Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Đời là bể sướng?


Bắc Đại luận sư nói với Nam Tiểu kinh sư:
_ Với tôi, đời không phải bể khổ mà là bể “sướng”. Vấn đề là phải biết suy nghĩ cho đúng!
_ Muốn biết sướng hay khổ hãy vào nhà thương, hãy ra nghĩa địa mà suy nghĩ!
_ Nghĩ gì?
_ Nghĩ rằng trên đời chỉ có kẻ ngu mới tin rằng mình và những người thân của mình không bao giờ phải nằm những chỗ ấy!
_ Đó là duyên nghiệp của mỗi người. Muôn vật duy tâm tạo!
_ Cho dù là duyên nghiệp và cho dù tâm ông tạo thấy “sướng”, nhưng ông “sướng” cả trên nỗi đau của người khác là vô cảm, dù có suy nghĩ “đúng” cũng là vô lương tâm. Tôi hỏi ông, sanh – già – bệnh – chết – sầu – bi – khổ – ưu – não cũng là sướng ư?
_ Nhưng “sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc… vô khổ tập diệt đạo”
_ Dù miệng các ông nói “vô khổ, hữu sướng”, nhưng tôi và những người khác thấy sanh già bệnh chết “hữu khổ, vô sướng”. Các ông thấy sướng cả trên những nỗi đau của người khác là vô tình, là bất nhân, ông hiểu không!
_ Nhưng ông cứ “đau nỗi đau này đời”, làm sao diệt được khổ cho mình?
_ Trái lại là đằng khác. Ông không thấy khổ thì làm sao diệt được khổ; không thấu cảm nỗi đau cuộc đời, làm sao nỗ lực cứu đời? Các ông cứ ích kỷ chỉ biết “sướng nỗi đau cuộc đời” thời làm sao hiểu được con đường diệt khổ?
_ Muốn hiểu phải thế nào?
_ Phải thấy khổ trước. Ông phải thấu nỗi khổ của mình để không làm khổ mình thêm, mới nỗ lực cứu mình. Ông phải thấu nỗi khổ của người để không làm khổ người nữa, mới nỗ lực cứu người. Thấy đời khổ để rồi mình khổ là kẻ vô trí. Thấy đời khổ mà mình vẫn sướng là kẻ vô tâm. Thấy đời khổ để rồi giúp mình và người cùng thoát khổ mới là bậc Hiền trí Đại tuệ.
_ Ông nói cứ như triết gia ấy!
_ Triết gia không nói như tôi.
_ Như ai?
_ Như ông!   
Nam Tào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét