Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

THẦN THÔNG BIẾN HÓA


Sau khoá Phật học hàm thụ, hai cư sĩ ngồi thảo luận với nhau. Cư sĩ thứ nhất:
_ Theo tôi, kinh Hoa Nghiêm là đệ nhất thần kỳ.
_ Nhất thần kỳ thế nào? Cư sĩ thứ hai hỏi
_ Này nhé,“Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật” có nghĩa là pháp hội này được Bụt thuyết trong vòng 37 ngày đầu tiên ngay sau khi Ngài chứng đạo. Lúc này, năm anh em ông Kiều Trần Như còn chưa có, thế nhưng kinh Hoa Nghiêm vẫn “đẻ” được ra các Thanh văn Tiểu thừa như các ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, A-nan… và “bắt” họ phải như câm điếc, không được hiểu gì cả. Đã thế, ở hội thứ chín, tại rừng Thệ Đà, Hoa Nghiêm còn “đẻ” thêm tới sáu ngàn vị Tỳ-kheo, cùng Xá-lợi-tử, phải nhờ oai lực Bụt Hoa Nghiêm mới đi về phương Nam được. Thần thông biến hoá đến thế là cùng!
_ Ừ nhỉ, thảo nào chỉ có các Bồ-tát đại thừa mới tin nổi. Khiếp thật!
Nghiêm Hoa


TRÍ 'TỆ' THƯỢNG THỪA


Bé Lan hỏi mẹ:
_ Mẹ ơi, vì sao trong một cuốn sách Phật Học Cơ Bản, có vị Tiến sĩ dám viết rằng “Ðến phần kết của hội Hoa Nghiêm vẫn có mặt Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan, nhưng các Ngài không nghe được. Ý này được kinh diễn tả rằng chúng Thanh Văn như người mù, người điếc dự hội”,hả mẹ?
_ Vì sư phụ của họ dạy rằng kinh Hoa Nghiêm quá cao siêu, chỉ dành cho các Bồ-tát “bác học”, thế nên mấy ông Thanh Văn Tiểu thừa dù có là Thánh Tăng cũng không hiểu được.
_ Nhưng sư tổ mấy ổng lại phán kinh Hoa Nghiêm được Phật thuyết 37 ngày ngay sau khi Ngài mới chứng đạo. Lúc này năm anh em ông Kiều Trần Như còn chưa có, lấy đâu ra có các ông Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, A-nan và chúng Thanh Văn dự hội?
_ À, vì Bồ-tát kết tập kinh này là Bà-la-môn Long Thọ. Ổng muốn chứng tỏ thần thông biến hóa trong thế giới Hoa Nghiêm cũng không thua gì quyền năng sáng tạo ra con người của Thượng Đế, để cho…
_ Cho các Bồ-tát cao siêu đến độ có “chí” mà không có tuệ, có mắt mà không tròng mới hiểu và tha hồ tán dương ca tụng, phải không mẹ?
_ Con đã tiểu ngộ rồi đó!
Một tuần sau, trong giờ ra chơi, bé Lan chợt nhớ tới câu chuyện hoang đường “Hoa Nghiêm”, liền hỏi bé Hương, bạn cùng lớp:
_ Này Hương, theo bạn, có chuyện Phật thuyết “Hoa Nghiêm” trong 45 năm hoằng pháp không?
Không ngờ bạn mình lại ngây thơ đến thế, bé Hương tròn xoe mắt nhìn bạn, hỏi ngược: 
_ Nếu vậy, tại sao trong kinh nguyên thủy Nikaya, một tạng kinh ghi chép đầy đủ từ biết bao tiền kiếp của Phật đến những giây phút cuối cùng lúc Ngài nhập Niết bàn, với hàng ngàn bài kinh dạy cho cả Phạm Thiên lẫn Trời Người nhưng vẫn không có một dòng nào, người nào nhắc đến sự kiện quái dị ấy?
_ Có thể chăng do kinh Hoa Nghiêm ảnh hưởng “triết lý” của Bà-la-môn, chê bai pháp gốc, miệt thị khinh thường các thánh tăng A-la-hán nên các ngài đã không kết tập?
_ Đúng vậy! Một tạng kinh xuất hiện sau thời Phật sáu trăm năm, tại tận vùng đất Trung Quốc xa xôi, do một ông Bà-la-môn giới thiệu thì làm sao các vị A-la-hán kết tập được.
_ Nó phải xuất hiện đúng thời thì sao?
_ Đúng vậy! Nhưng ai nói? Đức Phật trong Nikaya do các A-la-hán kết tập nói, hay ông “Bụt Hoa Nghiêm” do Bà-la-môn Long Xà kết tập nói? Một kẻ nham hiểm gian ngụy hoặc một đứa con nít thích nói láo không biết nặn ra một thời điểm thích hợp như vậy hay sao? Một trái bom định giờ còn cần phải có người cài, thì một kế hoạch phá hoại cũng phải được bọc lót như thế chứ. Tin ai và tin kinh nào, chỉ cần có trí tuệ một chút, bạn cũng tự trả lời được.
Lan vẫn chưa thôi:
_ Có thể đó là một pháp “viên dung vô ngại” dung thông tất cả thời gian và không gian trên đầu ngọn cỏ?
_ Giả sử sáu trăm năm sau, có một kẻ cũng nói như thế rồi đưa ra một cuốn ma kinh “Nghiêm Hoa” sổ toẹt tất cả Phật giáo, chê mấy ông Bồ-tát “bác học” hiện nay đều như mù câm điếc, thế nhưng những Phật tử đời sau liền tin ngay tức khắc, vậy họ khôn hay dại?
_ Khôn làm sao được. Mê tín hết chỗ nói. Tớ đã hiểu cả rồi. Cảm ơn bạn.
 Bé Hương mỉm cười hóm hỉnh, ghé vào tai bạn nói nhỏ: 
_ Mình chắc chắn những ông đạo diễn phim thần thoại dù có óc tưởng tượng vĩ đại đến đâu cũng không thể nghĩ ra câu chuyện hoang đường như Hoa Nghiêm của Đại thừa.
_ Nhưng chỉ có các bậc tổ sư “hoát nhiên đại ngộ” mới tin nổi.
_ Đúng vậy, Lan nè, bạn ráng ăn chay niệm chú để được như quý ngài.
Bé Lan lắc đầu quầy quậy, bắt giọng hát:
_ “Hổng dám đâu, em còn phải học bài...”
Bé Hương nhìn bạn, toe miệng cười hồn nhiên. Chợt nhớ ra điều gì, Hương liền đứng dậy chắp hai tay vái Bé Lan lia lịa. Lan giật nảy mình:
_ Bạn làm gì vậy?
Hương nghiêm giọng:
_ Lạy bạn, xin đừng hỏi chuyện này với thằng em trai của mình.
_ Vì sao?
_ Vì chỉ có những kẻ ngu dốt, bảo thủ, tà tín lại hay cố chấp như nó mới còn tiếp tục ngụy biện cãi ngang cãi bướng. Dạy dỗ những kẻ như thế mệt lắm!
Lan phì cười, đưa hai tay lên trời:
_ Mình hứa!
Cả hai cô bé vui vẻ nắm tay nhau bước vào lớp học.
Ba Lan
___________________
Trích lục Kinh Tăng Chi tập 2, Chương 5, XXII. Phẩm Mắng Nhiếc
(I) (211) Mắng Nhiếc. Đức Phật dạy:

"- Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, mắng nhiếc, mạ lỵ, các vị tu Phạm hạnh, phỉ báng bậc Thánh, vị ấy được chờ đợi năm sự nguy hại. Thế nào là năm?

Phạm tội bị tẩn xuất, chặt đứt con đường hướng thượng;
hay phạm một tội nhiễm;
hay cảm xúc bệnh hoạn trầm trọng;
khi mạng chung tâm bị mê loạn;
sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, mắng nhiếc, mạ lỵ, các vị tu Phạm hạnh, phỉ báng bậc Thánh, vị ấy được chờ đợi năm sự nguy hại này." 

<HT Thích Minh Châu dịch Việt>

HỒI ĐẦU THỊ NGẠN


DẪN: Trong kinh Hoa Nghiêm Đại Thừa có THIỆN TÀI ĐỒNG TỬ tầm sư học đạo khắp nơi. Còn ở đây, có THIÊN TAI ĐỒNG TỬ cũng vậy, chỉ có khác tên một chút, nhưng cái kết hoàn toàn khác. Quý vị tin ai? Mời theo dõi!

Thiên Tai Đồng Tử muốn học đạo “vô phân biệt”, tìm đến U Minh Giáo Chủ, hỏi:
_ Pháp gì con phải cầu nơi ngài?
_ Vô uý thí, bố thí không sợ hãi.
_ Vì sao?
_ Để can đảm gây tội ác. Phạm tội ác nhưng không thấy mình tội ác cũng giống như người tu chứng nhưng không thấy mình tu chứng. Ngươi không nghe Lục tổ Huệ năng dạy “Chẳng niệm thiện, niệm ác: Bản lai diện mục hiện tiền” đó sao? Làm thiện đừng nghĩ mình thiện, làm ác đừng nghĩ mình ác thì đều chứng đạo như nhau, vô phân biệt.
Ba tháng sau, Đồng Tử nhắm hướng Bắc, vượt núi Tuyết Sơn, quỳ dưới chân Bà-la-môn Long Xà:
_ Bạch ngài, con vẫn vô cùng ân hận, hối lỗi, cắn rứt lương tâm.
Tổ sư “vô tâm như không” điềm nhiên ngâm kệ:
“Tội do tâm khởi, do tâm diệt.
Tâm đã tịnh rồi, tội liền tiêu.
Tội tiêu, tâm tịnh, thảy đều không.
Đó mới thực là chân sám hối”
Nghe vậy, Đồng Tử mừng thầm trong bụng “May mắn thay, cha mẹ ngài không biết pháp cao siêu này. Nếu biết, họ đã đòi giết ngài với lý do đẻ được ra ngài thì khốn”.
Tổ sư vẫn không hay biết Đồng Tử nghĩ gì, bèn dạy tiếp:
_ Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc cũng là không, không cũng là sắc. Sắc còn như thế huống hồ lương tâm. Nó có răng đâu mà cắn? Đã biết vô khổ, tập, diệt, đạo thì cũng phải biết vô lương tâm chứ.
Thiên Tai hoát nhiên tỉnh ngộ, từ đó cứ vô tư gieo rắc đạo Bồ-tát nghịch hành.
Sáu tháng sau, Thiên Tai đi về phương Nam tìm gặp Bà-la-môn Buddhaghosa:
_ Thưa ngài, tâm trí con vẫn ray rứt khôn nguôi.
Phật Âm cười xoà:
_ Ngươi không đọc chú giải kinh Pháp Cú của ta sao? Ngay bài đầu tiên Ta đã phán, “Nếu con mắt làm hại ngươi, hãy móc bỏ nó đi” (1). Như vậy nếu cái đầu làm hại ngươi thì chặt phứt nó đi chứ để làm gì. Huệ Khả liều mình chặt tay, tuy sống cách xa hàng vạn dặm nhưng vẫn gần Ta.
Thiên Tai ôm đầu, ngửa mặt lên trời khóc than:
_ Nhãn thức, ý thức làm hại ta; chứ con mắt, cái đầu có tội tình gì kia chứ? Hỡi ôi! Sao trời chỉ cho ta có hai con mắt, một cái đầu thôi nhỉ? Còn những cái lưỡi hại người, sao không chặt nó đi? (2)
Trở về đọc Kinh Nguyên Thuỷ Nikaya, Đồng Tử xúc động bừng tỉnh ngộ khi nghe Đức Phật dạy trong bài kinh “Con Đường Sai Lạc”: “Ở đây, này Tỷ-kheo, Bậc Hiền trí, Ðại tuệ, không có nghĩ tự làm hại mình, không có nghĩ tự làm hại người, không có nghĩ tự mình làm hại cả hai, có suy nghĩ điều gì thời suy nghĩ lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thể thế giới. Như vậy, này Tỷ-kheo, là Bậc Hiền trí, Ðại tuệ” (AN VI:186).
Đồng Tử lại bồi hồi đọc tiếp: Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người mù? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không có mắt để có thể với mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch hay làm cho tăng trưởng tài sản đã được thâu hoạch; không có mắt để có thể với mắt như vậy, biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không tội, pháp liệt và thắng, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người mù.” (AN III:29).
Bất giác Đồng Tử bàng hoàng quỳ xuống tự nhủ:
_ Lành thay! Đây mới chính là trí tuệ vô phân biệt (ta và người) với những điều đáng phải phân biệt.­­
MINH TĂNG
_­­_______________
(1) Xem “Tích truyện Pháp cú”, Thiền viện Viên Chiếu dịch, Nguyên tác: "Buddhist Legends", Eugène Watson Burlingame
(2) Ngài Xá-lợi-phất dạy: “-- Này Hiền giả Kotthika, con mắt không phải là kiết sử của các sắc, các sắc không phải là kiết sử của con mắt; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử…”  (tương tự với các căn và các trần khác) (S.iv,162) Điều này có nghĩa khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân chạm xúc để dục tham khởi lên, dục tham mới chính là sợi dây trói cột vào đau khổ. Chứ không phải như ‘ai đó’ chỉ dại cứ bịt mắt, bịt tai, móc mắt.

VÌ SAO ĐỆ TỬ LONG XÀ CẦN PHẢI ĂN CHAY?

Tôi tự hào sẵn sàng tuyên bố một triệu lần rằng: tôi là đệ tử trung thành của luận sư Bà-la-môn Long Xà vĩ đại và các tổ sư gốc Bà-la-môn lừng danh khác như các ngài Mã Kinh, Phế Thân, Vô Phước... Tất cả các ngài đều xiển dương cho truyền thống Đại Thừa vĩ đại, trong đó có giới luật ăn chay ngày ba bốn bữa sáng-trưa-chiều-tối.
Tôi cũng vâng lời các ngài xem khinh bọn Tiểu Thừa vì cái tội chúng dám ăn tam tịnh nhục, lại còn lên mặt đạo đức giả bày đặt khổ hạnh ăn ngày một bữa (sic).
Là đệ tử trường chay đã nhiều năm, tôi ý thức được các lý do chính đáng của giới hạnh ăn rau cỏ một cách rõ ràng cụ thể như thế này:
" Tôi ăn chay vì tôi muốn nối tiếp truyền thống nguyên thuỷ chính thống một cách triệt để. Bởi lẽ, đạo ăn chay đã có từ trước thời Đức Thế Tôn, tập tục này bắt nguồn từ các tu sĩ Bà La Môn. Sau này, khi Đức Phật đã nhập Niết-bàn, các Tổ sư Đại Thừa gốc Bà-la-môn đã tiếp tục xiển dương truyền thống này trong Phật giáo Đại Thừa.
Như vậy khi không ăn thịt, không ăn cá là tôi đã nguyên thuỷ hơn cả những người nguyên thuỷ; truyền thống hơn cả những người truyền thống.
" Tôi ăn chay vì muốn tăng trưởng lòng từ bi, trí tuệ và để bớt tham ái giống như Đề Bà Đạt Đa. Thật vậy, xưa kia Đề Bà Đạt Đa cũng biết ăn chay và lợi ích của ăn chay nên đã đề nghị Đức Thế Tôn ban năm điều giới cấm, trong đó có giới thứ 5 cấm Tỳ-kheo ăn thịt-cá. Thật đáng tiếc, ý kiến thâm sâu này của Đề Bà Đạt Đa đã không được Đức Thế Tôn chấp nhận. 
Chánh Luật Pātimokkha còn ghi rõ rành rành Đề Bà Đạt Đa nói với các thủ hạ của ngài như thế này:
“...Không ăn cá thịt cho đến trọn đời, vị nào ăn cá thịt thì vị ấy phạm tội.” Sa-môn Gotama sẽ không cho phép năm sự việc này. Và chúng ta đây sẽ công bố cho dân chúng biết về năm sự việc này.
- Này đại đức, với năm sự việc này có thể tiến hành việc chia rẽ hội chúng của Sa-môn Gotama, tức là việc phân chia quyền lãnh đạo. Này đại đức, bởi vì dân chúng có niềm tin với khổ hạnh” (Tiểu Phẩm, chương 7 “Chia rẽ hội chúng”, đoạn 383, bản dịch của Tk Nguyệt Thiên)
Ý kiến của Đề Bà Đạt Đa là rất từ bi, trí tuệ và thâm sâu thật sự! Vì sao? Này nhé:
! “Vì dân chúng có niềm tin vào khổ hạnh” cho nên không ăn cá thịt là hành khổ, vì vậy chúng ta nói to cho dân chúng biết chúng ta ăn chay, hẳn dân chúng dễ tin chúng ta hơn. Đây là pháp khuyến dụ cao đẳng số một.
! Vì Đề Bà Đạt Đa biết khéo léo lên án ăn mặn và tỏ ra từ bi ngay cả trong miếng ăn nên đã lôi kéo được năm trăm tân Tỳ-kheo tin theo ngay ông ta. Tất nhiên, các Tỳ-kheo non trẻ đều đơn giản nghĩ rằng: chẳng lẽ một kẻ đến con cá lòng tong cũng không nỡ ăn thì làm sao gây tội ác cho được. Đây là pháp đắc nhân tâm cao cấp số dzách.
! Vì chiêu bài ăn chay giúp lôi kéo được một số tân Tỳ-kheo tin theo, nên giáo đoàn được phân hóa mạnh mẽ đúng với phương châm “Phật giáo đa phương, đa diện” của các tổ sư gốc Bà-la-môn sau này. Có thể nói với giới luật ăn chay, Đề Bà Đạt Đa và các tổ sư gốc Bà-la-môn chính là các bậc thầy trong ngành tâm lý chiến. Tôi ăn chay là nhớ ơn các ngài, và cũng để thực thi pháp “đa tông, đa phái” phân hoá Tăng đoàn một cách êm thắm này.
! Vì Đề Bà Đạt Đa ăn chay và xiển dương ăn chay nên A Xà Thế cũng dễ dàng tin tưởng và nghe theo ông ta. Nhờ tin và làm theo lời của Đề Bà Đạt Đa nên A Xà Thế mới được làm vua và cả hai cùng đi vào lịch sử, lưu danh thiên cổ. Vì vậy, ăn chay dễ chiếm cảm tình của người khác, từ đó có thể giúp tôi leo lên nhiều tầm cao mới. Đây cũng là pháp đắc đạo vang danh siêu tuyệt.
! Nhờ biết ăn chay và xiển dương không ăn thịt cá nên Đề Bà Đạt Đa cũng biết thương yêu A Xà Thế và mẹ của ông này. Với lòng yêu thương rộng mở, Đề Bà Đạt Đa chỉ xúi A Xà Thế đoạt ngôi vua bằng cách giết vua cha và các cận thần chứ không giết bà mẹ. Đây là pháp bác ái vị tha siêu đẳng.
! Cũng nhờ ăn chay có từ tâm nên Đề Bà Đạt Đa chỉ lăn đá làm chân Phật chảy máu chứ không làm thân ngài máu chảy. Đây là pháp bác ái vị tha siêu việt.
! Nhờ có ăn chay nên Đề Bà Đạt Đa chỉ cố ý dùng voi điên hù dọa Đức Phật chứ chắc ông ta không nỡ giết ngài. Đây là pháp bác ái vị tha siêu xuất.
! Nhờ có ăn chay, ít ác dục nên Đề Bà Đạt Đa chỉ muốn giành quyền lãnh đạo Tăng đoàn chứ không đòi thống trị toàn cõi Ấn Độ. Đây là pháp diệt dục, trừ tham ái tuyệt vời.
Tóm lại nhờ Đề Bà Đạt Đa biết ăn chay, chứ nếu Đề Bà Đạt Đa mà ăn mặn thì chắc chắn Đề Bà Đạt Đa đã không là Đề Bà Đạt Đa đại bác ái, đại vị tha, đắc nhân tâm đến như vậy.
Sau này, nghe nói, có kẻ diệt chủng cũng ăn chay thuần chủng và cũng đã khiến hàng ngàn người tuyệt chủng. Chắc nhờ ăn chay nên kẻ diệt chủng chỉ giết có chừng đó, chứ bao kẻ ăn “tam tịnh nhục” có tên nào gan dạ như thế đâu? Ai muốn chứng minh ăn chay là từ bi, phải dẫn chứng các danh nhân tiêu biểu này.
(Ghi chú: Có những kẻ diệt chủng khác ăn mặn, chứ không ăn “Tam tịnh nhục”. Ăn mặn và “Tam tịnh nhục” khác nhau hoàn toàn).
"  Tôi ăn chay vì có vị Hoà thượng ăn chay từ thuở lọt lòng mẹ đã dạy rằng “do bọn lính Khờ-me đỏ hồi nhỏ ở trong chùa Tiểu Thừa ăn thịt cá, nên lớn lên vẫn ngu dại và độc ác, dám giết hàng triệu đồng bào ruột thịt của mình”. Đúng là mấy tên Khờ-me đỏ ăn mặn nên mới cuồng si như thế, chứ lính Phát-xít Nhật xuất thân từ đất nước Đại Thừa có truyền thống ăn chay, nên họ khôn ngoan hơn nhiều. Họ chỉ giết hàng chục triệu người thuộc các dân tộc khác, trong đó có hơn hai triệu người Việt bị chết đói, chứ họ không ngu si tàn sát diệt chủng người dân nước mình.
Quả là con cháu của Bồ-tát nghịch hạnh Đề Bà Đạt Đa, của xứ sở kinh Pháp Hoa vừa biết ăn chay vừa khôn ngoan và vô úy đến tận cùng. Thực đáng kính sợ! (Tất nhiên khi Khờ-me đỏ và Phát-xít Nhật ra tay, họ chẳng bao giờ nhân danh Phật tử)
Chính vị trưởng lão này còn viết sách công khai chửi hàng triệu triệu Phật tử Nam Tông “có mắt như mù, có tai như điếc”, vì họ cứ u mê dại dột tuân theo truyền thống của mình cúng dường cho mấy lão sư ăn mặn. Vị Hòa thượng này nhờ ăn chay nên chỉ chửi có bấy nhiêu, chứ ngài mà ăn tươi nuốt sống chúng sanh như những loài rắn, cáo thì cả đám thiên hạ còn bị sỉ nhục đến đâu. Thử hỏi, có kẻ nào dám quá mạn, chỉ vì chuyện ăn uống, lại lớn tiếng chửi bới thiên hạ như ngài? Qua đó, cho thấy lợi ích ăn chay thực quá dzõ dzàng!
" Tôi ăn chay vì có vị Hòa thượng Tiến sĩ Phật học dạy rằng điều lợi ích thiết thực cụ thể nhất của việc không ăn cá thịt đó là “ăn chay không bị mắc xương”. Thế ra khi tôi thực hiện được điều ích lợi hiển nhiên này, xem như tôi đã được đồng đẳng với mấy con trâu, con bò hiền lành.
Chứ gì nữa, cả đời bọn chúng có con nào ăn cá đâu mà mắc xương. Thế mới biết ăn chay ăn cỏ, không ăn cá thịt để cả đời khỏi bị mắc xương như các loài bàng sanh mới thực sự khôn ngoan, đại trí, đại huệ. Trâu, bò khôn ngoan là thế, chỉ có con người còn vô minh nên mới gọi chúng là “ngu như bò”.
" Tôi ăn chay vì lòng độ tha cao cả. Tôi thương yêu tất cả mọi loài chúng sanh và hằng nguyện cứu giúp cho cả con sâu cái kiến. Vì vậy, hàng ngày, trong từng ly nước tôi uống, trong mỗi dĩa rau tôi ăn, trong các khoanh đậu hũ tôi nuốt đã có vô số, vô lượng chúng sanh được tôi hoá kiếp trong bao tử của tôi (nếu ai không tin cứ đem soi các món chay dưới kính hiển vi khắc biết).
Bên cạnh đó, tôi ăn rau để kích thích người nông dân xới đất trồng rau, phun thuốc diệt sâu bọ, có vậy mới giúp vô số các chúng sanh ấy được chuyển hóa. Nhiều người còn dạy con cháu khi giết gà, giết vịt phải nhớ niệm bác ái “hóa kiếp này mày ra kiếp khác” để hóa độ chúng sanh thì sao? Người nhai nuốt vô số chúng sanh cũng phải có từ tâm như thế, phải xem tất cả các chúng sanh đều bình đẳng như nhau.
Ngược lại, những kẻ ăn thịt theo kiểu tam tịnh (không thấy, không nghe, không nghi), chỉ ăn thịt chết đã nấu sẵn, điều này có nghĩa họ đã từ chối công đức hoá kiếp vô số vô lượng chúng sanh li ti trong nước lọc và rau cỏ.
Hơn nữa ba, bốn người ăn mặn mới tạo duyên hoá kiếp cho một con gà; hàng chục người ăn thịt mới tạo dịp cho một con heo được siêu thoát. Ích kỷ đến như thế mà dám nói tới hai chữ từ bi, thật không biết xấu hổ! Thử hỏi ai đã tạo nhiều công đức hoá kiếp cho các chúng sanh khác hơn ai? Đúng là đồ đạo đức giả!
" Tôi ăn chay vì kinh Lăng Già của Đại Thừa lên án gắt gao ăn mặn. Chắc hẳn ông Bụt trong kinh Lăng Già không muốn như Đức Phật trong Kinh Nikāya bị bọn ngoại đạo vu khống, đả kích khi Ngài được tướng quân Sīha thỉnh mời trai tăng và cúng dường thịt “tam tịnh”.
Kinh Tiểu Thừa còn ghi rõ thế này: “Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đến trú xứ của tướng quân Sīha; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn, với chúng Tỷ-kheo. Lúc bấy giờ nhiều người Niganthā ở Vesālī, từ đường lớn này đến đường lớn khác, từ đường hẻm này đến đường hẻm khác, múa tay la lớn"Hôm nay, tướng quân Sīha đã giết một con thú lớn, và một bữa cơm được soạn cho Sa-môn Gotama, và Sa-môn tuy biết vậy, vẫn ăn món thịt được sửa soạn, do duyên vì mình được sửa soạn ra".
Rồi một người đi đến tướng quân Sīha, sau khi đến, nói nhỏ vào tai tướng quân Sīha: "Thưa Tôn giả, Tôn giả có biết chăng? Nhiều Niganthā ở Vesālī, từ đường lớn này đến đường lớn khác, từ đường hẻm này đến đường hẻm khác, múa tay la lớn: ‘Hôm nay, tướng quân Sīha đã giết một con thú lớn, và một bữa cơm đã được soạn cho Sa-môn Gotama, và Sa-môn tuy biết vậy, vẫn ăn món thịt được sửa soạn, do duyên vì mình được sửa soạn ra’.
‘-Thôi vừa rồi, này bạn. Ðã lâu rồi, các Tôn giả ấy muốn chỉ trích Phật, muốn chỉ trích Pháp, muốn chỉ trích các chúng Tăng. Nhưng các Tôn giả ấy không làm hại gì được Thế Tôn với những lời xuyên tạc không có thật, trống rỗng, láo khoét. Và chúng ta không vì sinh mạng lại cố ý sát hại sinh mạng của loài hữu tình’ (Tăng Chi 3, trang 542).
Trước đó, chính Đức Thế Tôn đã khen tướng quân Sīha là người trứ danh. Khốn nỗi trên thế gian này người trứ danh rất hiếm; còn bọn thích vu cáo, trống rỗng, láo khoét, giả nhân giả nghĩa thì thời nào cũng có và lại khá đông đảo. Vì thế tôi ăn chay để bọn thối tâm, thối miệng không có dịp đả kích bôi nhọ là yên chuyện. Có như vậy tôi mới là kẻ thức thời và hiểu đạo Lăng Già Đại Thừa.
" Tôi ăn chay vì tôi không tin kinh Nguyên Thủy lại có chuyện một cư sĩ “trứ danh” khác dám cúng dường Đức Thế Tôn món thịt chín và Ngài đã thọ dụng. Như vầy tôi đọc trong bài kinh “Cho Các Vật Khả Ái”, Tăng Chi 2, Chương 4, V. Phẩm Vua Munda, trang 382 còn ghi rõ:
Một thời, Thế Tôn trú ở Vesālī, rừng Ðại Lâm, tại giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi đến trú xứ của gia chủ Ugga người Vesālī, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi gia chủ Ugga, người Vesālī đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, gia chủ Ugga, người Vesālī bạch Thế Tôn:
… Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ miệng Thế Tôn, con có nhận lãnh như sau từ miệng Thế Tôn: "Ai cho vật khả ý, nhận được điều khả ý". Bạch Thế Tôn, con có thịt heo nấu chung với trái táo, thật là khả ý. Mong Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái (chúng con)!
Và Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái…”
Đoạn kinh này chắc chắn là giả tạo, vì có đời thuở nào thịt heo lại nấu chung với trái táo? Thật vô lý, làm gì có chuyện thịt chín lại đi hầm chung với món tráng miệng? Thú thực, từ khi cha sanh mẹ đẻ đến giờ, tôi chưa từng nghe có món ăn nào như vậy. Chỉ có thịt heo nấu chung với cà pháo, hoặc lòng heo nấu chung với cháo mà thôi!
Rõ ràng là đã có kẻ bịa đặt nào đó thêm vào thực đơn kỳ lạ này để ca ngợi lòng từ ái của Đức Thế Tôn khi ngài dám thọ dụng tam tịnh nhục, và khuyến khích mọi người nên cúng dường điều khả ý để nhận được điều khả ý theo đúng luật nhân quả.
Những kẻ bịa đặt này phải để “những người Niganthā ở Vesālī từ đường lớn này đến đường lớn khác, từ đường hẻm này đến đường hẻm khác, múa tay la lớn” may ra mới biết sợ!
Có người cho rằng những đoạn kinh Nguyên Thủy chứng minh cách ăn tam tịnh nhục là do người đời sau thêm vào. Đúng như vậy! Tôi tin chắc một ngàn lẻ một phần trăm là như thế. Vì sao? Vì mấy đoạn kinh Đại Thừa ca ngợi ăn chay và luật Bồ-tát giới cấm ăn mặn do các Bồ-tát gốc Bà-la-môn kết tập sau này hoàn toàn không có như vậy.
Với đức tin vô biên nơi các ngài tổ sư gốc Bà-la-môn, tôi xin mạnh dạn tuyên bố: “chỉ có những kẻ đại ngu si lắm lắm mới không dám tin vào các ngài đại Bồ-tát Bà-la-môn Đại Thừa và các kinh-luật-luận sau này do các ngài kết tập”!
Chính Đức Phật trong kinh của Tiểu Thừa đã nhắc nhở những kẻ ăn tam tịnh nhục: “Này Kassapa, địa giới không làm diệu pháp biến mất, thủy giới... hỏa giới... phong giới không làm diệu pháp biến mất. Ở đây, khi nào các người ngu có mặt, chính họ làm diệu pháp biến mất” (Tương Ưng tập 2, trang 386).
Ăn chay là diệu pháp truyền thống có từ thời Bà-la-môn giáo, nó đã được các Bà-la-môn ca ngợi và y cứ vào đây để lên án tất cả những kẻ ăn không giống họ, vì thế không được làm cho nó biến mất.
Tóm lại, Bồ-tát giới và luật ăn rau cỏ muôn năm!
" Tôi ăn chay vì lý tưởng hy sinh mà bài kinh “Tự Hành Hạ Mình” đã chỉ rõ:  “…Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sống lõa thể, sống phóng túng không theo lễ nghi, liếm tay cho sạch, không ăn cá, không ăn thịt, không uống rượu nấu, rượu men, không uống nước cháo. Vị ấy chỉ ăn cỏ hoang, ăn lúa tắc, ăn lúa hoang, ăn da vụn, ăn rong nước, ăn bọt tấm, ăn váng gạo, ăn bột vừng, ăn cỏ hay ăn phân bò. Vị ấy ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống…”  (Tăng Chi 2, Chương 4, XX. Đại Phẩm, trang 214)
Như Bồ-tát nghịch hạnh Đề Bà Đạt Đa đã nói ở trên, thói thường ở đời, những bậc khổ hạnh bao giờ cũng được nhiều người khác tin tưởng rằng có tu, có hạnh. Do vậy, tôi ăn chay khổ hạnh, tự hành hạ chính mình cũng nhằm đạt được danh xưng cao quý này!
" Tôi ăn chay vì tôi không muốn đi theo con đường Tiểu Thừa nhỏ hẹp mà muốn theo con đường cao siêu “kịch khổ đạo lộ” tự hành hạ mình giống như trong bài kinh “Đạo Lộ”, Tăng Chi 1, Chương 3, XVI. Phẩm Lõa Thể:
Này các Tỷ-kheo, có ba đạo lộ này. Thế nào là ba? Thâm cố đạo lộ, kịch khổ đạo lộ, trung đạo lộ.  …Và này các Tỷ-kheo, thế nào là kịch khổ đạo lộ?
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sống lõa thể, sống phóng túng không theo lễ nghi, liếm tay cho sạch,…không ăn cá, không ăn thịt, không uống rượu nấu, rượu men, không uống nước cháo. Vị ấy chỉ ăn cỏ hoang, ăn lúa tắc, ăn lúa hoang, ăn da vụn, ăn rong nước, ăn bọt tấm, ăn váng gạo, ăn bột vừng, ăn cỏ hay ăn phân bò. Vị ấy ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống…” 
Có tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình, thực hiện kịch khổ đạo lộ như vậy tôi mới giác ngộ được như thực: “Khổ Đế” có nghĩa là “đế” thêm vào cho khổ.
" Tôi ăn chay vì Đức Phật đã dạy rõ trong bài kinh Jivaka số 55, Trung Bộ 2 thuộc Pali nguyên thuỷ:
“-- Này Jivaka, những ai nói như sau: "Vì Sa-môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa-môn Gotama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình được làm cho mình", những người ấy không nói chính lời của Ta, họ xuyên tạc Ta, không như chân, không như thật.
Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt không được thọ dụng: thấy, nghe và nghi vì mình mà giết. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt không được thọ dụng.
Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt được thọ dụng: không thấy, không nghe và không nghi vì mình mà giết. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt được thọ dụng”.
! Nghiên cứu kỹ đoạn kinh trên cho thấy: ngay đến Đức Phật mà những kẻ ghét ăn mặn, xấu tâm ác miệng còn dám xuyên tạc vu cáo thì họ còn chừa một ai. Tôi ăn chay là thoát được bọn này!
! Chính mấy tay ăn tam tịnh nhục ngày nay vẫn còn hay than thở: “Những ai nói như sau: "Vì chúng tôi, họ giết hại các sinh vật. Và chúng tôi tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình, được làm cho mình", những người ấy không nói chính lời của chúng tôi, họ xuyên tạc chúng tôi, không như chân, không như thật”. Thế mới biết: Lịch sử thường lập lại; thiện ác, chánh tà cũng vậy!
! Tuy ăn chay nhưng tôi vẫn phải áp dụng luật “không thấy, không nghe và không nghi” của kinh Pali. Bởi lẽ dù ăn rau muống, uống nước lã mà không theo luật “tam tịnh nhục” thì hằng ngày tôi đã sát sanh vô số vô lượng chúng sanh không thấy, không nghe trong các món rau cỏ và nước uống của tôi
(Mấy người ăn chay chính thống Đại Thừa không biết áp dụng luật trí tuệ này, vì bài kinh Jivaka và những đoạn kinh giải thích cách ăn tam tịnh nhục đã bị ai đó “quên” kết tập trong tạng A-hàm lưu truyền ở phương Bắc, và nguyên cả tạng gốc Sanskrit cũng bị “quên” luôn. Chính từ đây mới có cụm từ “đồ tể ăn chay” là vì vậy).
! Thế nhưng, dù theo “tam tịnh nhục” nhưng chỉ được ăn mỗi ngày một bữa, điều này khó quá, tôi không kham nổi. Hoặc một ngày một bữa mang bát đi xin cơm chay lại càng “kịch khổ đạo lộ” tự hành hạ mình hơn nữa.
Vì thế tôi theo con đường trung đạo của tổ sư Bà-la-môn Long Xà, “không thường cũng không đoạn”, có nghĩa là mình không nên ăn thường xuyên bất kể giờ giấc sáng-trưa-chiều-tối và cũng không nên ăn gián đoạn một ngày một bữa.
Tránh hai cực đoan này, mình cứ vắt chéo chân ngồi yên trong chùa, ăn chay ngày ba, bốn, năm hoặc sáu, bảy bữa là tinh thần của Trung quán luận.
Tóm lại, tôi ăn chay vì tôi không thể từ bỏ các tổ sư gốc Bà-la-môn và nghiệp rau cỏ của mình! Dân gian có câu “học ăn, học nói, học gói, học mở”, những ai chưa biết cách học ăn cho đúng thì đừng nói láo, nói bậy! Hãy biết “gói” các thứ đó lại và học mở đúng chánh Kinh mà đọc, kẻo con cháu đời sau hiểu ra, chúng cười cho vào mặt thì khổ.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Gặm Rau Cỏ Bồ-tát Ma Ha Tát!
Tái bút:  Nhưng này, đệ tử Long Xà ăn chay vì như thế, còn những kẻ Tiểu Thừa ăn “tam tịnh nhục” vì điều gì? Chẳng lẽ, đến tận bây giờ, các hậu duệ của tướng quân Sīha trứ danh vẫn còn sợ các Niganthā ở Vesālī nên im lặng?
Hừ!

DẠI THỪA KINH


DẪN: Thì ra Đức Phật Thích Ca trong kinh nguyên thủy NIKAYA có nói đến các kinh văn Đại Thừa và các 'bồ-tát' thọ trì các kinh ấy. Mời đọc đoạn đối thoại dưới đây sẽ rõ...

Tiểu Thiên: _ Này dại nhân, ngay trong kinh điển nguyên thủy Nikaya, Đức Thế Tôn cũng có lưu ý giới thiệu về các kinh văn xuất hiện sau này, như kinh Niệu Pháp Điên Hoa, kinh Bịa Tạng Vương Bồ Tát, kinh Hoa Nghi... nữa đấy!
Dại Nhân: _ Có thế chứ. Tám vạn bốn ngàn pháp môn kia mà. Thời nào phải có kinh đó.
Tiểu Thiên: _ Và Ngài còn tiên tri chính xác rằng có một số chúng sanh căn duyên đặc biệt mới tin và thọ trì được những kinh điển như vậy.
Dại Nhân: _ Pháp nhĩ như thị. Trình độ nào phải có pháp đó. Hàng đại căn, đại tuệ phải có riêng pháp thượng căn thượng trí, không thể lẫn lộn được. À, mà Đức Phật dạy như thế nào?
Tiểu Thiên: _ Ngài dạy rằng: “Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sẽ có những Tỷ-kheo trong tương lai thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, khi họ thuyết về Thắng pháp hay về Quảng thuyết (Trí giải luận), họ rơi vào hắc pháp, không có thể giác ngộ rõ ràng…
đối với các kinh tạng do Như Lai tuyên thuyết, thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, siêu thế, liên hệ đến không, khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ không có nghe, họ không có lắng tai, họ không an trú tâm liễu giải, họ không nghĩ rằng các kinh ấy cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng.
Còn những kinh điển do các thi sĩ làm, những bài thi, với những chữ văn hoa, với những câu văn hoa, thuộc ngoại điển do các đệ tử thuyết, trong khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ sẽ lắng nghe, họ sẽ lóng tai, họ an trú tâm liễu giải. Các pháp ấy, họ sẽ nghĩ cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng.
Này các Tỷ-kheo, đây là do Pháp ô nhiễm, nên Luật ô nhiễm; do Luật ô nhiễm, nên Pháp ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ tư… thứ năm về tương lai, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai, các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận sợ hãi ấy” (Kinh Tăng Chi 2, Chương 5, trang 480).
Dại Nhân: _ Ông đúng là lão trời con oan gia, chỉ thích “vạch lá tìm sâu”, “bới lông tìm vết”.
Tiểu Thiên: _ Có như vậy mới vất bỏ được những “con sâu làm rầu nồi canh”, mới ném đi những con trùng trong lông sư tử và tẩy sạch được những vết nhơ cho đạo pháp.
TIỂU THIÊN TĂNG

TIN ĐỒN THỨ THIỆT HAY DĨ DƯỢC TRỊ ĐỘC

Tại chợ cầu Bà Lãnh, mấy chị em bán hàng đang ngồi tám chuyện với nhau. Cô Ba bán nước mía “chát” trước:
_ Dạo này hết tin đồn bà thần này chảy nước mắt lại đến ông thánh kia chảy máu mũi. Mọi người bỏ cả làm ăn, đua nhau đi coi. Bọn mình bị ế nhệ.
Bà Năm bánh lọt trề môi:
_ Nghe những tin đồn kiểu đó tui phán luôn: “Thì đã sao? Tui còn khiến cho các tượng đó hết khóc, ngưng chảy máu nữa kia”.
Cả đám nhao nhao:
_ Mèn đéc, bà Năm có thần thông hả?
_ Ừa! Thần thông cải hoá. Tui hô rằng tại mấy ông, mấy bà ở chỗ đó làm chuyện bậy bạ, xấu xa tàn ác, nhưng khéo che đậy, không ai hay biết, chỉ có thần thánh tại chỗ biết được nên các ngài mới buồn rầu khóc than, chảy máu nhiều như thế. Các nơi khác thờ cúng đàng hoàng, có như vậy đâu?
Chị Hai bán chè cười khúc khích:
_ Hèn chi, chỗ bà Năm hổng bao giờ có tin đồn thất thiệt. Bà cứ phang kiểu đó còn ai dám để mấy tượng thần chảy máu, chảy nước mắt.
Cô Hoa tạp hoá xen vô:
_ Thằng cháu tui ở nước ngoài dìa, nghe mấy chuyện đó nó phán luôn “Xưa rồi Diễm!”. Nó nói, ở nước ngoài chỗ nào có thần khóc, tượng chảy máu là người ta cử mấy ông khoa học tới đó liền. Họ lấy mẫu phân tích, phân tiếc gì á. Mấy ổng hô nếu thực sự là phép lạ thì nó phải là những chất không có ở trên đời, còn nếu là mấy chất bán đầy ngoài chợ thì đó là bịa đặt. Tính ra cứ một trăm vụ hết chín mươi chín vụ trật lất. Chỗ nào có tin đồn thất thiệt, mấy ông ở đó bị phạt chết luôn. Riết rồi hổng ai dám tung tin đồn bậy bạ.
Bà Năm đắc ý:
_ Xứ mình cũng nên làm công khai như thế. Chỗ nào bị người xấu vu tin đồn thất thiệt gây rối loạn xã hội, chính mấy vị nơi đó phải lên tiếng đính chính trước để tránh bị phạt.
Bà Bảy bún riêu oang oang:
_ Cần gì tới nước ngoài, tới khoa học. Tui cũng có thần thông chứ bộ. Mới vừa rồi, chỗ tui người ta đồn cây me làng bên chảy nước thần chữa bệnh. Tui “ếm” luôn: tui uống rồi, mới vài ngụm đã bị Tào Tháo rượt, chạy té re. Nước thánh, nước tướng kiểu gì mất vệ sinh thấy ớn, thua Tào Tháo là phải.
Cô Ba nước mía “chat” tiếp:
_ Tháng rồi, quê tui, người ta còn truyền nhau mấy tấm hình có hào quang sáng chói nữa chớ!
Cháu Hương phụ bán hàng cho cô Hoa chống nạnh:
_ Cháu thấy rồi. Hào quang trên trời, vơ làm của riêng mình, lãng nhách hông? Mấy bà muốn, cứ ở tại nhà, cháu tới chụp hình cho coi, hào quang trên đầu chói sáng.
Bà Tám lúc này mới lên tiếng:
_ Ngày xưa các Thánh nhân tu hành trên núi cao, giữ giới hạnh thanh tịnh, tiếng lành đồn xa, không cần tung tin đồn câu khách, người ta vẫn tìm đến đảnh lễ học đạo ào ào. Còn bi giờ mấy chỗ tu hành chẳng ra chi, nhưng muốn cầu lợi, nên người ta mới dựng mấy màn giật gân để câu khách. Tui hổng có tha tâm thông nhưng rành họ sáu câu.
Bà Năm tổng kết “hội nghị”:
_ Mấy kẻ xấu tung tin đồn thất thiệt nhằm trục lợi, thì mình tung “tin đồn thứ thiệt” để trục họ. Vỏ quýt dầy, móng tay nhọn, bà con hén!
Cả đám hoan hô, ai nấy cười to tít mắt cứ như được thần linh vừa cho trúng mánh.
THÍCH SỰ THẬT

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

PHÂN BIỆT BỐ THÍ CÚNG DƯỜNG TRONG CHÁNH KINH VÀ TÀ KINH

Phân tích so sánh hai bài kinh tương đương
Chánh Kinh "Phân Biệt Cúng Dường" <số 142, Trung Bộ Pali> & 
Tà kinh "Cù Đàm Di" <số 180, Trung A Hàm>
Chánh kinh Pāli: “Nhưng này Ānanda, trong thời gian tương lai sẽ có những hạng chuyển tánh (gotrabhuno), với những áo cà-sa vàng xung quanh cổ, theo ác giới, ác pháp, và cuộc bố thí đối với chúng Tăng theo ác giới. Nhưng này Ānanda, khi Ta nói rằng cúng dường cho Tăng chúng là vô số và vô lượng, thời này Ānanda, Ta không có muốn nói rằng bất cứ phương tiện gì, một sự bố thí phân loại theo cá nhân lại có kết quả to lớn hơn đối với cúng dường cho Tăng chúng.”
Tà kinh A Hàm: “Này A-nan, trong thời tương lai, có Tỳ-kheo thuộc loại danh tánh, khoác áo cà-sa mà không tinh tấn, vị ấy đã không tinh tấn, không tinh cần mà vẫn được bố thí vì có ở trong chúng, duyên nơi chúng, ở trên chúng, nhân nơi chúng, Ta nói lúc bấy giờ thí chủ sẽ được phước vô lượng không thể đếm, không thể kể, được thiện, được lạc; huống nữa là bố thí cho Tỳ-kheo thành tựu hành sự, thành tựu trừ sự, thành tựu cả hành sự và trừ sự, thành tựu chất trực, thành tựu nhu nhuyến, thành tựu cả chất trực và nhu nhuyến, thành tựu nhẫn, thành tựu lạc, thành tựu cả nhẫn và lạc, thành tựu tương ưng, thành tựu kinh kỹ, thành tựu cả tương ưng và kinh kỹ, thành tựu oai nghi, thành tựu hành lai du, thành tựu cả oai nghi và hành lai du, thành tựu tín, thành tựu giới, thành tựu đa văn, thành tựu thí, thành tựu tuệ, thành tựu cả tín, giới, đa văn, thí, tuệ.” 
Phân tích: Trích đoạn Pāli nêu trên là lời tiên tri của Đức Chánh Biến Tri và nay đã thành sự thật 100%. Theo đây, Phật giáo thật đã có những hạng Tỳ-kheo chuyển từ tánh thiện sang tánh bất thiện, giả danh, theo ác giới, ác pháp bám vào chùa chiền nhưng lại phá hoại Tam Bảo, điều mà mọi người đều biết tức là loại “sư tử trùng thực sư tử nhục”. Tuy vậyTăng chúng vẫn còn có những người thiện tâm thiện chí hướng theo Tam Bảo, giữ gìn giới hạnh thanh tịnh, và vì vậy cúng dường chung cho tập thể Tăng chúng vẫn có phước báu lớn. Và với bất cứ lý do gì, cúng dường cho đa số chúng Tăng vẫn có kết quả lớn hơn cúng dường cho một cá nhân. Vì sao? Vì cá nhân ấy nằm trong tập thể ấy.
Ngược lại lời dạy trong A Hàm không mang ý nghĩa giáo dục và thiếu sự công bằng hợp lý, dung dưỡng bao che cho các tu sĩ lười biếng.
***
Chánh kinh Pāli: “Tại đây, này Ānanda, sau khi bố thí cho các loại bàng sanh, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm phần công đức. Sau khi bố thí cho những phàm phu theo ác giới, cúng dường này có hy vọng đem lại ngàn phần công đức. Sau khi bố thí cho các phàm phu gìn giữ giới luật, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm ngàn lần công đức. Sau khi bố thí cho các người ngoại học đã ly tham trong các dục vọng, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm ngàn ức lần công đức.
Sau khi bố thí cho các vị trên con đường chứng quả Dự Lưu, cúng dường này có hy vọng đem lại vô số vô lượng công đức. Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Dự Lưu? 
Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả Nhất Lai? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Nhất Lai? 
Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả Bất Lai? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Bất Lai? 
Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả A-la-hán? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả A-la-hán, đệ tử Như Lai? 
Còn nói gì đến những vị Ðộc Giác Phật? 
Còn nói gì đến các Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác?”
Tà kinh A Hàm: “Này A-nan, thế nào gọi là mười bốn loại bố thí riêng cho từng người sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, quả báo rộng lớn? Thiện nam tử hay thiện nữ có tín nhân bố thí cho Đức Như Lai, bố thí cho Duyên giác, bố thí cho A-la-hán, bố thí cho A-la-hán hướng, bố thí cho A-na-hàm, bố thí cho A-na-hàm hướng, bố thí cho Tư-đà-hàm, bố thí cho Tư-đà-hàm hướng, bố thí cho Tu-đà-hoàn, bố thí cho Tu-đà-hoàn hướng, bố thí cho Tiên nhân ngoại đạo ly dục, bố thí cho người tinh tấn, bố thí cho người không tinh tấn, bố thí cho súc sanh.
Này A-nan, bố thí cho súc sanh được phước trăm lần hơnBố thí cho người không tinh tấn được phước ngàn lần hơn. Bố thí cho người tinh tấn được phước trăm ngàn lần hơn. Bố thí cho Tiên nhân ngoại đạo ly dục được phước ức trăm ngàn lần hơn. Bố thí cho vị Tu-đà-hoàn hướng được phước vô lượng. Bố thí cho vị đắc Tu-đà-hoàn được phước vô lượng. Bố thí cho vị Tư-đà-hàm hướng được phước vô lượng. Bố thí cho vị đắc Tư-đà-hàm được phước vô lượng. Bố thí cho vị A-na-hàm hướng được phước vô lượng. Bố thí cho vị đắc A-na-hàm được phước vô lượng. Bố thí cho vị A-la-hán hướng được phước vô lượng. Bố thí cho vị đắc A-la-hán được phước vô lượng. Huống nữa là bố thí cho Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Đây là mười bốn loại bố thí riêng cho từng người, sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được đại quảng báo.”
Phân tích: - Trong kinh Pāli, Đức Thế Tôn dạy rõ ràng: “Nhưng này Ānanda, khi Ta nói rằng cúng dường cho Tăng chúng là vô số và vô lượng, thời này Ānanda, Ta không có muốn nói rằng bất cứ phương tiện gì, một sự bố thí phân loại theo cá nhân lại có kết quả to lớn hơn đối với cúng dường cho Tăng chúng”. 
Thế nhưng A Hàm lại trái ngược hoàn toàn: “Bố thí riêng cho từng người sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, quả báo rộng lớn”. Chỉ bấy nhiêu cũng thấy rõ quái tâm của các giả sư gián điệp phá Pháp.  
Đã vậy với đoạn kế tiếp trong A Hàm, thứ tự các đối tượng đảo ngược cùng đoạn kết được lập lại: “Đây là mười bốn loại bố thí riêng cho từng người, sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được đại quảng báo”! 
Một người đọc tinh ý có thể nhận ra ý đồ thấu cáy của các dịch giả A Hàm muốn đánh đồng mười bốn loại bố thí riêng cho từng đối tượng sẽ có cùng một quả báo như nhau.
- Bàng sanh là các thiện thú, ăn rau cỏ, chúng không cắn xé các sinh mạng khác còn sống để ăn, vì thế bố thí rau cỏ cho chúng ăn mới được trăm phần công đức. Còn súc sanh là các loài thú ăn thịt sống, chúng có thể cắn giết các sinh vật khác để “ăn tươi nuốt sống”, vì thế nếu bố thí một sinh mạng cho chúng không thể có phước. 
Chính vì vậy chánh kinh Pāli chỉ nói đến bố thí cho bàng sanh mà không nói đến các loại súc sanhlà vì vậy. Ngược lại các dịch giả A Hàm không hiểu hoặc cố tình không hiểu nên mới hồ đồ viết bậy “bố thí cho súc sanh được phước trăm lần hơn”.
A Hàm phán “Bố thí cho người không tinh tấn được phước ngàn lần hơn” trong khi đoạn trước đó lại phán trái khoáy: “Này A-nan, trong thời tương lai, có Tỳ-kheo thuộc loại danh tánh, khoác áo cà-sa mà không tinh tấn, vị ấy đã không tinh tấn, không tinh cần mà vẫn được bố thí vì có ở trong chúng, duyên nơi chúng, ở trên chúng, nhân nơi chúng, Ta nói lúc bấy giờ thí chủ sẽ được phước vô lượng không thể đếm, không thể kể, được thiện, được lạc”
Hẳn là các dịch giả gián điệp muốn Bụt A Hàm phải mang tiếng trước sau bất nhất hoặc đề cao các đệ tử lười biếng và hội chúng của mình một cách quá đáng.
- Theo Pāli: bố thí cho người phàm phu giữ gìn giới luật có phước là hợp lý, nhưng theo A Hàm: bố thí cho người tinh tấn thì chưa chắc. Bố thí cho kẻ tinh tấn… gây tội ác, tinh tấn giết người, tinh tấn buôn lậu để chúng tiếp tục gây tội ác cũng được phước trăm ngàn lần hơn ư? Phi lý!Chỉ có tà nhân mới hồ đồ vẽ ra tà kinh nhảm nhí như vậy.
- Lại nữa, với bản A Hàm, những người đọc tinh ý có quyền nghĩ rằng các dịch giả gián điệp đã ma mãnh biến cải khiến bố thí cho “súc sanh được phước trăm lần hơn” bố thí cho các đối tượng trước đó. Sự nham hiểm và thâm độc đến thế là cùng!!! Hẳn các dịch giả A Hàm lại “ngựa quen đường cũ” thừa tự kiểu thấu cáy tiểu nhân quỷ quái của các ông Bà-la-môn gian ngụy rồi!
Những ai tin kinh văn Đại Thừa do các luận sư gốc Bà-la-môn kết tập còn hồ nghi ư? Họ nghĩ sao khi trong Chương thứ 11 của kinh Bốn Mươi Hai Chương thuộc Đại Thừa, có những câu nguyên văn thế này:
"Cho một trăm người ác ăn không bằng cho một người thiện ăn. Cho một ngàn người thiện ăn không bằng cho một người thọ ngũ giới ăn. Cho một vạn người thọ ngũ giới ăn không bằng cho một vị Tu Đà Hoàn ăn.
Cho một trăm vị Tu Đà Hoàn ăn không bằng cho một vị Tư Đà Hàm ăn. Cho một ngàn vạn vị Tư Đà Hàm ăn không bằng cho một vị A Na Hàm ăn. Cho một ức vị A Na Hàm ăn không bằng cho một vị A-la-hán ăn. Cho mười ức vị A-la-hán ăn không bằng cho một vị Bích Chi Phật ăn.
Cho một trăm ức vị Bích Chi Phật ăn không bằng cho một vị Phật ba đời ăn (Tam thế Phật). Cho một ngàn ức vị Phật ba đời ăn không bằng cho một vị Vô niệm, Vô trụ, Vô tu, Vô chứng ăn?
Các ngài nghĩ gì, nói gì khi có người ngoại học dựa vào đây nói rằng vị “vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng” của Đại Thừa chính là “vị” vô đạo đang đứng ngoài đồng vô tu, vô tư gặm cỏ? Các vị ấy có vị nào “có niệm, có trụ, có tu, có chứng”?
Các ngài có hiểu được thế nào là “lưỡi câu hai móc” của những kẻ ngoại đạo gian ác luôn giăng ra để chống phá đạo Phật mà kinh tạng nguyên thủy Pāli đã nói đến rất nhiều không?
Quý vị có nhận thức được còn biết bao những “móc câu hai lưỡi” khác với đầy dẫy những xuyên tạc, xỏ xiên nham hiểm trong các kinh văn Đại Thừa không?
***
Chánh kinh Pāli: “Và này Ānanda, thế nào là loại cúng dường được thanh tịnh bởi người nhận, nhưng không bởi người cho? Ở đây, này Ānanda, người cho theo ác giới, theo ác pháp, còn những người nhận giữ giới, theo thiện pháp. Như vậy, này Ānanda, là loại cúng dường được thanh tịnh bởi người nhận, nhưng không bởi người cho.” 
Tà kinh A Hàm: “Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí do người thọ nhận thanh tịnh, không phải do thí chủ? Là thí chủ thì không tinh tấn, tu hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí’. Còn người thọ nhận thì tinh tấn, tu hành diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí’. Như vậy gọi là loại bố thí do người thọ nhận thanh tịnh, không phải do thí chủ.”
Phân tích: Trong khi lời Phật dạy trong Pali rõ ràng chính xác, ngược lại trong A Hàm có nhiều phi lý bất cập. Theo A Ham, thí chủ đã nghĩ “không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí” thì còn bố thí làm gì? Có vô lý không?
Còn người thọ nhận tán thán bố thí để được bố thí thêm thì người thọ nhận thanh tịnh như thế nào?
Câu chế biến thêm trong A Hàm rõ là lẩm cẩm, vô lý và ác ý. Nguy hại thay, các nhà cải biên lại gắn nó vào “kim khẩu” của Bụt!
PHẬT HỌC CAO CẤP