Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

Thần Khoa Học

Image result for phật giáo và khoa học
Ảnh: Internet


 Một Sinh viên ngành khoa học hỏi sinh viên khoa Phật học:

_ Này cậu, theo cậu có Thánh thần ma quỷ không?

Sinh viên khoa Phật học gật đầu tự tin:

_ Tôi được biết một cách chắc chắn có Thánh thần ma quỷ!

_ Vì sao khi được hỏi “có Thánh thần ma quỷ không”, cậu lại trả lời biết một cách chắc chắn có Thánh thần ma quỷ. Như vậy có phải là hư ngôn vọng ngữ không?

_ Này bạn, khi được hỏi “có Thánh thần ma quỷ không”, thay vì trả lời “có Thánh thần ma quỷ”, lại trả lời “biết một cách chắc chắn có Thánh thần ma quỷ”, như vậy một người có trí sẽ đi đến kết luận không còn nghi ngờ gì nữa là có Thánh thần ma quỷ.

_ Nhưng cậu phải chứng minh.

_ Cậu không thấy người ta quay phim chụp ảnh rõ ràng các Thần Bài, Thần Đèn, ma men, ma túy, ma cô, ma giáo hà rầm đấy sao?

_ Không phải, ý tôi muốn hỏi Thánh thần ma quỷ theo nghĩa tâm linh, siêu hình

_ Nếu vậy, trước hết phải phân biệt hai loại Thánh thần ma quỷ: loại có thật nên tin, và loại không có thật không nên tin.

_ Cậu hãy giải thích rõ hơn.

_ Có loại Thánh thần ma quỷ không có hại cho mình, cho người, cho xã hội, và có lợi cho mình, cho người, cho xã hội; làm thiện pháp tăng trưởng ác pháp suy giảm, loại Thánh thần ma quỷ này dù không có thật cũng nên tin, huống hồ có thật…

Sinh viên ngành khoa học hào hứng tiếp lời:

_ Ngược lại loại Thánh thần ma quỷ có hại cho mình, cho người, cho xã hội, và không có lợi cho mình, cho người, cho xã hội; làm ác pháp tăng trưởng thiện pháp suy giảm; loại Thánh thần ma quỷ này dù có thật cũng không nên tin, huống hồ không có thật. Ý cậu muốn nói thế?

_ Đúng vậy. Cậu biết một, hiểu hai rồi đấy. Theo cậu, vì sao có những suối Cá Thần, những cánh rừng nguyên thủy không cần ai bảo vệ canh giữ, thế nhưng suối lúc nào cũng trong, cá lúc nào cũng đầy nhóc, môi trường không bị con người phá hoại?

_ Vì những người tại đó đều tin rằng kẻ nào giết cá Thần, chặt đốn cây Thần sẽ bị tai họa.

_ Cũng vậy, nếu mọi người đều tin rằng giết các loài thú hiếm, sắp bị tuyệt chủng hoặc chặt đốn rừng gỗ quý bừa bãi sẽ khiến mình và gia đình mình bị tuyệt tự, gặp tai nạn; khi ấy chắc chắc các loài thú hiếm, các cây gỗ quý sẽ không còn nguy cơ biến mất nữa. Những niềm tin tâm linh ấy có lợi, không có hại, vì vậy nên tin theo và khuyến khích mọi người nên tin theo.

_ Ngược lại có những nơi, một con vật được cho là linh thiêng khi chết cũng không ai dám chôn, làm thối um cả một góc trời. Bữa nào nó nổi hứng nằm ngay giữa xa lộ, thế là kẹt xe, va quẹt, cãi vã. Những niềm tin như vậy có hại, không có lợi, làm ác pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm. Mình không nên tin và khuyến khích mọi người không nên tin. Tôi nói như vậy có đúng không?

_ Cậu biết hai, hiểu bốn rồi đấy. Nếu các vấn đề về môi trường tự nhiên và xã hội không biết khéo léo gắn kết với vấn đề tâm linh thì dù các cậu có hô hào vận động đến hết kiếp, môi trường tự nhiên và xã hội vẫn bị hủy hoại, không khá lên được. Ngược lại, nơi nào có yếu tố tâm linh có lợi đi kèm, thì môi trường tự nhiên và xã hội ở đó sẽ an ổn hơn, ít bị hủy hoại hơn.

_  Nói như cậu, các nhà khoa học, nhà xã hội học, nhà tâm lý học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo phải ngồi lại với nhau để giúp mọi người nhận thức đúng đắn vấn đề.

_ Còn thiếu một nhà nữa!

_ Nhà gì?

_ Nhà tu. Vì vấn đề tâm linh thuộc lãnh vực của họ.

_ Cậu nói đúng. Tôi sẽ nêu vấn đề này trong hội thảo khoa học trong trường sắp đến.

_ Sadhu, lành thay. Như vậy cậu là một vị Thần Khoa Học chân chính rồi còn gì.

Học Phật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét