Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Cổ tích năm 20?0


Thời nảy…thời nay…
Tại một làng nọ, có một chú bé lúc nào cũng thích quấn chiếc khăn mầu vàng trên vai nên mọi người đều gọi chú là Cậu Bé Quàng Khăn Vàng. Một hôm, Cậu Bé Quàng Khăn Vàng ôm cuốn truyện cổ tích “Cô Bé Quàng Khăn Đỏ” đến bên mẹ, hồn nhiên hỏi:
_ Vì sao bà ngoại của cô bé quàng khăn đỏ lại mở cửa cho con cáo vào nhà làm hại mình, hả mẹ?
Xoa đầu con, bà mẹ mỉm cười âu yếm:
_ Vì con cáo quá tinh ranh, nó biết giả giọng người thân của bà, và cũng vì bà lão quá cả tin con à.
Nghe vậy, Cậu Bé Quàng Khăn Vàng so vai, rụt cổ, rùng mình sợ hãi. Thương trẻ dại khờ, bà mẹ ôm con vào lòng vỗ về trấn an:
_ Đó chỉ là truyện ngụ ngôn nhằm nhắc nhở trẻ em phải cảnh giác, nên phán xét suy tư kỹ lưỡng, chớ vội tin bất cứ điều gì. Thực ra, trên đời chẳng có ai lại ngu dại đến như thế đâu con trai của mẹ.
Cậu Bé Quàng Khăn Vàng ngây thơ hỏi tiếp:
_ Thế con cáo có dám giả giọng Phật tổ Như Lai không hở mẹ?
Bà mẹ phì cười vì câu hỏi ngớ ngẩn của cậu con trai, nhưng cũng gật đầu xác nhận:
_ Yêu quái muốn gạt người, chuyện gì chúng cũng dám làm, con à!
Cậu Bé Quàng Khăn Vàng nhỏm hẳn người dậy, chỉ tay vào tủ kinh sách của mẹ:
_ Vậy tại sao bất kỳ cuốn nào “Như vầy tôi nghe” sau này, do các Bà-la-môn tặng, mẹ cũng đều tin đó là lời của Phật?
Không hiểu vì sao giờ đây tới lượt bà mẹ lại so vai, rụt cổ, rùng mình sợ hãi. Trong câu chuyện cổ tích này không có các ông thần, bà tiên hiện ra để giúp cho mẹ cậu bé, nên tác giả kính mong các bậc thức tri am tường kinh sách Phật giáo hãy thị hiện thần thông giáo hóa giúp Cậu Bé Quàng Khăn Vàng cứu nguy cho bà mẹ của mình. 
Xin thưa trước, lời khuyên dạy nào chí lý nhất sẽ được dùng làm đoạn cuối để kết thúc cho câu chuyện “Cổ tích hai ngàn năm” này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét