Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

QUAN TÒA HỎI ĐẠI THỪA

Bài Kệ Kết Thúc Phần Lễ Sám Theo Đại Thừa như sau:
"Tội tùng tâm khởi, tùng tâm diệt
Tâm nhược diệt thời, tội diệt vong.
Tội vong tâm diệt lưỡng cu không.
Thị tắc danh vi chân sám hối"

Có người dịch:

Tội do tâm khởi, cũng do tâm diệt
Tâm đã tịnh rồi, tội liền tiêu.
Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không
Thế mới gọi là chân sám hối.
Câu hỏi: Một kẻ chủ mưu giết người ra trước tòa có thể “chân sám hối” như vậy để chạy tội cho mình được không? Nếu không, thì vì sao?
Câu hỏi: Giả sử có một bà mẹ nói như sau: “Đứa con này do tôi đẻ ra, nên cũng do tôi giết đi. Vì tâm tôi đã tịnh rồi, tội liền tiêu”. Bà ta nói như vậy có được không? Nếu không, thì vì sao?
Câu hỏi: “Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không”, vậy nhân quả cũng không có chăng?
Những ai tin vào điều này có chấp nhận cho một kẻ “vô tâm vô tánh” giết sạch gia đình họ nhưng được “tội liền tiêu, thảy đều không”?
Câu hỏi: Những kẻ thường tà dâm, trộm cướp đến độ vô lương tâm cũng biết nghĩ và nói như vậy (nên họ mới phạm tội nhiều lần). Vậy, họ có khác gì với một hòa thượng khéo che dấu tội lỗi và cũng biết “chân sám hối”? Nếu có khác nhau thì thành “phân biệt, nhị thừa” mất rồi, “vô phân biệt” ở chỗ nào?
Câu hỏi: Một kẻ phạm giới nhưng không biết xấu hổ, sợ hãi, tâm vẫn thản nhiên như không, như vậy là nhờ y cũng biết “chân sám hối” hay sao?
Câu hỏi: Một trẻ em mới lớn hoặc một sa di mới bước chân vào cổng chùa được dạy phải biết “chân sám hối” như thế thì có những hại gì? Có lợi gì?
Một tu sĩ thượng căn, thượng trí biết và thực hành “chân sám hối” thường xuyên như vậy có xứng đáng để được chắp tay, cung kính, là phước điền cho đời không?
Câu hỏi: Nên chăng phải dẹp sám hối kiểu Đại Thừa, và thay bằng sám hối kiểu NHÂN THỪA thế này mới đúng:
“Tội do tâm khởi, do nhân quả diệt.
Nhân quả trả rồi, tội mới tiêu.
Tội tiêu tâm tịnh, nhân quả có.
Đó mới thực là chân sám hối”?
Câu hỏi: Hoặc nên chăng phải như pháp phát lồ sám hối với bậc Giới hạnh theo như lời dạy của Đức Thế Tôn trong Kinh “Tiểu Thừa” Tăng Chi 1, chương 3, Phẩm Sa Môn (IX), trang 432:
“Và này Kassapogotta, khi Thầy thấy có phạm tội là có phạm tội, và như pháp phát lộ, thời Ta chấp nhận cho Thầy. Ðây là sự tăng trưởng giới luật của bậc Thánh này, khi ai thấy có phạm tội là có phạm tội, và như pháp phát lộ, để ngăn chặn trong tương lai.” ?
Hoặc phải biết sợ hãi tội lỗi thì mới có thể thoát mọi tội lỗi đúng như lời dạy sau đây của Đức Thế Tôn:
“Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: "Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả hiện tại. Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả trong đời sau. Chúng ta phải tránh xa các tội. Chúng ta phải thấy rõ sự nguy hiểm của các tội”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
Ðối với ai tránh xa các tội, này các Tỷ-kheo, đối với ai thấy rõ sự nguy hiểm của các tội, thời được chờ đợi rằng người ấy sẽ được giải thoát tất cả tội.” (Tăng Chi 1, C2, Phẩm Hình Phạt, tr.96)
Giữa lời dạy của Phật trong Chánh Kinh Nikaya và bài kệ của Đại Thừa, lời dạy nào xác đáng hơn, đáng tin cậy hơn, có đạo đức hơn?
PHẬT HỌC CAO CẤP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét