Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Đế Tăng Điên đệ tử Tế Điên Tăng

Ảnh Internet
Vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20, một tờ tuần báo Phật giáo tại một thành phố lớn của miền Nam đã cho đăng nhiều kỳ truyện tranh về Tế Điên Hòa Thượng ăn thịt chó, uống rượu như… thánh.
Chẳng bao lâu sau, chuyện có thực 100% đã xảy ra tại một trường Cơ Bản Phật Học của một tỉnh lân cận. Toàn bộ Ban giám hiệu và Ban giảng huấn của trường, từ vị hòa thượng hiệu trưởng đến các thượng tọa, đại đức giảng viên, hết thảy mọi người cùng nhất tâm đua nhau tu tập theo gương thánh tăng Tế Điên sư phụ. Tất cả các ngài đều sáu thời nỗ lực công phu tu… rượu. Lên lớp: nhậu. Tan lớp: nhậu. Họp giao ban: nhậu. Nói chung nhậu mọi lúc mọi nơi cho đúng với tinh thần phá chấp của vị tiền bối con nuôi Ngọc Hoàng.
Cuối cùng vô thường rồi cũng đến, cho nên ngôi trường Phật học ấy đã bị đóng cửa, đồng thời tờ tuần báo Phật giáo cũng ngưng không dám đăng tiếp truyện về vị thánh-tăng-nhậu-nhẹt.
Thế mới biết tấm gương công hạnh của “ngài” Tế Điên Tăng đến hàng trăm năm sau vẫn còn có kẻ noi theo. Không biết trí tuệ giác ngộ của “Thánh Tăng Tế Công” đã cứu độ được cho ai, chứ chắc chắn hành vi của “ngài” đã độ cho biết bao các đệ tử lưu linh được tha hồ nhập lưu và đắm mình vào dòng men tửu. Còn các Đế Tăng Điên thời đại, quả cũng không làm hổ danh sư phụ Tế Điên Tăng.
Long Vương Giáo Chủ Thuỷ Tề tôi đây tâm phục khẩu phục, xin gieo năm vóc đảnh lễ các ngài.
Long Vương Giáo Chủ Thuỷ Tề
Trị đạo sĩ thúi, tứ bề an vui
___________________________ 
PHÁP TRÍCH LỤC
-- Trích Kinh Tập, Tiểu Bộ 1, bài kinh “Kẻ Bần Tiện” (Vasalasuttam) (Sn 21) [tr. 505]
137. Do đây, nên hiểu biết,
Như Ta trình bày rõ,
Màtanga được danh,
Bần tiện, ăn thịt chó.

-- Trích Kinh Tăng Chi tập 1, Chương 4, V. Phẩm Rohitassa, (X) (50) Các Uế Nhiễm
“...2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn uế nhiễm này của các Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.Thế nào là bốn?
Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn uống rượu men, uống rượu nấu, không có từ bỏ rượu men, rượu nấu. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ nhất của Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn, không có cháy sáng... không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn, hưởng thọ dâm dục, không từ bỏ dâm dục. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ hai... không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn chấp nhận vàng và bạc, không từ bỏ nhận lấy vàng và bạc. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ ba... không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn sinh sống với tà mạng, không từ bỏ tà mạng. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ tư của các Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, có bốn uế nhiễm này của các Sa-môn, Bà-la-môn, do những uế nhiễm này làm ô nhiễm, nên các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.”
Thừa tự Pháp trích lục
Có nhiều người tự hỏi vì sao nhiều người lại tôn vinh một Tế Điên Công uống rượu, ăn thịt chó là ‘Thánh Tăng’; trong khi chính họ lại mạt sát thậm tệ những người ăn và cúng dường ‘Tam tịnh nhục’? Nhất là khi những người này chỉ tuân theo đúng với sự cho phép của Đức Thế Tôn trong kinh điển Nikaya và luật tạng Patimokkha. Trước sau họ đều ý thức giữ gìn năm giới, trong đó có giới không sát sanh, không uống rượu. Tất cả không tán thán sát sanh nhậu nhẹt, không khuyến khích sát sanh nhậu nhẹt.
Người ta phải ca ngợi Tế Điên Tăng vì tinh thần phá chấp của ngài ư? Xin lỗi, phá chấp kiểu này cần gì phải ‘Thánh Tăng’ mới làm được. Một kẻ phàm phu tục tử cũng thừa sức và thừa lý lẽ để phá chấp như Tế Điên Công. Ai không tin cứ đến các hội chúng say sưa nhậu nhẹt mà nghe các con nuôi Ngọc Hoàng vừa phá chấp vừa thuyết lý.
Người ta phải ca ngợi Tế Điên vì ngài có thần lực uống rượu nhưng không say ư? Có kẻ say nào thừa nhận mình say? Có hội chúng ưa say xỉn nào lại không tán thán những ông ‘chủ xị’ đầu têu cho cuộc nhậu? Có bợm nhậu nào lại không khen ngợi nhau uống rượu nhưng không say để tiếp tục... say xỉn với nhau? Vả lại công phu uống rượu không say để làm gì? Để khuyến khích những kẻ thích say xỉn hãy cố gắng tu rượu thêm nữa cho ‘tăng đô’ ư?
Rõ ràng với những người trí, sự mâu thuẫn đầy uế nhiễm trên đã đạt tới mức phi lý, phi pháp đến tận cùng.
Còn chuyện uế nhiễm do hưởng thọ dâm dục thì sao? Các học giả Đại Thừa nào không biết đến Cưu Ma La Thập, một dịch giả khét tiếng đã giới thiệu rất nhiều kinh luận mới cho Phật giáo cải biến. Thế nhưng theo cuốn “Tranh Biện” của Xích Liên xuất bản 1929 – 1932, quyển Thượng, trang 151 – 169, có nêu rõ Cưu Ma La Thập đã ngang nhiên nhận cả mười cung nữ từ vua Diêu Tần ban cho để hầu hạ riêng cho ‘ngài’.
Dù Cưu Ma La Thập có là một cư sĩ chân chính của Phật giáo chăng nữa, ông ta cũng không nên làm như vậy, huống hồ là nhà sư, là luận sư ‘đáng kính’ của nhiều người. Những ai vinh danh một dịch giả như vậy, hẳn họ cũng sẽ thoải mái chấp nhận các thị nữ ‘hầu hạ’ riêng cho mình. Thử hỏi các ‘Thánh kinh’ từ các dịch giả một tay ôm bút, một tay ôm thị nữ có còn thanh tịnh hay bị uế nhiễm đến tận cùng?
Nếu ai đó hoài nghi thông tin trong ‘Tranh Biện’ là không đáng tin cậy? Vậy tại sao mọi người lại tin ngay tất cả các kinh luận từ một dịch giả sống sau Phật hàng trăm năm như Cưu Ma La Thập? Sự cả tin này có phải là sự uế nhiễm đáng chê trách không?
Còn uế nhiễm thứ ba do chấp nhận vàng bạc thì khỏi nói. Ngay sau khi Đức Thế Tôn vừa mới nhập diệt một trăm năm thì các Tỳ-khưu xứ Vajji đã ngang nhiên chế ra mười điều luật mới. Trong đó đã có chuyện xé rào cho phép Tỳ-khưu nhận tiền. Việc phá luật này đã bị các trưởng lão giới hạnh tinh nghiêm chặn đứng, thế nhưng sau đó sự uế nhiễm này vẫn tiếp diễn như thế nào, mọi người đều thấy rõ.
Chỉ có điều ngày nay nhiều người đã xem việc tu sĩ nhận tiền là đương nhiên, việc tu sĩ có nhiều tiền không phải là uế nhiễm mà là ‘phước báu’. Đây mới là sự uế nhiễm tận cùng.
Còn uế nhiễm do tà mạng như xin xăm, xem bói, coi ngày, coi giờ, cầu đảo, bùa chú, lên đồng, gọi hồn... thì sao? Trong thực tế các uế nhiễm kiểu này cũng lắm đường nhiều cách. Mọi người chỉ cần duyệt qua các tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đủ thấy rõ. Thế nhưng cũng giống như việc nhận tiền, nhiều nơi xem việc sinh sống bằng tà mạng không phải là uế nhiễm, trái lại là những hoạt động bình thường trong chùa chiền. Đây mới chính là sự uế nhiễm tận cùng.
Tất cả các uế nhiễm trên đã khiến cho những ai tin theo ‘không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng, trái lại bị lu mờ, tối tăm, mê muội. Chính vì bị lu mờ, tối tăm, mê muội cho nên mới không thấy rõ những tà hạnh của các tà nhân, mới không thấy rõ các tà thuyết lươn lẹo ngụy biện trong các tà kinh, để rồi nhắm mắt đưa chân vào cõi dữ, đoạ xứ, địa ngục.
Đây mới là khốn khổ đến tận cùng! Chính vì thế mong mọi người hãy tỉnh mau kẻo trễ!


Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Phá chấp là chấp phá!!!


Trong Kinh Tương Ưng Nguyên Thủy tập 2, bài kinh “Trở về già”, trang 350, Đức Thế Tôn hỏi ngài Đại Ca Diếp:
_ Này ông Ca Diếp, ông thấy lợi ích gì mà thực hành hạnh đầu đà?
Ngài Ca Diếp trả lời:
_ Bạch Thế Tôn, con thấy có hai lợi ích: Con thấy tự mình được hiện tại an lạc trú và vì lòng từ mẫn đối với chúng sanh sắp đến, mong rằng các chúng sanh sắp đến sẽ bắt chước.
Ngài Đại Ca Diếp với việc gìn giữ giới hạnh đầu đà của mình đã thể hiện lòng đại từ, đại bi; đồng thời thực hiện tinh thần tự độ, độ tha cao cả của một vị Thánh A-la-hán Thanh văn đệ tử Phật. Vì sao như vậy? Bởi vì, Ngài Đại Ca Diếp không những đã biết từ bi với chính mình, mà còn từ bi với cả chúng sanh nữa.
Thật vậy, những giới luật do Đức Phật chế đặt là nhằm giúp cho một vị Tỳ-Kheo ly dục tức là ly khổ, tiến tới diệt dục tức là diệt khổ. Càng thực hành và gìn giữ thanh tịnh giới luật Patimokkha càng giúp Tỳ-Kheo ly khổ, diệt khổ, khiến thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm; và như thế sẽ đem lại hiện tại lạc trú, giải thoát ngay trong đời này cho chính bản thân vị Tỳ-kheo. Như vậy thông qua nếp sống phạm hạnh của mình, ngài Đại Ca Diếp đã biết tự độ cho mình, tức là đã từ bi với chính bản thân mình.
Lại nữa, nhờ giới luật đã giúp mình giải thoát khỏi khổ đau, thời cũng giúp cho người khác thoát khổ đau. Cho nên, dù đã đạo quả viên thành Ngài Đại Ca Diếp vẫn tiếp tục giữ gìn hạnh nguyện đầu đà để làm gương cho thế hệ theo sau. Như vậy bằng chính giới hạnh của mình để người khác noi theo, ngài Đại Ca Diếp đã biết độ tha giúp cho người khác, đã từ bi với người khác. Điều này chỉ có bậc Thánh mới làm được, và một người trí phải thừa nhận rằng: phạm hạnh là từ bi, từ bi là trí tuệ, trí tuệ là phạm hạnh. Ngược lại hành vi phá giới bẻ luật nêu gương xấu cho người khác thì một kẻ phàm phu cũng làm được. Nếu kẻ phàm phu này thích lường gạt người khác theo lối đạo đức giả, thì việc cạo đầu đắp y chẳng có khó khăn gì.
Ngài Đại Ca Diếp cũng giống như một ông lão chở theo đứa con trai. Khi đến ngã tư thấy đèn đỏ, dù đường vắng và không có cảnh sát, ông lão vẫn tự giác đứng lại. Ông lão ý thức rằng chấp hành luật lệ giao thông là nhằm bảo vệ tài sản và tính mạng cho ông, cho con trai ông và cho cả người khác. Như vậy là ông biết thương mình, thương con trai mình và thương cả người khác. Đồng thời ông lão muốn làm gương hạnh tốt cho con trai của mình noi theo.
Thế nhưng, ngay sau đó, có một bọn trẻ choai choai, thích phóng nhanh vượt ẩu theo bản năng vô ý thức của mình, hoặc tự cho mình là hàng đại trí nên chúng phá luật lệ giao thông, bất chấp đèn đỏ, vượt qua ngã tư. Chưa hết, chúng còn quay lại cười nhạo ông lão là thứ cổ hủ, chấp đèn, chấp luật. Những người có trí thấy vậy liền quở trách bọn choai choai, thậm chí có người còn lắc đầu buột miệng:
_ Đúng là thứ “phá gia chi tử, bại chủng tiêu nha”!
Ngoài đời đã thế, trong đạo cũng không thiếu những kẻ phá giới hoại luật. Họ mới thực sự là những thứ “khô chồi lép mộng”, thế nhưng họ lại khéo léo che đậy, lươn lẹo và ra vẻ đạo đức giả. Cho nên mới có những người ngộ nhận cho rằng đó là sự “tiến bộ”, là sự “phát triển” để thích hợp với thời đại, với cảnh vật, với sự cao cả; là khế lý khế cơ, thức thời, thức đạo v.v… và v.v…
Những kẻ này tự hào và ngụy biện cho sự phá chấp của mình, nhưng nào có biết đâu chính họ đang chấp vào sự phá hoại bản thân mình, phá hoại người khác và phá hoại đạo pháp.
Cho nên “phá chấp là chấp phá” do duyên này nên mới nói như vậy!
Tiểu Ca Diếp


Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

14 Điều răn của ai?



Cư sĩ áo lam hỏi cư sĩ áo trắng:
_ Này ông, đi đâu tôi cũng thấy người ta đua nhau khoe “14 Điều răn của Phật” do Ht KCT giới thiệu. Những điều răn ấy trong Kinh nào vậy?
_ Sao ông không hỏi những người tin và phổ biến những câu ấy, lại hỏi tôi?
_ Vì ông đọc tụng và nhớ nhiều Kinh điển.
Cư sĩ áo trắng chắp tay trước ngực:
_ Mô Phật, tôi không dám nghĩ như ông nói. Tôi chỉ dám chắc một điều “14 Điều răn” ấy không có trong kinh tạng Nguyên thủy Nikāya. Nghe nói nó có xuất xứ từ Trung Quốc. HT KCT qua thăm TQ, được người ta tặng, và HT chỉ dịch lại thôi.
_ Thảo nào, tôi mới đọc vài câu đã thấy ngớ ngẩn thế nào ấy!
_ Xin nêu điển hình!
_ Ví dụ như câu thứ nhất “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”
Cư sĩ áo trắng lắc đầu:
_ Đúng là kiểu nói một chiều ngớ ngẩn. Mình chỉ là kẻ thù của chính mình khi mình muốn hướng thiện nhưng bản năng thân, khẩu, ý lại cứ hướng theo chiều bất thiện. Ngược lại mình là bạn lớn nhất của chính mình, khi mình muốn hướng thiện và thân, miệng, ý của mình cũng hướng theo chiều thiện lành.
_ Rõ ràng câu nói ấy đã chứng tỏ người nghĩ ra nó luôn thù hận với chính mình vì những tâm ý còn đầy bản năng bất thiện của mình.
_ Ông nói hơi bị đúng. Những ai tin câu ấy cũng thù hận chính mình như vậy nên mới chấp nhận nó! Còn câu thứ hai thế nào?
_ “Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá”
Cư sĩ áo trắng thở phì:
_ Đó là một trong những câu nói ngớ ngẩn nhất mà tôi từng được nghe. Đúng lý ra câu ấy phải nói đầy đủ là “ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá lời Phật nói”.
Cư sĩ áo lam trợn mắt:
_ Ông phải chứng minh, nếu không tui kiện đó.
_ Chứ gì nữa. Này nhé, tôi hỏi ông, giả dụ có một bọn cướp tàn ác đến đây, chúng hỏi ông đường đến ngôi làng bên cạnh để tiêu diệt tất cả dân lành tại đó. Thay vì ông có thể nói cách nào đó, thậm chí nói trớ là đang có quân binh phục kích trong làng, rồi sau đó ông tìm cách thông báo cho dân chúng được biết để cứu họ và cứu cả bọn cướp không gây nghiệp dữ. Đằng này ông lại thật thà khai báo khiến tất cả dân lành bị giết, còn bọn cướp thì gây nghiệp ác. Tôi hỏi ông, sự thật thà ở đây có ngu ngốc không?
Cư sĩ áo lam gật gù, tiếp lời:
_ Không những ngu ngốc mà còn ngớ ngẩn đến độ tàn nhẫn. Thế nhưng mình nói thật cách nào đó nhưng vẫn cứu được người vẫn tốt hơn!
_ Đương nhiên rồi! Giới hạnh ở đâu là trí tuệ ở đó, trí tuệ ở đâu là giới hạnh ở đó. Ở đây chúng ta chỉ nêu các trường hợp để chứng minh câu nói một chiều “dối trá” kia không phải của Đức Phật, chứ không có ý khuyến khích mọi người nói dối.
_ Đồng ý! Vì Đức Phật đã dạy ngài La Hầu La không nên nói láo dù chỉ để vui đùa, vì kẻ nói láo không còn biết xấu hổ và sợ hãi không còn từ việc ác gì không dám làm.
Cư sĩ áo trắng phụ họa:
_ Đúng vậy. Người giữ giới hạnh là người có trí tuệ. Người có trí tuệ là người có giới hạnh. Người ác giới là người có ác tuệ. Người có ác tuệ là người có ác giới.
Chúng ta phải tự chế không nói dối, nhất là không nên tâm đắc điều gì đó rồi bịa ra Phật nói, tội chết! Một chiều cho rằng Bụt răn “ngu dốt lớn nhất là dối trá”, e rằng chính kẻ bịa ra câu ấy rồi gán cho Phật nói mới thật là ngu dốt và dối trá.
_ Cho nên tôi mới răn “ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá lời Phật nói”. Hồi Chiến tranh thế giới lần thứ hai, có một ông chủ đã cứu thoát hàng ngàn người khỏi nạn diệt chủng vì ông ta đã nói khác về chủng tộc của họ và che dấu cho họ. Sau đó ông ta còn làm giả giấy tờ để giúp họ vượt thoát khỏi vùng đất chết. Sau chiến tranh hàng ngàn gia đình được sống sót xem ông ta như vị cứu tinh và hàng năm đều làm lễ nhớ ơn.
Cư sĩ áo lam gật gù:
_ Tôi cũng biết chuyện ấy. Tôi còn nghe chuyện một phụ nữ sống nơi vắng vẻ. Tối hôm ấy chồng lại vắng nhà, bọn trộm cướp mò đến. Bà ta biết có kẻ rình rập bên ngoài liền giả bộ gọi điện thoại cho người nhà. Bả cố ý nói lớn tiếng cốt để bọn trộm cướp cũng nghe được.
_ Bả nói gì?
_ Bả bảo người nhà nếu có đến nhớ gọi bà ra mở cửa, đừng động vào cửa lớn, cửa sổ và các vật bằng sắt, chồng bà có gài điện, bị giật chết ráng chịu. Nói xong, bả hét lớn như bị điện giật!
_ Trời đất! Gài điện chi ác vậy!
_ Có gài điện đâu mà giật. Bả nói trớ ra như vậy để dọa bọn cướp. Nhờ vậy bọn cướp nghe được, chúng hoảng sợ bỏ chạy quăng lại cả dao kiếm. Hú hồn!
Cư sĩ áo trắng trầm giọng:
_ Trong trường hợp này, không ai nỡ bắt tội bả vì đã nói dối, và chẳng ai chửi bả là thứ ngu dốt lớn nhất. Nếu bả không “gài điện ảo” không chừng còn bị cướp của, hãm hiếp, giết người bịt miệng nữa đấy! Tất nhiên, nếu bả không nói dối mà vẫn cứu được mình vẫn tốt hơn.
_ Cho nên khi biết câu chuyện ấy và đọc “điều răn ngu dốt” kia, tôi thấy nghi ngờ ngay, chắc nó không phải của Phật.
_ Trong lịch sử, có một vị đại Công thần đã cho quân lính nấp đằng sau bức tượng Thần Hoàng và đọc bài “sấm truyền”. Về sau bản “sấm truyền” ấy trở thành bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc.
Cư sĩ áo lam phụ họa:
_ Còn một vị đại Công thần khác bí mật sai quân lính viết mật lên lá cây và loan truyền cả Trời Đất cũng ủng hộ dân tộc chống ngoại xâm, khiến tinh thần dân chúng hồ hởi, nhờ vậy đã giữ yên đất nước.
_ Hẳn nhiên, bên cạnh đó cũng có những kiểu dối trá hại mình, hại dân, hại nước. Chỉ có Chuyển Luân Thánh Vương mới làm được việc bản thân mình giữ nghiêm giới hạnh và khuyến khích mọi người cùng giữ nghiêm phạm hạnh để tạo yên vui cho đất nước.
_ Tôi cũng không ủng hộ dối trá vì đây là giới cấm thứ tư trong năm giới của người cư sĩ, nhất là, như ông nói, kiểu dối trá hại mình, hại người, hại xã hội.
Cư sĩ áo trắng lớn tiếng:
_ Hẳn, người nghĩ ra câu nói “ngu dốt” trong đời đã dối trá điều gì đó một cách ngu ngốc nên đã gây ra một hậu quả nghiêm trọng nào đó khiến về sau cứ phải day dứt ân hận mãi về sự ngu dốt của mình.
_ Có thể lắm! Kiểu nói dối khi đứng trước tòa, nói trắng thành đen, đen thành trắng để hại người lương thiện, bao che cho bọn xấu ác, nói dối kiểu này đã không ngu dốt mà còn ma mãnh và tàn nhẫn. Nói dối kiểu này là đáng tội, cần phải tránh, khi mạng chung còn phải đọa địa ngục nữa!
_ Còn tôi chắc chắn rằng những câu nói một chiều theo kiểu “ngu dốt lớn nhất” kia không phải là của Đức Phật, của Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì, thứ nhất nó không có trong Kinh điển gốc. Thứ hai nó một chiều, thiển cận, chưa phản ánh đúng thực tế.
Cư sĩ áo lam hỏi bạn:
_  Vậy theo ông, ngu dốt lớn nhất trong đời là gì?
Cư sĩ áo trắng nghiêm giọng:
_ Theo tôi, ngu dốt lớn nhất không phải trong một đời mà là trong nhiều đời chính là vô minh.
_ Đồng ý! Còn ngu dốt lớn thứ hai là gì?
_ Là không biết phân biệt đúng sai, phải trái, thật giả, chánh tà, thắng liệt!
_ Lành thay! Tôi cũng đồng ý luôn!
Cư sĩ áo trắng chép miệng:
_ Mọi người không chịu căn cứ vào kinh điển gốc, không chịu suy tư cẩn thận, cứ tin bừa tín ẩu, nghe sao tin vậy nên tin ngay những câu nói vô lý, vô căn cứ là của Phật để rồi mang lấy tà kiến.
 Cư sĩ áo lam gật đầu tâm đắc:
_ Và đó cũng là ngu dốt lớn thứ ba. Lành thay! Ông đã có ba điều răn chí lý rồi đấy!

Cư Sĩ Áo Nâu


Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Phương tiện thiện xảo???

Các thiền sinh đang ngồi tranh luận với nhau về pháp tu hơi thở. Một vị lớn tiếng:
_ Ông tu sai rồi! Trong kinh Đức Phật không có dạy thở bụng “phồng xẹp”.
Giọng khác:
_ Ông sai thì có. Phật cũng không dạy thở mũi.
Lại có giọng nhỏ nhẹ, thiếu tự tin:
_ Hình như tôi không đúng, Phật không dạy đếm hơi thở.
Vị trưởng nhóm dàn hoà:
_ Pháp nào cũng được. Tất cả chỉ là phương tiện.
Nhiều người vẫn không chấp nhận:
_ Nhưng dùng phương tiện sai thì sao? Trên biển dùng xe tăng, nơi sa mạc lại chèo thuyền, biết bao giờ mới tới?
_ Nếu phương tiện thiện xảo, có kết quả tốt, tại sao Phật không dạy? Chẳng lẽ người đời sau giỏi hơn Phật?
Mọi người còn đang phân vân, bỗng trên hư không có tiếng nói như sấm rền:
_ Phật tuyên bố định niệm hơi thở phải khéo tác ý (*). Nào, hãy thực hành: “Thở vô dài, vị ấy biết: "Tôi thở vô dài". Hay thở ra dài, vị ấy biết: "Tôi thở ra dài". Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở vô ngắn". Hay thở ra ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở ra ngắn". Đấy! Còn cãi nhau nữa thôi!
Cả nhóm không hẹn mà nên đồng thanh tương ứng:
_ Thiện lai! Thiện lai! Lành thay! Lành thay!

Chánh Âm
___________
(*) Xem bài kinh Arittha (S.v,314), Tương Ưng 5, trang 469 và bài kinh Ngọn Đèn (S.v,316), Tương Ưng 5, trang 472.

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Tâm lý thần học


Trong kỳ thi môn Tâm lý Thần học, các sinh viên đến từ nhiều nguồn khác nhau gặp được cùng một đề thi như sau:
“Trong cùng một hoàn cảnh bị hoảng hốt thình lình, mỗi nhóm người có sự thể hiện chung những phản ứng khác nhau:
- Nhóm Tịnh Độ hô: “Mô Phật!” hay “Nam Mô A Di Đà Phật!”
- Nhóm Thiên Chúa giáo la: “Giê Su Ma lạy Chúa tôi!”
- Nhóm Hồi giáo kêu: “Ối, A-la!”
- Nhóm Đa Thần giáo hét: “Trời, Đất, Thánh, Thần, Thiên, Địa ơi!”
- Nhóm Tây phương rên: “Oh, my God!”
Nếu đêm về những người trong mỗi nhóm đều nằm mơ gặp được vị giáo chủ hoặc thần linh của mình, hiện tượng này là gì? Giải thích nguyên nhân?”
Các bài làm đều có những cách trả lời khác nhau. Nói chung có thể phân chia thành các nhóm ý chính như sau:
_ Ý kiến 1: Điều này chứng tỏ các hiện tượng siêu nhiên thuộc Thượng Đế, Chúa, Phật, Thánh, Thần là có thật! Các Ngài luôn ở bên cạnh con người, thể hiện qua nhiều hình thức để cứu giúp con người.
_ Ý kiến 2: Đây là sự giao thoa, giao cảm, linh ứng cụ thể của thế giới siêu hình mầu nhiệm, nhưng chỉ có những người có những đức tin mạnh mẽ, thuần khiết mới cảm nhận được.
_ Ý kiến 3: Theo Duy vật Biện chứng, đó chỉ là sự ngẫu nhiên và đương nhiên. Ngẫu nhiên vì không phải ai và bất cứ lúc nào cũng thấy được như vậy. Và đương nhiên, vì cũng giống như các cô gái mới lớn cứ thầm gọi tên và nhớ nghĩ đến người mình yêu, tất sẽ có lúc nằm mơ gặp được “người trong mộng”. Ảo tưởng và thực tế rất khác nhau, vì thế chẳng có thần thánh, ma quỷ gì cả.
_ Ý kiến 4: Trong cùng một nhóm người có cùng một khẩu hành X sẽ tạo nên tiềm thức X giống nhau, với nhân duyên thích ứng sẽ thể hiện thành một tưởng thức X tương tự nhau, trường hợp này gọi là “thân sai biệt, tưởng đồng nhất”. Nhưng so với các nhóm khác có các khẩu hành khác nên có tiềm thức khác và tưởng thức cũng khác, trường hợp này gọi là “thân sai biệt, tưởng sai biệt”.
Các quan điểm trên tuy khác nhau nhưng đều có những lập luận vững chắc, những chứng cứ kiên cố hậu thuẫn, nên số điểm vẫn chưa được xác định. 
Có lẽ do câu hỏi quá khó nên đến nay kỳ thi này là trường hợp duy nhất không công bố kết quả cụ thể. Có thể các sinh viên sẽ phải thi lại một đề thi khác. Còn quý vị đọc đến đây nghĩ như thế nào?
Phó Giám Thị

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Quả báo



Một người nói với vị đại gia nổi tiếng giàu có nhưng keo kiết:

_ Sao ông không làm từ thiện cứu giúp người nghèo, tạo phước cho mình?

_ Chính ông vừa nói đến nhân quả nghiệp báo đấy nhé! Người ta nghèo vì kiếp trước họ không chịu bố thí, kiếp này ráng chịu.

_ Kiếp sau ông cũng sẽ như họ.

_ Dù vậy tôi cũng không tin có nhân quả luân hồi.

_ Nhưng ông phải tin vào nhân tánh luân thường đạo lý chứ! Bò chết còn để da; người biết thương đồng loại, chết để tiếng thơm muôn đời.


Cũng người ấy gặp một người nổi tiếng kỳ thị. Kẻ kỳ thị khiêu khích:

_ Bọn da màu là ngu si, đáng bị khinh ghét.

_ Lẽ thường “cá ăn kiến, kiến ăn cá”; “cười người hôm trước, hôm sau người cười”. Theo nhân quả rồi đây ông sẽ bị người khác khinh bỉ.

_ Tôi không tin nhân quả. Tôi chỉ biết hiện tại tôi là giai cấp tối thượng.

_ Được thôi, nhưng giả sử người ngoài hành tinh có mầu lông gà chọi và dựa vào đây họ khinh bỉ ông, mổ cắn ông. Ông nghĩ họ có văn minh không, có lương tri không, có nhân tánh không?

_ Tôi không tin có người ngoài hành tinh.

_ Tùy ông, nhưng giữa con người với nhau, nếu muốn hơn kém nhau cũng phải dựa trên những căn bản của con người mà con vật không có, ví như đức hạnh, trách nhiệm, lương tâm… Còn nếu đơn thuần chỉ dựa vào bề ngoài như màu da, lông tóc để hơn thua với nhau, xin lỗi ông, con heo có da trắng hơn ông, chim két có mắt xanh hơn ông, có loài vượn tóc vàng hơn ông.

_ Ý ông muốn nói phải biết phân biệt điều đáng phân biệt, và không nên phân biệt điều không đáng phân biệt?

_ Đúng vậy, đây mới chính là trí tuệ lương tri của một con người.

ĐĐ TTT


Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

Mặt biển tĩnh lặng!!!


Thiền sư A.Ch. phán: "Hãy để sự vật tự nhiên, đừng dính mắc. Hãy xả bỏ tất cả. Sự vật thế nào, hãy để y như vậy"
Bình: 
Cho nên rằng thì là kẻ nào ác cứ ác, giết cứ giết, hiếp cứ hiếp… Sự vật thế nào, hãy để y như vậy! Đừng dính mắc!!! 
Bão


--------------------------------------

PHÁP TRÍCH LỤC

* Trích kinh 'Vajjiyamahita', số 94, Tăng Chi 10 Pháp

ĐỨC PHẬT dạy: "...Này Gia chủ, Ta cũng không nói rằng, tất cả sự TỪ BỎ nên TỪ BỎ. Này Gia chủ, Ta cũng không nói rằng tất cả sự TỪ BỎ không nên TỪ BỎ....
Này Gia chủ, phàm TỪ BỎ sự TỪ BỎ nào, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm, thời TỪ BỎ ấy, Ta nói, không nên TỪ BỎ.
Phàm TỪ BỎ sự TỪ BỎ nào, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, thời TỪ BỎ ấy, Ta nói, nên TỪ BỎ."

* Trích kinh "Đế Thích Sở Vấn, số 21, Trường Bộ 2

ĐỨC PHẬT dạy: "Này Thiên chủ, Ta nói XẢ cũng có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Lời tuyên bố là như vậy. Do nhân duyên gì, tuyên bố như vậy?

- Ở đây, loại XẢ nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với XẢ này, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm", thời XẢ ấy cần phải tránh xa.

- Ở đây, loại XẢ nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với XẢ này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng", thời XẢ ấy nên thân cận.

Ở đây, có XẢ câu hữu với tầm, câu hữu với tứ; có XẢ không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ. Các loại XẢ không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ thì thù thắng hơn.

Này Thiên chủ, Ta nói rằng XẢ có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Sở dĩ có lời tuyên bố như vậy là do nhân duyên như vậy." (Hết trích)

Theo lời PHẬT dạy ở trên, xin hỏi:

- Các pháp nào khiến các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm nên XẢ BỎ, KHÔNG NÊN THÂN CẬN?

- Các pháp nào khiến các pháp thiện tăng trưởng, các pháp bất thiện tổn giảm KHÔNG NÊN XẢ BỎ, NÊN THÂN CẬN?

- Thế nào là XẢ câu hữu với tầm, câu hữu với tứ? Thế nào là XẢ không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ?

- Vì sao các loại XẢ không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ thì thù thắng hơn?


Xin cảm ơn trước quý vị nào giải đáp.

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Oai lực của phá giới???



Dưới đây là trích nguyên văn bài kinh "GIỚI" (I) (số 47, Trung A Hàm)
"Tôi nghe như vầy: Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo nào phạm giới thì làm tổn hại gìn giữ các căn. Giữ giới thì không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.
“Nếu Tỳ-kheo nào giữ giới thì thường không có sự hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì liền đắc Niết-bàn.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành." (Hết trích)
--------------------------------
Kinh Sư Chánh Tư Duy bình luận:
Thông thường tạng Trung A Hàm bao gồm các bài kinh có độ dài trung bình. Thế nhưng bài kinh trên quá ngắn, không đầy 120 từ, được kết tập vào đây là điều vô lý, thể hiện sự tùy tiện. Lại nữa, bài kinh tuy rất ngắn nhưng bộc lộ nhiều vô lý bất cập khác:
- Hẳn là tác giả bài kinh này đã không hiểu mối quan hệ giữa hộ trì các căn và giữ giới nên mới “gắn” vào miệng Bụt A Hàm câu nói ngược đời “Tỳ-kheo nào phạm giới thì làm tổn hại gìn giữ các căn”? Theo đây, chẳng lẽ ông Tỳ-kheo phá giới sẽ làm tổn hại việc giữ gìn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý căn? Chẳng lẽ Tỳ-kheo phá giới sẽ làm mắt mù, tai điếc? Có ông Tỳ-kheo phá giới nào như vậy không? Nếu có, các Tỳ-kheo sợ hãi, giữ giới hết rồi!
Đúng ra phải nói như Chánh Kinh Pali Nguyên Thủy “Tỳ-kheo nào không hộ trì các căn sẽ làm tổn hại giữ gìn giới luật”. Như vậy mới đúng! Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý căn phóng dật theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì làm sao giữ giới thanh tịnh!
Hay các nhà A Hàm khinh thường Giới nên mắt mù, tai điếc tất cả rồi, cho nên các ngài thản nhiên không thắc mắc chuyện “Bụt A Hàm du hóa… trong vườn Cấp Cô Độc” (?) Du hóa tại nước Xá Vệ còn được, chứ du hóa cả trong vườn ông Cấp Cô Độc thì Kinh Giới thành “khinh Giới” mất rồi!
- Tỳ-kheo giữ giới “nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết Bàn” là sao? Đã giữ giới lại còn làm tổn hại Niết Bàn thì phá giới cho rồi. Chẳng lẽ giữ giới có oai lực đến độ làm tổn hại được cả Niết Bàn?
- Tỳ kheo giữ giới “Nếu đã giải thoát thì liền đắc Niết-bàn” chứ còn đi đâu? Câu này có thừa không?
Mấy ông dịch giả Bà-la-môn khiến Bụt A Hàm thuyết như vậy, có Tỳ-kheo nào biết suy nghĩ, sau khi nghe Bụt thuyết, hoan hỷ phụng hành?
Chỉ một bài "kinh" ngắn nhưng bộc lộ biết bao bất cập đủ cho thấy bài kinh "Giới" hoàn toàn có khả năng do người đời sau bịa ra. Ai còn hồ nghi hãy đọc kỹ bài kinh "Các Căn" trong kinh tạng gốc dưới đây sẽ thấy rõ hơn.
=======================
Pháp Trích Lục
Trích kinh “Các Căn”, số 50, Tăng Chi 6 Pháp
“1. - Với căn không phòng hộ, này các Tỷ-kheo, với người khiếm khuyết phòng hộ các căn, Giới đi đến hủy hoại. Với Giới không có, có ai khiếm khuyết về Giới, Chánh Định đi đến hủy hoại. Với Chánh Định không có, với ai khiếm khuyết Chánh Định, Tri Kiến Như Thật đi đến hủy hoại. Với Tri Kiến Như Thật không có, với ai khiếm khuyết Tri Kiến Như Thật, nhàm chán ly tham đi đến hủy hoại. Với nhàm chán, ly tham không có, với ai khiếm khuyết nhàm chán, ly tham, Giải Thoát Tri Kiến đi đến hủy hoại.
2. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây, với cành và lá khiếm khuyết, thời các chồi non không đi đến viên mãn, vỏ cây không đi đến viên mãn, giác cây không đi đến viên mãn, lõi cây không đi đến viên mãn…” (hết trích)
Thừa tự Pháp trích lục
“Các căn không phòng hộ” có nghĩa là để mặc cho mắt đắm nhiễm sắc đẹp, tai nghe lời dậm dật, mũi thích mùi hương tục lụy, lưỡi khoái mê vị ngọt tục trần, thân say sưa dục lạc đọa xứ, ý chìm đắm tham-sân-si thì giới hạnh phải bị hủy hoại chứ làm sao thanh tịnh được.
Giới phá hoại tất nhiên không thể giúp Chánh Định viên tròn, bởi Chánh Định tức Tứ Thiền - Tứ Thánh Định dựa trên thiền định thanh tịnh của bậc Chân Nhân, là Thánh Định của bậc Thánh Đệ Tử Phật. Không có giới hạnh hoặc theo tà giới, ác giới làm sao hiểu được Thánh Thiền Định, Tứ Thiền Tứ Thánh Định chứ đừng nói gì thực hành.
Chính vì không hiểu nổi nên tin lời tà nhân quay lại coi thường Chánh Định - Tứ Thiền của Đức Phật. Chê Tứ Thiền là tiểu thừa thiền, chê Chánh Định là phàm phu định. Vì tu theo tà thiền nên mới leo lẻo “tu chứng nhưng không thấy tu chứng”. Vì tu theo tà định nên sáu thời ra rả “vô chứng diệc vô đắc”. Tất cả dạy nhau trở thành gỗ đá nhưng cứ tưởng cao siêu: có mắt như mù, có tai như điếc, có miệng như câm

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

Chuyện như đùa!

(Ảnh: Internet)
Một thiền sư dạy rằng: “Một niệm dấy lên nghĩ về người, chúng ta liền nói niệm đó giả dối không thật, không theo. Khi biết nó giả, ta không theo thì nó lặng xuống, lặng xuống chỗ không còn thấy tướng mạo, đó là vô dư Niết-bàn. Không sanh là Niết-bàn, không còn tướng mạo là vô dư. Bao nhiêu niệm đều đưa vào đó nên nói độ tất cả chúng sanh mà không thấy có chúng sanh nào được diệt độ, nghĩa là đưa tất cả vào đó hết mà không còn thấy có một người nào hay một niệm nào thật. Quí vị thấy thật là khó, khó ngay ở buổi đầu.”

Mọi người đều biết những giấc mộng là giả dối không thật, không theo. Tuy biết nó giả, không theo, đưa vào “đó” hết để không còn thấy giấc mơ nào thật, thế nhưng… khốn nỗi nó vẫn không lặng xuống mà cứ mơ hoài thì sao?

- Niệm cũng như vậy chứ sao! Dù biết chúng là giả, không theo, nhưng có hết được đâu. Riết rồi: tham vẫn hoàn tham, sân vẫn hoàn sân, si vẫn hoàn si nên không thấy mình và chúng sanh được độ là như thế. Quý vị thấy chuyện như đùa, thật là ngớ, ngớ ngay ở buổi đầu!

Như Diễu st

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Đoạn nghi!

Ảnh: Internet
- Thưa huynh, đệ luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi: “Ta là ai? Từ đâu tới? Đi về đâu?...” Oái! Sao huynh lại tát đệ?
- Hỏi tào lao, sao tránh được đau khổ?
Sư huynh lại vung tay lên, nhưng lần này sư đệ né được:
- Đấy, không nghi vấn những câu hỏi vớ vẩn, đệ đã tránh được một khổ đau rồi, thấy chưa?
 Thông Thái
__________________
Pháp Trích Lục
XX. Duyên (Tạp 12.14, Ðại 2, 84b) (S.ii,25)
1) Trú ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông Lý Duyên khởi và các Pháp Duyên sanh. Hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau:
3) -- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lý Duyên khởi? Do duyên sanh, này các Tỷ-kheo, già, chết khởi lên. Dầu các Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện, an trú là giới tánh ấy, pháp trú tánh ấy, pháp quyết định tánh ấy, y duyên tánh ấy. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng đạt định lý ấy. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng đạt, Như Lai tuyên bố, tuyên thuyết, tường thuyết, khai hiển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị.
4) Do duyên sanh, này các Tỷ-kheo, nên có già, chết. Do duyên hữu, này các Tỷ-kheo, nên có sanh. Do duyên thủ, này các Tỷ-kheo, nên có hữu. Do duyên ái, này các Tỷ-kheo, nên có thủ. Do duyên thọ, này các Tỷ-kheo, nên có ái. Do duyên xúc, này các Tỷ-kheo, nên có thọ. Do duyên sáu xứ, này các Tỷ-kheo, nên có xúc. Do duyên danh sắc, này các Tỷ-kheo, nên có sáu xứ. Do duyên thức, này các Tỷ-kheo, nên có danh sắc. Do duyên các hành, này các Tỷ-kheo, nên có thức. Do duyên vô minh, này các Tỷ-kheo, nên có hành. Dầu cho Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện, an trú là giới tánh ấy, pháp trú tánh ấy, pháp quyết định tánh ấy, y duyên tánh ấy. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng đạt tánh ấy. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng đạt, Như Lai tuyên bố, tuyên thuyết, tường thuyết, khai hiển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị.
5) Do duyên vô minh, này các Tỷ-kheo, có các hành. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là như tánh, bất hư vọng tánh, bất dị như tánh, y duyên tánh ấy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là lý duyên khởi.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là duyên sanh pháp? Già, chết, này các Tỷ-kheo, là vô thường, hữu vi, duyên sanh, biến hoại tánh, biến diệt tánh, ly tham tánh, đoạn diệt tánh.
7) Sanh, này các Tỷ-kheo, là vô thường, hữu vi, duyên sanh, biến hoại tánh, biến diệt tánh, ly tham tánh, đoạn diệt tánh.
8) Hữu, này các Tỷ-kheo, là vô thường, hữu vi, duyên sanh, biến hoại tánh, biến diệt tánh, ly tham tánh, đoạn diệt tánh.
9) -- 16) Thủ, này các Tỷ-kheo... Ái, này các Tỷ-kheo... Thọ, này các Tỷ-kheo... Xúc, này các Tỷ-kheo... Sáu xứ, này các Tỷ-kheo... Danh sắc, này các Tỷ-kheo... Thức, này các Tỷ-kheo... Các hành, này các Tỷ-kheo...
17) Vô minh, này các Tỷ-kheo, là vô thường hữu vi, duyên sanh, biến hoại tánh, biến diệt tánh, ly tham tánh, đoạn diệt tánh. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, được gọi là duyên sanh pháp.
18) Do vì, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử khéo thấy như chơn với chánh trí tuệ lý duyên khởi này và các pháp duyên sanh này, nên chắc chắn vị ấy không chạy theo quá khứ (với những câu hỏi): "Ta có mặt trong quá khứ? Ta không có mặt trong quá khứ? Ta là gì trong quá khứ? Ta có mặt như thế nào trong quá khứ? Hay trước ta đã là gì, và nay trong quá khứ ta là gì?"
19) Hay không chạy theo tương lai (với những câu hỏi): "Ta có mặt trong tương lai? Ta không có mặt trong tương lai? Ta sẽ làm gì trong tương lai? Ta có mặt như thế nào trong tương lai? Hay trước ta là gì, và nay trong tương lai ta sẽ là gì?"
20) Hay nay các vị ấy sẽ khởi lên những nghi ngờ về tự mình trong hiện tại như sau: "Ta hiện có mặt? Ta hiện không có mặt? Ta hiện là gì? Ta hiện có mặt như thế nào?" Sự kiện như vậy không xảy ra.
21) Vì sao? Vì rằng vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, đã khéo thấy như chơn với chánh trí tuệ, định lý duyên khởi này với các pháp duyên sanh này."

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Phật tại đâu?

Bé Nam đến nhà rủ bé Bắc:
_ Này Bạn, hôm nay là ngày rằm Bố-tát, tớ với cậu đến chùa làm lễ quy y và xin thọ năm giới!
_ Tớ quy y lâu rồi. Pháp danh của tớ là Phá Chấp.
_ Quy y Tam Bảo đâu phải chỉ một lần là xong. Xin thọ năm giới cũng thế!
Bắc chép miệng, phủi tay:
_ Ôi dào, vẽ chuyện. “Phật tại gia”, còn đi đâu cho mệt. “Phật tại tâm” rồi, xin giới làm gì cho rối!
_ Cậu học ai nói một chiều như vậy. Nếu “Phật tại gia” thì ma cũng tại nhà. “Phật tại tâm” thì ma cũng tại tâm. Mình nên thực hành nghi thức quy y và xin giới thường xuyên để nhắc nhở mình y chỉ Tam Bảo và thọ trì năm giới, nhờ vậy lời của Phật mới tại gia, tâm của cậu mới thấm nhuần giới của Phật; “gia” và tâm của cậu mới không bị ma xâm chiếm.
_ Cậu không nghe “Chúng sanh đồng Phật tánh” à? Đã đồng tánh Phật rồi còn quy y nhiều làm chi, còn xin giới hoài bắt mệt.
_ Nhưng chúng sanh cũng đồng ma tánh, cậu hiểu không? Nói khơi khơi như cậu, ma cũng nói được. Mình phải tu tập hàng ngày để thân luôn làm thiện, miệng luôn nói thiện, ý nghĩ luôn nghĩ thiện thì tánh thiện mới thắng tánh ma được, chúng sanh mới đồng tánh thiện được. Nghiệp “trắng” có huân tập mạnh mẽ mới chiến thắng được nghiệp đen, mới đỡ khổ.
_ Cậu học ai, nói hơi bị… đúng đấy. Ừ, từ nay ngày Bố-tát mình và cậu cùng lên chùa quy y và thọ giới. Rủ thêm thằng Trung nữa cho đủ cặp.
_ Sadhu, lành thay!
Học Giới