Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Ông Thiện - Ông Ác


Ảnh: internet
Hai cư sĩ ngồi nói chuyện với nhau. Cư sĩ trẻ hỏi vị cư sĩ già:

- Thưa bác, Phật giáo là đạo của từ bi nhân ái, nhưng tại sao trong nhiều chùa cháu thấy bên cạnh ông Thiện còn có cả ông Ác?

Cư sĩ già gật gù:

- Câu hỏi của cháu rất hay. Một số nơi còn quan niệm Ông Thiện là Thần Hộ Pháp, còn ông Ác là Thần Kim Cang. Thật ra, hai vị cũng là biểu tượng cho nhân quả nghiệp báo mà thôi.

- Nhân quả nghiệp báo thế nào, thưa bác?

- Ông Thiện nhắc mình thân phải làm thiện, miệng phải nói thiện, ý nghĩ phải nghĩ thiện để hưởng quả báo thiện lành, an vui, Thiên đàng. Còn ông Ác nhắc mình thân đừng làm ác, miệng đừng nói ác, ý nghĩ đừng nghĩ ác; để phải chịu quả báo ác, khổ đau, địa ngục.

Cư sĩ trẻ thắc mắc:

- Làm thiện được quả thiện là đương nhiên, nhưng nếu quan niệm lấy ác trả đũa cho cái ác, còn gì là thiện, thưa bác?

- Đạo Phật không chủ trương lấy ác trả đũa cho cái ác, mà là theo luật nhân quả nhân bản. Bản thân một nghiệp ác phải gặt quả báo ác. Thực ra ông Ác chỉ là hiện thân của quả báo ác, chứ không phải ổng làm ác. Ông Ác nhắc mình phải biết sợ quả báo ác, chứ không phải ổng làm ác với ai, cháu à!

Cư sĩ trẻ như tiểu ngộ:

- À, cháu hiểu rồi. Cũng như trong xã hội, ngoài nhà giáo, nhà tu, nhà trườngcòn phải có cả công an, nhà tù, tòa án để đối trị mấy kẻ phá hoại. Ông quan tòa phán tội theo pháp luật, ông công an lo bắt cướp. Mấy ổng không phải làm ác mà là làm nhiệm vụ để giữ yên cho xã hội.

Đúng vậy! Bên cạnh đó, nếu mọi người biết tin và hành theo luật nhân quả thiện ác, trọng ông Thiện, ngán ông Ác, để ráng làm lành lánh ác, nhờ vậy cá nhân, gia đình và xã hội mới an vui an ổn.

- Cho nên, nếu chỉ nói nhân quả của thiện mà không nói nhân quả của bất thiện vẫn còn thiếu sót. Theo thiển ý của cháu, chùa nào thờ cả Thần Kim Cang - ông Ác có thêm một lợi thế khác nữa.

- Lợi thế gì?

- Để răn đe những kẻ rắn mắt, quậy phá. Cháu đã từng ở trong một tu viện mà buổi trưa mọi người cần nghỉ ngơi an tịnh, thế nhưng mấy đứa trẻ cứ la hét đùa giỡn thoải mái, chẳng coi ai ra gì.

- Chắc chỗ đó chỉ thờ toàn ông Thiện.

- Vâng ạ. Tu viện thờ toàn hình ảnh các chư Thiên hiền khô. Các vị Tăng Ni ở đó cũng im lặng chịu đựng, để mặc cho lũ con nít muốn làm gì thì làm. Họ nói họ tu hạnh nhẫn nhục.

Vị cư sĩ già chép miệng:

- Nhẫn nhục cũng có cái lý của nó. Trong kinh văn có từ “nhẫn quân lực” để khuyên các tu sĩ nhẫn những điều đáng nhẫn.

- Như kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, bò sát, nắng mưa; kham nhẫn những cảm thọ bất ưng, các cách nói mạ lị phỉ báng. Cháu nghĩ như vậy có đúng không bác?

- Đúng vậy. Tuy nhiên trước những điều đáng ra có thể chuyển hóa tốt hơn, nhưng vì cứ theo kiểu “có mắt như mù, có tai như điếc” cho nên cái xấu bất thiện vẫn hoàn bất thiện.

Cư sĩ trẻ ra vẻ hiểu vấn đề:

- Ví như tu viện cháu ở có thể an tịnh tốt hơn nếu những trẻ em quậy phá được dạy dỗ ngoan hơn để chúng biết tôn trọng những nơi đáng tôn trọng; biết sợ cả pháp luật, sợ công an quở phạt.

- Chúng ta không hù dọa bất cứ ai, nhưng nhiều nơi sẽ tốt hơn nếu được dạy những điều thiện và phải biết sợ cả những điều đáng sợ hãi, những pháp nên sợ hãi. Trong kinh gọi là pháp “Quý”, cháu à.

- “Quý” là tự mình phải sợ thân làm ác, sợ miệng nói ác, sợ ý nghĩ ác, sợ những điều ác bất thiện và sợ quả báo bất thiện; phải không bác?

- Cháu hiểu đúng rồi đó.

- Nếu mọi người biết khi đến các nơi tôn nghiêm phải trang nghiêm, còn nếu phá phách sẽ bị quở phạt. Được vậy chắc nhiều nơi, nhiều người được tốt hơn.

Cư sĩ già tán đồng:

- Bác còn nhớ, hồi nhỏ mỗi lần theo mẹ đến chùa mình cứ sờ sợ thế nào ấy. Mình cứ khép nép bên bà cụ vì chùa có cả hình ảnh Thiên đàng lẫn Địa ngục, có ông Thiện và cả ông Ác. Mình ngẫm kỹ lại, nhờ ghi nhớ những tấm hình kẻ ác bị quả báo địa ngục nên trước cám dỗ và hận thù mình giữ mình tốt hơn, không làm ác tạo tội .

Mỗi người phải biết sợ quả báo ác lên chính bản thân mình, nhờ vậysẽ giúp họ tránh ác. Đồng thời con người phải biết tin vào nhân quả thiện lành cho chính mình, được vậy sẽ giúp họ cố gắng làm lành để hưởng an vui, bác nhỉ?

- Thêm nữa, nhiều nơi nhờ mọi người tin vào Thần Cá, Thần Rừng, dù không cần ai trông coi nhưng cá không bị giết, rừng không bị diệt, môi trường không bị hủy hoại.

- Cháu còn nhớ trong Trưởng Lão Tăng Kệ số  236 - 237 có ghi rõ: “Ai ở đời, giữa người / Làm hại chúng sanh khác / Vị ấy tự hại mình / Ðời này và đời sau / Ai với tâm từ bi / Thương tưởng mọi hữu tình / Một người làm như vậy / Gặt phước đức thật nhiều.”

- Cháu nhớ tốt lắm. Cho nên Đức Phật đã dạy Ngài nói cả hai lời nói mềm mỏng và lời nói cứng rắn.

- Thưa, Đức Phật dạy cụ thể thế nào mong bác nói rõ thêm.

Vị cư sĩ già liền lấy cuốn kinh trên kệ rồi đằng hắng giọng:

- Cháu hãy lắng nghe, trong Kinh Tăng Chi, phẩm bốn pháp, Đức Phật đã dạy cho Kesi, người đánh xe điều phục ngựa, thế này: - Này Kesi, Ta nhiếp phục người đáng được nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, Ta nhiếp phục với lời nói cứng rắn, Ta nhiếp phục với lời nói vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn.

Tại đây, này Kesi, đây là với lời nói mềm mỏng: Ðây là thân làm thiện, đây là quả báo thân làm thiện. Ðây là lời nói thiện, đây là quả báo lời nói thiện. Ðây là ý nghĩ thiện, đây là quả báo ý nghĩ thiện. Ðây là chư Thiên. Ðây là loài Người.

Tại đây, này Kesi, đây là với lời nói cứng rắn: Ðây là thân làm ác, đây là quả báo thân làm ác. Ðây là lời nói ác, đây là quả báo lời nói ác. Ðây là ý nghĩ ác, đây là quả báo ý nghĩ ác. Ðây là địa ngục. Ðây là loài bàng sanh. Ðây là loại ngạ quỷ.

Tại đây, này Kesi, đây là lời nói vừa mềm mỏng vừa cứng rắn: Ðây là thân làm thiện, đây là quả báo thân làm thiện. Ðây là thân làm ác, đây là quả báo thân làm ác. Ðây là lời nói thiện, đây là quả báo lời nói thiện. Ðây là lời nói ác, đây là quả báo lời nói ác. Ðây là ý nghĩ thiện, đây là quả báo ý nghĩ thiện. Ðây là ý nghĩ ác, đây là quả báo ý nghĩ ác. Ðây là chư Thiên. Ðây là loài Người. Ðây là địa ngục. Ðây là loài bàng sanh. Ðây là ngạ quỷ.”

Cư sĩ trẻ chắp tay tiếp lời:

- Cũng vậy. Mọi người cần phải tin tưởng và ghi nhớ: đây là ông Thiện, nhắc mọi người gắng làm thiện để được quả thiện lành, hạnh phúc, thiên đàng. Còn đây là ông Ác, nhắc mình đừng làm ác để phải chịu quả báo ác, khổ đau, địa ngục.

Cư sĩ già kết luận:

- Bây giờ cháu đã hiểu vì sao có chùa thờ hai ông Thiện - Ác rồi chưa? Nói ông Thiện là thiện, nhưng nói “ông Ác” thực ra cũng để răn thiện là vậy!

Cư sĩ trẻ đứng dậy xá vị cư sĩ già:

- Dạ thưa, cháu hiểu rồi. Cháu tin vào nhân quả và biết sợ những điều đáng sợ hãi. Cháu sẽ nhắc nhở các trẻ em khác như vậy. Xin tri ân bác.

Theo An Tự

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét