Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

LUẬT SƯ HỎI DƯỢC SƯ TÀU BÀ LA MÔN

Trong "Dược Sư Kinh Sám" (HT Thích Trí Quang dịch giải), có các đại nguyện của Dược Sư như sau:
“Đại nguyện thứ ba, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì vận dụng vô lượng trí tuệ và phương tiện, làm cho mọi người cùng được vô tận những vật hưởng dụng, không để cho ai có sự thiếu thốn”.
Câu hỏi: Thực tế đã và đang xảy ra đúng như lời nguyện trên không? Nếu không, chứng tỏ Dược Sư chưa thành Phật, chưa được tuệ giác vô thượng?
Câu hỏi: Ai đó nói rằng lời nguyện trên chỉ xảy ra nơi cõi Đông Phương (?), vậy cõi Ta Bà này cần gì Dược Sư và “kinh Dược Sư” với những lời nguyện không thực tế? Một kẻ đại bịp, đại nói khoác có dám phát ‘đại nguyện’ như Dược Sư không?
“Đại nguyện thứ tư, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì những kẻ đi theo tà đạo đều được làm cho ở yên trong đạo giác ngộ, những người tu theo Thanh Văn duyên giác đều được xây dựng bằng pháp Đại Thừa”
Câu hỏi: Khi phát nguyện này Dược Sư chưa thành Phật, chưa có tuệ giác vô thượng, thế nhưng tại sao lại biết cõi Ta Bà sau khi Phật Thích Ca nhập Niết-bàn sẽ có pháp Đại Thừa cùng các “Thanh Văn duyên giác”?
Câu hỏi: Một kẻ ngoại học có tạo được một ông Dược Sư rồi “gắn vào miệng Phật Thích Ca” không?
Y có dám nói láo nhằm kích động Đại Thừa thanh toán Tiểu Thừa không?
Câu hỏi: Nếu nói cõi của Dược Sư cũng có phái Đại Thừa và Tiểu Thừa; phải có dẫn chứng và chứng minh cụ thể. Tất nhiên không thể có những bằng chứng này và khi đó có đáng tin không những lời ngụy biện vô căn cứ, những hý luận chung chung của những kẻ cuồng tín cố chấp bảo thủ cho đức tin của mình?
Đại nguyện thứ năm, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì vô số người tu hành phạn hạnh trong chánh pháp của con, con làm cho tất cả được giới thể không thiếu sót, trọn vẹn giới pháp ba loại. Giả sử phá phạm đi nữa, nghe danh hiệu con rồi là phục hồi thanh tịnh, không rơi vào đường dữ.
Câu hỏi: Nguyện trên khuyến khích phá giới hay sách tấn giữ giới?
Các nhà tù hãy phát loa danh hiệu “Dược Sư” cho các tù nhân được nghe để xem họ có “phục hồi thanh tịnh” được không, có thoát khỏi “rơi vào đường dữ” không? Nếu không, rõ ràng Dược Sư là Chú Cuội giả danh rồi!
Đại nguyện thứ sáu, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ thân hình thấp kém, giác quan không đủ, xấu xí, u mê, mù điếc, câm ngọng, tay quắp, chân quẹo, lưng gù, phung lác, điên cuồng, đủ thứ bịnh khổ, nhưng nghe danh hiệu con rồi, tất cả đều đẹp đẽ, thông minh, giác quan hoàn bị, hết mọi bịnh khổ. 
Câu hỏi: Thực tế có xảy ra đúng như lời nguyện trên không? Nếu không, chứng tỏ Dược Sư chưa thành Phật, chưa được tuệ giác vô thượng?
Câu hỏi: Nếu lời nguyện trên chỉ xảy ra nơi cõi Đông phương nhưng hoàn toàn không đúng nơi cõi Ta Bà này, vậy cõi Ta Bà này cần gì Dược Sư và “kinh” Dược Sư với những lời nguyện khoác lác?
Nếu phải có thời gian ứng nghiệm, một kẻ gian tà có dám “nguyện đại” như thế không để lừa bịp và dụ dỗ mọi người?
Đại nguyện thứ bảy, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ bị mọi thứ bịnh khổ hành hạ mà không ai cứu giúp, không nơi nương tựa, không có y sĩ, không có dược liệu, không có thân thuộc, không có nhà cửa, nghèo nàn lắm khổ, thì danh hiệu của con, một khi đi qua thính giác của họ, là bịnh khổ tan biến, thân tâm an lạc, nhà cửa, thân thuộc và đồ dùng, đầy đủ tất cả, cho đến thực hiện được tuệ giác vô thượng.
Câu hỏi: Có ai bị mọi thứ bệnh khó nghèo mà chỉ cần nghe danh hiệu “Dược Sư” đi qua thính giác thôi mọi khổ đau bịnh hoạn đều được tan biến không?
Nếu không, chứng tỏ Dược Sư chưa thành Phật, chưa được tuệ giác vô thượng; hoặc kẻ vẽ ra cuốn ‘kinh… sợ’ này là một kẻ đại nói khoác, thích đại hứa để dụ dỗ những kẻ cả tin, ngu khờ!
Đại nguyện thứ tám, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, nếu có nữ nhân nào bị hành hạ bởi cả trăm thứ khổ sở của nữ nhân, nên cùng cực chán ngán, muốn thoát thân ấy, thì nghe danh hiệu con rồi, tất cả đều chuyển thân nữ nhân thành thân nam tử, đủ tướng trượng phu, cho đến thực hiện được tuệ giác vô thượng.
Câu hỏi: Có nữ nhân nào nghe được danh hiệu “Dược Sư” mà biến thành nam nhân liền hãy lên tiếng? Nếu không, chứng tỏ Dược Sư chưa thành Phật, chưa được tuệ giác vô thượng?
Ngay cả những nữ nhân hàng ngày tụng Dược Sư, nghe danh hiệu Dược Sư, có ai đã biến đổi được giới tính?
Đại nguyện thứ mười, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì những kẻ bị phép vua ghi sổ, xích trói đánh khảo, giam nhốt lao ngục, sắp bị hành hình, cọng với vô lượng tai nạn khổ nhục và bi thảm sầu muộn khác nữa, ngâm nấu bức bách, làm cho cả cơ thể lẫn tâm trí đều chịu thống khổ, nhưng nghe danh hiệu của con, thì vì năng lực phước đức và uy thần của con mà họ thoát hết mọi sự lo sợ khổ sở.
Câu hỏi: Cai ngục hoặc người nhà tù nhân hãy cho tù nhân nghe một trăm lần danh hiệu “Dược Sư” để xem hiệu quả có đúng như lời nguyện này không?
Nếu không, chứng tỏ Dược Sư không có năng lực phước đức và uy thần gì cả, hoặc kẻ vẽ ra cuốn “Dược Sư” cố tình khoác lác để Phật giáo Đại Thừa mang tiếng là tôn giáo đại… hứa?
Đại nguyện mười một, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ bị đói khát hành hạ, vì cầu cái ăn mà làm mọi ác nghiệp, nhưng nghe được danh hiệu của con, nhất tâm thọ trì, thì trước hết con làm cho họ no đủ cơ thể bằng thực phẩm tuyệt diệu, sau đó con sẽ đem cái vui cứu cánh của pháp vị mà xây dựng cho họ. 
Câu hỏi: Tại sao những ai tin Dược Sư không đến các khu ổ chuột, vùng đói nghèo để giúp những kẻ nghèo đói được nghe danh hiệu Dược Sư, để xem họ có thoát khỏi nghiệp khổ được không?
Đại nguyện mười hai, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ nghèo thiếu y phục, ngày đêm khổ sở vì muỗi mòng lạnh nóng, nếu nghe danh hiệu của con mà nhất tâm thọ trì, thì như sở thích của họ, họ được liền những thứ y phục tuyệt diệu, lại được những đồ trang sức bằng vàng ngọc. Hoa vòng, hương hoa, âm nhạc hòa tấu và mọi kỹ thuật biểu diễn, tùy ý họ thích, con làm cho đầy đủ tất cả.
Câu hỏi: Thế giới này có biết bao những người nghèo đói thiếu ăn thiếu mặc, tại sao những ai tin Dược Sư không giúp họ nghe danh hiệu Ngài mà nhất tâm thọ trì để họ được liền đầy đủ tất cả những y phục tuyệt diệu, trang sức vàng ngọc?
Câu hỏi: Những lời nguyện đầy dẫy sự phi lý, vô căn cứ, không thực tế là lời nguyện của một bậc đại trí tuệ hay của một kẻ đại vọng ngữ? Phải chăng kẻ vẽ ra Dược Sư đã bất chấp cả sự thật và luật nhân quả để mê hoặc lòng người? Hay kẻ vẽ ra “Dược Sư” cố tình nói khoác để Phật giáo Đại Thừa bị mang tiếng xấu là tôn giáo mê muội và cuồng tin?
PHẬT HỌC CAO CẤP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét