PHẬT ÂM - BUDDHAGHOSA
Một luận sư Bà-la-môn gián điệp nguy hiểm
trong Phật giáo Nam Tông
Tập khảo cứu vạch trần các chú thích nham hiểm
của Bà-la-môn Phật Âm trong tạng Luật Patimokkha (*)
Hoàng Thiên
Phần 2
CHƯƠNG TĂNG TÀN
Dẫn: Chiếu theo tên gọi của tội này có thể hiểu vị Tỳ-khưu phạm vào ‘Tăng Tàn’ (hay ‘Tăng Tàng’) là vị làm tàn lụi hạt giống Tăng thanh tịnh của mình, ví dụ như tội cố ý làm xuất tinh, tội xúc chạm với nữ, tội nói lời tục tĩu với nữ, tội ca ngợi sự cung phụng dục lạc. Hoặc ‘Tăng Tàn’ cũng có nghĩa khiến phá hoại Tăng chúng, ví dụ như tội chia rẽ, hoặc tội ủng hộ chia rẽ hội chúng Tăng, hoặc tội làm hư hỏng gia đình (khiến ảnh hưởng đến chúng Tăng)...
Trong chương này có tổng cộng 13 trường hợp bị phạm tội Tăng Tàn. Dưới đây chỉ có những trường hợp nào có chú thích đáng lật giải của Bà-la-môn Phật Âm mới được nói đến.
Trích đoạn chánh Luật, phần 2.1 Phân Tích giới Tỳ-khưu, V. Chương Saṅghādisesa (Tăng Tàng). Điều 1: Tội cố ý làm xuất tinh.
“[301] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi (Xá Vệ), Jetavana (Kỳ Viên), tu viện của ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Vào lúc bấy giờ, Đại Đức Seyyasaka không được thỏa thích[2] thực hành Phạm hạnh. Vì thế, vị ấy trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân. Đại Đức Udāyi[3] đã nhìn thấy Đại Đức Seyyasaka ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân; sau khi nhìn thấy đã nói với Đại Đức Seyyasaka điều này:
- Này Đại Đức Seyyasaka, tại sao ngươi lại ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân? Này Đại Đức Seyyasaka, chẳng lẽ ngươi không được thỏa thích thực hành Phạm hạnh?
- Này Đại Đức, đúng vậy.
- Này Đại Đức Seyyasaka, như thế thì ngươi hãy ăn theo như ý thích, hãy ngủ theo như ý thích, hãy tắm theo như ý thích. Sau khi đã ăn theo như ý thích, đã ngủ theo như ý thích, đã tắm theo như ý thích, khi nào sự không thỏa thích sanh khởi ở ngươi, tham ái quấy rối tâm, khi ấy ngươi hãy dùng bàn tay gắng sức làm xuất ra tinh dịch.
- Này Đại Đức, có được phép làm như thế không?
- Này Đại Đức, được chớ. Ta cũng làm như thế.”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
“[2] Anabhirato: tâm bị loạn động và đang bị thiêu đốt bởi ngọn lửa ái dục nhưng lại không muốn trở về trạng thái tại gia (theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa).
{
Lật giải:
Căn cứ vào đâu luận sư Bà-la-môn Buddhaghosa sống sau Phật cả ngàn năm lại biết “Đại Đức Udāyi là thầy tế độ của Đại Đức Seyyasaka”?
Nếu không làm rõ chuyện này, ai cấm được người khác nghĩ xấu về Tăng đoàn thời Đức Phật theo kiểu ‘thầy nào trò nấy’. Các ngài tế độ cho nhau rồi dạy nhau những điều xấu xa phàm tục‘nhưng lại không muốn trở về trạng thái tại gia’. Một ĐĐ Udāyi đã là ‘thầy tế độ’ cho người khác nhưng lại không biết điều đáng biết, đi dạy điều tổn hại Tăng, e rằng như vậy lại càng hạ thấp uy tín của danh xưng ‘thầy tế độ’ và của cả Tăng đoàn.
Rõ ràng chú thích vô căn cứ của Phật Âm đã không chú thích được gì hay hơn mà chỉ gieo tiếng oan cho Tăng Bảo, bôi nhọ sự tế độ thiêng liêng trong Phật giáo. Các Tỷ-khưu chỉ là những vị ‘giả sư’ dạy nhau làm ‘sư giả’.
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 2.2 Phân Tích giới Tỳ-khưu, V. Chương Saṅghādisesa - Tăng Tàng (tt)
“[301] ... Khi ấy, đức Thế Tôn đã khiển trách Đại Đức Seyyasaka bằng nhiều phương thức về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng, sự khó khăn trong việc ăn uống, ...(như trên)... Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Việc xuất ra tinh do sự cố ý thì tội saṅghādisesa (tăng tàng).”[4] Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các Tỳ-khưu như thế.”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
“[4] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng: (saṅghādisesa = saṅgha-ādi-sesa) Hội chúng (saṅgha) là cần thiết từ lúc khởi đầu (ādi) và các phần kế (sesa). Khởi đầu là sự ban cho hành phạt parivāsa, các phần kế là sự ban cho hành phạt mānatta hoặc sự ban cho việc thực hành trở lại từ đầu (mūlāya paṭikassanaṃ), cuối cùng là hành sự giải tội (abbhānakamma) đều do hội chúng (saṅgha) thực hiện, cá nhân hoặc nhóm Tỳ-khưu đều không được (Xin xem thêm Tiểu Phẩm - Cullavagga, chương II).”
{
Lật giải:
Nếu quả thật ‘Đại Đức Udāyi là thầy tế độ của Đại Đức Seyyasaka’ thì khi Đức Thế Tôn nêu rõ tội của ĐĐ Seyyasaka, hẳn Ngài cũng phải khiển trách ĐĐ Udāyi với tư cách là một vị thầy tế độ, ngay cho dù luật chưa quy định. Nhưng chánh Luật không nói đến việc này, do vậy chú thích của Phật Âm cho “Đại Đức Udāyi là thầy tế độ của Đại Đức Seyyasaka” càng khó tin hơn. Một ông Bà-la-môn sống sau Phật cả ngàn năm, nhảy ngang vào đạo Phật dạy như thế nào là tất cả đều nhắm mắt tuân theo là sao? Ai và dựa vào đâu đã dám phong thánh cho ông ta?
Lối giải thích theo kiểu “chiết tự” của Phật Âm là chủ quan, áp đặt khi tách ‘saṅghādisesa’thành ‘saṅgha-ādi-sesa’ = ‘saṅgha’, ‘ādi’ và ‘sesa’. Một người khác cũng có thể giải thích từ ‘saṅghādisesa’ dựa theo sự tác hại của 13 tội ‘Tăng Tàn’ như sau: ‘saṅghā’ có nghĩa là Tăng, ‘di’ là hai, ‘sesa’ là dư tàn. Theo đây ‘saṅghādisesa’ có nghĩa là ‘tội dư tàn làm hại cả hai phía Tăng nhân và Tăng đoàn’! Giải thích kiểu này có khi lại còn hợp lý hơn kiểu chiết tự thiển cận của Phật Âm. Nói thiển cận vì hầu hết các tội nêu trong tạng Luật, không riêng gì tội Tăng Tàn, tất cả đều cần phải được xem xét phán định bởi cả hội chúng Tỳ-khưu, chứ cá nhân hoặc nhóm Tỳ-khưu đều không được công nhận.
Lại nữa, chiếu theo sự giải thích của Phật Âm, chỉ có tội Tăng Tàn là phải do ‘hội chúng (saṅgha) thực hiện, cá nhân hoặc nhóm Tỳ-khưu đều không được’, còn các tội khác ‘các cá nhân hoặc nhóm Tỳ-khưu’ cũng có thể tự xử lý được ư? Nếu vậy còn gì là Giới Bổn Pātimokkha, còn gì là Tăng Thượng Giới Bổn Pātimokkha, còn gì là Tăng Đoàn - Saṅghā.
Nhưng vì sao Phật Âm lại nhắm vào các kiểu chú giải chia chẻ như trên? Đó là vì ông Bà-la-môn giả sư muốn khiến những Tỳ-khưu ngây thơ nghĩ ngay rằng ông ta là một nhà thông thái, một bậc “thánh giả” thông kinh bác luật. Một khi mọi người đã tin Phật Âm là “Thánh tăng”, thì dù “ngài” có nói sai cũng thành đúng, nói bậy cũng phải tin, và nói ngược cũng chấp nhận. Làm được chuyện này đối với một Bà-la-môn gián điệp còn gì thành công hơn? Những ai còn hồ nghi điều này hẳn đã không đọc kỹ Chánh kinh Nikāya và cả tạng Luật Pātimokkha để rút ra những bài học cảnh giác trong cuộc đấu tranh ý thức hệ tôn giáo.
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 2.3 Phân Tích giới Tỳ-khưu, Điều Saṅghādisesa (Tăng Tàng) thứ nhì: Tội xúc chạm thân người nữ
“[377] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, Đại Đức Udāyi cư ngụ ở trong rừng.[6] Trú xá của Đại Đức ấy đẹp đẽ, đáng nhìn, xinh xắn, có nội phòng ở giữa, khắp nơi xung quanh căn nhà có giường, ghế, nệm, gối được khéo xếp đặt, nước uống, nước rửa được khéo bố trí, phòng ốc được quét dọn cẩn thận. Nhiều người đi đến có ý muốn nhìn ngắm trú xá của Đại Đức Udāyi.
... Khi ấy, người Bà-la-môn ấy được hoan hỷ đã thốt ra lời hoan hỷ rằng:
- Các vị sa-môn Thích tử này thật là cao quý khi sống trong khu rừng như vầy! Ngài Đại Đức Udāyi thật là cao quý khi sống trong khu rừng như thế này!
----------------
Chú thích của Phật Âm:
“[6] Ngài Buddhaghosa cho rằng trú xá của Đại Đức Udāyi không phải ở trong một khu rừng riêng biệt mà ở trong Jetavana, thuộc về khu vực ở một bên, cuối cùng, sát ranh giới.”
{
Lật giải:
Người khôn ngoan phải cho rằng chú giải trên của Phật Âm là hoàn toàn vô lý. Bởi lẽ Phật Âm sống sau Phật Thích Ca một ngàn năm làm sao biết được trú xá của Đại Đức Udāyi cụ thể ở chỗ nào mà dám phán như vậy. Hơn thế nữa, chính lời của người Bà-la-môn đã tán thán trú xá của các Tỳ-kheo và của Đại Đức Udāyi “trong khu rừng như vầy”, “trong khu rừng như thế này”. Vậy mà một ngàn năm sau ông Bà-la-môn nhảy ngang vào Đạo Phật phán tào lao ‘không phải ở trong một khu rừng riêng biệt mà ở trong Jetavana’ mà vẫn cứ tin là sao?
Chính vì Đại Đức Udāyi cư ngụ trong rừng, tách biệt khỏi Tăng chúng, cho nên ông mới tự ý xây dựng trú xá như vậy, và rồi bị tha hóa trở thành người đầu tiên phạm tội xúc chạm với người nữ khiến Đức Phật phải ban giới.
Nhưng vì sao Phật Âm lại chú giải trái ngược với chánh Luật, trái ngược với sự xác chứng của vị Bà-la-môn sống trước mình một ngàn năm, tự ý “dời” trú xá của Đại Đức Udāyi từ trong khu rừng riêng biệt vào ở trong thành Jetavana? Vì trú xá của Đại Đức Udāyi mà ở trong Jetavana thì hẳn nhiên Đức Phật phải biết chuyện này. Đức Phật biết hẳn phải quở trách Đại Đức Udāyi. Thế nhưng Đức Phật và chư Tăng không ai nói gì, điều này chứng tỏ Tăng chúng thời Phật cũng sống sa hoa không thua gì thế tục như Đại Đức Udāyi. Ai cấm những người dựa vào chú thích của Phật Âm suy luận như vậy?
Quả là “ngài” Buddhaghosa đã có công lao to lớn trong việc khéo léo vu cáo Tam Bảo. Những ai còn tin tưởng Phật Âm đã thấy ra dã tâm của vị “Thánh Tăng” Bà-la-môn gián điệp này chưa?
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 2.4 Phân Tích giới Tỳ-khưu, Điều Saṅghādisesa - Tăng Tàng thứ nhì (tt):
Điều luật quy định: “…Vị Tỳ-khưu nào bị khởi dục, do tâm bị thay đổi, rồi thực hiện việc xúc chạm thân thể với người nữ là sự nắm lấy tay, hoặc nắm lấy búi tóc, hoặc sự vuốt ve bất cứ bộ phận nào thì tội saṅghādisesa (tăng tàng).”)
[388] Vị không cố ý, khi tâm không ghi nhận (asatiyā),[7] vị không biết, vị không thích thú, vị bị điên, vị có tâm bị rối loạn, vị bị thọ khổ hành hạ, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
“[7] Ngài Buddhaghosa giải thích về “asatiyā” như sau: Vị ấy bị bận rộn về việc khác nên không biết rằng: “Ta chạm vào người nữ.” Trong lúc không biết (asatiyā = thất niệm) như thế, như trong khi co duỗi tay chân, v.v... vị có sự đụng chạm thì vô tội.”
{
Lật giải:
Theo sự giải thích mơ hồ của Phật Âm, các Tỳ-khưu ma mãnh (như nhóm Lục Sư) sẽ tha hồ “bị bận rộn” nhưng vẫn “không biết” vì “thất niệm” để được vô tội. Ai có Tha Tâm Thông như Đức Phật để biết các vị có “bận rộn” thật không, và có thực sự biết hay không biết?
“Khi tâm không ghi nhận” (asatiyā) là trường hợp vị Tỳ-khưu bị mất cảm giác không cảm nhận được (bị liệt), hoặc do vết thương, hoặc giữa đám đông chen lấn không để ý đến sự xúc chạm. Còn trường hợp “vị Tỳ-khưu không biết” là khi vị này bị ngủ say, hoặc hôn mê ngất xỉu, hoặc do thuốc gây mê… nên dù người nữ cố ý xúc chạm nhưng vị này vẫn không hay biết vì thế được vô tội.
Rõ ràng những chú giải của Bà-la-môn Phật Âm đã không giải chú được gì hay hơn, trái lại còn vẽ đường cho… dê chạy.
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 2.5 Phân Tích giới Tỳ-khưu, Điều Saṅghādisesa - Tăng Tàng thứ nhì (tt)
“[398] ... Vào lúc bấy giờ, có vị Tỳ-khưu nọ trong khi người đàn bà đang đảnh lễ[8] đã đưa bàn chân lên. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc. ...(như trên)...
- Này Tỳ-khưu, ngươi đã phạm tội saṅghādisesa (tăng tàng).”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
“[8] Theo ngài Buddhaghosa, người đàn bà đảnh lễ theo lối nắm lấy bàn chân của vị Tỳ-khưu. Trường hợp ấy, vị Tỳ-khưu nên có vật phủ lên bàn chân hoặc bất động.”
{
Lật giải: Lại một chú thích trắng trợn ‘vẽ đường cho dê phạm luật’. Theo chánh Luật, chỉ cần người đàn bà đảnh lễ mà vị Tỳ-khưu đưa bàn chân lên để xúc chạm người nữ là đã bị phạm tội tăng tàn rồi! Thế nhưng ở đây Buddhaghosa còn cho “nắm chân”, “phủ bàn chân hoặc bất động” thì còn gì là Đạo của ly dục, diệt dục. Không lẽ những người tin theo Phật Âm đã xem ông Bà-la-môn này hơn cả Đức Phật hay sao? Hay họ muốn theo đuôi ông Bà-la-môn giả sư để lách luật phóng dật?
Gặp người đàn bà lẳng lơ thích đảnh lễ nắm chân Tỳ-khưu, thì vị Tỳ-khưu nên bất động ư? Những ai tin Phật Âm hẳn cũng đã lấy vải phủ chân hoặc bất động rồi cho nắm thoải mái ư?Gặp ông Tỳ-khưu cũng có tình ý với người đàn bà nên lấy vải phủ chân hoặc bất động để cả hai tha hồ xúc chạm thì vô tội sao? Ông Bà-la-môn giả sư giải thích “ngáng chân” kiểu này là muốn Luật bị ô nhiễm, là vẽ đường cho ma quậy đạo rồi!
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 2.6 Phân Tích giới Tỳ-khưu, Điều Saṅghādisesa - Tăng Tàng thứ năm: làm mai mối.
Dưới đây là phần Đức Phật quy định điều luật và tiếp theo là phần giải thích có các chú thích của Phật Âm:
“Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị Tỳ-khưu nào tiến hành việc mai mối hoặc là ý định của người nam đến người nữ, hoặc là ý định của người nữ đến người nam trong việc trở thành vợ chồng, hoặc trong việc trở thành nhân tình, thậm chí chỉ là cuộc tình trong chốt lát thì tội saṅghādisesa (tăng tàng).”
... [430] Có mười hạng người nữ: hạng được mẹ bảo hộ, hạng được cha bảo hộ, hạng được cha mẹ bảo hộ, hạng được anh (em) trai bảo hộ, hạng được chị (em) gái bảo hộ, hạng được thân quyến bảo hộ, hạng được dòng họ bảo hộ, hạng được luân lý bảo hộ, hạng có sự gìn giữ, hạng bị quy định hình phạt.
[431] Có mười hạng vợ: hạng được mua bằng của cải, hạng sống chung do sự tự nguyện, hạng sống chung vì tài vật, hạng sống chung vì y phục, hạng được cưới theo nghi thức,[3] hạng có vật lót ở đầu được đặt xuống, hạng nữ tỳ là vợ, hạng người làm công là vợ, hạng được đem lại dưới lá cờ, hạng chỉ trong chốt lát.
[432] Hạng được mẹ bảo hộ (māturakkhitā) nghĩa là có mẹ bảo hộ,[4] canh giữ,[5] thể hiện sự lãnh đạo,[6] vận hành sự quản lý.[7]
… Hạng có sự gìn giữ (sārakkhā) nghĩa là được giữ lại ngay ở trong phòng: “Cô ấy là của ta;” thậm chí còn được đặt quanh bằng các bó hoa.[8]
[433] ... Hạng sống chung vì y phục (paṭavāsinī) nghĩa là sau khi biếu xén y phục, (người đàn ông) giữ (nàng) sống chung (như là vợ).[9]
Hạng được cưới theo nghi thức (odapattakinī) nghĩa là nghĩa là sau khi chạm vào bát nước, (người đàn ông) giữ (nàng) sống chung (như là vợ).[10]
... Hạng có vật lót ở đầu được đặt xuống (obhatacumbaṭā) nghĩa là sau khi lấy xuống tấm đệm lót ở đầu (để mang vác), (người đàn ông) giữ (nàng) sống chung (như là vợ).[11]
... Hạng người làm công (kammakārī ca bhariyā ca) nghĩa là vừa là người làm công vừa là vợ.[12]
... [434] Người đàn ông phái vị Tỳ-khưu đi (nói rằng): “Thưa ngài, hãy đi đến người nữ được mẹ bảo hộ có tên như vầy nói rằng: ‘Nghe nói cô hãy là người vợ (hạng) được mua bằng của cải của người tên như vầy.’” Vị nhận lời, thông báo, đem lại (hồi báo) thì phạm tội saṅghādisesa(tăng tàng).
... [489] ... Người đàn ông bảo vị Tỳ-khưu rằng: “Thưa ngài, xin hãy đi và thông báo cho người nữ tên như vầy.” Vị ấy nhận lời, bảo người học trò thông báo, người học trò sau khi thông báo, đứng ở bên ngoài rồi đem lại (hồi báo) thì cả hai phạm tội thullaccaya (trọng tội).[14]
... [494] Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà nọ sau khi gây gỗ với chồng đã đi về nhà mẹ. Có vị Tỳ-khưu nọ đã làm công việc khuyên giải. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc. ...(như trên)...
- Này Tỳ-khưu, cô ta đã bị chồng bỏ (alaṃvacanīyā)?[15]
- Bạch Thế Tôn, cô ta không bị chồng bỏ.
- Này Tỳ-khưu, trường hợp không bị chồng bỏ thì vô tội.”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
[4] Không cho phép đi đến bất cứ nơi đâu (theo ngài Buddhaghosa).
[5] Giữ nàng ở nơi kín đáo, không để các người khác nhìn thấy (theo ngài Buddhaghosa).
[6] Cấm đoán nàng sống ở chỗ theo ý thích (theo ngài Buddhaghosa).
[7] Nói rằng: “Hãy làm điều này, chớ có làm điều kia” (theo ngài Buddhaghosa).
[8] Ṭīkā (Sớ giải) giải thích là “sasāmikā” nghĩa là cô ấy đã có chồng, đã có sở hữu chủ.
[9] Đề cập đến người đàn bà nghèo trở thành vợ sau khi nhận lấy y phục cho dầu chỉ là tấm áo choàng (theo ngài Buddhaghosa).
[10] Sau khi cả hai người nhúng hai tay vào trong một bát nước nói rằng: “Hãy gắn bó như là nước này, đừng có chia lìa” thì nàng được chấp nhận là vợ theo phong tục (theo ngài Buddhaghosa).
[11] Nàng là người kiếm củi, v.v... Sau khi lấy xuống từ đầu của nàng tấm đệm lót để đội vật nặng rồi đem về sống ở trong nhà (theo ngài Buddhaghosa).
[12] Nàng được thuê làm việc trong nhà. Người đàn ông không hài lòng với vợ của mình rồi san sẽ cuộc sống gia đình với nàng (theo ngài Buddhaghosa).
[13] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng: Khi đoàn quân dương cờ đi đến chiếm cứ một khu vực và nàng bị bắt đem lại, một người nào đó nhận nàng làm vợ nên được gọi là “dhajāhaṭā” (được đem lại dưới lá cờ).
[14] Người học trò khi quay trở về không báo cho thầy biết (đứng ở bên ngoài) và đích thân đem lại hồi báo cho người đàn ông. Người thầy bản thân nhận lời và bản thân bảo học trò thông báo nên phạm tội thullaccaya (trọng tội) vì hai phần ấy; còn người học trò bản thân thông báo và bản thân đem lại (hồi báo) nên phạm tội thullaccaya (trọng tội) vì hai phần ấy (theo ngài Buddhaghosa).
[15] Ngài Buddhaghosa giải thích “alaṃvacanīyā” là “pariccattā = bị từ bỏ.” Theo như trong một số quốc độ người đàn bà bị mất đi tính chất làm vợ thì gọi là “alaṃvacanīyā.” (alaṃ = vừa đủ, xứng đáng; vacanīya = nên được nói, cần phải nói. Alaṃvacanīyā = được nói đủ rồi, hết nước nói, không còn gì để nói).”
{
Lật giải:
Những đoạn [430 - 434] giải thích rõ hơn các trường hợp liên quan đến giới Tăng Tàng thứ năm: cấm các Tỳ-khưu làm mai mối. Phần phân tích nêu rõ những người mà các Tỳ-khưu không được đứng ra làm mai mối.
Những ai đọc kỹ Pātimokkha đều thấy phần phân tích của tạng Luật đều rất chi tiết, tỉ mỉ. Sở dĩ phải đầy đủ như thế vì để ngăn ngừa không cho những Tỳ-khưu rắn mắt (như đám Tỳ-khưu Lục Sư) lách luật, phá hoại Tăng Bảo.
Thế nhưng, nếu đọc kỹ những chú giải của luận sư Bà-la-môn Buddhaghosa đều thấy chúng rất chủ quan và có thâm ý tạo ra những kẽ hở cho những kẻ xấu phá giới bẻ luật. Cụ thể ở đây, chiếu theo những chú giải từ số 4 đến số 7 của Phật Âm thì các Tỳ-khưu vẫn có thể làm mai mối cho một đám đông người.
Thật vậy, với chú thích [4], nếu các Tỳ-khưu không được mai mối cho những người con được mẹ bảo hộ theo nghĩa không cho phép đi bất cứ đâu, chẳng lẽ họ có thể làm mai mối cho những người con được mẹ bảo hộ nhưng theo kiểu cho phép đi bất cứ đâu?
Cũng vậy, với chú thích [5], không lẽ các Tỳ-khưu có thể làm mai mối cho những người con không bị giữ nơi kín đáo, không để các người khác nhìn thấy? Vả lại cô gái đã bị canh giữ không cho ai nhìn thấy, nhưng tại sao ông Tỳ-khưu vẫn biết để làm mai mối? Chẳng lẽ những ông Tỳ-khưu hay tò mò, soi mói nên phải chế giới này?
Lại nữa, với chú thích [6] và [7], không lẽ các Tỳ-khưu không được mai mối cho những người con bị cấm sống ở chỗ theo ý thích, còn những người con không bị cấm sống ở chỗ ưa thích thì được phép mai mối ư? Cũng vậy, các Tỳ-khưu không được mai mối cho cô gái có cha mẹ “vận hành sự quản lý”, còn các cô gái không bị nói rằng: “Hãy làm điều này, chớ có làm điều kia” thì được phép mai mối sao?
Hơn nữa nếu hiểu “bảo hộ” theo cách của Phật Âm chú giải có nghĩa là không được đi bất cứ đâu, bị giữ nơi kín đáo không cho ai thấy, bị cấm sống ở nơi thích ý thì con gái trở thành tù nhân; còn cha, mẹ, anh chị trở thành cai ngục chứ “bảo hộ” nỗi gì?
Riêng chú thích [8] giải thích khái niệm “Hạng có sự gìn giữ” (sārakkhā) không phải của Phật Âm. Dịch giả ghi chú theo Ṭīkā (Sớ giải) giải thích từ “sasāmikā” (hay sārakkhā?) nghĩa là cô ấy đã có chồng, đã có sở hữu chủ cũng bất cập. Bởi, nếu hiểu “sasāmikā” (sārakkhā?) là cô gái đã có chủ sở hữu (ví dụ như nô lệ, hoặc “gái bao”) là hợp lý. Còn hiểu “sasāmikā” (sārakkhā?) theo nghĩa đã có chồng là không hợp lý, vì chẳng lẽ các Tỳ-khưu lại đi làm mai mối cho người đã có chồng, điều này chẳng khác nào phá hoại hạnh phúc gia đình người ta. Người thường ít ai làm vậy huống hồ Tỷ-kheo.
Còn theo theo chú thích [9] đề cập đến người đàn bà nghèo. Chiếu theo đây Tỳ-khưu không được mai mối cho người đàn bà nghèo, nhưng có thể làm mai cho người đàn bà giàu có chăng? Đâu phải chỉ có đàn bà nghèo mới nhận y phục và làm vợ người khác.
Chú thích [10]: Nước có gắn bó với nhau không? “Phong tục” sau một ngàn năm của luận sư Bà-la-môn Buddhaghosa thật khôi hài! Lấy nhau theo nghi thức chạm vào bát nước với ý nghĩa sống với nhau tình nghĩa như bát nước đầy thì hợp lý hơn.
Chú thích [11], [12], [13]: Thông tin thừa, vô ích, không cần thiết. Thế nhưng những chú giải kiểu đoán mò này lại dễ khiến cho kẻ ngây thơ tin ngay rằng “Thánh Tăng” Phật Âm cái gì cũng thấu suốt, cái gì cũng hiểu biết nên mới chú giải rành rẽ.
Riêng đoạn Luật [489] có ý nghĩa quá rõ ràng. Một người bình thường có thể hiểu như sau: “Người đàn ông bảo vị Tỳ-khưu rằng: “Thưa ngài, xin hãy đi và thông báo cho người nữ tên như vầy.” Vị ấy nhận lời, bảo người học trò thông báo, người học trò sau khi thông báo, đứng ở bên ngoài (chỗ của người nữ) rồi đem lại (hồi báo) (cho vị thày) thì cả hai phạm tội thullaccaya(trọng tội). Cả hai phạm trọng tội vì vị thày chưa hồi báo cho người đàn ông (Nếu vị thày hồi báo, ông sẽ phạm tội Tăng tàng).
Thế nhưng theo chú giải [14] của Phật Âm, hai thày trò vị Tỳ-khưu chỉ cần ranh mãnh một chút (giống như nhóm Lục Sư) chỉ để người học trò mai mối là họ vẫn có thể làm mối mai nhưng chỉ bị phạm tội thullaccaya mà thôi.
Đoạn Luật [494] cũng rất rõ. Khi người đàn bà gây gỗ với chồng rồi bỏ đi, phải xem xét bà ta có phải là người hư đốn không. Cho nên Đức Phật đã hỏi bà ta có phải là hạng đàn bà “alaṃvacanīyā” (lăng loàn trắc nết, hết nước nói) không? Vì bà ta không phải hạng quá hư đốn, không còn dạy nổi nên vị Tỳ-khưu khuyên giải để giúp họ hoà hợp không bị phạm tội.
Nếu hiểu “alaṃvacanīyā” là bị từ bỏ như Phật Âm chú thích, e rằng các Tỳ-khưu có khối dịp can dự vào chuyện riêng của gia đình người khác mà vẫn vô tội. Gặp người đàn bà “hết nước nói” dù các vị Tỳ-khưu có được Phật Âm tha tội nhưng coi chừng vừa tốn công vô ích lại vừa dễ gặp tai họa.
_____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 3.1 Phân Tích giới Tỳ-khưu, Điều Saṅghādisesa - Tăng Tàng thứ sáu: về việc xây dựng cốc liêu (xem quy định cụ thể phần 3.2 ở sau)
Dẫn: Đây Tội Tăng Tàn thứ sáu liên quan đến việc các Tỳ-khưu ở thành Āḷavī van xin dân chúng vật liệu để xây dựng cốc liêu một cách quá đáng, đến độ dân chúng chán ngán tránh né. Đức Thế Tôn sau khi biết chuyện đã khiển trách các Tỳ-khưu tại Āḷavī. Nhân đây Ngài đã kể một câu chuyện để răn dạy các Tỳ-khưu (Xem chánh Luật).
Trích đoạn mở đầu câu chuyện có chú thích của Phật Âm:
“[499] - Này các Tỳ-khưu, vào thời trước đây có hai anh em ẩn sĩ đã sống nương tựa vào giòng sông Gaṅgā. Này các Tỳ-khưu, khi ấy rồng chúa Maṇikaṇṭha [1] đã vượt qua giòng sông Gaṅgā và đi đến gặp vị ẩn sĩ trẻ tuổi, sau khi đến đã dùng các phần thân thể quấn quanh vị ẩn sĩ trẻ tuổi bảy vòng rồi phồng lớn mang ở trên đầu (vị ấy) và giữ nguyên...”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
“[1] Maṇikaṇṭha nghĩa là “cổ có ngọc ma-ni.” Ngài Buddhaghosa giải thích rằng: “Nghe nói con rồng chúa ấy khi đi có trang điểm ở cổ một viên ngọc ma-ni lớn vĩ đại (có thể) ban cho tất cả các điều mong ước; vì thế được biết đến với tên ‘Maṇikaṇṭha,’”
{
Lật giải:
“Ngài” Bà-la-môn Buddhaghosa sống sau Phật cả ngàn năm đã nghe ai nói như trên? Một người trí không bao giờ tin theo những chú thích vớ vẩn vu vơ theo kiểu “nghe nói” như vậy, nhất là từ một người ngoại học sống sau các sự kiện “nghe nói” đến hàng ngàn năm. Thế nhưng với những kẻ cả tin ngây thơ, những chú giải chung chung vô căn cứ như trên lại có giá trị tôn vinh thêm cho “Thánh Tăng Phật Âm”. Thế mới chết với ‘ngài’!
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 3.2 Phân Tích giới Tỳ-khưu, Điều Saṅghādisesa - Tăng Tàng thứ sáu (tt):
Đức Thế Tôn quy định điều luật:
“Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị Tỳ-khưu tự xin (vật liệu) rồi trong khi cho xây dựng cốc liêu không có thí chủ, dành cho bản thân thì nên cho làm theo kích thước. Ở đây, kích thước này là chiều dài mười hai gang theo gang tay của đức Thiện Thệ,[2] chiều ngang bảy gang ở bên trong, và nên dẫn các vị Tỳ-khưu đến để xác định khu đất. Các vị Tỳ-khưu ấy nên xác định khu đất là không có điều chướng ngại, có khoảng trống xung quanh. Nếu vị Tỳ-khưu tự xin (vật liệu) rồi cho xây dựng cốc liêu dành cho bản thân ở khu đất có điều chướng ngại, không có khoảng trống xung quanh, hoặc không dẫn các vị Tỳ-khưu đến để xác định khu đất, hoặc vượt quá kích thước thì tội saṅghādisesa (tăng tàng).”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
“[2] Sugatavidatthi (gang tay của đức Thiện Thệ): được ngài Buddhaghosa giải thích bằng ba lần gang tay của người bậc trung. Cũng vậy, HT Bửu Chơn ghi rằng 1 gang của người bậc trung là 0,25 mét và tính ra diện tích là 9,00 mét x 5,20 mét (Tứ Thanh Tịnh Giới, trang 33, ở phần chú thích). Trong tài liệu Vinayamukha, ngài Mahāsamaṇa Chao đề nghị rằng sugatavidatthi, tức là gang tay của đức Thiện Thệ, nên được tính theo kích thước trung bình là 0,25 mét; như vậy diện tích sẽ là 3,00 mét x 1,75 mét. Vì đây là “kuṭi” nên chúng tôi nghĩ rằng kích thước thứ hai hợp lý hơn.”
{
Lật giải:
Theo giải thích của “ngài” Buddhaghosa, hẳn đức Thiện Thệ phải là một người khổng lồ, to lớn gấp ba lần người bậc trung, nên Ngài mới có gang tay dài như thế. Và điều này còn có nghĩa cốc liêu của những ai tin ông Bà-la-môn giả sư được phép lớn gấp ba lần cốc liêu của các Tỳ-khưu thời Đức Phật.
Lại nữa, trong điều luật 87 của giới Ưng xả đối trị, Đức Phật có quy định “Trong lúc cho thực hiện giường hoặc ghế mới, vị Tỳ-khưu nên bảo làm chân cao tám ngón tay theo ngón tay của đức Thiện Thệ ngoại trừ phần khung giường ở bên dưới. Nếu vượt quá mức ấy thì nên cắt bớt và phạm tội pācittiya (ưng đối trị).” Căn cứ theo đây, với ngón tay của bậc Thiện Thệ dài gấp ba lần người bậc trung, chắc hẳn các Tỳ-khưu phải dùng thang để leo lên giường và ghế của mình?
Lại nữa, trong điều luật 89 của giới Ưng xả đối trị đã quy định: “Trong lúc cho thực hiện tọa cụ, vị Tỳ-khưu nên bảo làm theo kích thước. Ở đây, kích thước này là chiều dài hai gang tay, chiều rộng một gang rưỡi, đường viền một gang theo gang tay của đức Thiện Thệ. Nếu vượt quá mức ấy thì (tọa cụ) nên được cắt bớt và phạm tội pācittiya (ưng đối trị).” Chiếu theo chú giải của Bà-la-môn Phật Âm, toạ cụ của các Tỳ-khưu có thể rộng bằng cả một cái chiếu lớn, đủ chỗ cho hai ba người ngồi (?)
Ai không chấp nhận những lý giải trên, làm ơn giải thích và chứng minh vì sao một luận sư Bà-la-môn sống sau Phật cả ngàn năm lại biết gang tay của Phật lớn như thế? Vì Đức Phật có thần thông ư? Nếu vậy, không lẽ giờ đây, có một ông tự xưng mình là Thánh sống và phán rằng vì Phật có thần thông nên gang tay của Ngài dài bằng năm lần gang tay người bậc trung, rồi cho phép xây cốc liêu to hơn nữa, làm giường ghế to hơn nữa, toạ cụ rộng hơn nữa, mọi người cũng tin theo à?
Ở đây, cần hiểu rằng theo thời gian và tại mỗi xứ khác nhau, các đơn vị đo chiều dài sẽ khác nhau. Do vậy việc quy định kích thước theo gang tay của Đức Thiện Thệ có tính quy ước, nhằm thống nhất kích thước trong đạo, và để tỏ lòng tưởng nhớ đến Đức Thế Tôn. Theo đây ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời đại nào cũng vậy, dùng gang tay của một người trung bình để ước lường kích thước trú xá, cốc liêu, y áo, tọa cụ là điều hợp lý.
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 3.3 Phân Tích giới Tỳ-khưu, Điều Saṅghādisesa - Tăng Tàng thứ sáu (tt): (về việc xây dựng cốc liêu, xem quy định cụ thể 3.2 ở trên)
Dưới đây là trích đoạn Luật các trường hợp ngoại lệ, xây dựng cốc liêu khác biệt nhưng được miễn tội:
“[522] Vô tội trong trường hợp hang núi, hang nhân tạo, chòi cỏ, vì nhu cầu của vị khác, trong mọi trường hợp ngoại trừ nhà ở,[3] vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
“[3] Ngoại trừ nhà ở cho mục đích trú ngụ của vị ấy (thì phạm tội). Nếu vị ấy cho xây dựng bảo rằng: “Sẽ là nhà làm lễ Uposatha, nhà tắm hơi, nhà ăn, nhà đốt lửa khác nữa,” trong mọi trường hợp thì vô tội. Tuy nhiên, nếu vị ấy nghĩ rằng: “Sẽ là nhà làm lễ Uposatha và ta sẽ trú ngụ,” “Sẽ là nhà tắm hơi, nhà ăn, nhà đốt lửa và ta sẽ trú ngụ,” trong khi được cho làm thì vị ấy phạm tội (theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa).”
{
Lật giải:
Trong luật Tăng Tàng thứ sáu có quy định về việc xây dựng cốc liêu phải theo 4 yêu cầu chính:
1. Trên khu đất được xác định
2. Theo đúng kích thước quy định
3. Không có điều chướng ngại
4. Có khoảng trống xung quanh.
Tuy nhiên đoạn chánh Luật nêu trên liệt kê những trường hợp được miễn tội. Trong đó có thêm phần chú thích số [3] không hợp lý của Phật Âm.
Cũng theo chánh Luật, Đức Phật đã quy định cấm xây dựng bếp trong tu viện. Vả lại như phần định nghĩa về Tỳ-khưu đã nói rõ “Tỳ-khưu: “Vị đi khất thực” là Tỳ-khưu. “Vị chấp nhận việc đi khất thực” là Tỳ-khưu...”, do vậy Phật Âm chú giải việc Tỳ-khưu xây nhà ăn cần xác định rõ thêm là không phải nhà bếp mới không phạm tội.
Trong phần Ưng đối trị, điều luật số 56 quy định rõ: “Vị Tỳ-khưu nào vô bệnh, đốt lửa muốn sưởi ấm hoặc sai đốt lửa, phạm ưng đối trị, ngoại trừ có duyên cớ hợp lẽ”. Duyên cớ hợp lẽ ở đây có thể hiểu là đốt lửa cho phòng tắm hơi giúp tránh bệnh (Chương Các Tiểu Sự, đoạn [78]), hoặc vì lý do an toàn vệ sinh, chống dịch bệnh lây lan... Do vậy một chiều theo chú giải của Phật Âm cho phép Tỳ-khưu xây nhà đốt lửa bừa bãi nhưng vô tội là không hợp lý, có thể phạm luật.
Vả lại, theo chú thích của Phật Âm, vị Tỳ-khưu ma mãnh cứ xây cất bừa bãi, nếu có ai luận tội, vị ấy nói “tôi đã nghĩ như thế này, đã nghĩ như thế kia” thì không phạm tội ư? Ai biết vị Tỳ-khưu nghĩ gì, có nghĩ hay không nghĩ để bắt tội đây? Rõ ràng điều chú thích của Phật Âm là mơ hồ, khó chấp nhận.
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 3.4 Phân Tích giới Tỳ-khưu, Điều Saṅghādisesa - Tăng Tàng thứ bảy: về việc chọn nơi xây cốc liêu.
“[523] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Kosambī, tu viện Ghosita.[4] Vào lúc bấy giờ, người gia chủ hộ độ Đại Đức Channa [5] đã nói với Đại Đức Channa điều này:
- Thưa ngài, hãy tìm kiếm khu đất của trú xá. Tôi muốn cho xây dựng trú xá cho ngài Đại Đức.
... Sau đó, trong khi dọn sạch khu đất của trú xá, Đại Đức Channa đã cho người đốn cội cây nọ vốn là nơi thờ phượng được làng mạc tôn kính, được thị trấn tôn kính, được thành phố tôn kính, được xứ sở tôn kính, được lãnh thổ tôn kính. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các sa-môn Thích tử lại cho chặt cội cây vốn là nơi thờ phượng được làng mạc tôn kính, được thị trấn tôn kính, được thành phố tôn kính, được xứ sở tôn kính, được lãnh thổ tôn kính? Các sa-môn Thích tử làm hại cuộc sống của loài có một giác quan?[6]
...
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- ...(như trên)... Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại cho chặt cội cây vốn là nơi thờ phượng được làng mạc tôn kính, được thị trấn tôn kính, được thành phố tôn kính, được xứ sở tôn kính, được lãnh thổ tôn kính vậy? Này kẻ rồ dại, bởi vì có những chúng sanh có tâm thức là những hạng người ở trên cây cối. Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
[5] Channa: (Xa-nặc của Hán tạng) là người hầu cận của thái tử Siddhattha (Sĩ-đạt-ta) về sau trở thành đức Phật.
{
Lật giải:
Những chú thích khơi khơi của một người sống sau Phật cả ngàn năm cần phải được kiểm chứng hoặc chứng minh cụ thể rồi mới chấp nhận. Phật Âm đã căn cứ vào tài liệu nào lại chú giải tu viện Ghosita được cho xây dựng bởi người phú hộ tên Ghosita?
Nếu những người tin ông Bà-la-môn giả sư không đưa ra những chứng minh cụ thể, điều này với những người trí sẽ cho Phật Âm là kẻ đoán mò theo kiểu tu viện Anāthapiṇḍika là do ông Anāthapiṇḍika cúng dường. Chỉ có điều sự đoán mò này sẽ khiến những ai ngây thơ dễ tin rằng ông Bà-la-môn giả sư cái gì cũng biết, từ đó mù quáng nghe theo tất cả những giải thích phi pháp phi luật của ông ta, để rồi rơi vào tà kiến mà không biết.
Chú thích [5] không nêu rõ của ai. Trong Kinh và Luật có rất nhiều vị trùng tên, trùng họ, vì thế cho rằng Đại Đức Channa trong đoạn luật trên chính là Channa hầu cận của thái tử Siddhattha cũng cần kiểm chứng lại. Thêm nữa chú thích như trên dễ bị hiểu lầm là Channa về sau trở thành đức Phật!
Chú thích [6] của Phật Âm hoàn toàn không chính xác với điều đức Phật đã nêu rõ trong Luật “bởi vì có những chúng sanh có tâm thức là những hạng người ở trên cây cối”. Do vậy “loài một giác quan” phải được hiểu theo tín ngưỡng dân gian là vị “thần cây” (xem thêm phần Thảo mộc, điều học thứ nhất, đoạn [354]). Các Tỳ-khưu cần phải hiểu như vậy và phải tôn trọng những giá trị tín ngưỡng tâm linh thiêng liêng của dân chúng, không được tự ý phá bỏ.
Bên cạnh đó, “chúng sanh có tâm thức” hoặc “loài có một giác quan” ở trên cây cũng có thể hiểu là các sinh vật cộng trú trên cây đó. Chặt đốn cây bừa bãi, ảnh hưởng đến cả các sanh vật khác, đứng về mặt từ bi nhân bản và bảo vệ môi trường đều không tốt.
Thế nhưng với chú thích của Phật Âm rất nguy hiểm. Bởi lẽ nếu vị Tỳ-khưu đơn giản giản nghĩ rằng “loài có một giác quan” chỉ là loài có một xúc giác như giun, trùng..., sẽ dẫn đến có thái độ coi thường hoặc phá bỏ các biểu tượng thờ phượng của dân chúng. Điều này không những nguy hại cho bản thân vị Tỳ-khưu mà còn cho Tăng đoàn nơi đó, bởi lẽ đập phá bừa bãi tín ngưỡng người khác chẳng khác nào kêu gọi họ đập phá lại mình.
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 3.5 Phân Tích giới Tỳ-khưu, Điều Saṅghādisesa - Tăng Tàng thứ tám: tội vu khống Tỳ-khưu khác
“[540] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, phẩm vị A-la-hán đã được Đại Đức Dabba Mallaputta[7] chứng đạt vào lúc bảy tuổi. Vị ấy đã thành đạt tất cả những gì vị đệ tử cần phải chứng đạt. Và đối với vị ấy, không có bất cứ việc gì cao thượng hơn cần phải làm hoặc sự tích lũy thêm (các việc) đã làm.
... [544] Vào lúc bấy giờ, các Tỳ-khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka[8] chỉ là các vị mới tu và phước báu ít ỏi. Các vị ấy thường nhận được những chỗ trú ngụ kém thuộc về hội chúng và những bữa ăn tồi.”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
“[7] Ngài Dabba là con trai của vua xứ Malla (theo ngài Buddhaghosa).
[8] Theo ngài Buddhaghosa, hai vị này là các vị đứng đầu trong nhóm Lục Sư. Thứ tự được ngài trình bày là hai vị Paṇḍuka và Lohitaka ở thành Sāvatthi, hai vị Mettiya và Bhummajaka ở thành Rājagaha, hai vị Assaji và Punabbasuka ở vùng núi Kīṭā.”
{
Lật giải:
Một người sống sau Phật cả ngàn năm, nếu chỉ dựa vào cái tên “Mallaputta” mà phán như chú thích số 7, chẳng khác nào đoán mò, và ai tin ngay là tin ẩu. Cứ kiểu này không lẽ hiện nay những ai mang tên Nhật Hoàng, Thái Hoàng, Đức Hoàng; sau này có kẻ chú thích bừa cho làm vua Nhật, vua Thái, vua Đức mọi người cũng tin theo ư?
Những ai tin Phật Âm cần phải chứng minh chú giải số [7] và [8] của ông Bà-la-môn giả sư là có căn cứ cụ thể. Nếu không, người khách quan có quyền nghi ngờ rằng ‘Có thể vì Dabba là con trai của vua xứ Malla cho nên mới được Phật giáo tấn phong cho làm Thánh Tăng A La Hán cho dù mới chỉ có bảy tuồi. Thánh tướng kiểu gì mà một đứa con nít hỉ mũi chưa sạch cũng chứng được?’
Không loại trừ khả năng những thông tin trong chánh luật đã bị Phật Âm cải biên sửa đổi rồi chú thích thêm nhằm bôi nhọ Phật giáo mà mọi người không biết. Thật vậy:
1. Trong các Tạng Kinh Nikāya cấp 1, không có một trường hợp nào được ghi nhận cho thấy có chuyện một đứa trẻ có thể chứng đắc A-la-hán. Ngay cho dù đứa trẻ này kiếp trước có tu hành như thế nào chăng nữa cũng không thể hơn được Đức Phật và các Thánh Tăng - tất cả những vị này đều chứng đắc khi đã trưởng thành.
2. Mới bảy tuổi, theo Luật, chưa thể là Tỳ-khưu. Chưa đắp y thọ Tỳ-khưu mà chứng A-la-hán, e rằng không sống lâu được quá bảy ngày.
3. Hoàn toàn không khó khăn gì khi Phật Âm muốn chua thêm vài từ ‘bảy tuổi’ vào bản luật, hoặc sửa đổi con số “hai mươi bảy tuổi”, hoặc “ba bảy tuổi”, hoặc “bốn bảy tuổi” thành “bảy tuổi” nhằm tầm thường hoá Thánh vị A La Hán của đạo Phật. Sau đó ‘ngài’ chú thích bịa thêm cho Dabba làm con vua để Phật giáo dễ mang tiếng oan phong thánh cho thái tử nhí để lấy lòng vua xứ Malla. Như vậy ông giả sư Bà-la-môn chỉ với thủ đoạn cải biên và chú thích ác hiểm một chút, đã bắn một lúc hai mục tiêu. Nguy hiểm hơn nữa, về sau này nhiều người trong Phật giáo rơi vào bẫy của các Bà-la-môn ngoại học, xem thường thánh đạo quả A La Hán khi tin tưởng rằng Phật giáo có những ‘thánh nhi đồng’ hỷ mũi chưa sạch.
Đọc kỹ đoạn Luật sau đây sẽ thấy cụm từ “vào lúc bảy tuổi” khá gượng ép. Nếu bỏ cụm từ này đi câu nói của Đại Đức Dabba Mallaputta thực tế hơn, nhất là trước mặt vị Đạo Sư khả kính:
“[541]... Khi đã ngồi xuống một bên, Đại Đức Dabba Mallaputta đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, trường hợp con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Phẩm vị A-la-hán đã được ta chứng đạt vào lúc bảy tuổi. Ta đã thành đạt tất cả những gì vị đệ tử cần phải chứng đạt. Và đối với ta, không có bất cứ việc gì cao thượng hơn cần phải làm hoặc sự tích lũy thêm (các việc) đã làm. Vậy ta nên thực hiện việc phục vụ gì cho hội chúng?” Bạch ngài, rồi điều này đã khởi đến cho con: “Hay là ta nên phân bố chỗ cư ngụ và sắp xếp các bữa ăn cho hội chúng?” Bạch ngài, con muốn phân bố chỗ cư ngụ và sắp xếp các bữa ăn cho hội chúng.”
- Này Dabba, tốt lắm, tốt lắm! Chính vì điều ấy ngươi hãy phân bố chỗ cư ngụ và sắp xếp các bữa ăn cho hội chúng.
- Bạch Ngài, xin vâng. Đại Đức Dabba Mallaputta đã đáp lại Đức Thế Tôn.” (Hết trích)
Cần lưu ý thêm, trước sau trong Chánh Luật đều ghi rõ đạo vị của Dabba Mallaputta là “Đại Đức”. Còn trong chánh kinh Phật Tự Thuyết ghi rõ “Tôn giả Dabba Mallaputta” đến xin Thế Tôn được nhập Niết Bàn. Sau đó “Tôn giả Dabha Mallaputta từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, bay lên hư không, ngồi kiết-già giữa hư không, nhập định hỏa giới, xuất khỏi định và nhập Niết-bàn.
Khi Tôn giả Dabha Mallaputta bay lên hư không, ngồi kiết-già giữa hư không, nhập định hỏa giới, xuất khỏi định và nhập Niết Bàn, thân của Tôn giả được cháy sạch, đốt sạch, không còn có than hay có tro có thể thấy được. Ví như bơ hay dầu được cháy, được đốt, không còn có than hay có tro có thể thấy được.”(Ud92) Theo đây, cách xưng hô “Đại Đức” hoặc “Tôn giả” thích ứng với vị Tỳ-khưu đã trưởng thành và đắc đạo, hơn là với một đứa trẻ.
Do vậy, nếu quả thật có chuyện Dabba Mallaputta đắc “quả thánh” “vào lúc bấy giờ” khi mới có bảy tuổi, thì cũng theo Luật định, chú bé sadi Dabba không thể xuất gia làm Tỳ-khưu, vì chú chưa đủ hai mươi tuổi. Dabba Mallaputta vẫn còn là sadi, chưa thọ cụ túc giới, cho nên cách xưng hô “Đại Đức” là không hợp với lẽ thông thường, trừ trường hợp “Tôn giả” Dabba Mallaputta đã bị ai đó bớt tuổi, biến thành đứa con nít, nhằm mục đích tầm thường hóa Thánh Quả A La Hán của Đạo Phật.
Thêm nữa, có hợp lý không khi “vào lúc bấy giờ” Tăng chúng phải cần đến một chú bé mới bảy tuổi lo chuyện “phân bố chỗ cư ngụ và sắp xếp các bữa ăn cho hội chúng”? Chẳng lẽ Tăng đoàn hết người rồi hay sao?
Bên cạnh đó, cũng theo đoạn Luật kế tiếp [546] và [566] (V. Chương Saṅghādisesa (Tăng Tàng) thứ chín), cũng “vào lúc bấy giờ” và cũng chính tại Rājagaha, Veḷuvana; Đại Đức Dabba Mallaputta đã bị nhóm Tỳ-khưu Mettiya và Bhummajaka vu khống đặt điều quan hệ nam nữ, thậm chí vu cáo Đại Đức Dabba Mallaputta đã làm ô nhục Tỳ-khưu-ni Mettiyā.
Nguyên văn lời vu khống như sau: “[546]… Rồi Tỳ-khưu-ni Mettiyā nghe theo các Tỳ-khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka đã đi đến gặp Đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, Tỳ-khưu-ni Mettiyā đã nói với Đức Thế Tôn điều này:
- Bạch Ngài, điều này là không đúng đắn, không hợp lý. Bạch Ngài, chính ở quốc độ nào không có sự sợ hãi, không có tai họa, không có sầu khổ thì chính ở quốc độ ấy có sự sợ hãi, có tai họa, và có sầu khổ. Từ nơi nào gió lặng đi thì từ nơi ấy có bão tố. Con nghĩ rằng nước đã bùng cháy lên rồi; con đã bị ô nhục bởi ngài Đại Đức Dabba Mallaputta.”…
“[566] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, các Tỳ-khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka trong lúc đang đi xuống từ núi Gijjhakūṭa đã nhìn thấy con dê đực đang tình tự với con dê cái, sau khi nhìn thấy đã nói như vầy:
- Này các Đại Đức, giờ chúng ta đặt tên con dê đực này là Dabba Mallaputta và đặt tên con dê cái này là Tỳ-khưu-ni Mettiyā, rồi chúng ta sẽ phát biểu như vầy: “Này các Đại Đức, trước đây chúng tôi nói về Dabba Mallaputta do đã được nghe; bây giờ chúng tôi đã thấy được đương sự đang tình tự với Tỳ-khưu-ni Mettiyā.” Các vị ấy đã đặt tên con dê đực ấy là Dabba Mallaputta và đã đặt tên con dê cái ấy là Tỳ-khưu-ni Mettiyā. Các vị ấy đã kể lại cho các Tỳ-khưu rằng:
- Này các Đại Đức, trước đây chúng tôi nói về Dabba Mallaputta do đã được nghe; bây giờ chúng tôi đã thấy được đương sự đang tình tự với Tỳ-khưu-ni Mettiyā…”
Một sadi mới bảy tuổi đã có thể làm “ô nhục” và đã biết “tình tự với Tỳ-khưu-ni” ư? Hay vì ngài đắc A La Hán rồi nên dậy thì trước tuổi? Chỉ có điên mới tin chuyện này. Nhóm Tỳ-khưu Mettiya và Bhummajaka không phải là những đứa con nít ngu khờ lại đi vu cáo một đứa con nít mới bảy tuổi quan hệ “tình tự” với Tỳ-khưu-ni để tự tố cáo chính mình nói bậy! Và chuyện này sẽ càng vô lý hơn nếu nhiều người biết Dabba Mallaputta là một vị “A La Hán” đã ly được dục??? Rõ ràng chỉ có trường hợp ‘ngài Đại Đức Dabba Mallaputta’ đã bị ai đó đời sau bịa đặt “nhi đồng hóa” ngài.
Và càng vô lý hơn nữa, cũng trong phẩm Tăng Tàng nêu trên, ở đoạn kế tiếp, Đức Thế Tôn đã hỏi Dabba Mallaputta về chuyện “làm ô nhục” và chuyện “tình tự” của Dabba Mallaputta, và Dabba Mallaputta đã phủ nhận. Có tin được không khi một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác lại đi hỏi một “Thánh nhi đồng” bảy tuổi về chuyện quan hệ luyến ái với một Tỳ-khưu-ni?
Với các luận cứ trên, chứng tỏ sự kiện Dabba Mallaputta chứng “thánh quả A La Hán” dù mới chỉ bảy tuổi là hoàn toàn có khả năng do một “kẻ lạ” nào đó cố tình cải biên sửa đổi nhằm tạo tiền đề tầm thường hóa Thánh Quả A La Hán của Đạo Phật, bôi nhọ Tăng Đoàn và cả Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
“Kẻ lạ” đó là ai? Hẳn những người có trí tuệ suy tư cẩn trọng có nhiều cơ sở để nhận ra. Mời đọc tiếp để khẳng định rõ bộ mặt thật của “kẻ lạ” phá hoại Phật Pháp.
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 3.6 Phân Tích giới Tỳ-khưu, Điều Saṅghādisesa - Tăng Tàng mười: tội gây chia rẽ chúng Tăng
“[597] ... Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị Tỳ-khưu nào ra sức chia rẽ hội chúng hợp nhất hoặc nắm lấy cuộc tranh tụng đưa đến chia rẽ, rồi loan truyền, chấp giữ.
Vị Tỳ-khưu ấy nên được nói bởi các Tỳ-khưu như vầy: ‘Đại Đức chớ có ra sức chia rẽ hội chúng hợp nhất, hoặc nắm lấy cuộc tranh tụng đưa đến chia rẽ, rồi loan truyền, chấp giữ. Đại Đức hãy hòa nhập cùng hội chúng vì hội chúng hợp nhất, thân thiện, không cãi cọ, chung một nguyên tắc [1] thì sống được an lạc.’
Và khi được các Tỳ-khưu nói như vậy mà vị Tỳ-khưu ấy vẫn chấp giữ y như thế, thì vị Tỳ-khưu ấy nên được các Tỳ-khưu nhắc nhở đến lần thứ ba để dứt bỏ việc ấy. Nếu được nhắc nhở đến lần thứ ba mà dứt bỏ việc ấy, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không dứt bỏ thì phạm tội saṅghādisesa (tăng tàng).”
[597] ... Vị Tỳ-khưu ấy nên được kéo[3] đến giữa hội chúng rồi nên được nói rằng: “Đại Đức chớ có ra sức chia rẽ hội chúng hợp nhất, hoặc nắm lấy cuộc tranh tụng đưa đến chia rẽ, rồi loan truyền, chấp giữ. Đại Đức hãy hòa nhập cùng hội chúng vì hội chúng hợp nhất, thân thiện, không cãi cọ, chung một nguyên tắc, thì sống được an lạc.” Nên được nói đến lần thứ nhì. Nên được nói đến lần thứ ba. Nếu (vị ấy) dứt bỏ, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không dứt bỏ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
“[1] Ekuddeso: chung sự đọc tụng giới bổn Pātimokkha đang được hiện hành (theo ngài Buddhaghosa).
[3] Ngài Buddhaghosa giải thích là “... nắm lấy các tay và các chân kéo đến giữa hội chúng ...”
{
Lật giải:
Chú thích [1]: Chung một nguyên tắc cần được hiểu rộng hơn là nguyên tắc về Pháp và Luật của Đức Thế Tôn. Chú giải của Phật Âm làm hạn chế ý nghĩa của sự hoà hợp về nguyên tắc.
Chú thích [3]: Danh từ số nhiều “các tay và các chân” tuy không sai nhưng dễ khiến người đọc nhớ đến kiểu móc mỉa của các ông Bà-la-môn thời Phật. Nhưng tại sao phải nắm “các chân” của vị Tỳ-khưu phạm tội? Tỳ-khưu chứ có phải con vật đâu lại hành xử như thế? Chú giải của luận sư Bà-la-môn có miệt thị Tăng chúng không? Có xúi dại con Phật không? Có điên không?
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 3.7 Phân Tích giới Tỳ-khưu, Điều Saṅghādisesa - Tăng Tàng thứ mười ba: tội làm hư hỏng các gia đình
“[616] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các vị nhóm Assaji và Punabbasuka[7] thường trú[8] tại vùng Kiṭāgiri (núi Kiṭā) là những Tỳ-khưu tồi, không biết hổ thẹn. Họ hành xử sai nguyên tắc có hình thức như vầy: Họ trồng bông hoa hoặc bảo kẻ khác trồng, họ tưới hoặc bảo kẻ khác tưới, họ hái hoặc bảo kẻ khác hái, họ kết lại hoặc bảo kẻ khác kết lại, họ làm hoặc bảo kẻ khác làm tràng hoa kết một mặt, họ làm hoặc bảo kẻ khác làm tràng hoa kết hai mặt, họ làm hoặc bảo kẻ khác làm thảm hoa, họ làm hoặc bảo kẻ khác làm vòng hoa, họ làm hoặc bảo kẻ khác làm vòng hoa đội đầu, họ làm hoặc bảo kẻ khác làm vòng hoa đeo tai, họ làm hoặc bảo kẻ khác làm vòng hoa che ngực. Họ đem tặng hoặc bảo kẻ khác đem tặng tràng hoa kết một mặt, tràng hoa kết hai mặt, thảm hoa, vòng hoa, vòng hoa đội đầu, vòng hoa đeo tai, vòng hoa che ngực cho những nữ gia chủ, các cô tiểu thơ, những cô gái trẻ, các cô dâu, những cô tớ gái của các gia đình.
Họ cùng với những nữ gia chủ, các cô tiểu thơ, những cô gái trẻ, các cô dâu, những cô tớ gái của các gia đình ăn chung trong một đĩa, uống chung trong một cốc, ngồi chung trên một chỗ ngồi, nằm chung trên một giường, nằm chung một tấm trải, nằm chung một tấm đắp, nằm chung một tấm trải và tấm đắp. Họ ăn sái giờ, họ uống rượu, họ đeo dây chuyền, xức nước hoa và phấn thơm, họ nhảy múa, họ ca hát, họ tấu đàn, họ vui đùa. Họ lại còn nhảy múa, ca hát, tấu đàn, vui đùa cùng với người nữ đang nhảy múa; họ lại còn nhảy múa, ca hát, tấu đàn, vui đùa cùng với người nữ đang ca hát; họ lại còn nhảy múa, ca hát, tấu đàn, vui đùa cùng với người nữ đang tấu đàn; họ lại còn nhảy múa, ca hát, tấu đàn, vui đùa cùng với người nữ đang vui đùa. Họ còn tiêu khiển cờ tám ô vuông, cờ mười ô vuông, họ chơi với bàn cờ tưởng tượng ở trên không, họ chơi lối sắp vòng tròn, họ chơi lối rút quân cờ, họ chơi ném xúc xắc, họ chơi đánh gậy, họ chơi trò vẽ bằng tay, họ chơi trò sấp ngữa, họ chơi trò thổi kèn bằng lá cây, họ chơi trò uốn dẻo, họ chơi trò nhào lộn, họ chơi trò dùng lá cọ giả làm cối xay gió, họ chơi trò đo lường, họ chơi trò đua xe, họ thi bắn cung, họ chơi trò đố chữ, họ chơi trò đoán ý, họ chơi trò nhái điệu bộ, họ tập cỡi voi, họ tập cỡi ngựa, họ tập điều khiển xe, họ tập bắn cung, họ tập đao kiếm, họ chạy phía trước voi, họ chạy phía trước ngựa, họ chạy đi chạy lại phía trước xe; họ huýt sáo, họ vỗ tay, họ vật lộn, họ dùng tay đánh nhau. Họ trải y ca-sa hai lớp ở giữa nhà rồi mời cô vũ nữ rằng: “Này cô em, hãy nhảy ở đây này,” họ còn vỗ tay tán thưởng. Họ hành xử sai nguyên tắc theo nhiều cách.”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
“[7] Theo ngài Buddhaghosa, hai vị này là các vị đứng đầu trong nhóm Lục Sư. Theo thứ tự được ngài trình bày là hai vị Paṇḍuka và Lohitaka ở thành Sāvatthi, hai vị khác đã được đề cập trước đây là Mettiya và Bhummajaka ở thành Rājagaha, và hai vị này ở vùng Kīṭāgiri.
[8] Được gọi là “āvāsika” nghĩa là trong trường hợp ấy chỗ trú ngụ (āvāso) tức là trú xá (vihāra) thuộc về vị ấy. Vị thường trú có trách nhiệm làm mới, sửa chữa những chỗ củ kỹ, v.v... được gọi là “āvāsika” còn vị chỉ thuần túy cư ngụ thôi thì gọi là “nevāsika” (Theo ngài Buddhaghosa).”
{
Lật giải:
Chú thích [7]: Ai tin theo “ngài” Buddhaghosa, cần đưa ra những bằng chứng đáng tin cậy chứng minh ông Bà-la-môn giả sư sống sau Phật cả ngàn năm lại biết rõ Assaji và Punabbasuka “là các vị đứng đầu trong nhóm Lục Sư”. Và chú giải này có ý nghĩa như thế nào hay chỉ khiến những người cả tin nghĩ rằng “ngài” Buddhaghosa cái gì cũng biết!
Còn nếu Bà-la-môn Phật Âm biết chính xác nhờ tài liệu khác, thì thật buồn cho những vị “con Phật từ trong bụng mẹ”, khi các vị phải nhờ vào một ông Bà-la-môn sống sau Phật một ngàn năm chỉ cho mới biết một điều mà sử liệu có sẵn. Tất nhiên nếu Phật Âm dựa vào các luận giải đời sau thì miễn bàn.
Chú thích [8]: Chiếu theo giải thích của Phật Âm “Vị thường trú có trách nhiệm làm mới, sửa chữa những chỗ củ kỹ...” thì khi các Tỳ-khưu nhóm Assaji và Punabbasuka trồng bông hoa, tưới, hái, kết tràng hoa... là thuộc “trách nhiệm làm mới, sửa chữa chỗ cũ kỹ”. Vậy những người này không có tội? Cứ điệu này các Tỳ-khưu phóng dật như nhóm Assaji và Punabbasuka sơn son thếp vàng cốc liêu là “có trách nhiệm làm mới, sửa chữa những chỗ củ kỹ...” chăng?
Theo nghĩa thông thường rất dễ hiểu, “thường trú” có nghĩa là lưu trú thường xuyên, dài hạn. Dù các Tỳ-khưu nhóm Assaji và Punabbasuka có thường trú dài hạn tại Kiṭāgiri, nhưng họ đã làm những việc như tạng Luật đã nêu thì họ đã hành xử sai nguyên tắc theo nhiều cách khác nhau. Họ đã khiến các gia đình bị hư hỏng, vì vậy họ phạm tội Tăng tàn sau khi đã ba lần được nhắc nhở.
Đối với văn bản Luật, nhất là trong phần phân tích của thắng Luật, nếu tư duy kỹ lưỡng sẽ thấycác giải thích theo lối “chiết tự” của Phật Âm bộc lộ nhiều sai trái, vô lý. Đó là chưa nói đến những lối giải thích đầy thâm ý của ông Bà-la-môn giả sư sống sau Phật cả ngàn năm.
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 3.8 Phân Tích giới Tỳ-khưu, Điều Saṅghādisesa - Tăng Tàng thứ mười ba (tt)
“[620] Sau đó, khi đã khiển trách các vị Tỳ-khưu Assaji và Punabbasuka bằng nhiều phương thức, đức Thế Tôn đã thuyết Pháp thoại rồi bảo Sāriputta (Xá Lợi Phất) và Moggallāna (Mục Kiền Liên) rằng:
- Này Sāriputta và Moggallāna, hai ngươi hãy đi đến vùng Kiṭāgiri rồi hãy thực thi hành sự xua đuổi ra khỏi vùng Kiṭāgiri đối với các Tỳ-khưu nhóm Assaji và Punabbasuka, các vị này là những đệ tử của hai ngươi.[9]”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
“[9] Ngài Buddhaghosa còn cho biết rằng hai Tỳ-khưu này (luôn cả sáu vị được gọi là Lục Sư) đều đã được xuất gia với hai vị Tối thượng Thinh Văn này, đã sống nương nhờ tròn đủ 5 năm, và có học thuộc lòng các đầu đề (mātikā).”
{
Lật giải:
Một người đọc Luật bình thường đều hiểu ‘các vị này là những đệ tử của hai ngươi’ có nghĩa là nhóm Tỳ-khưu Assaji và Punabbasuka là đệ tử của hai vị Sāriputta và Moggallāna. Những ai tin tưởng Phật Âm hãy cho biết vì sao ông Bà-la-môn giả sư sống sau Phật cả ngàn năm lại biết rõ ràng cả sáu vị nhóm Lục Sư đều xuất gia với hai ngài Sāriputta và Moggallāna. Việc chú giải cả nhóm Lục Sư là đệ tử của Sāriputta và Moggallāna cần phải có chứng minh cụ thể.
Đã thế họ lại tròn đủ 5 năm nương nhờ và thuộc lòng các đầu đề, thế nhưng vẫn “hư hỏng” như vậy. Điều này chứng tỏ hai ông thầy dở hoặc các pháp học của Phật giáo kém cỏi rồi!
Ai đọc Luật đều biết nhóm Lục Sư rất tinh quái, ngỗ nghịch và hay phá phách Tăng đoàn như thế nào. Không loại trừ khả năng họ là nhóm Lục Sư ngoại đạo đương thời giả quy y theo Phật giáo để phá hoại đạo Phật.
Cũng không loại trừ khả năng sở dĩ Phật Âm giải thích bừa (nhưng có vẻ tường tận) tất cả nhóm Lục Sư là do hai vị Tối thượng Thinh Văn thâu nhận nhằm đổ hết tội cho hai Tôn giả, đồng thời để khoả lấp thủ đoạn gián điệp của nhóm Lục Sư ngoại học và của chính Bà-la-môn Phật Âm.
----------------------------------
CHƯƠNG BẤT ĐỊNH
Dẫn: Tội Bất định (aniyata) là những trường hợp tội chưa rõ ràng. Vị Tỳ-khưu có thể đã phạmtội Bất cộng trú, hay Tăng tàng, hay Ưng đối trị. Việc xác định tội cụ thể sẽ tùy theo sự khai nhận của đương sự hoặc lời tố cáo đáng tin cậy của cư sĩ.
Trích đoạn chánh Luật, phần 3.9 Phân Tích giới Tỳ-khưu, Điều Aniyata (Bất Định) thứ nhất:Tỳ-khưu cùng với người nữ một nam một nữ ngồi ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động phạm tội Bất định
“[633] ... Khi ấy, Đại Đức Udāyi đã đi đến gặp người con gái ấy, sau khi đến đã cùng với người con gái ấy một nam một nữ ngồi ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động, tùy lúc thì tâm sự, tùy lúc thì nói Pháp. [1] ...
[634] Vào lúc bấy giờ, bà Visākhā mẹ của Migāra có nhiều con trai, có nhiều cháu trai,[2] có các con trai không bệnh tật, có các cháu trai không bệnh tật, được xem là điều đại kiết tường...”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
“[1] Xem xét khi nào không có ai qua lại thì hỏi han chuyện gia đình: “Chắc là cô hạnh phúc? Chắc là cô không bị mệt nhọc? Chắc là cô không bị đói?” v.v... Khi nào có ai đi lại gần thì nói Pháp: “Nên thọ bát quan trai giới. Nên dâng thức ăn theo thẻ.” v.v... (theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa).
[2] Bà có 10 người con trai và 10 người con gái. Mỗi người con trai hoặc gái có 20 người con. Tổng cọng bà có 420 người con cháu cả thảy (theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa).”
{
Lật giải:
Chú thích [1]: Nguyên trong chánh Luật nêu chuyện Đại Đức Udāyi vì quen biết với cả hai bên gia đình đàng trai và đàng gái. Cả hai bên đều là gia đình hộ độ cho Đại Đức Udāyi, nên Đại Đức Udāyi mới có kiểu thân mật quá đáng như trên.
Chính vì vị Tỳ-khưu và người nữ ngồi chỗ kín đáo, được che khuất, cho nên cả hai có thể có quan hệ sai trái hơn, hoặc gây tiếng xấu cho Tăng đoàn. Vị Tỳ-khưu trong điều kiện “thuận tiện cho hành động” có thể phạm tội Bất cộng trú, hay Tăng tàng, hay Ưng đối trị. Vì thế việc một nam một nữ ngồi chỗ kín đáo, khuất vắng, thuận tiện cho hành động, được xem là tội Bất định. Sự việc cụ thể như thế nào sẽ được xem xét phán quyết sau.
Còn việc “tùy lúc nói Pháp” có thể hiểu một cách chân chánh là khi có thỉnh cầu của cư sĩ, khi hữu duyên hữu sự. Thế nhưng sự chú giải quá “tận tình” của Phật Âm chỉ khiến cho người đọc hiểu lầm sự giả dối của các ông Tỳ-khưu, và kiểu “vẽ đường cho hươu chạy” của tạng Luật Pātimokkha.
Chú thích [2]: Dựa vào đâu ông Bà-la-môn Phật Âm sống sau bà Visākhā cả ngàn năm lại biết rõ gia đình của bà đông đến như thế? Trong chánh Luật chỉ nói bà Visākhā có nhiều con trai và cháu trai, dựa vào đâu một ông Bà-la-môn sống sau bà một ngàn năm lại biết rõ gia đình bà có 10 con trai và 10 con gái?
Đã thế, một sự trùng hợp kỳ lạ đến khó tin, mỗi con trai và con gái của bà Visākhā đều có 20 con? Vì sao bà Visākhā và con cháu bà lại mắn đẻ đến thế? Hay vì bà Visākhā và con cháu là đại thí chủ của Tăng chúng nên tham dục nhiều, đẻ nhiều?
Đã thế bà còn có thêm 20 đứa cháu “rơi rớt” nữa chứ. Vì Phật Âm làm toán cộng cho bà Visākhā có 420 con cháu, trong khi một em bé lớp năm có thể tính nhẩm (20 X 20 = 400). Không lẽ các con bà Visākhā phi phạm hạnh nên có con riêng ngoài luồng?
Đề nghị những ai tin theo Phật Âm, hãy đưa ra chứng cứ xác thực, đáng tin cậy; nếu không với kiểu chú thích nham hiểm của Bà-la-môn Phật Âm, người đọc có thể nghĩ xấu về gia đình vị Thánh nữ đệ tử cư sĩ Visākhā nói riêng và về các cư sĩ của Phật giáo nói chung.
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 3.10 Phân Tích giới Tỳ-khưu, Điều Aniyata (Bất Định) thứ nhất (tt)
Dẫn: Dưới đây là trích đoạn Luật phần giải thích về lời tố cáo đáng tin cậy của người cư sĩ đã chứng kiến sự việc và tố cáo vị Tỳ-khưu phạm giới.
“[636] Có lời nói đáng tin cậy nghĩa là người nữ đã chứng Thánh Quả, đã thông suốt Bốn Thánh Đế (abhisametāvinī), đã hiểu rõ Tam Học: Giới, Định, Tuệ (viññātasāsanā).[3]
Nữ cư sĩ nghĩa là người nữ đã quy y đức Phật, đã quy y đức Pháp, đã quy y đức Tăng.”
----------------
Chú thích của dịch giả:
“[3] Hai từ trong ngoặc đơn được ghi nghĩa theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa.”
{
Lật giải:
Lời giải thích của Buddhaghosa không có cơ sở và hết sức vô lý. Bởi lẽ:
1. Lời giải thích của Phật Âm không phù hợp với tiêu đề của phần phân tích Luật. Trong khi tiêu đề của chánh Luật ghi rõ “có lời nói đáng tin cậy” có nghĩa là lời tố cáo của người nữ chứng kiến sự việc phải trung thực, đáng tin cậy, chứ không phải từ người không đáng tin cậy. Nhất là khi “người nữ” đã được định nghĩa rất rõ ngay dòng dưới “Nữ cư sĩ nghĩa là người nữ đã quy y đức Phật, đã quy y đức Pháp, đã quy y đức Tăng”.
2. Ai có thể biết người nữ nào đã chứng Thánh Quả? Một tu sĩ còn không dám tự xưng, huống hồ nữ cư sĩ, và dù người nữ cư sĩ có ngã mạn tự xưng chăng nữa, ai dám tin?
3. Căn cứ theo giải thích của Phật Âm thì chỉ có người nữ chứng Thánh Quả tố cáo vị Tỳ-khưu thì vị Tỳ-khưu mới có tội, còn các nữ cư sĩ đáng tin cậy khác tố cáo thì Tăng đoàn miễn xét ư?
4. Nếu vậy, các Tỳ-khưu tha hồ ngồi với nữ nhân nơi chỗ khuất vắng rồi yêu cầu Tăng chúng chứng minh người nữ tố cáo là “người nữ có lời đáng tin cậy, đã chứng Thánh Quả, đã thông suốt Bốn Thánh Đế, đã hiểu rõ Tam Học: Giới, Định, Tuệ”. Ai đủ tư cách ấn chứng đây?
Ở đây, “Có lời nói đáng tin cậy” có thể hiểu là có lời nói theo chánh Pháp, lời nói của người có giới hạnh, không vu khống, không bịa đặt, không gian dối. Đương nhiên Tăng chúng có một ngàn lẻ một cách để xác định độ chân thực của lời tố cáo.
Nói tóm lại, những chú giải của Bà-la-môn Phật Âm đúng là kiểu “vẽ rắn thêm chân, vẽ rồng thêm dép”, không những đã vô lý lại còn rất nguy hại!
CÒN TIẾP PHẦN 3
CÒN TIẾP PHẦN 3
______________________________________________________________
(*) Theo bản dịch tạng Luật tiếng Việt của tỳ-khưu Indacanda - Trương Đình Dũng
+++++++++++++++++++++++++++++++++++
PHẦN 1
PHẦN 2
PHẦN 3
PHẦN 4
PHẦN 5
PHẦN 6
PHẦN 7
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét