Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

ĐIỂM SÁCH "The Literature of the Personalists of Early Buddhism"

Ôn cố tri tân
Kinh Sư
***
Phần phụ lục mục Vô Ngã - Nghiệp - Luân Hồi,
trong trang nhà Người Cư Sĩ
ĐIỂM SÁCH
The Literature of the Personalists of Early Buddhism  
(Văn học của các nhà Nhân thể luận trong Phật giáo Nguyên thủy).

Tác giả Thích Thiện Châu
Trần Tuấn Mẫn đọc
“Tháng 3.1997, viện Nghiên cứu Phật học Việt nam vừa ấn hành tác phẩm Anh ngữ, The Literature of the Personalists of Early Buddhism (Văn học của các nhà Nhân thể luận trong Phật giáo Nguyên thủy). Ðây là bản dịch của Sara Boin-Webb từ nguyên bản Pháp ngữ "La littérature des personnalistes du Bouddhisme Ancien" luận án Tiến sĩ Quốc gia về Văn học và Khoa học Nhân văn do hòa thượng Thích Thiện Châu thực hiện và đệ trình tại đại học Sorbonne Nouvelle (Paris III) năm 1977. (1)
Luận án minh họa, phân tích, nhận định và hệ thống hóa học thuyết Nhân thể luận (Pudgalavàda), một học thuyết xuất hiện khoảng 200 năm sau khi đức Phật nhập Niết bàn và được phổ biến phát triển suốt hơn 10 thế kỷ. 
Qua đó, khởi từ trường phái Vàtsìputrìya và các trường phái kế tiếp như Sàmmitìya, Dharmottarìya, Bhadrayàniya, Sandàgàrika..., các nhà Nhân thể luận (Pudgalavadin) đã nỗ lực nghiên cứu, trích dẫn từ giáo lý chính thống của đức Phật và đưa ra những quan điểm, những giải thích về sự hiện hữu của một "nhân thể" (pudgala) như một thực thể tồn tại bất biến trong mỗi chúng sanh.
Học thuyết được sự ủng hộ của đông đảo giới học Phật nhưng mặt khác, lại bị chỉ trích, bị phê phán gay gắt từ đông đảo những người khác, nhất là những nhà Thượng tọa bộ (Theravadin) và Nhất thiết hữu bộ (Sarvastivadin). 
Những người phản bác cho rằng Nhân thể luận trái với tinh thần Vô ngã của Phật giáo, thậm chí có người cho rằng Nhân thể luận làm rối rắm, làm hư hoại giáo lý của đức Phật. 
Ðáp lại những công kích, các nhà Nhân thể luận đã cố gắng chứng minh rằng "Nhân thể" không phải là "Ngã" (Atman) theo như đa số quan niệm rằng "Nhân thể luận" không hề trái nghịch với học thuyết Vô ngã của Phật giáo…” (Hết trích)
Phản biện
Còn sau đây là những lời “chính thống” của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khiển trách Tỳ-kheo Sati khi vị này cũng có ác tà kiến cho rằng THỨC “này dong ruổi, luân chuyển nhưng không đổi khác”, hay nói cách khác như một thực thể tồn tại bất biến trong mỗi chúng sanh”:
“Này Sati, có thật chăng, Ông khởi lên ác tà kiến như sau: "Theo như tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì THỨC này dong ruổi, luân chuyển nhưng không đổi khác"?
- Thật sự là vậy, bạch Thế Tôn. Theo như con hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì THỨC này dong ruổi, luân chuyển nhưng không đổi khác.
- Này Sati, thế nào là THỨC ấy?
- Bạch Thế Tôn, chính THỨC ấy nói cảm thọ, thọ lãnh chỗ này, chỗ kia, kết quả các hành động thiện ác.
- Này kẻ mê mờ kia, vì ai mà Ông lại hiểu pháp Ta thuyết giảng như vậy. Này kẻ mê mờ kia, có phải chăng, Ta đã dùng nhiều pháp môn nói là THỨC do duyên khởi, không có duyên, thì THỨC không hiện khởi? Và này kẻ mê mờ kia, không những Ông xuyên tạc Ta, vì Ông đã tự chấp thủ sai lạc, Ông còn tự phá hoại Ông và tạo nên nhiều tổn đức. Này kẻ mê mờ kia, và như vậy sẽ đưa đến bất hạnh và đau khổ lâu dài cho Ông”. (Đại Kinh Đoạn Tận Ái, Trung Bộ 38)
Và đây là lời Phật dạy cho một Tỳ-kheo khác:
“-- Bạch Thế Tôn, thế nào là sanh và sanh này là của ai?
Thế Tôn đáp:
-- Câu hỏi không thích hợp. Này Tỷ-kheo, Ông có thể nói: "Thế nào là sanh, và sanh này là của ai?", hay này Tỷ-kheo, Ông có thể nói: "Sanh là khác và người sanh là khác", hai câu hỏi này có nghĩa là một, chỉ có văn sai khác. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có tà kiến: "Sinh mạng và thân thể là một", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có tà kiến: "Sinh mạng và thân thể là khác", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo và nói: "Do duyên hữu nên có sanh…
…Này Tỷ-kheo, từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo và nói: "Do duyên vô minh nên có các hành". Này Tỷ-kheo, do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, các tạp luận (hý luận), dị thuyết, xuyên tạc liên hệ ấy hay bất cứ loại nào ... sẽ được đoạn tận." (S.ii,60)
Theo lời dạy trên, khi quan niệm “sinh mạng” hay “linh hồn”, hay “pudgala” là một hay khác với thân thể đều là tà kiến! Và quan niệm này sẽ dẫn đến những tà kiến khác đó là chấp “Ta có tự ngã” hay “Ta không có tự ngã”:
-- “Với người không như lý tác ý như vậy, một trong sáu tà kiến này khởi lên: "Ta có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; "Ta không có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật như chơn…” (Kinh Tất cả các lậu hoặc, Trung Bộ 1)
Không còn gì rõ ràng hơn lời phân tích dưới đây của Đức Thế Tôn:
-- “Này Ananda, nếu được hỏi: "Có tự ngã không?”, và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: "Có tự ngã”, như vậy, này Ananda, thuộc về phái các Sa-môn, Bà-la-môn chấp thường kiến.
-- Và này Ananda, nếu được hỏi: "Có phải không có tự ngã?”, và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: "Không có tự ngã”, như vậy, này Ananda, là thuộc về phái các Sa-môn, Bà-la-môn chấp đoạn kiến.
-- Lại nữa, này Ananda, nếu được hỏi: "Có tự ngã không?” và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: "Có tự ngã”, như vậy, câu trả lời của Ta có phù hợp với trí khởi lên rằng: "Tất cả các pháp là vô ngã”?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Lại nữa, này Ananda, nếu được hỏi: "Có phải không có tự ngã?” và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: "Không có tự ngã", như vậy, này Ananda, lại làm cho du sĩ Vacchagotta càng ngơ ngác bối rối hơn nữa: "Trước đây ta có tự ngã, nay không có tự ngã nữa” (S.iv,400)
Thế nhưng, nếu các nhà “nhân thể luận” còn muốn cố cãi rằng cái “pudgala” của họ không phài là “ngã”, không phải là “vô ngã”, không không phải là “ngã” hay “vô ngã” v.v.. và v.v.. họ hãy nghiền ngẫm kỹ đoạn chánh Kinh sau đây may ra sẽ hiểu:
“Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn, Bà-la-môn đần độn ngu si. Vị này, vì đần độn ngu si, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác, liền dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn: ... Nhưng tôi không nói là như vậy. Tôi không nói là như kia. Tôi không nói là khác như thế. Tôi không nói là không phải như thế. Tôi không nói là không không phải như thế…tất cả những vị này đều bị bao trùm bởi lưới của sáu mươi hai luận chấp này, dầu chúng nhảy vọt lên, chúng vẫn bị hạn cuộc bao phủ ở nơi đây” (Kinh Phạm Võng, Trường Bộ 1).  
KINH SƯ

Xem thêm 


https://phatgiaodoinay.blogspot.com/2016/03/ma-am.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét