DẪN: Trong kinh Hoa Nghiêm Đại Thừa có THIỆN TÀI ĐỒNG TỬ tầm sư học đạo khắp nơi. Còn ở đây, có THIÊN TAI ĐỒNG TỬ cũng vậy, chỉ có khác tên một chút, nhưng cái kết hoàn toàn khác. Quý vị tin ai? Mời theo dõi!
Thiên Tai Đồng Tử muốn học đạo “vô phân biệt”, tìm đến U Minh Giáo Chủ, hỏi:
_ Pháp gì con phải cầu nơi ngài?
_ Vô uý thí, bố thí không sợ hãi.
_ Vì sao?
_ Để can đảm gây tội ác. Phạm tội ác nhưng không thấy mình tội ác cũng giống như người tu chứng nhưng không thấy mình tu chứng. Ngươi không nghe Lục tổ Huệ năng dạy “Chẳng niệm thiện, niệm ác: Bản lai diện mục hiện tiền” đó sao? Làm thiện đừng nghĩ mình thiện, làm ác đừng nghĩ mình ác thì đều chứng đạo như nhau, vô phân biệt.
Ba tháng sau, Đồng Tử nhắm hướng Bắc, vượt núi Tuyết Sơn, quỳ dưới chân Bà-la-môn Long Xà:
_ Bạch ngài, con vẫn vô cùng ân hận, hối lỗi, cắn rứt lương tâm.
Tổ sư “vô tâm như không” điềm nhiên ngâm kệ:
“Tội do tâm khởi, do tâm diệt.
Tâm đã tịnh rồi, tội liền tiêu.
Tội tiêu, tâm tịnh, thảy đều không.
Đó mới thực là chân sám hối”
Tâm đã tịnh rồi, tội liền tiêu.
Tội tiêu, tâm tịnh, thảy đều không.
Đó mới thực là chân sám hối”
Nghe vậy, Đồng Tử mừng thầm trong bụng “May mắn thay, cha mẹ ngài không biết pháp cao siêu này. Nếu biết, họ đã đòi giết ngài với lý do đẻ được ra ngài thì khốn”.
Tổ sư vẫn không hay biết Đồng Tử nghĩ gì, bèn dạy tiếp:
_ Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc cũng là không, không cũng là sắc. Sắc còn như thế huống hồ lương tâm. Nó có răng đâu mà cắn? Đã biết vô khổ, tập, diệt, đạo thì cũng phải biết vô lương tâm chứ.
Thiên Tai hoát nhiên tỉnh ngộ, từ đó cứ vô tư gieo rắc đạo Bồ-tát nghịch hành.
Sáu tháng sau, Thiên Tai đi về phương Nam tìm gặp Bà-la-môn Buddhaghosa:
_ Thưa ngài, tâm trí con vẫn ray rứt khôn nguôi.
Phật Âm cười xoà:
_ Ngươi không đọc chú giải kinh Pháp Cú của ta sao? Ngay bài đầu tiên Ta đã phán, “Nếu con mắt làm hại ngươi, hãy móc bỏ nó đi” (1). Như vậy nếu cái đầu làm hại ngươi thì chặt phứt nó đi chứ để làm gì. Huệ Khả liều mình chặt tay, tuy sống cách xa hàng vạn dặm nhưng vẫn gần Ta.
Thiên Tai ôm đầu, ngửa mặt lên trời khóc than:
_ Nhãn thức, ý thức làm hại ta; chứ con mắt, cái đầu có tội tình gì kia chứ? Hỡi ôi! Sao trời chỉ cho ta có hai con mắt, một cái đầu thôi nhỉ? Còn những cái lưỡi hại người, sao không chặt nó đi? (2)
Trở về đọc Kinh Nguyên Thuỷ Nikaya, Đồng Tử xúc động bừng tỉnh ngộ khi nghe Đức Phật dạy trong bài kinh “Con Đường Sai Lạc”: “Ở đây, này Tỷ-kheo, Bậc Hiền trí, Ðại tuệ, không có nghĩ tự làm hại mình, không có nghĩ tự làm hại người, không có nghĩ tự mình làm hại cả hai, có suy nghĩ điều gì thời suy nghĩ lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thể thế giới. Như vậy, này Tỷ-kheo, là Bậc Hiền trí, Ðại tuệ” (AN VI:186).
Đồng Tử lại bồi hồi đọc tiếp: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người mù? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không có mắt để có thể với mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch hay làm cho tăng trưởng tài sản đã được thâu hoạch; không có mắt để có thể với mắt như vậy, biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không tội, pháp liệt và thắng, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người mù.” (AN III:29).
Bất giác Đồng Tử bàng hoàng quỳ xuống tự nhủ:
_ Lành thay! Đây mới chính là trí tuệ vô phân biệt (ta và người) với những điều đáng phải phân biệt.
MINH TĂNG
________________
(1) Xem “Tích truyện Pháp cú”, Thiền viện Viên Chiếu dịch, Nguyên tác: "Buddhist Legends", Eugène Watson Burlingame
(2) Ngài Xá-lợi-phất dạy: “-- Này Hiền giả Kotthika, con mắt không phải là kiết sử của các sắc, các sắc không phải là kiết sử của con mắt; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử…” (tương tự với các căn và các trần khác) (S.iv,162) Điều này có nghĩa khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân chạm xúc để dục tham khởi lên, dục tham mới chính là sợi dây trói cột vào đau khổ. Chứ không phải như ‘ai đó’ chỉ dại cứ bịt mắt, bịt tai, móc mắt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét