Thần Hộ Pháp “đằng vân giá vũ” tìm đến thần Hộ Tự để thanh tra về chuyện thời sự. Cả hai cùng ngồi làm việc trong khuôn viên trường Siêu Cấp Phật Học. Thần Hộ Pháp lên tiếng hỏi:
_ Này ông, tại sao dạo này chùa của ông có phong trào Tăng Ni đua nhau đi lấy bằng tiến sĩ, cử nhân Phật học và thế học vậy hả?
Thần Hộ Tự không dấu vẻ tự hào:
_ Vì họ “Duy Tuệ thị nghiệp”!
_ Nhưng không có Định, làm sao có tuệ?
_ Ờ... thì để tôi nhắc họ thêm “Duy Định, duy Tuệ thị nghiệp”.
_ Nhưng không có Giới, làm sao có định?
_ Ừ... thì nhắc thêm họ phải “Duy Giới, duy Định, duy Tuệ thị nghiệp”chứ sao.
_ Nhưng ham lấy bằng cấp, dồn sức học thi, trả bài, viết luận văn, làm luận án còn thì giờ đâu tu tập để biết thế nào là Tam Vô Lậu Học?
_ À... thì tôi phải cảnh giác họ “Không duy bằng cấp, duy học vị thị nghiệp” chứ sao.
_ Ông nên nhớ, cho dù là bác học, tiến sĩ, giáo sư, bác sĩ trí thức đến đâu chăng nữa, nhưng cứ ôm chặt đức tin tôn giáo, thì họ cũng chẳng khác gì mấy đứa con nít cứ ôm chặt lấy bình sữa nằm ngọ ngoạy trong nôi. Cả hai đều ngây thơ như nhau.
_ Ngài nói hơi quá!
_ Ông không tin, hãy nhìn ra bên ngoài sẽ thấy. Đã có không ít các nhà khoa học trí thức vì quá tin tưởng vào giáo lý của mình, sẵn sàng làm thừa sai cho các ông giáo chủ. Thậm chí họ còn chế cả thuốc độc, vũ khí giết người nữa đấy.
_ Vậy, chẳng lẽ ngài phản đối chuyện tăng ni học tập Phật Pháp?
_ Trái lại là đàng khác. Họ cứ là sinh viên để rồi trở thành tu sĩ, chứ đừng biến tu sĩ trở thành sinh viên, uổng đời. Tôi mong sao trước khi nhập đạo họ lấy hai ba cái bằng tiến sĩ ngoài đời, để rồi xuất gia thi ba bằng “hậu tiến sĩ” của Phật.
_ Bằng gì nữa?
_ Bằng Giới, bằng Định, bằng Tuệ. Vì thế ông và tôi cần khuyến khích họ phải tu tập Phật Pháp. Phải “Duy Bốn Diệu Đế, duy Thánh Giới Luật, duy Thánh Thiền Định, duy Thánh Trí Tuệ, duy Thánh Hộ Trì Các Căn, duy Thánh Chánh Niệm Tỉnh Giác, duy Tám Chánh Đạo, duy Bốn Niệm Xứ, duy Bốn Chánh Cần, duy Bốn Như Ý Túc, duy Năm Căn, duy Năm Lực, duy Bảy Giác Chi, duy Định Niệm Hơi Thở, duy Chỉ-Quán song hành...”. Được vậy Tăng Ni mới giữ mình trong thiện pháp, mới duy trì được Chánh Pháp.
_ Tóm lại ý ngài muốn nói các Tăng Ni phải học để tu, tu để giải thoát; chứ không phải học để lấy bằng cấp, học vị, để dính mắc vì nó?
_ Đúng vậy!
_ Và họ phải phân biệt “trí tuệ cần phải được tu tập (Bhavetabba), còn thức cần phải được liễu tri (Parinneyyam)” [1], nhưng kiến thức thì chỉ có văn là đủ.
_ Thật vậy! Một khi họ đã liễu tri giải thoát thực sự, họ còn có thể dạy lại cho các học giả, các sinh viên khoa Phật học thế nào là chánh Phật Pháp, thế nào là con đường giải thoát khổ đau thiết thực.
_ Và nhắc nhở các nhà trí thức “Kiến ấy như vậy được sanh, được tác thành (hữu vi) do tâm suy tư, do duyên khởi lên. Và cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên khởi lên, cái ấy là vô thường; cái gì vô thường, cái ấy là khổ” [2]
_ Ông có thể lên chức, đảm trách nhiệm vụ của tôi rồi đấy!
Nói xong, thần Hộ Pháp từ giã thần Hộ Tự rồi xoay mình biến mất.
Pháp Hộ
_________________________________
[1] Đại Kinh Phương Quảng, Trung Bộ 1.
[2] Kinh Tăng Chi tập 4, tr. 494
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét