Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

PHẬT ÂM BUDDHAGHOSA, GIÁN ĐIỆP BÀ LA MÔN NGUY HIỂM TRONG PHẬT GIÁO NAM TÔNG (Phần 4)


PHẬT ÂM - BUDDHAGHOSA
Một luận sư Bà-la-môn gián điệp nguy hiểm
trong Phật giáo Nam Tông

Tập khảo luận vạch trần các chú thích nham hiểm
của Bà-la-môn Phật Âm trong tạng Luật Patimokkha (*)
Hoàng Thiên
Phần 4
PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU NI


Dẫn: Tạng Luật Pātimokkha dành cho Tỳ-khưu-ni dựa trên bộ luật của Tỳ-khưu, bên cạnh đó còn có thêm những điều khoản chi tiết hơn, cặn kẽ hơn, hỗ trợ thích ứng cho Ni, nên tổng số điều luật nhiều hơn (311 điều / 227 điều). Trong đó riêng tội Bất cộng trú, Tỳ-khưu-ni có tám điều: bốn điều giống như của Tỳ-khưu, và bốn điều thêm cho Ni. Dưới đây là các trích đoạn Luật liên quan đến tội Bất cộng trú dành riêng cho Ni có các chú thích ‘ô nhiễm’ của Phật Âm.
Trích đoạn chánh Luật, phần 4.1  Chương I. Pārājika (Pārājikakandam) điều Pārājika thứ nhất thêm cho Ni: Tội xúc chạm với người nam.
“[1] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi (Xá Vệ), Jetavana (Kỳ Viên), tu viện của ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Vào lúc bấy giờ, Sāḷha cháu trai của Migāra [1] có ý định xây dựng trú xá cho hội chúng Tỳ-khưu-ni.
... Và này các Tỳ-khưu, các Tỳ-khưu-ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị Tỳ-khưu-ni nào nhiễm dục vọng ưng thuận sự sờ vào hoặc sự vuốt ve hoặc sự nắm lấy hoặc sự chạm vào hoặc sự ôm chặt từ xương đòn (ở cổ) trở xuống từ đầu gối trở lên của người nam nhiễm dục vọng, vị Ni này cũng là vị phạm tội pārājika, không được cộng trú, là người nữ sờ phần trên đầu gối.
[3] ... Vị Ni này cũng: được đề cập có liên quan đến các vị Ni trước đây.[2]
----------------
Chú thích dịch giả theo giải thích của Phật Âm:
[1] Migāranattā: lúc đầu chúng tôi hiểu theo văn tự nghĩ rằng Sāḷha là cháu cố của bà Visākhā, nhưng ngài Buddhaghosa giải thích rằng chữ ở giữa đã bị bỏ bớt nên cần phải hiểu rằng: “Migāramātuyā pana nattā hoti” nghĩa là cháu trai (nội hoặc ngoại) của Migāramātā tức là bā Visākhā.
[2] Tính luôn các Tỳ-khưu-ni đã vi phạm bốn điều pārājika của Tỳ-khưu nên gọi là các vị Ni trước đây (theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa).”
{
Lật giải:
Chú thích [1]: Một luận sư Bà-la-môn sống sau Phật cả ngàn năm dựa vào đâu lại biết “chữ ở giữa đã bị bỏ bớt”. Giả sử giờ đây có một ông ngoại đạo nhảy ngang vào đạo Phật và chú thích bừa rằng “chữ ở giữa bị bỏ bớt” không phải là cháu trai mà là chồng của bà Visākhā và cũng là anh trai của Tỳ-khưu-ni phạm tội, những người đời sau cũng tin theo ư?
Nhưng tại sao Phật Âm lại giải thích như trên? Thật dễ hiểu: chuyện hủ hoá của Ni đoàn trong thời “cháu cố” trở thành thời của “cháu trai”, điều này có nghĩa những biểu hiện tha hoá trong giáo đoàn Ni đã xuất hiện sớm hơn một thế hệ. Một người trí đọc đến đây có thể hiểu ngay rằng vấn đề đã không còn đơn giản chỉ có chuyện “chữ ở giữa bị bỏ bớt”, và những chú thích của ông Bà-la-môn giả sư không còn đơn thuần là chú giải nữa rồi!
Chú thích [2]: Theo chánh Luật, “vị Ni này” là vị Ni bị nhiễm dục vọng đang được nói đến, và vị này ưng thuận cho người nam xúc chạm vì dục vọng cũng đủ ô uế khiến phạm Bất cộng trú. Tội nào ra tội đó, chỉ cần phạm một trong các tội pārājika là đã đủ “đứt đầu” rồi còn “tính luôn” gì nữa ở đây?
Trong tất cả các điều luật pārājika khác đều có cụm từ “vị Ni này cũng”, điều này được hiểu là vị Ni đang phạm một tội pārājika của Ni cũng giống y như các vị Ni phạm pārājika của Tăng, vì thế mới có danh từ số nhiều “các vị Ni trước đây”.
Thế nhưng giải thích số [2] của Phật Âm sẽ giúp các Tỳ-khưu-ni rắn mắt giống các Tỳ-khưu-ni nhóm Lục Sư chạy tội. Họ có thể biện hộ như sau “Tỳ-khưu-ni đã vi phạm bốn điều pārājikacủa Tỳ-khưu” giờ đây “tính luôn” tội xúc chạm người nam này mới là vị phạm pārājika của Tỳ-khưu-ni (?) Những ai chấp nhận chú thích của Phật Âm đến đó mà cãi nhau!
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 4.2 Chương I. Pārājika (Pārājikakandam)điều Pārājika thứ nhất (tt):
“[3] Khi cả hai nhiễm dục vọng, (đối với đối tượng) từ xương đòn (ở cổ) trở xuống từ đầu gối trở lên, vị[3] dùng thân sờ vào thân (đối tượng) thì phạm tội pārājika. Vị dùng thân sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) thì phạm tội thullaccaya (trọng tội). Vị dùng vật được gắn liền với thân sờ vào thân (đối tượng) thì phạm tội thullaccaya (trọng tội). Vị dùng vật được gắn liền với thân sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Vị sờ vào thân (đối tượng) bằng vật ném ra thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Vị sờ vào vật được gắn liền với (đối tượng) bằng vật ném ra thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Vị sờ vào vật (đối tượng) ném ra bằng vật ném ra thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
... [5] Khi một bên nhiễm dục vọng,[4] (đối với đối tượng) từ xương đòn (ở cổ) trở xuống từ đầu gối trở lên, vị dùng thân sờ vào thân (đối tượng) thì phạm tội thullaccaya (trọng tội). Vị dùng thân sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Vị dùng vật được gắn liền với thân sờ vào thân (đối tượng) thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Vị dùng vật được gắn liền với thân sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Vị sờ vào thân (đối tượng) bằng vật ném ra thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Vị sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) bằng vật ném ra thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Vị sờ vào vật (đối tượng) ném ra bằng vật ném ra thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).”
----------------
Chú thích của dịch giả:
[3] Vấn đề vị Tỳ-khưu-ni hay đối tượng nam là người tạo tác thật sự làm chúng tôi bối rối. Bản dịch của Cô I.B. Horner ghi rõ chính vị Tỳ-khưu-ni là người thực hiện các hành động sờ vào, vuốt ve, v.v... ở trên cơ thể của phái nam. Chúng tôi đã xem xét kỹ đoạn [1, 2] về nhiều phương diện: văn phạm, ngữ cảnh, thành ngữ và xác định rằng các hành động trên là của phái nam.
Như trong câu chuyện, Tỳ-khưu-ni Sundarīnandā chỉ tiếp nhận và ưng thuận (sādiyati) hành động từ phía đối tượng thay vì thực hiện (samāpajjati), so sánh “purisapuggalassakāyasaṃsaggaṃ” và “mātugāmena saddhiṃ kāyasaṃsaggaṃ,” và điều quy định cũng sử dụng từ sādiyeyya (đồng ý, chấp thuận, thích thú, ...); nếu vị Tỳ-khưu-ni là người tạo tác, các động từ sẽ dùng phải là āmaseyyaparāmaseyya, ...
Tuy nhiên đến phần [3] này, văn phạm không xác định rõ giới tính nam hay nữ trong câu văn là điều ít khi xảy ra đối với loại ngôn ngữ này. Ngài Buddhaghosa giải thích rằng vị Tỳ-khưu-ni sờ vào thân người nam hay ưng thuận việc người nam sờ vào thân (của mình) cũng bị phạm tội tương đương tùy theo vị trí sờ vào ở trên thân thể. Như vậy, câu văn ở trên có thể hiểu theo hai cách. Và điều quy định này cần hiểu luôn cả 2 khía cạnh, vị Tỳ-khưu-ni ưng thuận hành động của phái nam hoặc chính vị Ni thực hiện các hành động trên. Chúng tôi theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa nên dùng chữ “vị” và “(đối tượng),” quý độc giả nên hiểu theo cả hai cách.
[4] Ekato avassute: khi một bên đầy dục vọng. Cô I.B. Horner dịch rằng người thực hiện hành động là vị Tỳ-khưu-ni. Về điểm này, văn phạm cũng không xác định rõ giới tính. Ngài Buddhaghosa giải thích như đã được ghi ở trên. Chúng tôi xin phân tích thêm như sau: Trường hợp vị Tỳ-khưu-ni nhiễm dục vọng và chủ động thì phạm tội theo quy định; trường hợp người nam nhiễm dục vọng sờ vào cơ thể của vị Tỳ-khưu-ni, nếu vị Tỳ-khưu-ni không ưng thuận thì không phạm tội theo phần [11] ở bên dưới. Từ avassute được hiểu là danh tĩnh từ, trung tánh, định sở cách, số ít. (Ở phần [1,2] có thể nghĩ rằng vị Tỳ-khưu-ni đóng vai trò thụ động, nhưng từ phần [3] trở đi tuy không xác định rõ ràng qua văn phạm nhưng việc vị Tỳ-khưu-ni đóng vai trò chủ động được thể hiện qua ngữ cảnh; có lẽ đây là điểm để cô I.B. Horner xác định lối dịch của cô). Chúng tôi chọn lời giải thích của ngài Buddhaghosa vì bao quát được mọi tình huống có thể xảy ra trong trường hợp này”
{
Bình:
Quả thật đọc thêm phần chú thích, chú giải mới bị “bối rối” khó hiểu. Nếu bỏ qua phần chú giải của ông Bà-la-môn, chỉ cần căn cứ vào chính Luật có khi vấn đề được rõ ràng hơn.
Thật vậy, một người đọc Luật bình thường đều có thể hiểu bản Luật có hai phần chính: phần điều luật và phần phân tích. Phần phân tích nhằm cụ thể hoá phần điều luật với các trường hợp chi tiết nhằm tránh tình trạng lách luật, hoặc bỏ sót tội hoặc kết tội oan. Đây là bộ luật dành cho Ni! Hẳn nhiên Ni phải là đối tượng, là chủ thể để xem xét, xác định, luận tội. Do vậy, nếu phần điều luật có ghi vị Ni nhiễm dục vọng ưng thuận cho xúc chạm, còn phần phân tích không ghi cụ thể giới tính của chủ thể, việc này không có gì khó hiểu.
Đương nhiên người thọ trì phải biết dựa vào luật để phân tích theo mọi trường hợp cụ thể, nhằm tránh tình trạng lách luật hoặc sót tội. Ví dụ nếu không có phần phân tích rõ như đoạn [5], một cô Ni rắn mắt như các cô Ni nhóm Lục Sư có thể lu loa rằng cô tuy bị người nam vuốt ve nhưng cô không bị nhiễm dục vọng, không có cảm giác gì, nên phải được vô tội. Không lẽ hội chúng có kẻ bênh người chống lại ngồi đó cãi nhau? Nhưng nếu chiếu theo đoạn [5], cho dù cô Ni có nói mình ‘không nhiễm dục vọng’ hoặc người nam ‘không nhiễm dục vọng’ nhưng cô để cho người nam vuốt ve xúc chạm, cô cũng phạm luật tuỳ theo từng trường hợp cụ thể. Luật của đạo ly dục, của giới hạnh thanh tịnh là như vậy!
Tuy nhiên, ông Bà-la-môn giả sư với kiểu chú giải thêm chung chung “tùy theo vị trí sờ vào ở trên thân thể”  có thể giúp một cô Ni ranh mãnh lách luật hoặc cãi vã với chúng Ni. Chẳng hạn như cô nói rằng mình không bị vuốt ve vào “vị trí” có tội (?), hoặc cô chỉ xúc chạm thân người nam đúng “vị trí” cho phép (?)... Trong những trường hợp này những vị hữu trách dựa theo chú giải của Phật Âm mới thật sự “bối rối” và khó khăn hơn trong việc xác định tội cụ thể.
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 4.3 Chương I. Pārājika (Pārājikakandam)điều Pārājika thứ nhất (tt):
Dẫn: Trích đoạn Luật dưới đây nêu rõ các trường hợp ngoại lệ các vị Ni được vô tội dù có sự xúc chạm với người nam.
“[11] Không cố ý, vị Ni thất niệmvị Ni không hay biết,[5] vị Ni không ưng thuận, vị Ni bị điên, vị Ni có tâm bị rối loạn, vị Ni bị thọ khổ hành hạ, vị Ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
[5] Asatiyā: vị Ni thất niệm nghĩa là tâm đang bận suy nghĩ việc khácajānantiyāvị Ni không biết đây là người nam hay người nữ (theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa).”
{
Lật giải:
Phần chánh Luật [11] nêu rõ các trường hợp vị Ni bị người nam xúc chạm nhưng được vô tội, trong đó có trường hợp “vị Ni thất niệm” và “vị Ni không hay biết”. Sự vô tội trong những trường hợp này quá rõ ràng. Ví dụ khi vị Ni phải ở giữa chỗ đông người (trên xe, xếp hàng...) cô bị kẻ xấu lợi dụng xúc chạm nhưng cô bị thất niệm, mất cảnh giác, nên cô vô tình không biết được, nhưng người khác nhìn thấy và tố cáo oan cô, do vậy cô phải được miễn tội.
Còn trường hợp “vị Ni không hay biết” là những lúc vị Ni bị bất tỉnh ngất xỉu, người nam phải làm hô hấp nhân tạo để cấp cứu; hoặc khi vị Ni bị hôn mê, hoặc vì ngủ say, hoặc do thuốc an thần và bị kẻ xấu xúc phạm nhưng không hay biết. Rơi vào các trường hợp này đương nhiên vị Ni cũng không bị kết tội.
Đối với trường hợp ‘vị Ni bị thọ khổ hành hạ’ cũng vậy. Ví dụ cô Ni bị trặc tay trặc chân, vị y sĩ nam phải xúc chạm xoa nắn chữa trị, hoặc cô bị vết thương nhiễm trùng vị bác sĩ nam phải tiếp xúc điều trị v.v.. Những trường hợp này cô Ni được vô tội.
Thế nhưng với chú giải [5] của Phật Âm, các cô Ni ranh mãnh như các Tỳ-khưu-ni nhóm Lục Sư dựa vào đây sẽ tha hồ được thoát tội. Các cô này chỉ cần nói rằng lúc (được) xúc chạm “tâm đang bận suy nghĩ việc khác” nên không hay biết gì cả và vì vậy phải được vô tội (?) Các vị Ni chân chánh dù có Tha tâm thông nhưng làm sao để chứng minh đây?
Còn chuyện “vị Ni không hay biết là người nam hay người nữ” lại càng phát sinh một loạt các trường hợp vô tội khôi hài khác nữa. Chẳng hạn như:
- Vị Ni xúc chạm với kẻ bán nam bán nữ, và vì không biết được kẻ ấy thực là nam hay là nữ nên vô tội?
- Vị Ni xúc chạm vào những lúc trời tối đen như mực nên không biết kẻ xúc chạm là nam hay nữ, vô tội?
- Vị Ni xúc chạm luôn nhắm mắt hoặc bịt mắt nên không biết kẻ kia là nam hay nữ, vô tội?
- Vị Ni xúc chạm qua tấm vách có khe hở hoặc tấm màn dày nên không biết nam hay nữ, vô tội?
Chỉ cần nêu vài trường hợp như vậy thôi cũng đủ thấy chú thích của luận sư Bà-la-môn Phật Âm vừa hết sức vô lý nhưng cũng vừa thâm ý đến như thế nào.
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 4.4 Chương I. Pārājika (Pārājikakandam)điều Pārājika thứ tư: Tình tứ hẹn hò với người nam
“[26] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các Tỳ-khưu-ni nhóm Lục Sư nhiễm dục vọng thích thú sự nắm lấy cánh tay của người nam nhiễm dục vọng, thích thú sự nắm lấy chéo áo choàng (của người nam), đứng chung, trò chuyện, đi đến nơi hẹn hò, thích thú sự viếng thăm của người nam, đi vào nơi che khuất, kề sát cơ thể nhằm mục đích ấy là nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy.[6] Các Tỳ-khưu-ni ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị Ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:...
[28]... Không được cộng trú: Sự cộng trú nghĩa là có chung hành sự, có chung việc đọc tụng (giới bổn Pātimokkha), có sự học tập giống nhau, điều ấy gọi là sự cộng trú. Vị Ni ấy không có được điều ấy, vì thế được gọi là “không được cộng trú.”...
[30] Bạch chư Đại Đức Ni, tám điều pārājika[8] đã được đọc tụng xong. Vị Tỳ-khưu-ni vi phạm điều nọ hoặc điều kia thuộc về các điều này thì không có được sự cộng trú cùng với các Tỳ-khưu-ni,[9] trước đây như thế nào thì sau này là như vậy; (vị Ni ấy) là vị Ni phạm tội pārājikakhông được cộng trú.”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
[6] Theo ngài Buddhaghosa, điều không tốt đẹp là nói đến sự xúc chạm cơ thể (kāyasaṃsagga) chứ không phải sự thực hiện việc đôi lứa (methunadhamma).
[9] Theo ngài Buddhaghosa, vị ấy không còn được tham dự các lễ UposathaPavāraṇā, việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha, và các hành sự của hội chúng (saṅghakamma).”
{
Lật giải:
Chú thích [6]Theo ngài Buddhaghosa, điều không tốt đẹp là nói đến sự xúc chạm cơ thể chứ không phải sự thực hiện việc đôi lứa’. Như vậy, theo ông Bà-la-môn giả sư sự thực hiện đôi lứa là điều tốt đẹp ư? Chú thích [6] của Phật Âm có thừa thãi không? Quá thừa! Nếu không thừa, hẳn “ngài” Buddhaghosa đã có ý gì rồi. Các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni thử đoán xem!
Chú thích [9]: So với phần định nghĩa của chánh Luật về “Không được cộng trú” thuộc đoạn [28] ở trên, chú thích [9] của Bà-la-môn Phật Âm có thừa thãi không? Cũng quá thừa!
Thế nhưng đối với những ai ngây thơ và thiếu tỉnh giác sẽ dễ nghĩ rằng nhờ có các chú giải của “ngài” Buddhaghosa nên Kinh và Luật của Phật giáo mới rõ ràng hơn, mới dễ hiểu hơn. Do vậy các luận sư Bà-la-môn như Phật Âm, Đại Thiên, Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước... mới thực sự là các “Thánh Tăng”, “Bồ-tát” cao siêu của Phật giáo.
Khi mọi Phật tử đều tin như vậy là họ đã chấp nhận “cái chết được báo trước”, và chính vì thế nên các luận sư Bà-la-môn mới cố công gắng sức làm cái chuyện “vẽ rắn thêm chân, vẽ sừng cho thỏ, vẽ lông cho rùa” là vì vậy.
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 4.5 Chương II. Mười Bảy Pháp (Sattarasakandam)
“[92] Bạch chư Đại Đức Ni, mười bảy điều saṅghādisesa (tăng tàng) [3] đã được đọc tụng xong, chín điều bị phạm tội ngay lúc vừa mới vi phạm, tám điều (khi được nhắc nhở) đến lần thứ ba. Vị Tỳ-khưu-ni vi phạm điều nọ hoặc điều kia thuộc về các điều này thì vị Tỳ-khưu-ni ấy nên thực hành nửa tháng mānatta nơi có cả hai hội chúng...”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
[3] Ngài Buddhaghosa giải thích về 17 điều saṅghādisesa (tăng tàng) như sau: Phần phạm tội ngay lúc vừa mới vi phạm gồm có điều 5 (mai mối), 8 và 9 (hai điều về vu cáo) ở giới bổn của Tỳ-khưu và 6 điều ở đây. Phần phạm tội (khi được nhắc nhở) đến lần thứ ba gồm 4 điều từ 10-13 ở giới bổn của Tỳ-khưu và 4 điều ở đây. Tổng cọng là 17 điều.”
{
Lật giải:
Vấn đề đặt ra ở đây là Phật Âm Bà-la-môn có quyền hạn gì để bỏ điều luật này, giữ điều luật kia cho Tỳ-khưu-ni? Phật Âm căn cứ vào đâu? Hãy nhớ lại trong lần kết tập Kinh - Luật đầu tiên tại Rajagaha, năm trăm vị A La Hán đã tuyên bố giữ nguyên vẹn các giới luật Phật Ban. Ngoài ý nghĩa quan trọng của điều luật còn thể hiện lòng kính trọng đặc biệt Đức Thế Tôn. Ngược lại sự tuỳ tiện bỏ điều này giữ điều kia theo ý kiến một cá nhân là sự bất kính với Đức Thế Tôn, mang tội với Tam Bảo.
Tất nhiên có thể lấy lý do có các điều luật dành riêng cho Tỳ-khưu, không thích hợp với Tỳ-khưu-ni. Thế nhưng vấn đề cụ thể như thế nào không thể đơn giản chỉ căn cứ một chiều vào phán định của một ông ‘Tỳ-khưu’ gốc Bà-la-môn sống sau Phật cả ngàn năm và còn khét tiếng chống các phái ly giáo khỏi Bà-la-môn giáo.
Một khi sự việc này xảy ra thì những lời tiên tri của Đức Thế Tôn về những sợ hãi tương lai trong Tăng chúng đã xảy ra đúng y như thật. Các con Phật do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, nên mới dễ dàng tin theo các kinh-luật-luận tà vạy của các ‘đệ tử thuyết’. Các gián điệp này phải đội lốt Tỳ-khưu mới có thể phá hoại Đạo Phật ngay từ bên trong. Và đây cũng là điều mà người ta thường nói ‘sư tử trùng thực sư tử nhục’.
---------------------------------------------
Chương III. Ưng Xả (Nissaggiya)
Trích đoạn chánh Luật, phần 4.6 Chương III. Ưng Xả (Nissaggiya), Phần Bình Bát - Điều học thứ tư:
“[110] ... Và này các Tỳ-khưu, các Tỳ-khưu-ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị Tỳ-khưu-ni nào sau khi yêu cầu vật khác lại yêu cầu vật khác nữa thì (vật khác nữa ấy) nên được xả bỏ và (vị Ni ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”...
[113] Vị Ni yêu cầu thêm chính vật ấyvị Ni (nhận vật ấy rồi) yêu cầu thêm vật khácsau khi cho thấy sự lợi ích rồi yêu cầu,[7] vị Ni bị điên, vị Ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
[7] Dựa vào lời giải thích của ngài Buddhaghosa, chúng tôi hiểu được ý nghĩa của phần không phạm tội như sau: 1/ Vật được dâng chưa đủ nên phải yêu cầu thêm nữa, 2/ ngoài vật đã được dâng, vị Ni còn cần thêm vật thứ hai nên yêu cầu, 3/ giải thích sự cần thiết phải có thêmvật thứ hai rồi yêu cầu.”
{
Lật giải:
“Dựa vào lời giải thích của ngài Buddhaghosa” cho thấy quá thừa và dông dài hơn. Thật vậy:
1/ Theo chánh Luật “Vị Ni yêu cầu thêm chính vật ấy” ngắn gọn và rõ ràng hơn  “Vật được dâng chưa đủ nên phải yêu cầu thêm nữa” của Phật Âm.
Thế nào là “chưa đủ” đây? Tăng đoàn hay Ni đoàn căn cứ vào đâu để biết vị Ni đã đủ hay chưa đủ đây? Với Tăng chúng, Ni chúng là đủ, nhưng với cô Ni xin thêm thấy ‘chưa đủ’ thì sao? Ngồi đó cãi nhau à? Chú thích thiển cận, ô nhiễm, không rõ ràng là như vậy.
2/ “Vị Ni (nhận vật ấy rồi) yêu cầu thêm vật khác” ngắn gọn và rõ ràng hơn “ngoài vật đã được dâng, vị Ni còn cần thêm vật thứ hai nên yêu cầu”.
3/ “Sau khi cho thấy sự lợi ích rồi yêu cầu” ngắn gọn và rõ ràng hơn “giải thích sự cần thiết phải có thêm vật thứ hai rồi yêu cầu”.
Tuy nhiên, với phần chú thích thừa của luận sư Bà-la-môn có các cụm từ “chưa đủ”, “cần thêm”, “phải có thêm”; dễ gây cho người đọc có cảm giác các cô Ni của Phật giáo là những kẻ tham lam; hoặc theo sự ‘chỉ dại’ của ‘ngài’ Phật Âm, các cô Ni như nhóm Lục Sư sẽ tha hồ “chưa đủ”, tha hồ “cần thêm”, tha hồ “phải có thêm” nhưng vô tội.
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 4.7 Chương III. Ưng Xả (Nissaggiya), Phần Y - Điều học thứ nhất:
“Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các Tỳ-khưu, vì sao Tỳ-khưu-ni Thullanandā lại yêu cầu đức vua tấm choàng len vậy? Này các Tỳ-khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...
Và này các Tỳ-khưu, các Tỳ-khưu-ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị Tỳ-khưu-ni, trong khi bảo sắm tấm choàng loại dày, nên bảo sắm tối đa là bốn kaṃsa. Nếu bảo sắm vượt quá trị giá ấy thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị Ni ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
[139] ... Nên bảo sắm tối đa là bốn kaṃsa: nên bảo sắm vật trị giá là mười sáu kahāpaṇa.[8]
----------------
Chú thích của Phật Âm:
[8] Theo ngài Buddhaghosa, kahāpaṇa là đơn vị tiền tệ thời bấy giờ. Cũng nên nhắc lại rằng vị Tỳ-khưu hoặc Tỳ-khưu-ni trộm cắp vật trị giá 5 māsaka = 1 pāda = ¼ kahāpaṇa là vi phạm tội cực nặng pārājika.”
{
Lật giải:
Với cụm từ “vật trị giá là mười sáu kahāpaṇa”, một người bình thường hoàn toàn có thể đoán trị giá của vật ấy được tính bằng đơn vị tiền tệ, và “kahāpaṇa là đơn vị tiền tệ thời bấy giờ”. Chứ chẳng lẽ kahāpaṇa là đơn vị vận tốc để xác định trị giá đần độn của sự vật thời bấy giờ?
Thế nhưng nếu đọc kỹ các luận giải khác của “ngài” Buddhaghosa cũng sẽ thấy rõ nhiều vô lý tương tự như vậy, khốn thay chúng lại được tin theo dễ dàng. Vì sao, hỡi những người con của Phật?
Ai tin vị “Thánh vẽ vời” này, hãy coi chừng kẻo nguy hiểm! Không tin ư? Ai muốn thêm chứng cớ, mời đọc tiếp!
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 4.8 Chương III. Ưng Xả (Nissaggiya), Phần tổng kết
“[146] Bạch chư Đại Đức Ni, ba mươi điều nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị) [9] đã được đọc tụng xong. Trong các điều ấy, tôi hỏi các Đại Đức Ni rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
[9] Lời giải thích của ngài Buddhaghosa được tóm lược như sau: Tỳ-khưu và Tỳ-khưu-ni đều có 30 điều nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị). Phần của Tỳ-khưu-ni gồm có 12 điều quy định riêng đã được trình bày ở trên, còn 18 được quy định chung đã được trình bày ở giới bổn của Tỳ-khưu là:
Phần Y bỏ ra hai điều là điều 4 (bảo giặt y) và điều 5 (thọ lãnh y từ tay Tỳ-khưu-ni) rồi thêm vào hai điều là điều 2 (phân chia y) và điều 3 (trao đổi y rồi giật lại) ở trên là đủ mười;
Phần Tơ Tằm bỏ ra bảy điều học đầu rồi thay thế bằng bảy điều ở trên đây từ điều 4-10 rồi cọng thêm vào 3 điều còn lại của Tỳ-khưu là đủ mười;
Phần Bình Bát bỏ ra 3 điều là điều 1 (cất giữ bình bát), điều 4 (y choàng tắm mưa), và điều 9 (ngụ ở rừng) rồi thêm vào điều đầu tiên ở trên (tích trữ bình bát) và hai điều sau cùng (tấm choàng loại dày và loại nhẹ) là đủ mười; như vậy tổng cộng là 30 điều học. Không rõ thứ tự đọc tụng sẽ như vậy hay thay đổi.”
{
Lật giải:
Cần đặt nghi vấn quan trọng hơn: ‘Không rõ là bộ Luật gốc của Tỳ-khưu-ni trước thời Phật Âm một ngàn năm có ba mươi điều hay phải bốn mươi hai điều Ưng đối trị?’ Tăng đoàn Phật giáo cần phải xét lại việc một ông Bà-la-môn giả sư sống sau Phật cả ngàn năm, có những chú thích rất thâm hiểm, chen ngang vào đạo Phật và tuỳ tiện bỏ các điều luật theo ý chủ quan của ông ta.
Thiết nghĩ ngay cả con số “ba mươi điều nissaggiya pācittiya” của Tỳ-khưu-ni cũng cần xem lại. Có thể chăng ông Bà-la-môn này đã sửa chữa bốn mươi hai điều thành ba mươi điều nhằm phá hoại Ni chúng nói riêng và Phật giáo nói chung?
Bởi lẽ, trong ba mươi điều Ưng xả đối trị của Tỳ-khưu đều quan trọng và cần thiết đối với Tỳ-khưu-ni. Hãy xét cụ thể các trường hợp tự ý lược bỏ của Phật Âm để thấy sự vô lý, tùy tiện.
Phần Y: ngay cả trong trường hợp của điều 4 và 5 của Tỳ-khưu bị Phật Âm lược bỏ cũng rất vô lý với Tỳ-khưu-ni nếu thay đổi đối tượng từ Tỳ-khưu-ni thành Tỳ-khưu cho thích ứng.
Cụ thể (điều 4): vị Tỳ-khưu-ni sẽ phạm luật nếu bảo vị Tỳ-khưu (thay vì Tỳ-khưu-ni) không phải thân quyến giặt y. Ngoại trừ trường hợp thân quyến, ví dụ vị Tỳ-khưu-ni và Tỳ-khưu vốn là mẹ con, vị thân mẫu bị bệnh nhờ con mình giặt y phải được xét miễn tội.
Hoặc (điều 5): vị Tỳ-khưu-ni thọ lãnh y từ tay vị Tỳ-khưu (thay vì Tỳ-khưu-ni) không phải thân quyến phạm tội Ưng đối trị, ngoại trừ sự trao đổi.
Rõ ràng cả hai điều luật trên vẫn thích đáng với các Ni. Các điều luật này nhằm nêu cao tinh thần tự phục vụ, trách nhiệm Tăng Ni rõ ràngtránh phát sinh những quan hệ không tốt mang tiếng xấu cho hội chúng, vì thế không nên bỏ đi theo ý chủ quan của Bà-la-môn Phật Âm.
Phần Tơ TằmKhông có lý do xác đáng để bỏ ra bảy điều học đầu trong phần Tơ Tằm của Tỳ-khưu. Các điều khoản này vẫn có giá trị đối với Tỳ-khưu-ni. Những ai tin theo Phật Âm hãy giải thích lý do vì sao đối với Tỳ-khưu-ni lại lược bỏ các điều luật này của Phật.
1. Ngọa cụ có trộn lẫn tơ tằm
2. Ngọa cụ bằng lông cừu thuần màu đen
3. Ngọa cụ bằng lông cừu màu đen, trắng, nâu đỏ
4. Tấm trải phải dùng đủ sáu năm mới được thay khác
5. Làm tọa cụ phải đúng quy cách
6. Mang lông cừu đi
7. Bảo Tỳ-khưu-ni giặt, nhuộm lông cừu
Ngay trong điều thứ bảy cũng phải hiểu một cách thích đáng, đó là đối với Tỳ-khưu-ni không được bảo/nhờ một Tỳ-khưu giặt hay nhuộm lông cừu. Vị nào vi phạm bị Ưng đối trị.
Phần Bình Bát
Những ai chấp nhận sự lược bỏ của ông Bà-la-môn hãy đọc kỹ lại hai điều luật về bình bát khác nhau, bổ sung cho nhau, không thể lấy điều này thay thế điều kia. Cụ thể việc cất giữbình bát khác với việc tích trữ bình bát. Nếu chúng giống nhau, Đức Phật chỉ cần nhắc các Ni cũng áp dụng luật của Tỳ-khưu là được, chứ cần gì phải ban thêm điều luật mới làm gì cho rối chuyện?
Đối với Tỳ-khưu, Đức Phật quy định:  - Này các Tỳ-khưu, Ta cho phép cất giữ bình bát phụ trội tối đa mười ngày. Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: Bình bát phụ trội nên được cất giữ tối đa mười ngày. Vượt quá hạn ấy thì (bình bát ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Đức Phật quy định thêm cho Tỳ-khưu-ni, Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu ni nào thực hiện việc tích trữ bình bát thì (bình bát ấy) nên được xả bỏ và (vị ni ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Cũng vậy, nếu đọc kỹ lại điều 9 của Tỳ-khưu sẽ thấy vẫn có giá trị đối với Tỳ-khưu-ni. Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Khi mùa (an cư) mưa đã qua ngày rằm Kattika, trường hợp có những chỗ trú ngụ ở trong rừng được xác định là có sự nguy hiểm, có sự kinh hoàng, và vị Tỳ-khưu đang sống ở các chỗ trú ngụ có hình thức như thế, khi mong mỏi có thể để lại một y nào đó của ba y ở trong xóm nhà. Nếu vị Tỳ-khưu ấy có lý do nào đó đưa đến việc xa lìa y ấy, vị Tỳ-khưu ấy nên xa lìa y ấy tối đa là sáu đêm. Nếu xa lìa vượt quá hạn ấy, ngoại trừ có sự đồng ý của các Tỳ-khưu, thì (y ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Tất nhiên, khi áp dụng cho Tỳ-khưu-ni, chủ thể ‘Tỳ-khưu’ cũng đổi thành ‘Tỳ-khưu-ni’ cho thích ứng. Ngay trong thời hiện tại vẫn có nhiều vị Ni trú trong rừng, hoặc gần rừng với sự bảo hộ của Tăng chúng. Việc áp dụng điều luật trên vẫn cần thiết và có giá trị.
Rõ ràng là Phật Âm đời sau đã xem thường lời Phật, tự tung tự tác bỏ Luật của Ngài dành cho Ni. Đây là một sự xúc phạm không thể chấp nhận được của ông luận sư Bà-la-môn. Như được biết, trong phần Tám Trọng Pháp, để củng cố bờ đê không cho nước tràn, Đức Thế Tôn ban hành Tám Trọng Pháp. Cũng vậy, giữ gìn các điều Luật của Tỳ-khưu và bên cạnh các điều Luật dành cho Tỳ-khưu-ni cũng chỉ nhằm giúp các vị Tỳ-khưu-ni giữ mình tốt hơn trên con đường giải thoát và giáo đoàn mạnh mẽ hơn về lâu dài. Chính vì thế, lược bỏ vô lối các điều luật của Phật nếu không nhằm mục đích phá hoại chúng Tăng và Ni, thì cũng mang tội xúc phạm Đức Thế Tôn.
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 4.9 Chương IV. Ưng đối trị (Pācittiya), Phần Bóng Tối: Điều thứ mười lăm
“[194]... Và này các Tỳ-khưu, các Tỳ-khưu-ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị Tỳ-khưu-ni nào ở đường có xe cộ, hoặc ở ngõ cụt, hoặc ở giao lộ cùng người nam một nam với một nữ hoặc đứng chung, hoặc chuyện trò, hoặc thầm thì vào tai, hoặc đuổi đi vị Tỳ-khưu-ni thứ nhì thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
...
[196] Có bất cứ người nữ nào có trí suy xét là người thứ nhì, vị Ni không mong mỏi chỗ kín đáo, vị Ni đứng chung hoặc chuyện trò lúc đang bận tâm chuyện khác, vị Ni không có ý định hành xử sai nguyên tắc, vị Ni đuổi đi vị Tỳ-khưu-ni thứ nhì khi có việc cần làm, [1] vị Ni bị điên, vị Ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
[1] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng: “Khi có việc cần làm là nhằm mục đích hoàn thành công việc rút thẻ cho bữa trai phạn, v.v... hoặc mục đích sắp xếp lại sự bề bộn ở trong trú xá.””
{
Lật giải:
Qua mười lăm điều Ưng đối trị của Ni, không thấy có chú thích của Buddhaghosa, đến đây có dịp làm ô nhiễm luật là thấy ‘chỉ dại’ của ‘ngài’ ngay. Hãy đặt vài câu hỏi cho chú thích trên để thấy “trí thâm” của ông Bà-la-môn giả sư này.
- Vị Tỳ-khưu-ni thứ hai có cản trở gì cho “mục đích hoàn thành công việc rút thẻ cho bữa trai phạn”? Thời điểm nói chuyện không phải bữa trai phạn cũng không cần rút thẻ thì sao? Chú thích của Phật Âm có thích đáng không?
- Chẳng lẽ trong khi rút thẻ trai phạn, vị Ni thứ nhất có thể đuổi vị Ni thứ hai đi để dễ rút thẻ một mình hơn và thoải mái trò chuyện với người nam?
- Đáng lẽ việc “sắp xếp lại sự bề bộn ở trong trú xá” phải cần thêm người khác, đàng này tại sao vị Ni thứ nhất lại đuổi Tỳ-khưu-ni thứ hai? Chỉ có một nam một nữ trong trú xá để làm gì?
- Trong khi chánh Luật quy định rõ ràng “ở đường có xe cộ, hoặc ở ngõ cụt, hoặc ở giao lộ” Phật Âm lại đi chú thích trong trú xá, khi rút thẻ trai phạn, như vậy có lạc đề không? Nếu không, hẳn ông Bà-la-môn giả sư muốn vẽ đường cho người khác làm bậy ngay trong trú xá rồi. Tất nhiên chỉ có các Tỳ-khưu và Tỳ-khưu-ni như nhóm Lục sư là còn muốn biện hộ cho “Thánh Tăng” Phật Âm mà thôi.
Theo chánh Luật “Vị Tỳ-khưu-ni đuổi đi vị Ni thứ nhì khi có việc cần làm” được miễn tội, đó là trong những trường hợp bất đắc dĩ. Ví dụ như vị Tỳ-khưu-ni thứ hai phải chạy đi thông báo một việc khẩn cấp nào đó, hoặc phải gọi thêm người tiếp trợ, hoặc vị Tỳ-khưu-ni thứ hai mắc kẹt những vấn đề cá nhân v.v.. Đương nhiên trong những trường hợp ngoài ý muốn này, vị Tỳ-khưu-ni có đứng chung với người nam (do công việc, hoặc do hoàn cảnh bắt buộc) phải được vô tội.
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 4.10  Chương IV. Ưng đối trị (Pācittiya), Phần Loã Thể: Điều thứ hai mươi bốn
“[231] ... Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các Tỳ-khưu, vì sao các Tỳ-khưu-ni sau khi trao y tận tay của các Tỳ-khưu-ni lại ra đi du hành trong xứ sở với y nội và thượng y vậy? Này các Tỳ-khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các Tỳ-khưu, các Tỳ-khưu-ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị Tỳ-khưu-ni nào vượt quá năm ngày thiếu vắng y hai lớp(saṅghāṭi) thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).” ...
[232] ... Vượt quá năm ngày thiếu vắng y hai lớp (saṅghāṭi): đến ngày thứ năm vị Ni không quấn hoặc không trùm hoặc không phơi nắng năm y, vị Ni vượt quá ngày thứ năm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).[2]
----------------
Chú thích của Phật Âm:
[2] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng cứ mỗi y là tính một tội pācittiya.”
{
Lật giải:
Lại thêm một lời giải thích đầy vô lý, hết sức ấu trĩ nhưng lại có ý đồ riêng. Trong khi chánh Luật quy định rõ “thiếu vắng y hai lớp thì phạm tội pācittiya”, Buddhaghosa lại vẽ thêm “cứ mỗi y là tính một tội pācittiya.” (?)
Thử hỏi có một Tỳ-khưu-ni biết xấu hổ nào lại dám can đảm “thiếu vắng” thêm các y khác nữa ngoài y hai lớp để bị phạm thêm tội pācittiya? Vị Tỳ-khưu-ni Nguyên thuỷ có nhiều y lắm hay sao để xa lìa như vậy? Rõ ràng với chú thích khôi hài kiểu này ông Bà-la-môn giả sư muốn nhạo báng chính mình và những ai tin theo.
Trong lịch sử Phật giáo Nam truyền duy nhất chỉ có một mình Phật Âm là quá mạn dám đặt mình ngang hàng với Bậc Đạo Sư để ấn định mức tội, hoặc miễn tội, hoặc bỏ điều luật trong Pātimokkha. Khốn khổ thay ông ta lại là một Bà-la-môn sống sau Phật cả ngàn năm, trước sau đều có những chú thích đầy vô lý và hết sức mờ ám.
Hỡi các Tỳ-khưu Thanh văn Nguyên thuỷ, “Thánh Tăng” Phật Âm có điểm gì đáng tin hơn các “Bồ-tát” Bà-la-môn Đại Thừa ở phương Bắc như Đại Thiên, Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước... mà quý vị nhắm mắt hành theo mọi chú giải của những người này?
Chẳng lẽ ngay trong thời Phật không có một Bà-la-môn nào thù ghét đạo Phật, muốn phá hoại đạo Phật hay sao mà các vị lại cả tin như vậy? Phật giáo Nam tông đã hết bậc chân nhân đáng tin cậy rồi sao mà mọi người lại nhắm mắt tin càn ông Bà-la-môn sống sau Phật một ngàn năm? Không lẽ các Tỳ-khưu Nguyên thuỷ đã quên lời cảnh giác Phật Pháp tồn tại năm trăm năm, và mọi người đã bị Buddhaghosa ru ngủ rằng Phật giáo còn đến năm ngàn năm hay sao mà không còn một ai biết để tâm suy xét cho cẩn thận?
Trong Kinh Nikāya và Luật Pātimokkha, Đức Thế Tôn thường dạy các Tăng Ni cần phải có những phẩm hạnh nào để giúp cho Chánh Pháp được tồn tại lâu dài; các Tăng Ni Nguyên thuỷ có biết những pháp này là gì không? Hay tất cả chỉ còn biết thi nhau thuyết giảng các luận giải, chú giải, tâm sở, tâm vương, tâm hiệp thế, tâm đáo đại, Thanh Tịnh Đạo... của các luận sư Bà-la-môn, và dạy nhau quay lại trịch thượng xem những lời Phật trong Kinh điển gốc chỉ là thường pháp, là tục đế, không phải chân nghĩa đế?
“Này các Tỳ-khưu, Ta tuyên bố, kẻ ôm tà kiến chỉ có hai sanh thú: địa ngục hoặc bàng sanh”. Ai đã phải nhiều lần khuyến cáo như thế? Các vị không còn sợ địa ngục hoặc bàng sanh hay sao lại tin càn mọi thứ?
Các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni nào còn biết sợ những điều đáng sợ, không sợ những “bóng ma” không đáng sợ, muốn biết chánh-tà, chân-ngụy, hãy giữ giới thanh tịnh và lấy Pháp và Luật của Đức Thế Tôn làm thầy, làm chỗ nương tựa, may ra còn kịp cứu lấy mình!
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 4.11 Chương IV. Ưng đối trị (Pācittiya), Phần Dùng Chung - Điều học thứ nhì:
“[261] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các Tỳ-khưu-ni hai (người) nằm chung một tấm trải tấm đắp. Dân chúng trong lúc đi dạo quanh các trú xá nhìn thấy rồi phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các Tỳ-khưu-ni hai (người) lại nằm chung một tấm trải tấm đắp, giống như các cô gái tại gia hưởng dục vậy?...
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các Tỳ-khưu, vì sao các Tỳ-khưu-ni hai (người) lại nằm chung một tấm trải tấm đắp vậy? Này các Tỳ-khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các Tỳ-khưu, các Tỳ-khưu-ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Các Tỳ-khưu-ni nào hai (người) nằm chung một tấm trải tấm đắp thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
 ...
[264] Sau khi chỉ rõ sự sắp xếp [4] rồi (cả hai) nằm xuống, các vị Ni bị điên, các vị Ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
[4] Ngài Buddhaghosa giảng rằng: “Các vị Ni sau khi đã đặt ở giữa tấm y ca-sa, hoặc cây gậy chống, hoặc chỉ là sợi dây lưng rồi nằm xuống thì không phạm tội.””
{
Lật giải:
Lại một sự mạo phạm “ban ơn, giáng hoạ” vô lối của luận sư Bà-la-môn Phật Âm khi tự ý cho các Tỳ-khưu-ni được vô tội.
Điều luật nói trên thuộc “phần dùng chung”, do đó các trường hợp hai Tỳ-khưu-ni sử dụng chung một giường (điều thứ nhất) hoặc nằm chung một tấm trải, tấm đắp (điều thứ hai) đều phạm tội ưng đối trị.
Bởi, ngay cho dù “các vị Ni sau khi đã đặt ở giữa tấm y ca-sa, hoặc cây gậy chống, hoặc chỉ là sợi dây lưng rồi nằm xuống thì”, họ vẫn có thể phạm tội như thường vì dùng chung một tấm đắp vẫn có thể che đậy được những chuyện không hay giữa hai người.
Lại nữa, “các cô gái tại gia hưởng dục” cũng thừa biết sắp đặt như Buddhaghosa để nằm chung với nhau, và vì sự sắp đặt kiểu Phật Âm bằng y ca-sa, gậy chống, sợi dây lưng không “chỉ rõ sự sắp xếp” cho nên dân chúng không thể thấy rõ sự tách biệt và họ vẫn có thể phàn nàn, phê phán, chê bai như thường.
Cụm từ “sau khi chỉ rõ sự sắp xếp rồi (cả hai) nằm xuống” cần phải hiểu là các cô Ni sắp xếp sao cho phân định rõ hai chỗ nằm hợp pháp, hoặc cách nằm hợp lý để không phạm tội, hoặc không được nằm chung một tấm trải tấm đắp. Ví dụ một cô được sử dụng còn cô kia không được, hoặc giữa họ phải có một khoảng cách biệt để người khác thấy rõ các cô không nằm chung tấm trải, hoặc mỗi cô được luân phiên sử dụng tấm trải theo từng ngày...  Nói chung, sắp xếp thế nào để không tạo điều kiện phạm tội, hoặc không để người khác dị nghị, nói xấu.
Có phân biệt rõ như vậy các Tỳ-khưu-ni mới vô tội, còn ông Bà-la-môn giả sư mới đáng tội mạo phạm vô lý.
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 4.12 Chương IV. Ưng đối trị (Pācittiya), Phần Tu Viện - Điều học thứ nhì:
“[334] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Vesālī, Mahāvana (Đại Lâm), giảng đường Kūṭāgāra. Vào lúc bấy giờ, thầy tế độ của Đại Đức Upāli là Đại Đức Kappitaka [1] ngụ ở mộ địa. Vào lúc bấy giờ, vị Tỳ-khưu-ni trưởng thượng của các Tỳ-khưu-ni nhóm Lục Sư qua đời. Các Tỳ-khưu-ni nhóm Lục Sư đã đưa (thi thể) vị Tỳ-khưu-ni ấy đi, thiêu xác ấy, và đã làm bảo tháp ở nơi không xa trú xá của Đại Đức Kappitaka, rồi thường đi đến nơi bảo tháp ấy khóc lóc. Khi ấy, Đại Đức Kappitaka bị quấy rầy bởi tiếng khóc ấy nên đã đập vỡ bảo tháp ấy rồi phân tán. Các Tỳ-khưu-ni nhóm Lục Sư đã hội ý rằng:
- Kappitaka này đã phá vỡ bảo tháp của ni sư chúng ta, chúng ta hãy giết lão đi.”
----------------
Chú thích của Phật Âm:
[1] Theo ngài Buddhaghosa, Đại Đức Kappitaka là vị trưởng lão trong số một ngàn đạo sĩ bện tóc được đề cập ở Đại Phẩm - Mahāvagga tập 1, chương I, [37].”
{
Lật giải:
Trong đoạn [37], Mahāvagga tập 1, chương I, không có chứng cứ nào cho thấy “Đại Đức Kappitaka là vị trưởng lão trong số một ngàn đạo sĩ bện tóc” như chú thích của Phật Âm.
Những ai tin theo Phật Âm phải giải thích rõ vì sao một luận sư Bà-la-môn sống sau Phật cả ngàn năm lại biết được điều này? Nếu họ không có những bằng chứng thuyết phục, đáng tin cậy; thì chú thích trên của ông Bà-la-môn giả sư chỉ là kiểu đoán mò, phán bậy.
Thế nhưng kiểu đoán mò phán bậy của “ngài” Buddhaghosa không phải không có tác dụng.
Thứ nhất nó khiến người đọc khách quan dễ có ác cảm với các Tỳ-khưu-ni và cho rằng họ là những người thù ghét tu sĩ gốc ngoại đạo, vì trong chánh luật các Tỳ-khưu-ni nhóm Lục sư toa rập ám hại Đại Đức Kappitaka khi ngài phá vỡ bảo tháp của bà ni sư trưởng nhóm Lục sư.
Thứ hai với chú thích kiểu “am tường” như trên dễ khiến cho những người cả tin nghĩ rằng “Thánh Tăng” Phật Âm quả là thấu suốt mọi chuyện, thật là một ân sư “đã có công chấn chỉnh Phật giáo suy đồi ở Tích Lan”, và chỉ khi mọi người tin như vậy “ngài” Buddhaghosa mới có thể “thủ tiêu những kinh điển mà Ngài cho là không đúng đường lối của Đức Phật”.
Nếu Buddhaghosa trước sau vẫn chỉ là một luận sư Bà-la-môn đứng ngoài đạo Phật, thử hỏi ông ta có làm được chuyện này không? Chắc chắn là không! Dù có ba đầu sáu tay cũng không làm được!
Thế nhưng Buddhaghosa chỉ cần mang một cái tên giống Phật, chỉ cần cạo một cái đầu giống Tăng, chỉ cần khoác lên mình tấm áo cà-sa, biết dùng vài tiếng Pāli là đủ để nhiều Phật tử tin rằng ông đã quy y theo đạo Phật. ‘Ngài’ tha hồ vẽ thêm nhiều chú giải, cài thêm vài chú thích để những kẻ cả tín tin rằng ông ta quả là một “Thánh Tăng”. Và thế là ông Bà-la-môn sống sau Phật cả ngàn năm này tha hồ tung hoành xoay tà Luận thành thánh pháp, chuyển chánh Pháp thành phi pháp, khuyên dại thế nào cũng có kẻ vâng theo (?!)
Thử hỏi, thời mạt pháp là do Pháp mạt hay người mạt?
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 4.13 Chương IV. Ưng đối trị (Pācittiya)Phần Sản Phụ - Điều học thứ năm:
“[380] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các Tỳ-khưu-ni tiếp độ người nữ đã kết hôn khi chưa đủ mười hai tuổi. [1] Các cô ấy không có khả năng chịu đựng sự lạnh, sự nóng, sự đói, sự khát, các sự xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng, và các loài bò sát, các lối nói lăng mạ công kích, có khuynh hướng không cam chịu các cảm thọ khổ, nhức nhối, khốc liệt, sắc bén, gay gắt, không chút thích thú, khó chịu, chết người thuộc về cơ thể đã sanh khởi...
[381] ... Chưa đủ mười hai tuổi nghĩa là chưa đạt đến mười hai tuổi.”
----------------
Chú thích của dịch giả (?):
[1] Ūnadvādasavassaṃ gihigataṃ: còn có thể dịch là “người nữ đã kết hôn chưa được 12 năm;” xin đọc thêm lời giải thích ở phần giới thiệu.”
{
Bình:
_ Theo sử sách còn lưu truyền lại cho thấy, khi xưa nhiều vùng thuộc châu Á có nạn tảo hôn khá phổ biến, người nữ bị ép lấy chồng khi còn rất trẻ. Do vậy trong xã hội thời Phật, chuyện người nữ lấy chồng khi chưa đủ mười hai tuổi, thiết nghĩ không có gì khó hiểu. Trong bối cảnh đó, theo luật đạo vị Tỳ-khưu-ni tiếp độ cho người nữ còn quá nhỏ bị phạm tội Ưng đối trị.
_ Chánh Luật cũng đã giải thích rõ lý do: vì các cô còn quá trẻ nên “Các cô ấy không có khả năng chịu đựng sự lạnh, sự nóng, sự đói, sự khát, các sự xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng, và các loài bò sát, các lối nói lăng mạ công kích, có khuynh hướng không cam chịu các cảm thọ khổ, nhức nhối, khốc liệt, sắc bén, gay gắt, không chút thích thú, khó chịu, chết người thuộc về cơ thể đã sanh khởi.”  (Xem thêm Chương Ưng đối trị, Phần Thiếu Nữ, điều học thứ nhất).
Thế nhưng, theo đây với chú thích “người nữ đã kết hôn khi chưa được 12 năm” thì điều này trở nên vô lý. Vì sao “người nữ đã kết hôn khi chưa được 12 năm”  lại không có khả năng chịu đựng sự lạnh, sự nóng, sự đói, sự khát...? Trường hợp các goá phụ lớn tuổi có chồng mất sớm, sống chung chưa đủ 12 năm thì sao, không lẽ họ không được tiếp độ?
_ Trong xã hội nam nữ bình quyền như hiện nay việc không cho người nữ đã kết hôn chưa được 12 năm” được tiếp độ tu lên bậc trên lại càng không thực tế, vô lý.
Phần chánh Luật trong [381] đã định nghĩa quá rõ ràng “Chưa đủ mười hai tuổi nghĩa là chưa đạt đến mười hai tuổi” chứ không phải là chưa kết hôn đủ 12 năm.
Với các lý do trên, Ūnadvādasavassaṃ gihigataṃ như dịch giả đã dịch là “người nữ đã kết hôn khi chưa đủ 12 tuổi” chính xác hơn. Có vậy Ni đoàn mới không xuất gia các thiếu nữ còn quá nhỏ tuổi, chưa “có khả năng chịu đựng” những điều kiện sống như của một vị Tỳ-khưu-ni đệ tử Phật. Đồng thời cũng không để lỡ duyên xuất gia các “người nữ đã kết hôn chưa được 12 năm”.
____________________
Trích đoạn chánh Luật, phần 4.14 Chương IV. Ưng đối trị (Pācittiya), Phần kết
“[483] Bạch chư Đại Đức Ni, một trăm sáu mươi sáu điều pācittiya (ưng đối trị) [3] đã được đọc tụng xong. Trong các điều ấy, tôi hỏi các Đại Đức Ni rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?”
----------------
Chú thích áp đặt của Phật Âm:
[3] Lời giải thích của ngài Buddhaghosa được tóm lược như sau: Tổng số giới pācittiya (ưng đối trị) của Tỳ-khưu-ni là 166 điều, và đã được trình bày ở đây là 96 điều và 70 điều còn lại là những điều đã quy định chung cho Tỳ-khưu và Tỳ-khưu-ni và được trình bày trong Phân Tich Giới Tỳ-khưu - Bhikkhuvibhaṅga.
Trong số 92 điều ưng đối trị của Tỳ-khưu, thay vì tìm 70 điều là phần quy định chung, chúng ta sẽ bớt đi 22 điều quy định riêng cho Tỳ-khưu gồm có: 10 điều thuộc phần giáo giới (21-30), 4 điều thuộc phần vật thực: Trường hợp vật thực thỉnh sau (33), thọ thực thức ăn không phải là đồ thừa (35), mời thức ăn không phải là đồ thừa rồi buộc tội (36), yêu cầu các loại vật thực thượng hạng (39); thêm vào 8 điều nữa là: Bố thí đến tu sĩ ngoại đạo (41), che giấu tội xấu xa (64), cho tu lên bậc trên người chưa đủ hai mươi tuổi (65), hẹn hò rồi đi chung đường xa với người nữ (67), đi vào hậu cung của đức vua (83), vào làng lúc sái thời chưa thông báo vị Tỳ-khưu hiện diện (85), tọa cụ (89), y choàng tắm mưa (92). Tổng cộng là 22 điều”.
{
Lật giải:
Trong chú thích trên không nói rõ căn cứ vào đâu Phật Âm lại thêm bớt giới luật của Phật như vậy. Đây không chỉ là sự tuỳ tiện xem thường thánh Giới Luật mà còn xúc phạm đến Đức Thế Tôn, coi thường Tăng chúng. Không làm rõ chuyện này e mắc tội với Bậc Đạo Sư.
Theo trên, luật Ưng đối trị cho Tỳ-khưu-ni tổng cộng có 166 điều, bao gồm 96 điều quy định trực tiếp cho Ni cộng với 70 điều của Tăng thay vì 92 điều. Nói cách khác, trong 92 điều chính thức của Tăng có 22 điều đã bị bỏ bớt, không áp dụng đối với Ni.
Với mục đích góp phần thanh tịnh hoá bộ luật Pātimokkha, nhằm tránh khỏi bị ô nhiễm bởi các luận giải nguy hiểm của các Bà-la-môn gián điệp, đề nghị Tăng đoàn hãy xem xét lại 22 điều bị bỏ bớt trong chú thích trên.
Trước hết xét 10 điều thuộc phần giáo giới (21-30). Đây là các điều luật cho Tỳ-khưu liên quan đến Tỳ-khưu-ni, tuy nhiên một số điều luật vẫn có thể áp dụng cho Tỳ-khưu-ni nếu thay đổi đối tượng cho thích ứng, giống như hầu hết các trường hợp khác.  
 Cụ thể như điều 24, thay vì Vị Tỳ-khưu nào nói như vầy: ‘Các Tỳ-khưu giáo giới cho các Tỳ-khưu-ni vì nguyên nhân lợi lộc’ thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị), có thể áp dụng bằng VịTỳ-khưu-ni nào nói như vầy: ‘Các Tỳ-khưu giáo giới cho các Tỳ-khưu-ni vì nguyên nhân lợi lộc’ thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị)
Điều 25: “Vị Tỳ-khưu nào cho y đến Tỳ-khưu-ni không phải là thân quyến thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ sự trao đổi. có thể thay bằng Vị Tỳ-khưu-ni nào cho y đếnTỳ-khưu không phải là thân quyến thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ sự trao đổi.
Điều 26: “Vị Tỳ-khưu nào may y hoặc bảo may y cho Tỳ-khưu-ni không phải là thân quyến thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).” --> Vị Tỳ-khưu-ni nào may y hoặc bảo may y cho Tỳ-khưukhông phải là thân quyến thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
Điều 27: “Vị Tỳ-khưu nào sau khi hẹn trước rồi đi chung đường xa với vị Tỳ-khưu-ni ngay cả (đi) từ làng này sang làng khác thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị), ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: con đường cần phải đi chung với đoàn xe, được xác định là có sự nguy hiểm, có sự kinh hoàng. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy. --> Vị Tỳ-khưu-ninào sau khi hẹn trước rồi đi chung đường xa với vị Tỳ-khưu ngay cả (đi) từ làng này sang làng khác thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị), ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: con đường cần phải đi chung với đoàn xe, được xác định là có sự nguy hiểm, có sự kinh hoàng. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.
Điều 28: “Vị Tỳ-khưu nào sau khi hẹn trước rồi cùng với vị Tỳ-khưu-ni lên chung một chiếc thuyền đi ngược giòng hoặc đi xuôi giòng thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị), ngoại trừ vượt ngang qua (sông). --> Vị Tỳ-khưu-ni nào sau khi hẹn trước rồi cùng với vị Tỳ-khưu lên chung một chiếc thuyền đi ngược giòng hoặc đi xuôi giòng thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị), ngoại trừ vượt ngang qua (sông).
Điều 29: “Vị Tỳ-khưu nào biết thức ăn được Tỳ-khưu-ni môi giới cho vẫn thọ thực thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có sự chuẩn bị trước bởi gia chủ. --> Vị Tỳ-khưu-ni nào biết thức ăn được Tỳ-khưu môi giới cho vẫn thọ thực thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có sự chuẩn bị trước bởi gia chủ.
Điều 30: “Vị Tỳ-khưu nào cùng với Tỳ-khưu-ni một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).” --> “Vị Tỳ-khưu-ni nào cùng với Tỳ-khưu một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
Nếu cho rằng 10 điều luật trên dành riêng cho Tỳ-khưu có thể bỏ bớt đối với Tỳ-khưu-ni, thì một số các điều luật khác cũng dành riêng cho Tỳ-khưu nhưng không thấy lược bỏ. Ví dụ:
_ Điều 6: Nằm chung chỗ ngụ với phụ nữ.
_ Điều 7:  Thuyết pháp đến người nữ nhưng không có người nam có trí chứng kiến
_ Điều 44: Ngồi với người nữ ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất.
_ Điều 45: Ngồi với người nữ ở chỗ ngồi kín đáo chỉ một nam một nữ.
Tuy nhiên các điều luật này vẫn có thể có nguyên giá trị đối với Ni, nếu thay các đối tượng cho thích ứng. Ví dụ:
_ Điều 6: Nằm chung chỗ ngụ với nam.
_ Điều 7: Thuyết Pháp đến người nam, nhưng không có người nữ có trí chứng kiến.
_ Điều 44: Ngồi với người nam ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất.
_ Điều 45: Ngồi với người nam ở chỗ ngồi kín đáo chỉ một nam một nữ.
Như vậy việc bỏ bớt 10 điều trong phần giáo giới của Tỳ-khưu với lý do chỉ dành riêng cho Tăng là không thoả đáng, nếu không phải là chủ quan tuỳ tiện, thì cũng có ý phá hoại luật của Đức Thế Tôn.
Xét tiếp 4 điều bị bỏ bớt thuộc phần vật thực: Trường hợp vật thực thỉnh sau (33), thọ thực thức ăn không phải là đồ thừa (35), mời thức ăn không phải là đồ thừa rồi buộc tội (36), yêu cầu các loại vật thực thượng hạng (39).
Nếu đọc kỹ lại các quy định cụ thể về bốn điều luật trên, sau khi biết vận dụng thích ứng đối với Tỳ-khưu-ni, thật khó có thể nêu rõ lý do vì sao chúng chỉ dành riêng cho Tỳ-khưu, không áp dụng được cho Tỳ-khưu-ni.
Đề nghị những ai chấp nhận sự bỏ bớt 4 điều luật này hãy giải trình cụ thể bằng các luận chứng đáng tin cậy. Nếu không, quý vị có thể bị mang tiếng cả tin theo gián điệp Bà-la-môn, tuỳ tiện lược bỏ giới luật của Phật, xúc phạm đến Tam Bảo.
Tương tự như trên, nếu xét kỹ 8 điều bị bỏ bớt nữa là: Bố thí đến tu sĩ ngoại đạo (41), che giấu tội xấu xa (64), cho tu lên bậc trên người chưa đủ hai mươi tuổi (65), hẹn hò rồi đi chung đường xa với người nữ (67), đi vào hậu cung của đức vua (83), vào làng lúc sái thời chưa thông báo vị Tỳ-khưu hiện diện (85), tọa cụ (89), y choàng tắm mưa (92); cũng thấy rõ nếu không phải do sự chủ quan áp đặt, thì cũng vì muốn phá hoại Tăng Ni.
Ngay với hai điều 67 và 85 vẫn có thể có hiệu lực khi thay thế đối tượng. Ví dụ: Đi chung đường xa với namhoặc đi vào làng vào lúc sái thời không báo cho Tỳ-khưu-ni hiện diện.
Đương nhiên vì Phật Âm (?) vốn là một luận sư ngoại đạo nên ông ta đã giải thích thế nào đó khiến “chúng ta” phải bỏ điều khoản cấm ‘tự tay cho vật thực đến tu sĩ ngoại đạo lõa thể, hoặc du sĩ ngoại học’ (điều 41).
Đương nhiên vì Phật Âm muốn các Tỳ-khưu-ni trở thành đồng loã với các Tỳ-khưu nên đã giải thích thế nào đó khiến “chúng ta” bỏ bớt điều “che giấu tội xấu xa” (điều 64).
Đương nhiên, ông Bà-la-môn giả sư cũng muốn giáo đoàn Ni bị tha hoá và suy đồi mau lẹ nên ông ta đã giải thích thế nào đó khiến “chúng ta” bỏ một loạt các giới quan trọng về vật thực (các điều 33, 35, 36, 39).
Đương nhiên, ông Bà-la-môn giả sư cũng muốn để các Ni có thể ra vào hậu cung của vua, sắm toạ cụ và y tắm mưa thoải mái nên “ngài” đã giải thích thế nào đó khiến “chúng ta” thẳng tay bỏ luôn các điều luật này.
Tóm lạixét riêng điều luật Ưng đối trị, nếu giữ nguyên 92 điều của Tỳ-khưu và cộng với 96 điều của Ni, thì luật Ưng đối trị của Tỳ-khưu-ni có tổng cộng 188 điều. Nhưng theo chú giải, Phật Âm chỉ lập lờ chung chung “22 điều quy định riêng cho Tỳ-khưu” để rồi tự ý huỷ bỏ giới luật của Phật, đây là điều không thể chấp nhận.
Ngay cả với con số ‘116 điều pācittiya cho Tỳ-khưu-ni, không loại trừ khả năng đã bị Phật Âm Bà-la-môn sửa đổi để bỏ bớt các điều luật quan trọng của Phật nhằm phá hoại Phật giáo. Vấn đề này cần phải thận trọng suy xét, không thể chủ quan dựa vào chú giải đơn thuần của một ông Bà-la-môn sống sau Phật một ngàn năm để xóa bỏ giới luật của Phật. Chính Đức Thế Tôn đã nhiều lần khuyến cáo việc các Tỳ-khưu bỏ bớt các giới luật đã được quy định là một trong các nguyên nhân khiến chúng Tăng bị phá hoại.
Xin đề nghị các vị hữu trách xem xét kỹ vấn đề này để bộ Luật của Phật được đầy đủ hơn, tránh sự chủ quan tuỳ tiện hoặc rơi vào cạm bẫy của các gián điệp ngoại học. Được vậy mới mong duy trì Pháp và Luật của Đức Thế Tôn được tốt đẹp.
Theo đây các điều luật dành cho Ni cần suy xét lại:
ĐIỀU LUẬT
TĂNG
NI
Tội Trục xuất, hay tội Triệt khai, Bất cộng trú (Pārājika)
4
8
Tội Tăng tàng (Saṅghādisesa)
13
17 hay 23?
Tội Bất định, phán định tùy sự kiện (Aniyata)
2
2
Tội Ưng xả đối trị (Nissaggiya Pācittiya)
30
30 hay 42?
Tội Ưng đối trị (Pācittiya)
92
116 hay 188
Tội Ưng phát lộ (Pāṭidesanīya)
4
8
Tội Ưng học (Sekhiya)
75
75
Pháp dàn xếp tranh tụng
7
7
Tổng số điều luật
227
311 hay 331?
Xin lưu ý, ai tin theo Phật Âm, nếu có bị người trí quở trách tội nghe theo Bà-la-môn gián điệp, xúc phạm Đức Thế Tôn, phá hoại Chánh Tam Bảo thì đừng trách tại sao lại như thế!!!
CÒN TIẾP PHẦN 5
______________________________
(*) Theo bản dịch tạng Luật tiếng Việt của tỳ-khưu Indacanda - Trương Đình Dũng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét