Điệu Nhỏ cúi nhặt mảnh báo cũ rơi trên sân chùa, liếc nhìn sơ qua rồi quay sang hỏi điệu Lớn:
_ Này, cậu có biết danh sách mười người giàu nhất thế giới không?
_ Biết! Điệu Lớn vẻ thờ ơ.
_ Đố cậu, họ là những ai?
_ Là những ông thủ quỹ khổ nhất thế giới chứ ai.
_ Sao thế?
_ Vì họ cứ phải lo giữ tiền cho thiên hạ; khi hết thời tới số, phải giao tài sản lại cho người khác, chết có mang theo một cắc nào đâu? Càng lo làm giàu giữ của, càng khổ cậu à!
_ Nhưng nhiều người vẫn thích hét to “tiền là tiên, là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là...”
_ Là vui ít, khổ nhiều, ở đây nguy hiểm lại càng nhiều hơn. Tiền nhiều trong túi, cửa sổ động một tiếng cũng giật mình tưởng cướp, con chó sủa một câu cũng hoảng vía tưởng trộm. Sáng mở mắt là sợ vàng lên vàng xuống, tối đi ngủ còn ngán ‘đô $’ xuống ‘đô $’ lên. Cả đời lo đến thót cả tim. Thế giới đầy dẫy những kẻ tự tử vì tiền và giết nhau vì bạc. Ôi chao, mới nghĩ có bấy nhiêu cũng đủ mệt!
_ Có người còn nói “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, hơn ngàn năm trong bóng tối lặng im”.
_ Có huy hoàng một phút được không hay phải nhiều kiếp “cuốn theo chiều gió”? Có chợt tắt được không hay cứ phải thoi thóp tháng ngày rồi mới được nhắm mắt xuôi tay? Cậu thấy đấy, thế giới đã có biết bao những ông giầu nhất, khi còn sống suốt đời cứ phải bận rộn tranh giành nhiều hơn với thiên hạ, cuối cùng tàn hơi mỗi vị cũng im lặng trong một hũ, chứ có ông nào thêm được hũ thứ hai?
_ Có người xây lăng mộ đồ sộ cho mình.
_ Để được gì?
_ Danh tiếng.
_ Để lại tiếng thơm vẫn tốt hơn. Có nhiều lăng mộ kỳ vĩ của vua chúa vẫn bị người đời sau thù hận đập phá không thương tiếc. Rút cuộc chỉ có mấy con giòi bọ lúc nhúc trong cái thây ma của họ là được thích thú.
_ Dù sao người ta cũng biết kiếm tiền cho gia đình, cha mẹ, vợ con.
_ Điều đó cũng tốt, nhưng hãy nhớ, nếu chỉ có bấy nhiêu thì mấy con chim lo làm tổ kiếm mồi, mấy con ong chăm hút mật nuôi đàn cũng chẳng thua kém gì họ.
_ Những ông “thủ quỹ” cũng biết hưởng thụ chứ.
_ Người ta chỉ nhìn thấy lúc mấy ổng khoe giàu khoe sướng, chứ không nhìn những lúc họ làm việc căng thẳng. Có người suốt hàng chục năm trời quần quật kiếm tiền không có được một ngày nghỉ, đến khi đổ gục xuống bất lực, buông xuôi tất cả, lúc ấy mới thấy mình chẳng khác nào một con “dã tràng xe cát biển đông”.
_ Mấy ổng “xe cát” xây vila, biệt thự trên đất liền.
_ Nhưng “sóng vô thường” vẫn ập đến.
_ Nói như cậu, hết nước. Đại tỷ phú cũng bó tay!
_ Trừ khi họ biết xây dựng nền tảng phước báu cho đời này lẫn đời sau.
_ Bằng cách nào?
_ Phát triển lòng từ bi, tích cực làm từ thiện tạo lập công đức, đem lại lợi ích cho mình và cho mọi người. Đây mới chính là “tài sản” thực sự của họ vì không ai cướp được và sẽ theo họ trong kiếp sau.
_ Có “thủ quỹ” không tin nhân quả, đời sau.
_ Đó là nghiệp của họ. Nhưng giữa một tỷ phú biết thương người, luôn bố thí cúng dường, và một ông tỷ phú keo kiết hoặc hoang đàng vô lý, ai đáng được tán thán hơn?
_ Đương nhiên là ông thứ nhất. Nhưng cứ như cậu chẳng ai muốn làm giàu, nghèo mạt kiếp cũng có gì vui?
_ Chính lúc ấy mới có dịp giàu thật sự, mới vui thật sự!
_ Có cái gì mà giàu, mà vui?
_ Có Thánh tài sản. Mười ông giàu nhất thế giới cũng không nhiều vàng bạc châu báu bằng thái tử Tất Đạt Đa. Thái tử Tất Đạt Đa cũng không giàu có an vui sung sướng vĩnh hằng bằng Đấng Như Lai A La Hán Chánh Đẳng Chánh Giác. Cho nên, Đức Phật và các hoàng thân quốc thích tu hành chứng đạo rồi có vị nào thèm về lại hoàng cung?
Điệu nhỏ gật gù như hiểu ý bạn lành. Chỉ vào cuốn Kinh trong tay điệu Lớn, điệu Nhỏ cất giọng hoan hỷ:
_ Đang có Thánh tài sản trong tay, hóa ra cậu và mình mới là những người giàu có thực sự trong hiện tại lẫn tương lai.
Điệu Lớn dí dỏm dáo dác nhìn quanh cứ như sợ có ai nghe được, rồi đưa tay ra dấu nhắc điệu Nhỏ không được nói lớn. Cả hai nhìn nhau cười vui rôm rả, cùng sánh vai bước vào giảng đường nghe Pháp.
Đại Trưởng Giả
_______________
Lời Phật dạy:
“Dầu cho cả ngọn núi,
Trở thành toàn vàng ròng,
Cho đến hóa gấp đôi,
Cũng không thỏa mãn được,
Tham vọng của một người.Biết vậy để hành trì,
Ai thấy rõ đau khổ,
Và nguyên nhân đau khổ,
Làm sao người như vậy,
Có khuynh hướng ái dục?
Sau khi biết sanh y
Là ràng buộc ở đời,
Người biết vậy nên học,
Giải trừ mọi buộc ràng.” (S.i,116)
Trở thành toàn vàng ròng,
Cho đến hóa gấp đôi,
Cũng không thỏa mãn được,
Tham vọng của một người.Biết vậy để hành trì,
Ai thấy rõ đau khổ,
Và nguyên nhân đau khổ,
Làm sao người như vậy,
Có khuynh hướng ái dục?
Sau khi biết sanh y
Là ràng buộc ở đời,
Người biết vậy nên học,
Giải trừ mọi buộc ràng.” (S.i,116)
(Ảnh Internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét