Theo Bà-la-môn giáo, một trong năm đức tánh để được gọi là Bà-la-môn: “Vị ấy là nhà phúng tụng, nhà trì chú, thông hiểu ba tập Vedà với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền thống là thứ năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biệt tài về Thuận thế (tự nhiên học) và tướng của vị đại nhân (Kinh Sonadanda, số 4, Trường Bộ 1)
] Thừa tự Luật trích lục:
Sau này trong một vài tông phái của Phật giáo, do tin tưởng một chiều các luận sư Bà-la-môn nên cũng bị ảnh hưởng bởi những truyền thống, tánh chất, lễ nghi của Bà-la-môn giáo. Một số nhà sư tin tưởng một chiều vào các chú giải, luận giải của các luận sư, tổ sư gốc Bà-la-môn; thậm chí còn xem tạng Luận là pháp vi diệu, là chân nghĩa đế. Họ quên đi những lời dạy vô giá của bậc Đạo sư Thích Ca Mâu Ni, ngộ nhận tà kinh là chánh kinh, tà pháp là chánh pháp, tà luật là chánh luật.
Có tông phái xem phúng tụng, trì chú như một phương pháp để đi tới giải thoát. Có tông phái xem việc tụng đọc leo lẻo Pali, giải thích chánh pháp thuần túy theo kiểu chiết tự như căn bản của đạo. Nhiều người lợi dụng bói toán để lôi kéo tín đồ v.v… Nói chung lời cảnh báo của Đức Chánh Biến Tri về Diệu pháp chỉ tồn tại năm trăm năm là hoàn toàn chính xác.
(§) Trích tạng Luật - Bộ Phân Tích Giới Bổn, Phân Tích Giới Tỳ-Khưu II, VIII. Chương Pācittiya (Ưng Đối Trị)
… [284] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các Tỳ-khưu nhóm Lục Sư dạy các cư sĩ đọc Pháp theo từng câu. Các cư sĩ sống không tôn kính, không nghe lời, cư xử không thích đáng đối với các Tỳ-khưu.
…
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại dạy các cư sĩ đọc Pháp theo từng câu khiến các cư sĩ sống không tôn kính, không nghe lời, cư xử không thích đáng đối với các Tỳ-khưu vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị Tỳ-khưu nào dạy người chưa tu lên bậc trên đọc Pháp theo từng câu thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
[285] Vị nào: là bất cứ vị nào có mối quan hệ như vầy, có giai cấp như vầy, có tên như vầy, có họ như vầy, có giới hạnh như vầy, có trú xứ như vầy, có hành xứ như vầy (yathāgocaro), là vị trưởng lão (trên mười năm Tỳ-khưu), mới tu (dưới năm năm), hoặc trung niên (trên năm năm); vị ấy được gọi là “vị nào.”
Tỳ-khưu: “Vị đi khất thực” là Tỳ-khưu. “Vị chấp nhận việc đi khất thực” là Tỳ-khưu. “Vị mặc y đã được cắt rời” là Tỳ-khưu. Là Tỳ-khưu do sự thừa nhận. Là Tỳ-khưu do tự mình xác nhận. Là Tỳ-khưu khi được (Đức Phật) nói rằng: “Này Tỳ-khưu, hãy đi đến (ehi bhikkhu).” “Vị đã tu lên bậc trên bằng Tam Quy” là Tỳ-khưu. “Vị hiền thiện” là Tỳ-khưu. “Vị có thực chất” là Tỳ-khưu. “Vị thánh hữu học” là Tỳ-khưu. “Vị thánh vô học” là Tỳ-khưu. “Vị đã được tu lên bậc trên với hội chúng hợp nhất bằng hành sự có lời thông báo đến lần thứ tư, không sai sót, đáng được duy trì” là Tỳ-khưu. Ở đây, vị Tỳ-khưu đã được tu lên bậc trên với hội chúng hợp nhất, bằng hành sự có lời thông báo đến lần thứ tư, không sai sót, đáng được duy trì, vị này là “vị Tỳ-khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.
Người chưa tu lên bậc trên nghĩa là trừ ra Tỳ-khưu và Tỳ-khưu-ni, các người còn lại là người chưa tu lên bậc trên.
[286] Theo từng câu nghĩa là một câu (của bài kệ), đọc tiếp theo, chỉ mỗi một âm, đọc hòa theo. Một câu (của bài kệ) nghĩa là bắt đầu đọc một lượt, chấm dứt một lượt. Đọc tiếp theo nghĩa là người đọc trước người đọc sau rồi chấm dứt một lượt. Chỉ mỗi một âm nghĩa là khi đang đọc chung “Rūpaṃ aniccaṃ,” vị (Tỳ-khưu) chỉ đọc chữ “Rū” rồi ngưng. Đọc hòa theo nghĩa là khi đang đọc “Rūpaṃ aniccaṃ,” (người chưa tu lên bậc trên) phát ra âm “Vedanā aniccā.” Điều gì là một câu (của bài kệ), điều gì là đọc tiếp theo, điều gì là chỉ mỗi một âm, điều gì là đọc hòa theo, tất cả điều ấy gọi là Pháp theo từng câu.
Pháp nghĩa là được giảng bởi đức Phật, được giảng bởi các vị Thinh Văn, được giảng bởi các vị ẩn sĩ, được giảng bởi chư Thiên có liên quan đến mục đích có liên quan đến Pháp bảo.
Dạy đọc Pháp: Vị dạy đọc theo câu thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) theo mỗi một câu. Vị dạy đọc theo từ thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) theo mỗi một từ.
] Thừa tự Luật trích lục:
Theo trích đoạn chánh Luật nêu trên, và phần giải thích cụ thể việc dạy Pháp theo từng câu trong đoạn [286] có thể thấy rất nhiều nơi phạm vào tội Ưng đối trị này. Nhiều nơi gọi là “dẫn kinh”, vị trưởng lão bắt đầu một vài từ sau đó hội chúng ê a tụng hòa theo. Nguy hiểm hơn nữa là rất nhiều người “dẫn kinh” và tụng hòa theo bằng ngôn ngữ cổ, chẳng ai hiểu nghĩa, tất cả chỉ ê a như vẹt. Cho nên Đức Thế Tôn dạy chớ có tin vì truyền thống, vì đạo sư là thầy là vì vậy.
Riêng trong đoạn [285] có định nghĩa rõ ràng thế nào là một vị “Tỳ-kheo”. Theo đây hạnh khất thực và ý thức chấp nhận việc đi khất thực là những đạo hạnh được nêu lên đầu tiên, chứng tỏ đây là chánh mạng, chánh nghiệp quan trọng của một vị đệ tử Phật. Một tu sĩ Đạo Phật nhưng phủ nhận đạo hạnh này cũng có nghĩa chống lại Đức Thế Tôn, phủ nhận danh nghĩa “Tỳ-kheo”, tự xác nhận mình không hiểu rõ chánh mạng, chánh nghiệp cao quý này.
Tất nhiên đạo hạnh “khất thực” đã bị lợi dụng biến thành “khất tiền, khất bạc”. Và vì vậy một vị “Tỳ-kheo” đi khất thực nhưng nhận cả tiền bạc là sai pháp, sai luật, là “giả sư, giả ni”. Việc nhận diện và phân biệt một vị Tỳ-kheo thật chỉ khất thực không “khất tiền” và những “giả sư” lợi dụng khất thực để khất tiền không có gì khó khăn. Do vậy việc ngăn chặn tệ nạn này cũng không quá khó.
Mong rằng mọi người cùng ý thức để góp phần giúp đạo hạnh “khất thực” chân chánh được duy trì một cách tốt đẹp.
卐 Trích tạng Luật - Tiểu Phẩm tập 2, V. Chương Các Tiểu Sự
…[20] Vào lúc bấy giờ, các Tỳ-khưu nhóm Lục Sư ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Các sa-môn Thích tử này ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài giống y như chúng ta ca hát vậy.
Các Tỳ-khưu đã nghe được những người dân ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các Tỳ-khưu ít ham muốn, …(như trên)… Các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các Tỳ-khưu nhóm Lục Sư lại ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài?
Sau đó, các vị Tỳ-khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…
- Này các Tỳ-khưu, nghe nói …(như trên)…, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
…(như trên)… Sau khi thuyết Pháp thoại, ngài đã bảo các Tỳ-khưu rằng:
- Này các Tỳ-khưu, đây là năm điều bất lợi khi ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài: Bản thân vị ấy bị say đắm trong âm điệu, luôn cả những kẻ khác cũng bị say đắm trong âm điệu, hàng tại gia phàn nàn, trong khi ra sức thể hiện âm điệu thiền định bị phân tán, điều cuối cùng là dân chúng thực hành theo đường lối sai trái. Này các Tỳ-khưu, đây là năm điều bất lợi khi ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài. Này các Tỳ-khưu, không nên ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài; vị nào ngâm nga thì phạm tội dukkaṭa(tác ác)
…
[180] Vào lúc bấy giờ, hai Tỳ-khưu tên Meṭṭhakokuṭṭha là hai anh em xuất thân dòng dõi Bà-la-môn có lời nói nhã nhặn với âm điệu ngọt ngào. Họ đã đi đến gặp Đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, các Tỳ-khưu ấy đã nói với Đức Thế Tôn điều này:
- Bạch Ngài, hiện nay các Tỳ-khưu có tên gọi khác nhau, có dòng dõi khác nhau, có giai cấp khác nhau, có gia tộc khác nhau đã xuất gia. Các vị ấy đang làm hỏng lời dạy của Đức Phật bằng tiếng địa phương của chính họ. Bạch Ngài, hãy để chúng con hoán chuyển lời dạy của Đức Phật sang dạng có niêm luật (chandaso).
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: …(như trên)…
- Này những kẻ rồ dại kia, vì sao các ngươi lại nói như vầy: “Bạch Ngài, hãy để chúng con hoán chuyển lời dạy của Đức Phật sang dạng có niêm luật”? Này những kẻ rồ dại kia, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)…
Sau khi khiển trách, Ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các Tỳ-khưu rằng:
- Này các Tỳ-khưu, không nên hoán chuyển lời dạy của chư Phật sang dạng có niêm luật; vị nào hoán chuyển thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các Tỳ-khưu, Ta cho phép học tập lời dạy của Đức Phật bằng tiếng địa phương của chính bản thân (sakāya niruttiyā) [Theo bản dịch của TK Indacanda]
] Thừa tự Luật trích lục:
Vào thời bây giờ, các Tỳ-kheo không những tụng đọc kinh ê a, ngân nga như ca hát lên đồng, mà còn diễn văn nghệ, múa nhảy, đóng kịch… đủ trò đủ kiểu. Xét theo Luật, những hành vi phi pháp phi luật này bị những điều bất lợi cho mình, cho tăng đoàn, và cho cả xã hội. Chiếu theo Luật, tất cả bị phạm tội tác ác.
Bên cạnh đó, nhiều người không hiểu rõ luật, không hiểu rõ những bất lợi của việc hoán chuyển lời Phật sang dạng niêm luật. Những hành vi gây hại này cũng phạm tội tác ác. Lại nữa, như đã nói ở trên, do không sử dụng ngôn ngữ địa phương cho nên việc xương minh chánh pháp, tăng trưởng chúng hội không thể phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Người tu sĩ và cư sĩ suốt ngày chỉ biết leo lẻo những từ mà chính mình không hiểu, đó chính là hành nghiệp vô minh của những con vẹt.
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU HỌC PHẬT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét