Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Cổ tích năm 20?0


Thời nảy…thời nay…
Tại một làng nọ, có một chú bé lúc nào cũng thích quấn chiếc khăn mầu vàng trên vai nên mọi người đều gọi chú là Cậu Bé Quàng Khăn Vàng. Một hôm, Cậu Bé Quàng Khăn Vàng ôm cuốn truyện cổ tích “Cô Bé Quàng Khăn Đỏ” đến bên mẹ, hồn nhiên hỏi:
_ Vì sao bà ngoại của cô bé quàng khăn đỏ lại mở cửa cho con cáo vào nhà làm hại mình, hả mẹ?
Xoa đầu con, bà mẹ mỉm cười âu yếm:
_ Vì con cáo quá tinh ranh, nó biết giả giọng người thân của bà, và cũng vì bà lão quá cả tin con à.
Nghe vậy, Cậu Bé Quàng Khăn Vàng so vai, rụt cổ, rùng mình sợ hãi. Thương trẻ dại khờ, bà mẹ ôm con vào lòng vỗ về trấn an:
_ Đó chỉ là truyện ngụ ngôn nhằm nhắc nhở trẻ em phải cảnh giác, nên phán xét suy tư kỹ lưỡng, chớ vội tin bất cứ điều gì. Thực ra, trên đời chẳng có ai lại ngu dại đến như thế đâu con trai của mẹ.
Cậu Bé Quàng Khăn Vàng ngây thơ hỏi tiếp:
_ Thế con cáo có dám giả giọng Phật tổ Như Lai không hở mẹ?
Bà mẹ phì cười vì câu hỏi ngớ ngẩn của cậu con trai, nhưng cũng gật đầu xác nhận:
_ Yêu quái muốn gạt người, chuyện gì chúng cũng dám làm, con à!
Cậu Bé Quàng Khăn Vàng nhỏm hẳn người dậy, chỉ tay vào tủ kinh sách của mẹ:
_ Vậy tại sao bất kỳ cuốn nào “Như vầy tôi nghe” sau này, do các Bà-la-môn tặng, mẹ cũng đều tin đó là lời của Phật?
Không hiểu vì sao giờ đây tới lượt bà mẹ lại so vai, rụt cổ, rùng mình sợ hãi. Trong câu chuyện cổ tích này không có các ông thần, bà tiên hiện ra để giúp cho mẹ cậu bé, nên tác giả kính mong các bậc thức tri am tường kinh sách Phật giáo hãy thị hiện thần thông giáo hóa giúp Cậu Bé Quàng Khăn Vàng cứu nguy cho bà mẹ của mình. 
Xin thưa trước, lời khuyên dạy nào chí lý nhất sẽ được dùng làm đoạn cuối để kết thúc cho câu chuyện “Cổ tích hai ngàn năm” này.


Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Ái mười khổ mười


Thiên nữ Kàtiyànì với ánh sáng chói lòa hiện đến hỏi người cháu đời thứ ba mươi của nữ cư sĩ Visàkhà:
_ Này cô, có ông thầy nói rằng bà mẹ mất người con duy nhất sẽ đỡ đau khổ hơn nếu bà có mười người con. Cô nghĩ thế nào?
Truyền nhân nữ cư sĩ Visàkhà tròn xoe mắt:
_ Chẳng lẽ chín người con kia sẽ bất tử, không bao giờ chết? Rõ ràng vị thầy ấy đã quên lời Phật dạy “Ái là nguyên nhân gây ra đau khổ”. Ái một thì khổ một, ái mười tất khổ mười! Hẳn ông thầy ấy không biết Đức Phật đã dạy trong kinh Phật Tự Thuyết cho bà cố cố tổ của tôi thế này: “Này Visàkhà, những ai có một trăm người thân yêu, những người ấy có trăm sự đau khổ! Những ai có chín mươi người thân yêu, những người ấy có chín mươi sự đau khổ! Những ai có tám mươi người thân yêu, những người ấy có tám mươi sự đau khổ! Những ai có bảy mươi.. có sáu mươi... có năm mươi... có bốn mươi... có ba mươi... có hai mươi... có mười.. có chín... có tám... có bảy... có sáu... có năm... có bốn... có ba... có hai... có một người thân yêu, những người ấy có một sự đau khổ. Những ai không có người thân yêu, những người ấy không có sự đau khổ. Ta nói rằng họ là người không có sầu, không có tham đắm, không có ưu não”(Ud 91).
_ Rõ ràng ông thầy đã không hiểu một trong những nguyên nhân của khổ đau.
_ Và cũng không biết phân biệt giữa ái kiết sử và tâm Từ Bi giải thoát!
Hữu Lý

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Có đáng tin không?

Ông Tây nói với ông Đông:
_ Ông hãy chứng minh cho tôi thấy có tái sanh luân hồi rồi tôi mới tin.
_ Thứ nhất, tin hay không đó là quyền của ông. Thứ hai, tôi không bắt buộc ông phải tin điều ấy nên tôi không cần phải chứng minh. Thứ ba, chính ông cũng không chứng minh được không có tái sanh luân hồi cơ mà. Nhưng ông hãy nhớ, mỗi người phải chịu trách nhiệm trước cuộc sống của mình và của cả người khác.
_ Ông nói thế là có ý gì?
_ Xin hỏi ông: Người đã tin vào luật nhân quả và tái sanh luân hồi có thích gây hại cho người khác để mình phải chịu khổ đau đời sau không?
_ Hẳn nhiên là không! 
_ Một người tin luật nhân quả luân hồi, vì muốn có sanh thú tốt lành trong đời sau, họ dễ làm thiện hay làm ác hơn?
_ Đương nhiên dễ làm thiện hơn!
_ Người như vậy có luôn sống thiện, làm lành lánh ác, đem lại an lạc cho mình và người khác không?
_ Tất nhiên rồi!
_ Dù không có đời sau, người tin luật nhân quả luân hồi luôn hướng đến an vui cho mình và cho mọi người ngay trong hiện tại, vì thế những người có trí phải khen ngợi họ. Nếu có đời sau, họ cũng được quả an vui sung sướng. Vậy tin vào nhân quả luân hồi có lợi cho mình, cho người, cho đời này và cho đời sau không?
_ Có lợi cho cả hai phía và một đời thôi.
_ Bấy nhiêu cũng quá đủ cho ông rồi! Ông còn muốn tôi chứng minh gì nữa?
_ Những người không tin luật nhân quả luân hồi thì sao?
_ Đó là quyền của họ! Nhưng hãy nhớ…
_ Tôi nhớ rồi và không thắc mắc nữa.
_ Tốt!
Chánh Tri Kiến

------------------------------------
Trích Pháp cú số 176:
"Ai vi phạm một pháp,
Ai nói lời vọng ngữ,
Ai bác bỏ đời sau,
Không ác nào không làm."

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Đoạn nghi


Đoạn nghi

- Thưa huynh, đệ luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi: “Ta là ai? Từ đâu tới? Đi về đâu?...”. Oái! Sao huynh lại tát đệ?

- Hỏi tào lao, sao tránh được đau khổ!

Sư huynh lại vung tay lên, nhưng lần này sư đệ né được:

- Đấy, không nghi vấn những câu hỏi vớ vẩn, đệ đã tránh được một khổ đau rồi, thấy chưa?



Hý luận

Một A-tu-la với ánh sáng chói loà hiện đến hỏi Thiền sư:

_ Làm thế nào để đoạn diệt tâm sân?

_ “Ngã” nào đang hỏi? Thiền sư mỉm cười khai thị. A-tu-la nạt lớn:

_ Hỏi gì ngu thế?

Thiền sư vụt đứng dậy, mặt hầm hầm, bỏ đi.


Minh Văn sưu tầm

(Ảnh: Internet)


Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Dài nhất, ngắn nhất

Một người thấy một đạo sĩ trụ trì được các đàn na tín thí cúng dường hào phóng, liền tuyên bố:
_ Con đường ngắn nhất để làm giầu, đó là đi tu.
Cũng vị ấy đọc kinh, biết chuyện năm tu sĩ phá phạm hạnh, thọ hưởng phi pháp sự bố thí của một nữ thí chủ; kiếp sau họ phải tái sanh làm năm người nô bộc hầu hạ suốt đời cho người tín nữ ấy, người ấy lại tuyên bố:
_ Con đường dài nhất để trả nợ, đó là đi tu (phá giới).
Cư Sĩ Nam

(Ảnh: Internet)


Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Thấy như thật

-- Kẻ thì bảo chân lý chỉ có một. Người khác lại nói chân lý phải muôn màu muôn vẻ, như bức tranh của ngọn núi nhìn gần mới không chán. Còn huynh nghĩ thế nào?
-- Sanh, già, bệnh, chết: những chân lý khổ đau này phải muôn hình vạn trạng mới hấp dẫn chăng? Khổ đế không phải là ngọn núi để ngắm cảnh, Đạo đế lại càng không.
-- Cho nên vẽ vời luôn là chân lý của những ai lắm chuyện!
-- Đúng vậy!


Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Hỏi sai, đáp đúng!

Một Ác Ma hiện hình thành một thiếu niên hư hỏng, tìm đến các thành viên của nhóm Gia Đình Phật Tử (GĐPT) hỏi giọng khiêu khích:
_ Này, con chó có Phật tánh không?
Một thành viên GĐPT ngồi gần đó hỏi lại:
_ Thế cậu có tánh ma hay ma có tánh cậu không?
Ác Ma nhíu mày nhăn mặt:
_ Ngươi hỏi ngớ. Ta mà có tánh ma hay ma có tánh ta để các ngươi gọi ta là ma à!
_ Nếu vậy, đừng hỏi những câu ngu ngốc nữa.
Thành viên thứ hai nói thêm:
_ Chỉ có những kẻ có tánh ma và ma cũng có tánh họ nên mới thích phá rối người khác.
Ác Ma xấu hổ ôm đầu lủi mất. Anh trưởng nhóm GĐPT quay sang hỏi các đồng đạo:
_ Ở đây, ai còn nhớ trong kinh nguyên thủy Đức Phật dạy có bốn loại câu hỏi và bốn cách trả lời? (*)
Thành viên nhỏ nhất đưa tay phát biểu:
_ Thưa, bốn loại câu hỏi và bốn cách trả lời đó là: thứ nhất, có những câu hỏi cần phải trả lời một chiều, dứt khoát. Thứ hai, có những câu hỏi cần phải hỏi một câu ngược lại. Thứ ba, có những câu hỏi cần phải để qua một bên. Và thứ tư, có những câu hỏi phải trả lời theo kiểu phân tích.
Anh trưởng nhóm gật đầu:
_ Đúng vậy. Nếu chúng ta không biết những điều này, sẽ có ngày rơi vào bẫy của những kẻ ác hiểm. Nhưng ở đây, ai có thể giải thích rõ hơn về bốn trường hợp nêu trên?
Cả nhóm im lặng. Lúc ấy vị huynh trưởng đi đến, vì đã biết đầu đuôi câu chuyện nên góp ý ngay:
_ Anh hoan nghênh các em đã có một cuộc thảo luận lợi ích. Ở đây, anh góp ý với các em thế này: những câu hỏi cần trả lời một chiều dứt khoát, không được nước đôi hai mặt là những câu hỏi về khổ và cứu khổ, về thiện và ác, về đạo đức và vô đạo đức v.v... Ví dụ anh hỏi các em Khổ đế là gì? Chánh tư duy là gì? Chánh ngữ là gì? Các em trả lời như thế nào?
Một em giơ tay:
_ Dạ, khổ đế là sanh-già-bệnh-chết. Chánh tư duy là tư duy không tham, không sân, không hại mình và người khác. Chánh ngữ là không nói láo, nói hai lưỡi, nói ác độc, nói phù phiếm. Phải trả lời một chiều dứt khoát là vậy!
Huynh trưởng hoan hỷ:
_ Đúng thế. Bên cạnh đó lại có những câu hỏi khiêu khích với hai “móc”, ba “móc” như câu hỏi lúc nãy của thiếu niên kia; hoặc có những câu hỏi chân tình nhưng không rõ ràng... Gặp những câu hỏi như vậy chúng ta phải hỏi lại để tránh sa bẫy hoặc để làm rõ hơn. Còn đối với những câu hỏi không liên hệ đến mục đích ý nghĩa, vớ vẩn bâng quơ; hoặc người hỏi cho có chuyện, không muốn lắng nghe trả lời... tốt hơn hết hãy để các câu hỏi loại này sang một bên. Riêng các câu hỏi nhằm mục đích đem lại lợi ích cho mình và mọi người, hoặc để hiểu toàn diện một vấn đề thiết thực; nếu biết, chúng ta nên trả lời theo lối phân tích rõ ràng. Câu hỏi của em trưởng nhóm lúc nãy là ví dụ cho loại này. Anh chỉ gợi ý như thế, các em nên tự mình suy xét thêm và cùng nhau thảo luận để hiểu kỹ hơn.
Cả nhóm hân hoan tán đồng lời nói của vị huynh trưởng và tiếp tục tham gia thảo luận.
Sen Nhỏ

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Thế à! Ra thế!

Có người đặt một hài nhi trước mặt vị tu sĩ:
_ Đây là con của ông, phải nuôi nó!
_ Thế à! Thầy tu điềm nhiên lãnh thọ.
Năm năm sau, người ấy trở lại:
_ Đứa bé không phải con ông, hãy trả lại!
_ Thế à! Thầy tu thở khì.
Năm tháng sau, người khác đến:
_ Ông là kẻ sát nhân, phải đi tù!
_ Thế à! Thầy tu thều thào.
Năm tuần sau, quan tòa hỏi:
_ Có kẻ thấy ông giết người?
_ Thế à! Thầy tu hào hển.
Năm ngày sau, đao phủ hét:
_ Giết người phải đền mạng!
_ Thế à! Thầy tu tròn mắt.
Phập!
Năm giây sau, tên sát nhân chạy đến:
_ Ta mới là kẻ giết người.
Quan toà, đao phủ và mọi người đều thản nhiên “Thế à!” rồi quay lưng bước đi.
Tuy vậy, để tưởng nhớ công hạnh của vị tu sĩ, người đời sau chỉ truyền tai nhau phần đầu của câu chuyện và bỏ qua phần cuối.
Khốn thay, một nửa bài học vẫn chưa phải là bài học!
Triết Minh
(Ảnh minh họa: Internet)

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Dâu như Thiên Thần!

Image result for đám cưới


 Trong buổi lễ Hằng Thuận ở chùa. Vị thày chủ lễ chỉ vào chú rể và mẹ chú rể rồi hỏi cô dâu:
- Giờ đây con đã là vợ của chồng con. Vậy từ nay con có coi bà mẹ của chú rể đây là mẹ chồng của con không?
Cô dâu gật đầu:
- Dạ thưa có! Con coi bà như mẹ chồng của con.
Thầy chủ lễ khoác tay lắc đầu:
- Rớt! Con rớt ngay từ đầu!
Cả cô dâu, chú rể và họ hàng hai bên giật mình chột dạ. Mọi người đều nghĩ vị thày nói gở. Vị thày chủ lễ vẫn giữ giọng nhẹ nhàng:
- Con rớt là bởi vì con coi mẹ đẻ của chồng con là mẹ chồng của con, cho nên bà cũng coi con là con dâu, là vợ của thằng con trai bà. Mà mẹ chồng - nàng dâu thì dễ có chuyện… con dâu với mẹ chồng. Do vậy, con phải xem mẹ của chồng con như chính người mẹ thứ hai của mình. Con hãy yêu thương, quan tâm, săn sóc bà chư chính mẹ ruột của mình. Con làm sao để bà không xem con là con dâu mà là chính con gái ruột của bà. Lúc ấy con được an vui hay đau khổ?
- Dạ thưa, an vui.
- Có thêm người mẹ thứ hai, cũng yêu thương, quan tâm, săn sóc con như mẹ ruột của con, như vậy con được may mắn hay không may mắn?
- Dạ, may mắn!
- Với bố chồng của con cũng vậy. Hãy xem ông như người cha ruột thứ hai của mình. Tất nhiên ông cũng sẽ xem con như con gái ruột của ông. Con được sống hạnh phúc an vui bên chồng và gia đình chồng, bố mẹ ruột của con vui hay không vui?
- Dạ, rất vui!
- Không những thế họ sẽ được tiếng thơm là sanh con gái ngoan, là bậc cha mẹ biết dạy con gái thành người dâu hiền vợ tốt, được chồng và gia đình chồng thương mến. Được vậy, con và mọi người có lợi hay không có lợi? Nên hay không nên làm theo?
- Dạ, có lợi, nên làm theo!
- Tốt! Nhưng còn tốt hơn đối với con, khi con không những được hạnh phúc ngay trong hiện tại mà còn hạnh phúc an vui trong đời sau, được sanh Thiên giới. Con có muốn trở thành người vợ, người con dâu như vậy không?
Cô dâu kính cẩn thưa:
- Dạ, rất muốn ạ!
- Tốt. Vậy con và mọi người hãy lắng nghe thầy đọc nguyên văn những lời Đức Thích Ca Mâu Ni dạy trong Chánh Kinh Thánh Pháp.
Cô dâu, chú rể và mọi người cùng chắp tay kính cẩn lắng nghe. Vị thầy nghiêm giọng đọc lớn Kinh “Uggaha, Người Gia Chủ”, Tăng Chi 2, Chương 5, IV. Phẩm Sumanà
“1. Một thời, Thế Tôn trú ở Bhaddiya, trong rừng Jàti. Rồi Uggaha, cháu trai của Mendaka đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Uggaha, cháu trai của Mendaka bạch Thế Tôn:
2. - Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nhận lời mời của con, ngày mai đến dùng bữa ăn, với Thế Tôn là người thứ tư.
Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi Uggaha, cháu trai của Mendaka biết được Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
3. Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã mãn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của Uggaha, cháu trai của Mendaka; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi Uggaha, cháu trai của Mendaka, với tay của mình thân mời và làm cho thỏa mãn Thế Tôn với các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm. Rồi Uggaha, cháu trai của Mendaka, sau khi Thế Tôn dùng bữa ăn xong, tay rời khỏi bát, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Uggaha, cháu trai của Mendaka bạch Thế Tôn:
- Những đứa con gái này của con, bạch Thế Tôn, sẽ đi về nhà chồng. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy giáo giới chúng. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy khuyên dạy chúng, để chúng được hạnh phúc an lạc lâu dài.
4. Rồi Thế Tôn nói với các người con gái ấy:
- Này các thiếu nữ, các Con hãy học tập như sau: "Ðối với những người chồng nào, mẹ cha cho các con, vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn khởi lên, đối với vị ấy, chúng ta sẽ thức dậy trước, chúng ta sẽ đi ngủ sau cùng, vui lòng nhận làm mọi công việc, xử sự đẹp lòng, lời nói dễ thương." Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập.
5. Do vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập như sau: "Những ai, chồng ta kính trọng, như mẹ, cha, Sa-môn, Bà-la-môn, chúng ta sẽ tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường và khi họ đến, chúng ta sẽ dâng hiến họ chỗ ngồi và nước." Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập.
6. Do vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập như sau: "Phàm có những công nghiệp trong nhà, hoặc thuộc về len vải hay vải bông, ở đây, chúng ta sẽ phải thông thạo, không được biếng nhác, tự tìm hiểu phương pháp làm, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để sắp đặt người làm." Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập.
7. Do vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập như sau: "Trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người đưa tin, hay người công thợ, chúng ta sẽ phải biết công việc của họ với công việc đã làm; chúng ta sẽ phải biết sự thiếu sót của họ với công việc không làm. Chúng ta sẽ biết sức mạnh hay sức không mạnh của những người đau bệnh. Chúng ta sẽ chia các đồ ăn, loại cứng và loại mềm, mỗi người tùy theo phần của mình". Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập.
8. Do vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập như sau: "Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng người chồng đem về, chúng ta cần phải phòng hộ, bảo vệ chúng, và sẽ gìn giữ để khỏi ăn trộm, ăn cắp, kẻ uống rượu, kẻ phá hoại". Như vậy, này các Thiếu nữ, các con cần phải học tập.
Thành tựu năm pháp này, này các Thiếu nữ, người đàn bà, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên có thân khả ái.
Hãy thường thương yêu chồng,
Luôn nỗ lực cố gắng,
Người đem lại lạc thú,
Chớ khinh thường người chồng,
Chớ làm chồng không vui,
Chớ làm chồng tức tối,
Với những lời ganh tị.
Chồng cung kính những ai,
Hãy đảnh lễ tất cả,
Vì nàng, người có trí.
Hoạt động thật nhanh nhẹn,
Giữa các người làm việc,
Xử sự thật khả ái,
Biết giữ tài sản chồng.
Người vợ xử như vậy,
Làm thỏa mãn ước vọng,
Ưa thích của người chồng,
Sẽ được sanh tại chỗ,
Các chư Thiên khả ái.”
Thầy chủ lễ đọc xong, tất cả cùng quỳ xuống đảnh lễ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Buổi lễ Hằng Thuận hoàn mãn tốt đẹp mọi điều.
Chánh Chơn
(Ảnh: Internet)

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Trái cam ngọt nhất!


Ngày Rằm Tháng Bảy, các em trong nhóm Gia Đình Phật Tử ngồi quây quần thành vòng tròn, cùng vui đón mùa Vu Lan thắng hội. Anh huynh trưởng kể chuyện ‘Trái Cam tình nghĩa’ cho các em nghe.
Có bà mẹ nghèo đi chợ, được bà hàng xóm tặng cho trái cam. Bà không ăn vì nhớ đến đứa con trai ở nhà, nó còn nhỏ cần trái cam hơn mình. Thằng bé đón mẹ tận đầu làng, muốn giúp mẹ một tay. Mẹ bảo, con ăn dùm mẹ trái cam này. Thằng bé vui mừng nhận lấy trái cam yêu thương từ mẹ, nhưng lại nghĩ: “Bố mình ngoài đồng cực nhọc, một nắng hai sương lo cho gia đình. Người mới xứng đáng ăn trái cam này.”
Thằng bé nghĩ vậy liền chạy ra đồng biếu cha trái cam. Ông bố hạnh phúc nhận lấy trái cam của đứa con trai hiếu thảo, nhưng lại nghĩ: “Vợ mình ở nhà lo đủ mọi chuyện từ trong ra ngoài, từ sáng tới khuya, mệt nhoài vẫn không hết việc. Bà ấy mới xứng đáng hưởng trái cam này.”
Chiều tối về tới nhà, ông chồng thấy vợ vừa trong bếp hối hả đi ra lại phải lui cui lo xách nước. Ông nhìn bà rồi tặng lại trái cam. Bà ̀cảm thấy vô cùng hạnh phúc đến quên cả mệt nhọc.
Kể xong câu chuyện, anh huynh trưởng hỏi cả nhóm:
- Các em nghĩ gì về câu chuyện “Trái Cam ngọt nhất” này.
Sen Trắng phát biểu:
- Chỉ là một trái cam bé nhỏ, nhưng nặng ân tình hiếu nghĩa cũng đem lại hạnh phúc vô ngần các bạn nhỉ?
Sen Xanh đồng tình:
- Đúng vậy. Hạnh phúc thật sự ở nơi vị tha chia sẻ, chứ không phải ích kỉ giành giật. Nghèo nhưng tình nghĩa còn hơn giàu mà vô cảm.
Sen Tím góp ý:
- Mình thấy nhiều gia đình giầu có nhưng chỉ lo kiếm tiền, cha mẹ con cái bị vật chất lôi cuốn đến độ tranh giành cãi lộn lẫn nhau. Thật buồn.
Cả nhóm còn đang hăng say phát biểu, anh huynh trưởng chen ngang:
- Các em hãy suy nghĩ thêm để hiểu ý nghĩa cao đẹp của câu chuyện nhé. Theo các em, ai trong gia đình mới xứng đáng ăn trái cam nhất? Nhà có ba người mà chỉ có một trái cam phải làm sao đây?
Sen Hồng là cô bé nhỏ nhất, giơ tay phát biểu:
- Dạ, theo em, ai cũng xứng đáng ăn trái cam ngọt nhất ấy. Em đề nghị cắt trái cam làm ba, mỗi người đều có phần là hay nhất.
Cả nhóm vỗ tay hoan hô ý kiến của Sen Hồng. Anh huynh trưởng cũng tán đồng, rồi thưởng cho mỗi em ba trái cam.
- Nào, bây giờ các em hãy tặng người bên trái một trái cam xem nào.
Các em vui vẻ làm theo. Im lặng một lát, anh huynh trưởng lại tiếp:
- Các em hãy tặng bạn bên phải một trái nào!
Cả nhóm hào hứng tặng bạn. Xong, anh huynh trưởng lại hỏi:
- Bây giờ các em có mấy trái cam?
Cả nhóm:
- Dạ, ba trái ạ!
Anh huynh trưởng mỉm cười:
- Cuộc sống cũng như vậy các em à. Nó là một vòng tròn nhân quả. Hãy tập biết cho, các em sẽ nhận lại. Ông bà mình dạy ‘Bánh ít đi, bánh quy lại’ là vậy. Chúng ta hãy tạo thành vòng tròn nhân ái từ chính mình. Giờ đây mỗi em về nhà hãy biếu tặng ông bà, cha mẹ, anh chị em mình những trái cam này nhé. Anh tin rằng các em sẽ nhận được tình yêu thương vô giá từ nơi gia đình. Chúng ta hãy chúc nhau an vui nhiều hơn trong mùa Vu Lan thắng hội năm nay.
Cả nhóm dạ rân cám ơn anh huynh trưởng. Bé Sen Hồng lại lên tiếng:
- Anh huynh trưởng ơi, nhà em đông người lắm. Em xẻ cam chia đồng đều cho mọi người, anh nhé!
Anh huynh trưởng mỉm cười xoa đầu Sen Hồng. Cả nhóm lại vỗ tay hoan hô Sen Hồng và nhất trí chọn Sen Hồng là hoa sen đẹp nhất trong mùa Thắng hội năm nay.

Huynh Phó

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

Lỗ đen kinh khủng


 Trí Thức vừa đọc được một bài báo khoa học nói về Big Bang, liền hí hửng chạy đến Chánh Tuệ, vốn là thành viên của Gia đình Phật tử. Trí Thức xòe tờ báo trước mặt Chánh Tuệ, lên giọng thách thức:
_ Hừ, giữa thời đại khoa học này mà cậu còn mê tín tin vào những điều cổ lỗ sĩ. Đức Phật của cậu tuyên xưng ngài là bậc Thế Gian Giải, thế nhưng tại sao ngài không giải thích khởi nguyên thế giới cho mọi người biết lại để cho các nhà khoa học giải thích chuyện Big Bang như thế này?
Chánh Tuệ mỉm cười:
_ Trong thời Phật, du sĩ ngoại đạo Sunakkhatta cũng có thắc mắc giống như cậu. Ông ta cũng đam mê tò mò về khởi nguyên của thế giới, cũng ôm ấp lý tưởng khám phá cội nguồn của thế sự Ta Bà. Cho nên ông ta đã thất vọng khi không được Đức Thế Tôn giải thích về khởi nguyên của thế giới. Nhưng du sĩ Sunakkhatta may mắn hơn cậu nhiều, vì ông ta đã được chính bậc Thầy Trời Người giải thích tường tận.
_ Thật không, Ngài giải thích thế nào?
Chánh Trí mở ngay laptop, nhấn vài phím rồi trịnh trọng:
_ Cậu hãy lóng tai mà nghe Đức Phật dạy nguyên văn thế này cho Sunakkhatta: “- Này Sunakkhatta, khởi nguyên của thế giới có giải thích hay không giải thích, mục đích của Thế Tôn thuyết giảng Chánh pháp là đưa người thực hành đến chỗ tận diệt khổ đau. Này Sunakkhatta, như vậy thời giải thích về khởi nguyên thế giới có ích lợi gì cho Ngươi? Này kẻ ngu kia, hãy thấy sự lỗi lầm của Ngươi như vậy là thế nào!” (K. Ba-lê, số 24, Trường Bộ 2)
Trí Thức chưng hửng. Chánh Tuệ an ủi:
_ Đó là Đức Phật nói với Sunakkhatta, còn với các Bà-la-môn hiền lành và chân thành như Vàsettha và Bhàradvàjà, Đức Phật cũng dạy rõ về khởi nguyên của thế giới và con người. Ngài còn dạy nhiều điều lợi ích hơn thế nữa.
Trí Thức trở giọng nhã nhặn:
_ Vậy à! Mình cũng hiền lành và chân thành, xin cậu chỉ giáo!
_ Cậu về tìm trong tạng kinh Nikaya, đọc kỹ bài kinh Khởi Thế Nhân Bổn, số 27, Trường Bộ 2, sẽ rõ.
_ Thôi chào cậu, mình về đọc ngay đây.
Trí Thức chưa kịp quay lui đã nghe Chánh Tuệ nhắc nhở:
Cậu nhớ giữ giới và suy nghiệm kỹ mới hiểu được Kinh Nguyên Thủycòn đọc ba chớp ba nháng chẳng hiểu được gì đâu.
_ Vâng. Cảm ơn cậu.
Chánh Tuệ

(Ảnh Internet)


Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Chấn hưng Phật giáo

Trưởng lão Đạo Tâm là vị đại cao tăng tài đức vẹn toàn. Với tấm lòng thiết tha vì đạo Pháp, ngài luôn trăn trở và cổ động tích cực cho phong trào chấn hưng Phật giáo. 
Một đêm nọ, vị cao tăng đang mải mê viết những dòng tâm huyết đóng góp ý kiến cho thế hệ trẻ, bỗng nhiên một vầng hào quang rực rỡ soi sáng khắp cả thư phòng khiến vị đạo sư phải vội vàng dừng bút. Chưa hết kinh ngạc, đạo sư đã thấy một vị thần Tăng hiện ra giữa ánh sáng báu, toàn thân Thánh Tăng như bao phủ một lớp vàng ròng tinh khiết. Trưởng lão Đạo Tâm chắp tay kính cẩn lên tiếng:
_ Thưa, ngài là ai?
Vị Thần Tăng im lặng khoát tay, ngay tức khắc toàn thư phòng biến thành một cung điện nguy nga tráng lệ. Với dáng vẻ khoan thai vị Thần tăng bước đến an tọa trên tòa sen nạm toàn ngọc báu, cất giọng từ bi:
_ Đệ nhất thần thông trưởng lão Đại Mục Kiền Liên là ta!
Trưởng lão Đạo Tâm lật đật phủ phục sát đất:
_ Bạch Đại Thánh Tăng, xin tha thứ cho kẻ có mắt như mù này, không biết Đại Thánh ngay từ đầu để cung nghinh đúng phép.
Thánh Tăng Mục Kiền Liên ôn tồn:
_ Ai nỡ bắt tội một người có tâm đạo chân thành và giới hạnh thanh tịnh như ngươi. Hãy ngồi xuống đây!
Trưởng lão Đạo Tâm đảnh lễ Thánh Tăng ba lạy rồi cẩn trọng ngồi thấp xuống một bên nơi chỗ dành sẵn. Như không thể chờ đợi lâu hơn nữa đại sư Đạo Tâm đánh bạo khẩn khoản:
_ Bạch Đại Thánh Tăng, xin ngài cho phép con được hỏi một câu.
Vị Đệ nhất thần thông mỉm cười độ lượng:
_ Hãy hỏi điều ngươi thắc mắc.
_ Bạch Ngài, các tu sĩ đệ tử Phật phải như thế nào để góp sức chung lòng chấn hưng Phật giáo?
_ Tất cả hãy trở về chỗ của mình và làm công việc của họ.
_ Thưa, chỗ nào và việc gì?
Vị ấy thành tựu Thánh Giới Uẩn này, thành tựu Thánh Hộ Trì Các Căn này, và thành tựu Thánh Chánh Niệm Tỉnh Giác này, lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt”.
_ Bạch ngài, trong kinh văn, điều này được nhắc nhở rất nhiều lần!
_ Đúng vậy! Vì nó rất quan trọng!
_ Thưa, nhưng khốn nỗi các Tăng Ni ngày nay họ luyến ái thành phố, họ đam mê đô thành, họ quyết tử thủ ở lại chốn phồn hoa đô hội một bước không rời, ăn xong họ thẳng lưng nằm ngủ, an trú phóng dật trước mặt.
_ Hãy nhắc họ: trong thành thị ngoài con người còn có biết bao chuột, gián, kiến, mối, nhện, thằn lằn, giòi bọ, thiêu thân... Tất cả chúng cũng ái luyến ánh đèn đô thị. Ngoài dục bản năng chúng còn có dục “đèn đường”, dục “xe cộ”, dục “nhà lầu”, dục “ồn náo”... Không diệt những tham dục này làm sao thoát cảnh đô hội trong tương lai dưới kiếp hai cánh, bốn chân, tám cẳng. Tu xong rồi muốn gì mà không được.
Nói xong vị Thánh Tăng chỉ tay một vòng cung điện. Đại sư Đạo Tâm định cất tiếng hỏi tiếp nhưng vị Thánh Tăng đã ra dấu ngăn lại:
_ Hãy thực hiện đúng lời Phật, các ngươi sẽ giải đáp tất cả thắc mắc còn lại. Được giải thoát rồi, tha hồ hộ đạo cứu đời mà không bị đời lôi cuốn. Muốn chấn hưng Phật giáo, trước hết phải chấn chỉnh từ mỗi người đệ tử.
Thánh Tăng Mục Kiền Liên vừa dứt lời, ánh hào quang rực rỡ bỗng nhiên biến mất, vạn vật lại chìm trong bóng tối mờ ảo. Đại sư Đạo Tâm phải dụi mắt định tâm hồi lâu mới nhận ra căn phòng xưa cũ của mình. Hóa ra đạo sư vừa trải qua một giấc mộng, và cũng ngay lúc ấy một ý tưởng vụt lóe lên trong tâm trí của vị đại sư khiến ngài phải vội vàng thắp thêm ngọn đèn dầu, trở lại bàn giấy chăm chú viết tiếp những dòng tâm huyết.
Tâm Đạo
(Ảnh Internet)

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Top 10 thủ quỹ khổ nhất thế giới

Image result for chú tiểu ngây thơ


Điệu Nhỏ cúi nhặt mảnh báo cũ rơi trên sân chùa, liếc nhìn sơ qua rồi quay sang hỏi điệu Lớn:
_ Này, cậu có biết danh sách mười người giàu nhất thế giới không?
_ Biết! Điệu Lớn vẻ thờ ơ.
_ Đố cậu, họ là những ai?
_ Là những ông thủ quỹ khổ nhất thế giới chứ ai.
_ Sao thế?
_ Vì họ cứ phải lo giữ tiền cho thiên hạ; khi hết thời tới số, phải giao tài sản lại cho người khác, chết có mang theo một cắc nào đâu? Càng lo làm giàu giữ của, càng khổ cậu à!
_ Nhưng nhiều người vẫn thích hét to “tiền là tiên, là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là...”
_ Là vui ít, khổ nhiều, ở đây nguy hiểm lại càng nhiều hơn. Tiền nhiều trong túi, cửa sổ động một tiếng cũng giật mình tưởng cướp, con chó sủa một câu cũng hoảng vía tưởng trộm. Sáng mở mắt là sợ vàng lên vàng xuống, tối đi ngủ còn ngán ‘đô $’ xuống ‘đô $’ lên. Cả đời lo đến thót cả tim. Thế giới đầy dẫy những kẻ tự tử vì tiền và giết nhau vì bạc. Ôi chao, mới nghĩ có bấy nhiêu cũng đủ mệt!
_ Có người còn nói “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, hơn ngàn năm trong bóng tối lặng im”.
_ Có huy hoàng một phút được không hay phải nhiều kiếp “cuốn theo chiều gió”? Có chợt tắt được không hay cứ phải thoi thóp tháng ngày rồi mới được nhắm mắt xuôi tay? Cậu thấy đấy, thế giới đã có biết bao những ông giầu nhất, khi còn sống suốt đời cứ phải bận rộn tranh giành nhiều hơn với thiên hạ, cuối cùng tàn hơi mỗi vị cũng im lặng trong một hũ, chứ có ông nào thêm được hũ thứ hai?
_ Có người xây lăng mộ đồ sộ cho mình.
_ Để được gì?
_ Danh tiếng.
_ Để lại tiếng thơm vẫn tốt hơn. Có nhiều lăng mộ kỳ vĩ của vua chúa vẫn bị người đời sau thù hận đập phá không thương tiếc. Rút cuộc chỉ có mấy con giòi bọ lúc nhúc trong cái thây ma của họ là được thích thú.
_ Dù sao người ta cũng biết kiếm tiền cho gia đình, cha mẹ, vợ con.
_ Điều đó cũng tốt, nhưng hãy nhớ, nếu chỉ có bấy nhiêu thì mấy con chim lo làm tổ kiếm mồi, mấy con ong chăm hút mật nuôi đàn cũng chẳng thua kém gì họ.
_ Những ông “thủ quỹ” cũng biết hưởng thụ chứ.
_ Người ta chỉ nhìn thấy lúc mấy ổng khoe giàu khoe sướng, chứ không nhìn những lúc họ làm việc căng thẳng. Có người suốt hàng chục năm trời quần quật kiếm tiền không có được một ngày nghỉ, đến khi đổ gục xuống bất lực, buông xuôi tất cả, lúc ấy mới thấy mình chẳng khác nào một con “dã tràng xe cát biển đông”.
_ Mấy ổng “xe cát” xây vila, biệt thự trên đất liền.
_ Nhưng “sóng vô thường” vẫn ập đến.
_ Nói như cậu, hết nước. Đại tỷ phú cũng bó tay!
_ Trừ khi họ biết xây dựng nền tảng phước báu cho đời này lẫn đời sau.
_ Bằng cách nào?
_ Phát triển lòng từ bi, tích cực làm từ thiện tạo lập công đức, đem lại lợi ích cho mình và cho mọi người. Đây mới chính là “tài sản” thực sự của họ vì không ai cướp được và sẽ theo họ trong kiếp sau.
_ Có “thủ quỹ” không tin nhân quả, đời sau.
_ Đó là nghiệp của họ. Nhưng giữa một tỷ phú biết thương người, luôn bố thí cúng dường, và một ông tỷ phú keo kiết hoặc hoang đàng vô lý, ai đáng được tán thán hơn?
_ Đương nhiên là ông thứ nhất. Nhưng cứ như cậu chẳng ai muốn làm giàu, nghèo mạt kiếp cũng có gì vui?
_ Chính lúc ấy mới có dịp giàu thật sự, mới vui thật sự!
_ Có cái gì mà giàu, mà vui?
_ Có Thánh tài sản. Mười ông giàu nhất thế giới cũng không nhiều vàng bạc châu báu bằng thái tử Tất Đạt Đa. Thái tử Tất Đạt Đa cũng không giàu có an vui sung sướng vĩnh hằng bằng Đấng Như Lai A La Hán Chánh Đẳng Chánh Giác. Cho nên, Đức Phật và các hoàng thân quốc thích tu hành chứng đạo rồi có vị nào thèm về lại hoàng cung?
Điệu nhỏ gật gù như hiểu ý bạn lành. Chỉ vào cuốn Kinh trong tay điệu Lớn, điệu Nhỏ cất giọng hoan hỷ:
_ Đang có Thánh tài sản trong tay, hóa ra cậu và mình mới là những người giàu có thực sự trong hiện tại lẫn tương lai.
Điệu Lớn dí dỏm dáo dác nhìn quanh cứ như sợ có ai nghe được, rồi đưa tay ra dấu nhắc điệu Nhỏ không được nói lớn. Cả hai nhìn nhau cười vui rôm rả, cùng sánh vai bước vào giảng đường nghe Pháp.

 Đại Trưởng Giả

_______________

Lời Phật dạy:

“Dầu cho cả ngọn núi,
Trở thành toàn vàng ròng,
Cho đến hóa gấp đôi,
Cũng không thỏa mãn được,
Tham vọng của một người.
Biết vậy để hành trì,
Ai thấy rõ đau khổ,
Và nguyên nhân đau khổ,
Làm sao người như vậy,
Có khuynh hướng ái dục?
Sau khi biết sanh y
Là ràng buộc ở đời,
Người biết vậy nên học,
Giải trừ mọi buộc ràng.”
 (S.i,116)

(Ảnh Internet)