Cùng là hai bài kinh tương đương trong Pali và A Hàm nhưng có sự cải biên hoàn toàn khác nhau. Phân tích so sánh sau đây sẽ nêu cụ thể
PHÂN TÍCH SO SÁNH
Chánh Kinh "Giáo Giới Cấp Cô Độc" <số143, Trung Bộ Pali> & Tà kinh "Giáo Hóa Bịnh" <số 28, Trung A Hàm>
Chánh kinh Pāli: “Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvatthi (Xá-vệ), Jetavana, (Kỳ-đà Lâm), tại tinh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ, cư sĩ Cấp Cô Ðộc bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh…
… Do vậy, này Cư sĩ, hãy học tập như sau: "Tôi sẽ không chấp thủ thế giới ở đây và tôi sẽ không có thức y cứ vào thế giới ở đây". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy. Do vậy... "Tôi sẽ không chấp thủ thế giới khác, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thế giới khác". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy.”
Tà kinh A Hàm: “Tôi nghe như vầy: Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ Trưởng giả Cấp Cô Độc mang bệnh hiểm nghèo…
Sau khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lê Tử khoác y, ôm bát đi đến nhà Trưởng giả Cấp Cô Độc. Trưởng giả Cấp Cô Độc thấy Tôn giả Xá-lê Tử từ đàng xa đi đến, muốn từ giường ngồi dậy. Tôn giả Xá-lê Tử thấy Trưởng giả Cấp Cô Độc muốn từ giường ngồi dậy, liền cản lại rằng: “Này Trưởng giả, chớ ngồi dậy. Còn giường khác đây, tôi sẽ ngồi riêng”.
Tôn giả Xá-lê Tử liền ngồi lên giường ấy, rồi hỏi rằng: “Bệnh trạng của Trưởng giả hôm nay thế nào? Ăn uống được nhiều ít? Sự đau đớn giảm dần không đến nỗi tăng thêm chăng?”
Trưởng giả Cấp Cô Độc trả lời rằng: “Bệnh tình của con rất nguy kịch, ăn uống chẳng được gì cả. Sự đau đớn chỉ tăng thêm chứ không thấy giảm bớt chút nào”.
Tôn giả Xá-lê Tử bảo rằng: “Này Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si, thành tựu bất tín, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả ngày nay không hề có sự bất tín, mà chỉ có sự thượng tín. Do thượng tín ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do thượng tín ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.”
Phân tích: Cả hai bài kinh trên là những lời dạy của ngài Xá-lợi-phất dành cho ông Cấp Cô Độc lúc bị trọng bệnh, nhưng có nhiều sự sai khác.
- Sự sai khác vô lý trước nhất trong A Hàm được lập đi lập lại nhiều lần “Phật du hóa tại ... vườn Cấp cô độc như muốn thách thức trí tuệ thẩm sát của những ai thọ trì kinh A Hàm. Thảm thương thay nó vẫn an nhiên tồn tại qua biết bao thế kỷ không một lời cảnh báo, không một ai cải chính.
- Cũng theo A Hàm, ông Cấp Cô Độc thấy tôn giả Xá-lê Tử “từ đàng xa đi đến” muốn ngồi dậy, có nghĩa là Xá-lê Tử vẫn còn ở… cách xa Cấp Cô Độc, ấy vậy mà liền ngay đó câu kế tiếp Xá-lê Tử thấy và cản liền (?) Có hai khả năng: Một là tôn giả Xá-lê Tử dùng thần thông rút đất, hiện liền ngay trước mặt Cấp Cô Độc; hai là mấy ông dịch giả cố tình khiến A Hàm trở thành kinh … ba láp ba sàm. Nghĩ như thế nào tùy người đọc.
- Lần trước Xá-lê Tử A Hàm thăm bệnh ông bạn thân Phạm chí Đà Nhiên (kinh số 27) né sang ngồi giường khác, lần này thăm ông Cấp Cô Độc mang bệnh hiểm nghèo cũng phải ngồi riêng. Chắc Xá-lê Tử sợ lây bệnh, ghê tởm mấy người bệnh chăng? Kiểu cách này của ông Xá-lê Tử A Hàm không xứng danh Tướng Quân Chánh Pháp của đạo từ bi rồi. Nhưng trong Pāli Ngài đâu có tầm thường như thế.
- Xá-lê Tử A Hàm nói dóc quá, trong khi ông Cấp Cô Độc còn đang rên rỉ: “Bệnh tình của con rất nguy kịch, ăn uống chẳng được gì cả. Sự đau đớn chỉ tăng thêm chứ không thấy giảm bớt chút nào”, thì ngài lại phán: “Do thượng tín ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng” (?)
Thế ra trước đó do ông Cấp Cô Độc không tin Phật nên mới khốn khổ như vậy chăng? Mấy người không tin Phật, đọc tới đây chắc phải phì cười hỏi liền: “Ai nhờ thượng tín mà diệt được đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng hãy lên tiếng và… chịu nhận 100 hèo của chúng tôi để chứng minh”
Còn những người có trí và hiểu Phật pháp cũng cười phì tự nhủ: “Chẳng lẽ chỉ nhờ lòng tin thôi là đạt được thánh quả Tư-đà-hàm hay A-na-hàmsao? Quả thánh kiểu gì lại dễ dàng như vậy? Ngài Xá-lê Tử chắc cũng là gián điệp ngoại học rồi!”
***
Chánh kinh Pāli: “Do vậy, này Cư sĩ, hãy học tập như sau: "Tôi sẽ không chấp thủ những gì được thấy, được nghe, được cảm thọ, được nhận thức, được hy cầu, được tư sát với ý, và tôi sẽ không có thức y cứ vào các pháp (nói trên)". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy.”
Tà kinh A Hàm: “Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si do ác giới, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có ác giới, mà Trưởng giả chỉ có thiện giới. Do thiện giới ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do thiện giới ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.”
Phân tích: - Trong chánh kinh Pāli, ngài Xá-lợi-phất chỉ dạy cư sĩ Cấp Cô Độc không nên chấp thủ các pháp không nên chấp thủ, vì trong khi bệnh hoạn những chấp thủ này sẽ khiến mình đau khổ nhiều hơn, bệnh tình nặng hơn; ngược lại xả bỏ càng nhiều những chấp thủ có hại càng giúp giải thoát khổ đau, càng giúp thân tâm nhẹ nhàng, thậm chí thân có thể đau nhưng tâm không đau, thân có thể bệnh nhưng tâm không bệnh.
Ngược lại trong A Hàm lời tôn giả Xá-lê Tử rất phi lý. Những ai đã giữ thiện giới và từng bị bệnh hẳn không thể một chiều chấp nhận lời của ông Á-lê Tử A Hàm. Tất nhiên ông Cấp Cô Độc nghe xong cũng muốn bịnh thêm, cho nên bài kinh có tựa đề “Giáo hóa (nên) bịnh” là vì vậy. Các dịch gia A Hàm và những người thọ trì mắc tâm bịnh cả rồi nên mới không thấy rõ!
***
Chánh kinh Pāli: “(Không có đoạn tương đương. Chính trong bản A Hàm tiếng Việt, chú thích số 5 có ghi rõ: “Nội dung bài thuyết pháp sau đây không đồng nhất với bản Pāli tương đương”)
Tà kinh A Hàm: “Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si không có đa văn, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có sự không đa văn. Do đa văn ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do đa văn ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
… Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có sự xan tham, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có xan tham mà chỉ có huệ thí. Do huệ thí ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do huệ thí ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.”
Phân tích: - Những ai đã từng nhờ đa văn và huệ thí mà diệt được “đau nhức khổ sở” xin lên tiếng và xin chấp nhận 100 roi để chứng minh cụ thể có đa văn huệ thí đã giúp “khoái lạc vô cùng” như thế nào?
- Một người không đa văn, không huệ thí nhưng biết thân hành thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện khi chết cũng đi thẳng đến ác xứ địa ngục ư? Sàm! Ngược lại một kẻ đa văn và huệ thí nhưng thân làm ác, miệng nói láo, ý nghĩ tà kiến chết chứng thánh quả ư? Phi lý!
- Một kẻ đa văn, có huệ thí nhưng phá giới và tà hạnh cũng chứng quả Tư-đà-hàm hay A-na-hàm ư? Ông Xá-lê Tử A Hàm dạy gì kỳ vậy?
Chỉ cần vài câu hỏi trên cũng đủ thấy rõ A Hàm đã bị các ông dịch giả Bà-la-môn xuyên tạc phá hoại đến tận cùng.
***
Chánh kinh Pāli: “Khi nghe nói vậy, cư sĩ Cấp Cô Ðộc khóc và chảy nước mắt. Rồi Tôn giả Ānanda nói với cư sĩ Cấp Cô Ðộc: -- Này Cư sĩ, Ông đang gượng lên mà sống, hay chìm xuống (cõi chết)?
-- Thưa Tôn giả Ānanda, con không gượng lên mà sống, con đang chìm xuống cõi chết. Dầu cho bậc Ðạo sư được con hầu hạ đã lâu và dầu con đã từng gần gũi các vị Tỷ-kheo tu tập ý lực, con chưa từng được nghe một thời thuyết pháp như vậy.”
Tà kinh A Hàm: “Bấy giờ bệnh trạng của Trưởng giả Cấp Cô Độc liền được thuyên giảm, bình phục như cũ [7] từ chỗ nằm ngồi dậy, khen Tôn giả Xá-lê Tử rằng:…”
Phân tích: Theo Chánh kinh Tương Ưng Pāli, bài kinh Ác Giới, hay Anāthapiṇḍika (1) (S.v,380) ông cư sĩ Cấp Đô Độc cũng được khỏi bệnh, thế nhưng trường hợp này hoàn toàn khác với sự cải biên vô lý của A Hàm.
Trong chú thích số 7 của bản A Hàm tiếng Việt có ghi rõ: “Bản Pāli, sau đó, khi Sāriputta đi khỏi, Trưởng giả Cấp Cô Độc mạng chung”. Còn trong A Hàm, ông Cấp Cô Độc chỉ cần nghe mấy lời vọng ngữ thái quá của Xá-lê Tử là khỏe liền, điều này càng khiến người đọc cảnh giác, càng cảnh giác càng thấy rõ “kinh A Hàm” là kinh... ba sàm ba sạo!
Ai tin A Hàm hãy đọc những lời của tôn giả Xá-lê Tử A Hàm dạy cho những người bệnh để xem họ có thuyên giảm và bình phục như cũ được không? Nếu không, hãy cẩn trọng suy ngẫm kỹ lời Phật dạy trong nguyên thủy Pāli, và phải luôn nhớ rằng chớ có tin cho dù đó là kinh điển hay truyền thống từ các Bà-la-môn gián điệp truyền trao.
BUDDHISM MAGAZINE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét