Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

PHƯỚC HAY VÔ PHƯỚC?

Một buổi chiều, trong khu rừng yên tĩnh, dưới mái hiên tịnh thất đơn sơ hai vị trưởng lão đang ngồi đàm đạo với nhau. Trưởng lão Đại Tuệ đặt vấn đề:
- Thưa sư huynh, trong kinh tạng Đức Thế Tôn dạy có mấy loại phước đức?
Trưởng lão Đại Phước khiêm cung:
- Thưa huynh, theo bài kinh Phước Nghiệp Sự, số 36, Tăng Chi 8 Pháp, Đức Thế Tôn dạy có ba căn bản làm phước nghiệp sự. Đó là căn bản làm phước do giới đức, căn bản làm phước do bố thí và căn bản làm phước do tu tập.
Trưởng lão Đại Tuệ hoan hỷ:
- Lành thay, huynh đã nhớ như vậy. Theo tôi, người cư sĩ giữ năm giới, tám giới sẽ có phước của giới đức. Cư sĩ bố thí cúng dường tài vật hoặc tạo điều kiện thuận lợi để phổ biến chánh pháp như mời Pháp sư giảng pháp, ấn tống kinh luật v.v... là tạo căn bản làm phước do bố thí. Đồng thời người cư sĩ cũng phải nỗ lực tu tập các pháp tại gia trong hoàn cảnh của mình là tạo phước do tu tập.
- Vâng, đúng vậy. Còn đối với người tu sĩ chúng ta có giới luật Pātimokkha, theo đây người tu phải gìn giữ giới hạnh thanh tịnh để tạo phước do giới đức. Với người tu, bố thí Chánh Pháp là chính yếu vì chúng ta không có tài sản gì cả, tuy vậy san sẻ ‘lợi hòa đồng quân’ với các đồng phạm hạnh cũng là tạo phước do bố thí. Còn phước do tu tập thì các pháp của Đức Thế Tôn chỉ dạy vẫn còn trong kinh tạng Nikaya, các tu sĩ theo đây tích cực tu tập để tạo phước.
Trưởng lão Đại Tuệ gợi ý:
- Thưa huynh, các nơi khác nhiều người cũng nghĩ mình đang có phước do giữ giới, do bố thí, do tu tập.
Trưởng lão Đại Phước nhấn giọng:
- Nhưng huynh lưu ý, Đức Thế Tôn cũng luôn phân biệt rõ giới có chánh giới - tà giới, bố thí có chánh bố thí - tà bố thí, tu tập cũng có chánh tu tập - tà tu tập. Nếu không biết phân biệt rạch ròi, nhắm mắt làm theo tà giới, tà bố thí, tà tu tập thì không những không có phước mà còn tạo nhiều vô phước.
Trưởng lão Đại Tuệ tâm đắc:
- Đúng vậy, thưa sư huynh, tôi còn nhớ Đức Thế Tôn dạy thế này trong kinh Tăng Chi: “Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, chặn đứng cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ sai lạc các kinh điển và những văn tự thích ứng, thì những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chịu trách nhiệm về bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, không lợi ích cho đa số, bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chất chứa nhiều vô phước làm cho Diệu Pháp biến mất.
Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, tùy thuận cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ đúng đắn các kinh điển và những văn tự thích ứng, thì những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chịu trách nhiệm về hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, hạnh phúc, và an lạc cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chất chứa nhiều phước đức, làm cho Diệu Pháp an trú
Trưởng lão Đại Phước chắp tay xá vị bạn đạo:
- Lành thay, xin cảm ơn vì huynh vừa tạo phước Pháp thí đúng đắn. Khi Đức Thế Tôn đã dạy rõ có các Tỳ-kheo nắm giữ sai lạc các kinh điển và văn tự thích ứng, điều này có nghiã Ngài đã cảnh báo về các tam tạng ngụy tạo, cải biến.
- Do vậy các vị nào tin theo đây sẽ rơi vào tà pháp, tà giới, tà đạo. Họ sẽ chặn đứng Chánh Pháp Chánh Luật vì nghĩ rằng nó là tiểu pháp, cổ luật, ngoại giáo.
Trưởng lão Đại Tuệ tiếp lời:
- Từ đây, nếu họ có giữ giới họ sẽ tuân theo tà giới. Nếu họ có bố thí, họ sẽ bố thì tà pháp hoặc tà thí. Nếu họ có tu tập, họ tu tập theo tà đạo.
- Cho nên họ đã không có phước gì thì chớ, trái lại còn tạo nhiều vô phước khiến cho Diệu Pháp biến mất, tạo tội phá hoà hợp Tăng, gieo tà pháp cho nhiều người khác.
Chính vì thế họ tạo nên bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, không lợi ích cho đa số, bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người’.
Trưởng lão Đại Phước chắp tay:
- Đúng vậy. Xin tri ân sư huynh vì đã chỉ giáo. Không biết rõ điều này cứ tưởng mình có phước nhưng kỳ thực tạo nhiều vô phước. Càng nỗ lực sai đường càng nguy hiểm.
Trưởng lão Đại Tuệ cũng chắp tay:
- Đúng vậy. Tôi cũng phải cảm ơn huynh vì đã Pháp thí. Hoá ra Phước và vô phước chỉ cách nhau có một ranh giới nhỏ.
Hai vị trưởng lão cùng xá chào nhau và cùng sách tấn nhau nỗ lực tạo thêm nhiều phước đức do giữ giới, do bố thí và do tu tập theo đúng Chánh Pháp.
THÍCH CHÁNH PHƯỚC 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét