta thêm những ý nghĩa quan trọng khác nữa.
Trưởng lão Như Chơn chắp tay khẩn khoản:
_ Ý nghĩa như thế nào? Mong Hiền Huynh chỉ giáo.
_ Chánh kinh có ghi rõ thế này: “Sau khi dùng cơm của thợ sắt Cunda, Thế Tôn bị nhiễm bệnh nặng, bệnh lỵ huyết, đau đớn gần như đến chết, và Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn nại, chịu đựng cơn bệnh.
… Tôi nghe: Sau khi dùng cơm tại nhà thợ sắt Cunda. 
Cơn bệnh khốc liệt bỗng khởi lên, gần như chết đến nơi. 
Sau khi dùng món ăn loại mộc nhĩ. 
Kịch bệnh khởi lên nơi bậc Ðạo Sư. 
Ðiều phục bệnh hoạn
, Thế Tôn dạy rằng:
"Ta đi đến thành Kusinàra".
 
Trưởng lão Như Chơn tỏ vẻ biết chuyện, tiếp lời:
_ Đức Thế Tôn đã điều phục được “cơn bệnh khốc liệt” để tiếp tục bộ hành, sau đó Ngài đã tự đi đến Kusinàra và an nhiên nhập Niết Bàn trước mắt năm trăm vị Tỳ-kheo và nhiều người khác nữa.
_ Điều này có nghĩa Đức Thế Tôn không những đã điều phục được tuổi già, điều phục được bệnh tật của tuổi già mà còn điều phục được cả khổ thọ khốc liệt do chất cực độc gây ra, để điều phục được cái chết khốc liệt một cách an nhiên tự tại trước sự chứng kiến của nhiều người.
Trưởng lão Như Chơn chắp hai tay lên trời đảnh lễ:

_ Làm được như vậy, rõ ràng chỉ có Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Trưởng lão Như Thật cũng chắp tay:

_ Pháp nhĩ như thị. Chỉ cần hiểu được bấy nhiêu đó thôi, tôi hỏi huynh kinh bịa thêm hay có người không hiểu kinh rồi nói bậy?

_ Tôi đã rõ kinh bịa hay người bậy rồi, thưa Huynh. Tin Chánh Kinh hay tin một chiều nhắm mắt tin người đời sau với những nhận định hồ đồ là tùy vào nhận thức của mỗi người. Ở đây chúng ta không tranh luận.

_ Đành rằng như vậy, nhưng huynh hãy hỏi những ai tin vị tu sĩ “bịa thêm” kia, xem vị ấy tịch như thế nào? Vị ấy có báo trước ngày giờ và có tịch một cách công khai, an nhiên tự tại trước mắt mọi người như Đức Phật và các vị A La Hán không? Hay vị ấy lại đột ngột âm thầm ra đi như bao nhiêu người bình thường khác để rồi sau đó chính các đệ tử của vị ấy tha hồ “bịa thêm” này nọ?

_ Vâng, tôi sẽ hỏi họ. Xin cảm ơn Hiền Huynh!

CHÁNH ĐẠO





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét