Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

KINH THẬT - KINH GIẢ VÀ CÁCH THỨC PHÁ HOẠI CỦA CÁC BÀ LA MÔN GIÁN ĐIỆP


Một Học Giả phía bắc hỏi vị Học Thật phương nam:
_ Thưa ngài, tạng Pali phương Nam và tạng A Hàm phương Bắc được xem như cùng một gốc, thế nhưng khi so sánh giữa hai tạng này, người ta thấy có nhiều bài kinh trong tạng Pali có nhưng A Hàm không có bản tương đương; ngược lại có những bài kinh trong tạng A Hàm có nhưng tạng Pali không có. Trường hợp này nên hiểu như thế nào?
_ Lành thay, Hiền giả đã đặt vấn đề thiết thực. Nhưng trước khi lý giải cần nhận định rõ một điều hết sức quan trọng, đó là phải biết phân cấp hệ thống các kinh điển, từ đây mọi sự so sánh, đối chiếu, đánh giá mới khách quan được.
_ Phân cấp như thế nào?
_ Xét riêng về yếu tố dịch thuật, mỗi lần chuyển dịch ngôn ngữ cấp độ của kinh tăng lên. Do vậy các kinh gốc Nikaya được chuyển dịch từ tiếng Pali gốc được xem như kinh cấp 1, còn các kinh Pali chữ Việt dịch từ tạng Pali gốc là kinh cấp 2. Ví dụ có bản kinh Pali nào đó dịch từ bản Pali tiếng Việt, đây là các kinh cấp 3…
Học Giả phía bắc nhanh nhảu tiếp lời:
_ Tương tự, các kinh A Hàm phương Bắc bằng chữ Sanskrit được xem như kinh cấp 1, còn tạng A Hàm chữ Hán là kinh cấp 2, tạng A Hàm chữ Việt dịch từ A Hàm chữ Hán là kinh cấp 3. Tôi nói đúng không?
_ Đúng vậy, các Kinh gốc hoặc có cấp số nhỏ có mức độ tin cậy nhiều hơn các kinh có cấp số lớn, ngược lại các Kinh có cấp số lớn ít tin cậy hơn vì chúng đã bị chuyển dịch qua nhiều thứ tiếng.
_ Tôi hiểu rồi vì “Tam sao thất bản”: qua ba lần sao chép, bản gốc thường không còn. Đã thế các bản kinh gốc bằng chữ Sanskrit còn bị biến mất, không còn một cuốn. Học Giả chúng tôi muốn so sánh đối chiếu cũng không thể.
Vị Học Thật phía nam nhấn giọng:
_ Đây là điều quan trọng thứ hai chúng ta cần phải lưu ý. Căn cứ vào các bài kinh A Hàm chữ Hán đã bị cải biên một cách ấu trĩ, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng các kinh gốc chữ Sanskrit đã bị “ai đó” tiêu hủy.
_ Khi người ta cố ý làm giả, tất phải tiêu hủy bản chính gốc để không ai phát hiện ra thủ đoạn của họ.
_ Rõ ràng là như thế. Do vậy khi so sánh giữa kinh Pali và kinh A Hàm, chúng ta phải đặc biệt lưu ý những vấn đề trên.
_ Nhằm tránh tin vào các kinh ngụy tạo.
_ Thật vậy. Trở lại vấn đề, nếu trong trường hợp tạng Pali có, nhưng A Hàm không có. Có hai khả năng xảy ra: một là “ai đó” đã thêm vào trong tạng Pali, hai là “người quen” nào đó đã lược bỏ chúng trong A Hàm. Muốn biết chính xác phải xét cụ thể từng bài kinh.
_ “Người quen” phải xóa bỏ các bài kinh gốc vì nó đặc biệt quan trọng, hoặc sự biến mất của chúng có lợi cho sự xuyên tạc, cho kế sách gián điệp?
_ Đúng thế. Điển hình như bài kinh Đại Niệm Xứ, có trong Trường Bộ Pali nhưng trong A Hàm bị biến mất hoàn toàn, còn Kinh Niệm Xứ trong Trung A Hàm lại bị cải biến, cải biên nhiều pháp trọng yếu. Hoặc những bài kinh Pali Đức Thế Tôn chỉ rõ những kẻ mạo danh Ngài, xuyên tạc Tam Bảo cũng bị lược bỏ trong A Hàm. Hoặc những bài kinh Pali đả phá thần Chú cũng bị “bỏ quên”, có vậy các kinh A Hàm và các kinh Đại thừa sau này mới phổ biến tà pháp này.
Học Giả phía bắc chép miệng thở dài:
_ Quả như ai đó đã nói “Giang hồ hiểm ác, nhưng trong tôn giáo không thiếu những Dạ-xoa đội lốt thánh hiền”! Hẳn, các Dạ-xoa này cũng thừa sức tạo thêm vào các kinh giả trong tạng Pali.
_ Không loại trừ khả năng này. Hiền giả đọc kỹ các chuyện “Tiền Thân” trong Tiểu Bộ về cuối sẽ có thêm nhiều chứng cớ cụ thể. Xin lưu ý, các kinh trong Tiểu Bộ cũng được kết tập về sau này. Nếu xét về thời gian xuất hiện, các kinh này không thể được tin cậy như các kinh gốc kết tập lần đầu.
_ Tôi hiểu ý ngài. Còn trường hợp nếu A Hàm có các bài kinh nhưng Pali không có các bản tương đương?
_ Cũng có hai khả năng xảy ra: một là “ai đó” đã lược bỏ các bài kinh Pali, tất nhiên cũng là các bài kinh quan trọng. Điển hình là một loạt các bài kinh nói về thiền trong Tương Ưng không còn nội dung mà chỉ còn có tựa đề.
_ Nghe đâu, Phật Âm (Buddhaghosa) một luận sư khét tiếng của Bà-la-môn, sống sau Phật cả ngàn năm, thế nhưng được nhiều người tin tưởng là Thánh Tăng; và thế là ông ta mặc nhiên hủy bỏ những bài kinh Pali ông ta cho rằng không phải của Đức Phật.
Học Thật phía nam lắc đầu:
_ Nếu vậy, thật điên rồ! Đương nhiên, nếu những người ở phương Bắc cũng tin một ông “Phật âm” của mình, vị “Bồ-tát” này hoàn toàn có khả năng bí mật thêm vào các bài kinh “lạ” trong tạng A Hàm nhằm phá hoại Phật pháp. Ông khách quan đọc kỹ các bài kinh A Hàm không có bản kinh tương đương trong Pali sẽ có nhiều dẫn chứng cụ thể hơn.
_ Đúng là thêm bớt, bớt thêm kiểu này Diệu pháp của Phật bị biếm mất chứ làm sao còn được.
_ Để kết luận, ông hãy tịnh tâm đọc kỹ điều tiên tri của Phật trong Bài kinh “Cái Chốt Trống”, Kinh Tập số 27 này.
Nói xong, vị Học Thật đưa cho Học Giả phương bắc cuốn kinh. Vị Học Giả phương bắc kính cẩn hai tay đỡ lấy Pháp bảo rồi trịnh trọng đọc to:
“Trú ở Sàvatthi.
Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, dân chúng Dasàrahà có một cái trống tên là Anaka. Khi cái trống Anaka bắt đầu nứt ra, dân chúng Dasàrahà đóng vào một cái chốt khác. Cho đến một thời gian, này các Tỷ-kheo, cả cái thùng ván của trống Anaka biến mất và chỉ còn lại những cái chốt tụ tập lại.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo sẽ thành trong tương lai. Những bài kinh nào do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không Tánh, họ sẽ không nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ không lóng tai; họ sẽ không an trú chánh tri tâm, và họ sẽ không nghĩ rằng các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải thấu đáo.
Còn những bài kinh nào do các thi sĩ làm, những bài thơ với những danh từ hoa mỹ, với những câu văn hoa mỹ, thuộc ngoại điển, do các đệ tử thuyết giảng, họ sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ lóng tai; họ sẽ an trú chánh tri tâm và họ sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các kinh do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không Tánh, sẽ đi đến tiêu diệt.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: "Những bài kinh nào do Như Lai thuyết giảng, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không Tánh, chúng tôi sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; chúng tôi sẽ lóng tai; chúng tôi sẽ an trú chánh tri tâm. Và chúng tôi sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo”.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập”.
Không hẹn mà nên, cả hai vị Học Thật và Học Giả cùng chấp tay niệm lớn:
_ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chánh Học Pháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét