Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Tây du hí


_ Ngoại ơi, sao lúc nào cháu cũng thấy bà lâm râm lẩm bẩm “Nam mô A mi tò phò” rồi gục lên gục xuống, ngủ gà ngủ gật, cực khổ làm chi hả bà?
_ Để được vãng sanh Tây phương cực lạc cháu à!
_ Ở đó có gì?
_ Có bảy lớp lưới giăng, các hàng cây, ao hồ, đường đi, lầu gác. Tất cả đều bằng nhiều thứ báu như vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, trân châu, mã não…
_ Nhưng có bọn tham lam, trộm cắp, cướp của, giết người, gian manh, xảo quyệt, loạn luân, diệt chủng… không hả bà?
_ Có chứ, vì họ chỉ cần niệm “A mi tò phò” mười lần, thậm chí một niệm thôi, là được ngài từ bi cứu rỗi về đó ngay liền.
_ Dù họ có được ngài A Di Đà cải hóa, nhưng con cháu của họ cứ noi gương họ, tiếp tục làm ác tạo tội rồi niệm mười tiếng “A Di Đà” là được giải thoát, chừ cõi Ta Bà này bao giờ mới hết khổ hở bà? Ông A Di Đà nguyện kiểu chi mà ác rứa? À, còn các nạn nhân của những kẻ xấu ác, những người hiền lương đáng thương nhưng không biết niệm “A mi tò phò” thì sao?
_ Ờ… thì… ráng chịu chứ biết làm sao! Ngài A Di Đà quên phát nguyện cứu họ.
_ Còn những người cố tin, cứ nhắm mắt niệm “A Di Đà” nhưng không lo chống giặc cứu nước như vua quan Lương Võ Đế thì sao?
_ Ừ … thì… tuyệt chủng luôn chứ cứu sao được!
_ Nếu những kẻ vừa tàn sát họ vừa niệm “A Di Đà”, chết đi đâu?
_ Về Tây Phương luôn chứ đi đâu! Đường nào cũng đến La-mã! Miễn sao họ không phạm năm tội vô gián và hủy báng pháp là được. “Nhẫn đến mười niệm” thôi cũng ok mà. Chính ngài A Di Đà đã phát đại nguyện như thế rồi, còn lo gì nữa?
_ Quỷ thần ơi! Nạn nhân hiền lương nhưng không biết niệm “A Di Đà” lại bị bỏ lờ, không cứu. Kẻ cố tâm tu tập nhất niệm cũng bị tuyệt chủng thảm thương (họ có được siêu thoát về Tây phương không thì chỉ có… Cuội mới biết). Kẻ sát hại nhưng chỉ cần niệm “A mi tò phò” vài lần lại được cứu rỗi. Trời đất, vậy nhân quả ở đâu? Chánh nghĩa chỗ nào? Từ bi trí tuệ thế ư? Bấy nhiêu thôi cũng đủ biết nó là Tây phương cực khổ chứ cực lạc làm sao được hả bà?
_ À… ừ… mà thôi, bà cứ tin lời Phật. 
_ Yêu quái cũng biết giả lời Phật thì sao?
_ Thì… là… chậc, cháu hỏi nhiều quá! Cứ tín, nguyện, hạnh là đến đó liền hè!
_ Chừng nào đến đó, bà nhớ í-mèo (email) cho cháu biết, bà nhé!
_ Ở đó chắc không có in-tờ-nét hay còm-pú-tờ đâu cháu à.
_ Gửi thư cũng được.
_ Làm gì có bưu điện.  
_ Hay gọi tề-lế-phôn.
_ Cũng chẳng có điện thoại.
_ Vậy mà thằng Tí nói ông cố nó gọi điện về, nghe rõ lắm!
_ Đấy, thấy chưa, có linh ứng không? “Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn” cơ mà, phải tin chứ! Thế ông nó nói gì?
_ Ổng dặn nó: “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết, vì theo truyền thống, vì nghe người ta đồn, vì đó là kinh điển, vì nhân lý luận siêu hình, vì theo một lập trường, vì đánh giá hời hợt những dữ kiện, vì phù hợp với định kiến, vì uy quyền”. Nói một hơi, ổng còn hét lớn: “Chớ có tin cho dù đó là ông A Di Đà hay luận sư Bà-la-môn Cưu Ma La Thập! Tu hành gì cái thứ dám nhận cả mười cung nữ từ vua Diêu Tần ban cho!” (1)
_ Trời đất, thằng dóc tổ!
_ Bà nói ai?
_ Thằng Tí!
_ Không có đâu bà. Ông cố nó còn sống, ở phương Tây lận. Chỉ có điều, trước đây mọi người trong xóm của nó sát sanh, trộm cướp, tà hạnh, nói dối, uống rượu, buôn lậu tràn lan thả cửa, chẳng ai sợ địa ngục vì đều tin rằng về già niệm mười tiếng “A Di Đà” là xong ngay. Nhưng từ khi tin lời nó, mọi người sợ quả báo địa ngục, biết tuân theo luật nhân quả, bỏ ác làm lành, nên xóm nó giờ đây được an vui thanh bình. Mọi người gọi đó là “Đây phương cực lạc” và tẩy chay Tây phương cực khổ của ông A Di Đà từ lâu rồi.
_ Ừ nhỉ, vậy mà bà không nghĩ ra. Thôi, từ nay bà chẳng thèm cầu mong chuyện “Tây du hí” nữa. Mèn đéc, may phước cho bà quá. Nám mô A Di Đà Phật, í quên, Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
_ Có chánh kiến chánh tín rồi, dù bà không gọi điện thoại, cháu cũng biết chắc bà đã được vãng sanh cõi lành.
_ Ôi, cháu của bà đã báo hiếu cho ông bà, cha mẹ nhiều rồi đấy. Lành thay!
Tôn Ngoi
________________
(1) Ghi chú: Chuyện dịch sư Cưu Ma La Thập lấy cả mười cung nữ từ vua Diêu Tần ban cho theo “Cao Tăng Dị Truyện” và "Tranh Biện”  của Xích Liên xuất bản, 1929 - 1932, quyển Thượng, trang 151–169. Nguồn Internet.
Cưu Ma La Thập (344-413), người nước Quy Tư - Tân Cương , sống sau Phật cả ngàn năm, cũng là tác giả của cuốn luận A Di Đà ca ngợi hết lời cho kinh A Di Đà do chính mình giới thiệu và chuyển dịch (?!)
Việc vẽ ra một cuốn kinh giả rồi viết thêm một cuốn luận thật nhằm khiến những kẻ ngây thơ tin ngay cuốn kinh giả đó, chuyện này một tên gián điệp hạng bét cũng thừa biết và thừa sức thực hiện, chỉ có những kẻ khờ dại mới không hiểu mà thôi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét