Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

TAM BẢO VÀ NHỊ TẠNG


_ Tam Bảo là gì?
_ Phật, Pháp, Tăng.
_ Còn Kinh, Luật, Luận?
_ Là Tam tạng. Nhưng…
_ Gì nữa?
_ Tạng cuối cùng là đại... thừa.
_ Nghĩa là dư thừa nhiều?
_ Đúng vậy!
_ Vì sao?
_ Còn ai luận hay, rõ ràng và đầy đủ hơn Đức Phật? Đối với Kinh và Luật của Đức Thế Tôn, thêm vào một từ là thừa, lấy đi một chữ là thiếu!
_ Cho nên chỉ có Tam Bảo và Nhị Tạng mà thôi?
_ Lành thay cho ai biết điều này!
NHỊ TẠNG VƯƠNG___________________________
Ghi chú:
1) “-- Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nói như sau: "Tại trú xứ kia có vị trưởng lão, vị này là bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Ðối diện với vị trưởng lão ấy, tôi nghe như vậy, đối diện với vị trưởng lão ấy, tôi lãnh thọ như vậy: "Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư””.
Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật.
Nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương xứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này không phải lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm". Và này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy từ bỏ chúng.
-- Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nói như sau: "Tại trú xứ kia có vị trưởng lão, vị này là bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Ðối diện với vị trưởng lão ấy, tôi nghe như vậy, đối diện với vị trưởng lão ấy, tôi lãnh thọ như vậy: "Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư””.
Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật.
Nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này là lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Trưởng lão ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Đại căn cứ địa thứ tư các Thầy cần phải thọ trì.” (Xem thêm các Đại căn cứ địa thứ nhất, thứ hai, thứ ba trong Tăng Chi tập 2, Chương 4, tr.135-140)
2) “Nếu có ai, khi tả một phạm hạnh, thành tựu hết thảy tướng, không thiếu sót, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, vị ấy nếu tuyên bố đúng đắn sẽ tuyên bố như sau: "Phạm hạnh này thành tựu hết thảy tướng, cụ túc hết thảy tướng, không thiếu thốn, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, được khéo trình bày”.
Này Cunda, Uddaka con của Ràma thường nói: "Thấy mà không thấy". Thấy cái gì mà không thấy? Với một con dao sắc bén, chỉ thấy lưỡi dao không thấy khía cạnh sắc bén của dao. Này Cunda, đấy là nghĩa của câu: "Thấy mà không thấy".
Này Cunda, ở đây Uddaka con của Ràma đề cập đến một vật đê tiện, hạ liệt, thuộc về phàm phu, không xứng bậc Thánh, không có lợi ích, nói về con dao. Này Cunda, nếu nói đúng đắn câu "Thấy mà không thấy", thời phải nói như sau: "Thấy mà không thấy. Vị ấy thấy cái gì mà không thấy?” 
Một phạm hạnh, thành tựu hết thảy tướng, đầy đủ hết thảy tướng, không thiếu sót, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, được khéo trình bày. Chính vị ấy thấy phạm hạnh này.
Nếu vị ấy trừ bớt một phương diện nào tại một chỗ nào, nghĩ rằng làm vậy sẽ được rõ ràng hơn, vị ấy sẽ không thấy gì. Nếu vị ấy thêm vào một phương diện nào tại chỗ nào, nghĩ rằng làm vậy sẽ được rõ ràng hơn, vị ấy sẽ không thấy gì. Nếu vị ấy thêm vào một phương diện nào tại chỗ nào, nghĩ rằng làm vậy được viên mãn hơn, vị ấy sẽ không thấy gì. Như vậy gọi là "Thấy mà không thấy”... (Trường Bộ 2, Kinh Thanh Tịnh, số 29)
Cũng giống như Uddaka con của Ràma, những luận sư sau này chính là những kẻ “tưởng thấy mà không thấy” nên mới bày đặt thêm vào một tạng Luận bên cạnh hai thánh tạng Kinh và Luật của Đức Thế Tôn. Họ làm vậy và tưởng rằng được rõ ràng hơn, giá trị hơn, nhưng kỳ thật họ bị Đức Phật gọi là những kẻ “tưởng thấy mà không thấy”.
Lại có những người giới hạnh không thanh tịnh nên tâm không thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh nên tri kiến không thanh tịnh. Tri kiến không thanh tịnh nên không thể hiểu trực tiếp Kinh và Luật của Đức Thế Tôn. 
Cho nên họ phải tin theo các luận sư và dựa vào các chú giải, luận giải đến độ xem thường hoặc bỏ lờ tạng Kinh điển của Phật vì tin rằng nó chỉ là tục đế, là thường pháp, không phải chân nghĩa đế; luận Vi diệu pháp mới chính là pháp vi diệu. 
Những kẻ này làm vậy và tưởng rằng được rõ ràng hơn, hiểu Phật pháp hơn, nhưng kỳ thật họ cũng bị Đức Phật gọi là những kẻ “tưởng thấy mà không thấy”.
NHỊ TẠNG VƯƠNG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét