Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Phá chấp là chấp phá!!!


Trong Kinh Tương Ưng Nguyên Thủy tập 2, bài kinh “Trở về già”, trang 350, Đức Thế Tôn hỏi ngài Đại Ca Diếp:
_ Này ông Ca Diếp, ông thấy lợi ích gì mà thực hành hạnh đầu đà?
Ngài Ca Diếp trả lời:
_ Bạch Thế Tôn, con thấy có hai lợi ích: Con thấy tự mình được hiện tại an lạc trú và vì lòng từ mẫn đối với chúng sanh sắp đến, mong rằng các chúng sanh sắp đến sẽ bắt chước.
Ngài Đại Ca Diếp với việc gìn giữ giới hạnh đầu đà của mình đã thể hiện lòng đại từ, đại bi; đồng thời thực hiện tinh thần tự độ, độ tha cao cả của một vị Thánh A-la-hán Thanh văn đệ tử Phật. Vì sao như vậy? Bởi vì, Ngài Đại Ca Diếp không những đã biết từ bi với chính mình, mà còn từ bi với cả chúng sanh nữa.
Thật vậy, những giới luật do Đức Phật chế đặt là nhằm giúp cho một vị Tỳ-Kheo ly dục tức là ly khổ, tiến tới diệt dục tức là diệt khổ. Càng thực hành và gìn giữ thanh tịnh giới luật Patimokkha càng giúp Tỳ-Kheo ly khổ, diệt khổ, khiến thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm; và như thế sẽ đem lại hiện tại lạc trú, giải thoát ngay trong đời này cho chính bản thân vị Tỳ-kheo. Như vậy thông qua nếp sống phạm hạnh của mình, ngài Đại Ca Diếp đã biết tự độ cho mình, tức là đã từ bi với chính bản thân mình.
Lại nữa, nhờ giới luật đã giúp mình giải thoát khỏi khổ đau, thời cũng giúp cho người khác thoát khổ đau. Cho nên, dù đã đạo quả viên thành Ngài Đại Ca Diếp vẫn tiếp tục giữ gìn hạnh nguyện đầu đà để làm gương cho thế hệ theo sau. Như vậy bằng chính giới hạnh của mình để người khác noi theo, ngài Đại Ca Diếp đã biết độ tha giúp cho người khác, đã từ bi với người khác. Điều này chỉ có bậc Thánh mới làm được, và một người trí phải thừa nhận rằng: phạm hạnh là từ bi, từ bi là trí tuệ, trí tuệ là phạm hạnh. Ngược lại hành vi phá giới bẻ luật nêu gương xấu cho người khác thì một kẻ phàm phu cũng làm được. Nếu kẻ phàm phu này thích lường gạt người khác theo lối đạo đức giả, thì việc cạo đầu đắp y chẳng có khó khăn gì.
Ngài Đại Ca Diếp cũng giống như một ông lão chở theo đứa con trai. Khi đến ngã tư thấy đèn đỏ, dù đường vắng và không có cảnh sát, ông lão vẫn tự giác đứng lại. Ông lão ý thức rằng chấp hành luật lệ giao thông là nhằm bảo vệ tài sản và tính mạng cho ông, cho con trai ông và cho cả người khác. Như vậy là ông biết thương mình, thương con trai mình và thương cả người khác. Đồng thời ông lão muốn làm gương hạnh tốt cho con trai của mình noi theo.
Thế nhưng, ngay sau đó, có một bọn trẻ choai choai, thích phóng nhanh vượt ẩu theo bản năng vô ý thức của mình, hoặc tự cho mình là hàng đại trí nên chúng phá luật lệ giao thông, bất chấp đèn đỏ, vượt qua ngã tư. Chưa hết, chúng còn quay lại cười nhạo ông lão là thứ cổ hủ, chấp đèn, chấp luật. Những người có trí thấy vậy liền quở trách bọn choai choai, thậm chí có người còn lắc đầu buột miệng:
_ Đúng là thứ “phá gia chi tử, bại chủng tiêu nha”!
Ngoài đời đã thế, trong đạo cũng không thiếu những kẻ phá giới hoại luật. Họ mới thực sự là những thứ “khô chồi lép mộng”, thế nhưng họ lại khéo léo che đậy, lươn lẹo và ra vẻ đạo đức giả. Cho nên mới có những người ngộ nhận cho rằng đó là sự “tiến bộ”, là sự “phát triển” để thích hợp với thời đại, với cảnh vật, với sự cao cả; là khế lý khế cơ, thức thời, thức đạo v.v… và v.v…
Những kẻ này tự hào và ngụy biện cho sự phá chấp của mình, nhưng nào có biết đâu chính họ đang chấp vào sự phá hoại bản thân mình, phá hoại người khác và phá hoại đạo pháp.
Cho nên “phá chấp là chấp phá” do duyên này nên mới nói như vậy!
Tiểu Ca Diếp


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét