Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

NĂM TRĂM NĂM HAY NĂM NGÀN NĂM???

Trong kinh Tăng Chi tập 3, chương 8, Phẩm Gotami, bài kinh Mahāpajāpati Gotamī (trang 649-658), Đức Thế Tôn đã chánh biến tri rõ:
- Này Ānanda, nếu nữ nhân không được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, thời này Ānanda, Phạm hạnh được an trú lâu dài, và Diệu Pháp được tồn tại đến một ngàn năm. Vì rằng, này Ānanda, nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này, nay này Ānanda, Phạm hạnh sẽ không được an trú lâu dài, thời này Ānanda, Diệu Pháp được tồn tại năm trăm năm. 
Bên cạnh đó, trong tạng Luật phần Tiểu Phẩm, chương thứ mười, cũng phản ảnh hoàn toàn đúng với điều tiên tri “Diệu Pháp tồn tại năm trăm năm” giống như trong tạng Kinh.
Đương nhiên một Đấng Như Lai, Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn không bao giờ nói trước sau sai lời.
Không bao giờ có chuyện một bậc Chánh Đẳng Giác lại nhầm lẫn giữa năm trăm năm (500)năm ngàn năm (5.000), nhất là khi vấn đề liên quan đến sự tồn tại của Diệu Pháp.
Thế nhưng một ngàn năm sau khi Phật Thích Ca nhập diệt, một luận sư gốc Bà-la-môn là Phật Âm (Buddhaghosa) nhảy ngang vào Đạo Phật lại chú thích tự giải rằng: “Nói đến 1000 năm là đề cập đến sự diệt tận các lậu hoặc với sự thành đạt về bốn Tuệ Phân Tích. Từ đó về sau là 1000 năm của sự diệt tận các lậu hoặc do thuần túy Minh Sát, 1000 năm của đạo quả Bất Lai, 1000 năm của đạo quả Nhất Lai, 1000 năm của đạo quả Nhập Lưu. Như vậy, Pháp Thành sẽ tồn tại 5000 năm”.
Để khỏi mất thì giờ giải thích luận giải trên, xin trích dẫn ngay lời dạy của chính Đức Thế Tôn:
“- Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nói như sau: "Tại trú xứ kia có vị trưởng lão, vị này là bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Ðối diện với vị trưởng lão ấy, tôi nghe như vậy, đối diện với vị trưởng lão ấy, tôi lãnh thọ như vậy: "Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư””.
Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật.
Nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương xứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này không phải lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm". Và Này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy từ bỏ chúng.
- Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nói như sau: "Tại trú xứ kia có vị trưởng lão, vị này là bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Ðối diện với vị trưởng lão ấy, tôi nghe như vậy, đối diện với vị trưởng lão ấy, tôi lãnh thọ như vậy: "Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư””.
Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật.
Nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này là lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Trưởng lão ấy đã thọ giáo chơn chánh". 
Này các Tỷ-kheo, như vậy là Đại căn cứ địa thứ tư các Thầy cần phải thọ trì.”  (Xem thêm các Đại căn cứ địa thứ nhất, thứ hai, thứ ba trong Tăng Chi 2, Chương 4, tr.135-140)
Theo lời dạy trên, ngay cho dù Phật Âm Bà-la-môn sống cùng thời với Đức Thế Tôn, những người con Phật còn phải biết nghe theo Phật Thích Ca dựa vào Kinh và Luật để cẩn trọng nhận định lời của Phật Âm, huống hồ ở đây vị luận sư gốc Bà-la-môn này sống sau Phật cả ngàn năm và nổi tiếng chống các phái ly khai khỏi đạo Bà-la-môn giáo [1]
Thế nhưng vì sao luận sư Bà-la-môn Phật Âm lại giải thích năm trăm năm’ thành ‘năm ngàn năm? Thật đơn giản: để ru ngủ mọi người rằng họ vẫn còn may mắn sống trong thời kỳ của Chánh Pháp tồn tại, từ đây mọi người sẽ chủ quan, dễ dàng tin rằng các kinh-luật-luận của các luận sư Bà-la-môn giới thiệu đều thực sự của Phật giáo, mọi ý kiến của “Thánh Tăng” Phật Âm Bà-la-môn đều chân thực, có giá trị, và rất đáng tin cậy.
Ngược lại nếu mọi người biết rõ Chánh Pháp chỉ tồn tại năm trăm năm, lúc ấy họ sẽ cảnh giác hơn với tất cả các "Tam Tạng" xuất hiện sau này. Họ cảnh giác cả với các “Bồ-tát” Bà-la-môn như Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước, và cả Phật Âm… Nhờ vậy họ sẽ cố tìm về những Kinh-Luật chính gốc, thọ trì những lời dạy thực sự của Đức Thế Tôn; lúc ấy các “Bồ-tát” Bà-la-môn và các kinh-luật-luận cải biến sẽ phải lộ nguyên hình là ngụy tạo. Khi ấy Phật Pháp sẽ lại được xương minh sáng ngời. Dĩ nhiên, đây là điều mà các tà sư gián điệp ngoại học hoàn toàn không muốn. Cho nên các tà sư gián điệp như Phật Âm phải kéo dài thêm thời kỳ của Chánh Pháp là vì vậy.
Đến đây xin hỏi những ai tin theo Phật Âm: “Một người đang bị bệnh nhưng cố tình dấu giếm không thừa nhận căn bệnh của mình, liệu có thoát được bệnh không?” Hẳn là không, bệnh là bệnh, thậm chí càng che dấu bệnh, càng có nguy cơ trở nặng.
Trái lại phải theo lời dạy của Bậc Y vương: “Ví như, này các Tỷ-kheo, có đứa con nít, trẻ nhỏ, ngây thơ đang nằm ngửa, do người vú vô ý, đứa nhỏ cầm một cây que hay hòn sạn cho vào miệng.
Người vú hầu ấy phải mau chóng tác ý. Sau khi mau chóng tác ý, phải mau chóng móc cho ra. Nếu không có thể mau chóng móc ra được, thời với tay trái nắm đầu nó, với tay mặt, lấy ngón tay làm như cái móc, móc cho vật ấy ra, dầu có phải chảy máu. Vì cớ sao?
Này các Tỷ-kheo, làm như vậy, có hại cho đứa trẻ. Ta nói rằng không phải không có hại. Như vậy, này các Tỷ kheo, người vú hầu phải làm như vậy vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn (đứa trẻ). Nhưng này các Tỷ-kheo, khi đứa trẻ ấy đã lớn lên, và có đủ trí khôn, người vú hầu ấy không săn sóc nó nữa, nghĩ rằng: "Nay đứa trẻ đã biết tự bảo vệ mình, không phóng dật nữa" (Tăng Chi 2, chương 5, phẩm Sức mạnh hữu học, bài kinh số 7)”.
Ở đây vấn đề tồn tại của Diệu Pháp cũng cần phải được thẳng thắn nhìn nhậnmau chóng cứu chữa như vậy.
Có thể có người hỏi rằng: Phật giáo vẫn tồn tại ở nhiều nước và thậm chí còn đang tiếp tục phát triển sang các nước phương Tây chứ không có biến mất?
Xin thưa, một Phật giáo tồn tại theo những hình thức tôn giáo và bị pha tạp quá nhiều những tư tưởng ngoại lai đến độ những lời dạy chính thống bị xem là thường pháp, là tục đế thì lời tiên tri “Diệu Pháp biến mất sau năm trăm năm” là hoàn toàn chính xác.
Cần lưu ý thêm: Đức Thế Tôn tiên tri “Diệu Pháp biến mất” chứ không nói “Phật giáo bị tiêu diệt”. Điều này có nghĩa “Diệu Pháp” với ý nghĩa là một Chánh pháp cứu khổ thực sự không còn (ví dụ Chánh Định Bốn Thiền Bốn Thánh Định không còn ai biết đến), nhưng “Phật giáo” với ý nghĩa là một tôn giáo mang danh nghĩa đạo Phật, với những hình thức lễ nghi mê tín thì vẫn còn tồn tại.
Điều tiên tri của Đức Thế Tôn thực ra là lời cảnh giác nghiêm khắc cho các Phật tử về thời điểm chính xác Phật pháp bị biến chất. Thời điểm này phù hợp một các kỳ lạ với sự xuất hiện hàng loạt các luận sư Bà-la-môn “quy y” theo Phật giáo cùng với những kinh - luật - luận ngụy tạo của họ.
Chính vì thế các con Phật phải cảnh giác chớ có cả tin, và đây mới là mục đích chính yếu của lời tiên tri. Thế nhưng, một khi các Phật tử nói chung và các Tỳ-kheo-ni nói riêng cả tin dễ dàng chấp nhận và tin tưởng các Bồ-tát gián điệp cùng các kinh-luật-luận giả tạo, thì việc Diệu Pháp chính gốc phải bị biến mất là điều hiển nhiên.
Nếu mỗi người con Phật nhận thức rõ lời tiên tri của Đức Chánh Biến Tri và thận trọng cảnh giác với các ông Bà-la-môn gián điệp thì đạo Phật không đến nỗi biến hoại và họ sẽ tránh khỏi bị đọa vào địa ngục vì tà kiến
Do vậy những Tỳ-kheo-ni nói riêng và tất cả đệ tử Phật nói chung phải ý thức rõ điều này, đồng thời phải thấy được sự nguy hại do bản tính cả tin của mình để từ đó cảnh giác hơn với tất cả kinh-luật-luận xuất hiện từ sau năm trăm năm Phật Thích Ca nhập diệt.
Được như vậy thì Diệu Pháp dù có biến mất vì sự vô minh của chúng sanh, nhưng sẽ “sống lại” nhờ vào trí tuệ của chính người con Phật biết dựa vào những lời dạy thực sự của Đấng Đạo Sư.
Thực vậy, vì bên cạnh lời tiên tri cảnh giác nêu trên, Đức Thế Tôn còn nêu lên rất nhiều các lời dạy khác về sự tồn tại của Diệu Pháp. Điển hình là lời dạy của Ngài trong Tương Ưng 5, bài kinh số 174:
“Do Bốn Niệm Xứ không được tu tập, không được làm cho sung mãn, này Bà-la-môn, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu Pháp không có tồn tại lâu dài. Do Bốn Niệm Xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, này Bà-la-môn, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu Pháp được tồn tại lâu dài”.
Ý kiến: Ngay phần đầu của Bốn Niệm Xứ là pháp môn Định Niệm Hơi Thở với các câu Như Lý Tác Ý. Thử hỏi những người con Phật ngày nay có ai còn tu biết theo đúng lời dạy này của Phật không? Hay chỉ biết “phồng xẹp”, đếm hơi thở, theo dõi hơi thở? hay ‘Á mi tù phù’, ‘tri vọng’, ‘Hum ma ni bát mệ hồng’?
Bấy nhiêu cũng đủ hiểu ngày nay Bốn Niệm Xứ thật sự đã không còn được tu tập theo đúng chánh pháp, và vì thế Diệu Pháp thực sự đã không còn tồn tại. Ai đó còn hoài nghi, hãy đọc kĩ lời tiên tri khác của Đức Thế Tôn dưới đây:
“Và có năm pháp, này Kassapa, đưa đến sự an trú, bền vững, không biến mất của Diệu Pháp.
Thế nào là năm?
Ở đây, này Kassapa, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ  sống kính trọng, tùy thuận bậc Ðạo Sư, sống kính trọng, tùy thuận Chánh pháp, sống kính trọng, tùy thuận chúng Tăng, sống kính trọng, tùy thuận Học giới, sống kính trọng tùy thuận Thiền định.
Chính năm pháp này, này Kassapa, đưa đến sự an trú, bền vững, không biến mất của Diệu Pháp”  (S.ii,223)
Ý kiến: Việc các đệ tử Phật có thực sự cung kính Ngài không còn phải xét lại. Bởi lẽ có nhiều nơi Phật tử tin theo các Bà-la-môn gián điệp đời sau dương dương tự đắc “vô chấp”, “vô phân biệt” tất cả; đến độ có Tổ sư phán “Bụt là cục kít khô”, có Thiền sư thừa nhận “con chó có Bụt tánh”… ???
Bên cạnh đó, hãy quán xét tất cả các tông phái của Phật giáo ngày này xem có còn tông phái nào biết kính trọng tùy thuận Chánh Định tức Bốn Thiền - Bốn Thánh Định của Đức Phật không? Thực tế chẳng còn tông phái nào cả, có chăng chỉ mang danh nghĩa tu Bốn Thiền vậy thôi, chứ thực sự chỉ một chiều tin theo tưởng giải của vị thầy, hoàn toàn không theo đúng “mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu” trong Chánh Kinh của Phật. 
Chỉ cần xét bấy nhiêu cũng đủ hiểu vì sao Diệu Pháp thực sự đã biến mất cả rồi!
Tuy vậy trong tạng Luật cũng có một tiên tri chính xác khác, và theo đây những người con Phật có quyền hy vọng vào sự xương minh của Chánh Phật Pháp:
“Khi Tạng Kinh quên lãng
và luôn Tạng Diệu Pháp,
còn Tạng Luật chưa hoại
Giáo Pháp vẫn tồn tại.”
(Đại Phẩm, phần cuối Chương Trọng Yếu, theo bản dịch của TK Nguyệt Thiên)
Quả thật khi mọi người đều tin theo các luận sư Bà-la-môn đời sau, nghĩ rằng những lời Phật dạy trong kinh tạng Nikāya “chỉ là thường pháp, là tục đế, không phải chân nghĩa đế”, hay nó chỉ là thứ kinh “Tiểu Thừa” kém cỏi chỉ dành cho thứ “chồi khô mộng lép”, “tiêu nha bại chủng” thì xem như Tạng Thánh Kinh đã bị xem thường và quên lãng thực rồi.
Khi mọi người không còn biết đúng theo định nghĩa trong Kinh Luật,rằng Tạng Vi Diệu Pháp chính là 37 Phẩm Trợ Đạo (Abhidhamma, thắng Pháp, A-tỳ-đàm); trái lại các Phật tử chỉ đua nhau tin theo tạng “Luận - Vi Diệu Pháp” của các luận sư đời sau. Họ đua nhau hý luận chia chẻ tâm sở, tâm vương, tâm hiệp thế, tâm đáo đại… nhưng không biết tâm nào giúp diệt tham-sân-si, tâm nào đoạn kiết sử, tâm nào trừ triền cái thì xem như Tạng Diệu Pháp cũng đã bị quên lãng luôn rồi.
Thế nhưng khi Tạng Luật Pātimokkha vẫn còn thì Giáo Pháp xem như vẫn tồn tại. Vì sao? Vì khi tạng Luật Pātimokkha vẫn còn, khi ấy các Tỳ-kheo chân chính theo đây giữ nghiêm giới hạnh. Khi giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh, tri kiến thanh tịnh (Kinh Bảy Trạm Xe).
Các vị này nhờ có tri kiến thanh tịnh nên mới thấy rõ giá trị vô song của Kinh Luật chính gốc, và đồng thời các vị này mới có sức mạnh trí tuệ bứt khỏi bóng ma của các luận sư gián điệp để thấy rõ và chỉ rõ sự ngụy trá của các luận sư Bà-la-môn gián điệp đã phá hoại Phật Pháp thông qua tạng Luận như thế nào, nhờ vậy Chánh Pháp mới được xương minh sáng ngời.
Do vậy, mỗi người con Phật phải tỉnh giác loại trừ tất cả các kinh-luật-luận ngụy tạo xuất hiện sau khi Phật nhập diệt 500 năm. Đồng thời phải tích cực giữ gìn giới hạnh thanh tịnh, thọ trì và tu tập đúng chánh Kinh NIKAYA và chánh Luật PATIMOKKHA Nguyên Thủy, có vậy Diệu Pháp mới đem lại những giá trị thiết thực hiện tại cứu thoát cho chính mình và cho mọi người.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
TẬP SAN PHẬT HỌC CAO CẤP
___________________
[1] Theo bản tường trình Dhammakitti viết về Buddhaghosa có ghi rõ:"...Ông là một thanh niên thuộc đẳng cấp Bà-la-môn, sinh tại vùng phụ cận thị trấn Magadha, là nơi trồng cây Đại Bồ-đề, ông đã hoàn tất việc huấn luyện theo phái "vijja" và "sippa”,  và có kiến thức rất sâu rộng về ba phái "Phệ-đà”,  và ông cũng là người có được nhiều tài năng uyên bác, đã hoạt động không biết mỏi mệt chống lại các phái ly giáođã tự coi mình là người chống lại ly giáo khắp vùng Jumbudīpa…” (Nguyên tác: The Life and work of Buddhaghosa. Tác giả: Bimala Charan Law, M.A., B.L; Dịch giả: Tỳ-khưu Thiện Minh).
Còn trong phần phụ giải sách “Chú giải Kinh Pháp Cú tập 1”, trang 93,dịch giả Pháp Minh đã ghi chú:
“Ngài Buddhaghosa, tác giả bộ Chú Giải Pháp Cú Kinh, là một Tỳ-khưu ở xứ Thaton, dòng dõi Bà-la-môn xuất gia theo Phật giáo vào thế kỷ thứ V, Ngài rất thông suốt Tam Tạng và được Phật giáo Nam Tông xem là một vị Thánh Tăng, đã có công chấn chỉnh Phật giáo suy đồi ở Tích Lan,thủ tiêu những kinh điển mà Ngài cho là không đúng đường lối của Đức Phật, và có viết lại bằng Pāli những Bộ Chú Giải, nhất là bộ Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) mà chư Tăng ngày nay lấy làm kinh chánh để tu học về GIỚI - ĐỊNH - TUỆ. Tuy nhiên, gần đây có một số chư Tăng ở Thái Lan bắt đầu ngờ vực những công trình của Ngài. Vì lẽ, dòng dõi Bà-la-môn của Ngài bao giờ cũng chủ tâm dẹp bỏ Phật giáo, hay ít nhất cũng hạ bệ Phật và sắp Ngài vào hàng dưới Đức Phạm Thiên của họ, biết đâu chừng những kinh chính thống Phật giáo đã bị thiêu đốt và thay thế bằng những giáo lý lai Bà-la-môn?”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét