Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

TRÍ 'TỆ' THƯỢNG THỪA


Bé Lan hỏi mẹ:
_ Mẹ ơi, vì sao trong một cuốn sách Phật Học Cơ Bản, có vị Tiến sĩ dám viết rằng “Ðến phần kết của hội Hoa Nghiêm vẫn có mặt Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan, nhưng các Ngài không nghe được. Ý này được kinh diễn tả rằng chúng Thanh Văn như người mù, người điếc dự hội”,hả mẹ?
_ Vì sư phụ của họ dạy rằng kinh Hoa Nghiêm quá cao siêu, chỉ dành cho các Bồ-tát “bác học”, thế nên mấy ông Thanh Văn Tiểu thừa dù có là Thánh Tăng cũng không hiểu được.
_ Nhưng sư tổ mấy ổng lại phán kinh Hoa Nghiêm được Phật thuyết 37 ngày ngay sau khi Ngài mới chứng đạo. Lúc này năm anh em ông Kiều Trần Như còn chưa có, lấy đâu ra có các ông Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, A-nan và chúng Thanh Văn dự hội?
_ À, vì Bồ-tát kết tập kinh này là Bà-la-môn Long Thọ. Ổng muốn chứng tỏ thần thông biến hóa trong thế giới Hoa Nghiêm cũng không thua gì quyền năng sáng tạo ra con người của Thượng Đế, để cho…
_ Cho các Bồ-tát cao siêu đến độ có “chí” mà không có tuệ, có mắt mà không tròng mới hiểu và tha hồ tán dương ca tụng, phải không mẹ?
_ Con đã tiểu ngộ rồi đó!
Một tuần sau, trong giờ ra chơi, bé Lan chợt nhớ tới câu chuyện hoang đường “Hoa Nghiêm”, liền hỏi bé Hương, bạn cùng lớp:
_ Này Hương, theo bạn, có chuyện Phật thuyết “Hoa Nghiêm” trong 45 năm hoằng pháp không?
Không ngờ bạn mình lại ngây thơ đến thế, bé Hương tròn xoe mắt nhìn bạn, hỏi ngược: 
_ Nếu vậy, tại sao trong kinh nguyên thủy Nikaya, một tạng kinh ghi chép đầy đủ từ biết bao tiền kiếp của Phật đến những giây phút cuối cùng lúc Ngài nhập Niết bàn, với hàng ngàn bài kinh dạy cho cả Phạm Thiên lẫn Trời Người nhưng vẫn không có một dòng nào, người nào nhắc đến sự kiện quái dị ấy?
_ Có thể chăng do kinh Hoa Nghiêm ảnh hưởng “triết lý” của Bà-la-môn, chê bai pháp gốc, miệt thị khinh thường các thánh tăng A-la-hán nên các ngài đã không kết tập?
_ Đúng vậy! Một tạng kinh xuất hiện sau thời Phật sáu trăm năm, tại tận vùng đất Trung Quốc xa xôi, do một ông Bà-la-môn giới thiệu thì làm sao các vị A-la-hán kết tập được.
_ Nó phải xuất hiện đúng thời thì sao?
_ Đúng vậy! Nhưng ai nói? Đức Phật trong Nikaya do các A-la-hán kết tập nói, hay ông “Bụt Hoa Nghiêm” do Bà-la-môn Long Xà kết tập nói? Một kẻ nham hiểm gian ngụy hoặc một đứa con nít thích nói láo không biết nặn ra một thời điểm thích hợp như vậy hay sao? Một trái bom định giờ còn cần phải có người cài, thì một kế hoạch phá hoại cũng phải được bọc lót như thế chứ. Tin ai và tin kinh nào, chỉ cần có trí tuệ một chút, bạn cũng tự trả lời được.
Lan vẫn chưa thôi:
_ Có thể đó là một pháp “viên dung vô ngại” dung thông tất cả thời gian và không gian trên đầu ngọn cỏ?
_ Giả sử sáu trăm năm sau, có một kẻ cũng nói như thế rồi đưa ra một cuốn ma kinh “Nghiêm Hoa” sổ toẹt tất cả Phật giáo, chê mấy ông Bồ-tát “bác học” hiện nay đều như mù câm điếc, thế nhưng những Phật tử đời sau liền tin ngay tức khắc, vậy họ khôn hay dại?
_ Khôn làm sao được. Mê tín hết chỗ nói. Tớ đã hiểu cả rồi. Cảm ơn bạn.
 Bé Hương mỉm cười hóm hỉnh, ghé vào tai bạn nói nhỏ: 
_ Mình chắc chắn những ông đạo diễn phim thần thoại dù có óc tưởng tượng vĩ đại đến đâu cũng không thể nghĩ ra câu chuyện hoang đường như Hoa Nghiêm của Đại thừa.
_ Nhưng chỉ có các bậc tổ sư “hoát nhiên đại ngộ” mới tin nổi.
_ Đúng vậy, Lan nè, bạn ráng ăn chay niệm chú để được như quý ngài.
Bé Lan lắc đầu quầy quậy, bắt giọng hát:
_ “Hổng dám đâu, em còn phải học bài...”
Bé Hương nhìn bạn, toe miệng cười hồn nhiên. Chợt nhớ ra điều gì, Hương liền đứng dậy chắp hai tay vái Bé Lan lia lịa. Lan giật nảy mình:
_ Bạn làm gì vậy?
Hương nghiêm giọng:
_ Lạy bạn, xin đừng hỏi chuyện này với thằng em trai của mình.
_ Vì sao?
_ Vì chỉ có những kẻ ngu dốt, bảo thủ, tà tín lại hay cố chấp như nó mới còn tiếp tục ngụy biện cãi ngang cãi bướng. Dạy dỗ những kẻ như thế mệt lắm!
Lan phì cười, đưa hai tay lên trời:
_ Mình hứa!
Cả hai cô bé vui vẻ nắm tay nhau bước vào lớp học.
Ba Lan
___________________
Trích lục Kinh Tăng Chi tập 2, Chương 5, XXII. Phẩm Mắng Nhiếc
(I) (211) Mắng Nhiếc. Đức Phật dạy:

"- Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, mắng nhiếc, mạ lỵ, các vị tu Phạm hạnh, phỉ báng bậc Thánh, vị ấy được chờ đợi năm sự nguy hại. Thế nào là năm?

Phạm tội bị tẩn xuất, chặt đứt con đường hướng thượng;
hay phạm một tội nhiễm;
hay cảm xúc bệnh hoạn trầm trọng;
khi mạng chung tâm bị mê loạn;
sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, mắng nhiếc, mạ lỵ, các vị tu Phạm hạnh, phỉ báng bậc Thánh, vị ấy được chờ đợi năm sự nguy hại này." 

<HT Thích Minh Châu dịch Việt>

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét