Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

VU LAN ĐẸP NHẤT


Ngày Rằm Tháng Bảy, các em trong nhóm Gia Đình Phật Tử ngồi quây quần thành vòng tròn, cùng vui đón mùa Vu Lan thắng hội. Anh huynh trưởng kể chuyện ‘Trái Cam tình nghĩa’ cho các em nghe.
Có bà mẹ nghèo đi chợ, được bà hàng xóm tặng cho trái cam. Bà không ăn vì nhớ đến đứa con trai ở nhà, nó còn nhỏ cần trái cam hơn mình. Thằng bé ra tận đầu làng đón mẹ, xách giúp mẹ một tay. Mẹ bảo, con ăn dùm mẹ trái cam này. Thằng bé vui mừng nhận lấy trái cam yêu thương từ mẹ, nhưng lại nghĩ: “Bố mình ngoài đồng cực nhọc, một nắng hai sương lo cho gia đình. Người mới xứng đáng ăn trái cam này.”
Thằng bé nghĩ vậy liền chạy ra đồng biếu cha trái cam. Ông bố hạnh phúc nhận lấy trái cam từ đứa con trai hiếu thảo, nhưng lại nghĩ: “Vợ mình ở nhà lo đủ mọi chuyện từ trong ra ngoài, từ sáng tới khuya, mệt nhoài vẫn không hết việc. Bà ấy mới xứng đáng hưởng trái cam này.”
Chiều tối về tới nhà, ông chồng thấy vợ vừa trong bếp hối hả đi ra lại phải lui cui lo xách nước. Ông nhìn bà rồi tặng lại trái cam. Bà vợ đón lấy trái cam tình nghĩa từ chồng, bà cảm thấy hạnh phúc đến quên cả mệt nhọc.
Kể xong câu chuyện, anh huynh trưởng hỏi cả nhóm:
- Các em nghĩ gì về câu chuyện “Trái Cam ngọt nhất” này.
Sen Trắng phát biểu:
- Chỉ là một trái cam bé nhỏ, nhưng nặng ân tình hiếu nghĩa cũng đem lại hạnh phúc vô ngần các bạn nhỉ?
Sen Xanh đồng tình:
- Đúng vậy. Hạnh phúc thật sự ở nơi vị tha chia sẻ, chứ không phải ích kỉ giành giật. Nghèo nhưng tình nghĩa còn hơn giàu mà vô cảm.
Sen Tím góp ý:
- Mình thấy nhiều gia đình giầu có nhưng chỉ lo kiếm tiền, cha mẹ con cái bị vật chất lôi cuốn đến độ tranh giành cãi lộn lẫn nhau. Thật buồn.
Cả nhóm còn đang hăng say phát biểu, anh huynh trưởng chen ngang:
- Các em hãy suy nghĩ thêm để hiểu ý nghĩa cao đẹp của câu chuyện nhé. Theo các em, ai trong gia đình mới xứng đáng ăn trái cam nhất? Nhà có ba người mà chỉ có một trái cam phải làm sao đây?
Sen Hồng là cô bé nhỏ nhất, giơ tay phát biểu:
- Dạ, theo em, ai cũng xứng đáng ăn trái cam ngọt nhất ấy. Em đề nghị cắt trái cam làm ba, mỗi người đều có phần là hay nhất.
Cả nhóm vỗ tay hoan hô ý kiến của Sen Hồng. Anh huynh trưởng cũng tán đồng, rồi thưởng cho mỗi em ba trái cam.
- Nào, bây giờ các em hãy tặng người bên trái một trái cam xem nào.
Các em vui vẻ làm theo. Im lặng một lát, anh huynh trưởng lại tiếp:
- Các em hãy tặng bạn bên phải một trái nào!
Cả nhóm hào hứng tặng bạn. Xong, anh huynh trưởng lại hỏi:
- Bây giờ các em có mấy trái cam?
Cả nhóm:
- Dạ, ba trái ạ!
Anh huynh trưởng mỉm cười:
- Các em thấy không, hãy tập biết cho, các em sẽ nhận lại. Cuộc sống cũng là một vòng tròn nhân quả. Ông bà mình dạy ‘Bánh ít đi, bánh quy lại’ là vậy. Hãy tạo thành vòng tròn nhân ái từ chính mình. Giờ đây mỗi em về nhà biếu tặng ông bà, cha mẹ, anh chị em những trái cam này nhé. Anh tin rằng các em sẽ nhận được tình yêu thương vô giá từ gia đình. Chúng ta hãy chúc nhau an vui nhiều hơn trong mùa Vu Lan thắng hội năm nay.
Cả nhóm dạ rân cám ơn anh huynh trưởng. Bé Sen Hồng lại lên tiếng:
- Anh huynh trưởng ơi, nhà em đông người lắm. Em xẻ cam chia đồng đều cho mọi người, anh nhé!
Anh huynh trưởng mỉm cười xoa đầu Sen Hồng. Cả nhóm lại vỗ tay hoan hô Sen Hồng và nhất trí chọn Sen Hồng là hoa sen đẹp nhất mùa thắng hội năm nay.
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ @

QUÂN PHÁP BẤT VỊ THÂN, HUỐNG HỒ PHẬT PHÁP


Một nhóm cư sĩ đang ngồi nói chuyện với nhau về đề tài “Phật pháp bất ly thế gian giác”. Hội chúng còn đang sôi nổi bàn tán, bỗng nhiên một cư sĩ áo trắng hạ thấp giọng như muốn tiết lộ một chuyện bí mật:
_ Này các ông, tôi nghe rõ ràng có một ông đại quan được cấp trên bật đèn xanh, đút lót cho các quan đồng liêu, tất cả hè nhau giúp phóng thích cho cha mẹ của họ thoát khỏi ngục tù đại hình.
Cư sĩ áo lam lớn tiếng phê bình:
_ Đến như trong kinh Tiểu thừa, người con chí hiếu nào cũng biết: Muốn báo thâm ân, phải an trú cha mẹ vào Chánh Tín, Giới Đức, Bố Thí, và Trí Tuệ. Người đời không biết đạo nên cha mẹ đã làm càn bị tội, con càng làm bậy bao che. Đời này mạt pháp nên mới có lắm kẻ phi pháp như vậy.
Cư sĩ áo vàng phụ hoạ:
_ Không biết pháp mạt hay người mạt. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, vua không ra vua, quan chẳng ra quan, hối lộ, đút lót cho nhau bất chấp luật lệ công bằng nhân quả. Liệu họ có xứng đáng là “phụ mẫu chi dân”, giữ gìn đạo đức an nguy cho xã tắc?
Vị kế bên:
_ Cũng trong Pháp Cú của Tiểu Thừa, Phật đã dạy rõ: “Tự mình làm điều ác. Tự mình làm nhiễm ô. Tự mình ác không làm. Tự mình làm thanh tịnh. Tịnh, không tịnh tự mình. Không ai thanh tịnh ai” (PC 165). Mỗi người phải biết sợ nhân quả nghiệp báo và phải tự mình chịu trách nhiệm lấy bản thân mình, nhờ vậy thế giới mới trở nên lương thiện an bình được chứ?
Vị áo nâu tiếp lời:
_ Nếu mọi người đều lợi dụng chức quyền bao che tội ác như thế, những kẻ bất nhân còn sợ gì hình phạt? Chúng cứ theo đó làm càn, biết bao giờ họ mới thôi gây tội ác? Đến Trời Phật còn phải tuân theo luật nhân quả, huống hồ con người. Đúng là trò phi nhân.
Vị áo xanh lắc đầu xẵng giọng:
_ Còn phi luân thường, phi đạo lý nữa chứ. Phật dạy một nghiệp ác giống như tảng đá chìm trong nước, dù vạn người cầu nguyện cũng không nổi lên được. Luật nhân quả đối với người chết rõ ràng như thế, luật cho người sống cũng không khác được. “Trần sao âm vậy” làm trái với lời Phật dạy, đương nhiên cũng trái với luật pháp thế gian.
Bỗng nhiên, tất cả như chợt nhớ ra điều gì, cùng quay sang hỏi vị cư sĩ áo trắng:
_ Nhưng ông nghe tin ấy từ đâu?
Cư sĩ áo trắng ôm đầu rên rỉ:
_ Từ “kinh” Vu Lan của các tổ sư Đại Thừa chứ đâu!
CƯ SĨ THANH VĂN

VU LAN TẦU KHÔNG BÁO HIẾU, CHỈ BÁO NGỐ


Nhân ngày Vu Lan bồn Đại Thừa Bà La Môn, hai cư sĩ ngồi nói chuyện với nhau. Vị thứ nhất:
_ Này ông, trong Phật giáo Đại Thừa có chuyện bà Mục Liên Thanh Đề, mẹ của ngài Mục Kiền Liên, bị đọa vào địa ngục vì tội cúng dường thịt chó cho chư Tăng. Sau đó ngài Mục Kiền Liên Đại Thừa được Bụt Đại Thừa chỉ dạy cách cứu mẹ. Tui thấy chuyện này có nhiều điều vô lý.
_ Vô lý chi mô?
_ Thứ nhất ngài Mục Kiền Liên được xem là đệ nhất thần thông và có cả tha tâm thông, vậy tại sao ngài không biết được mẹ ngài sắp làm điều phi pháp để cứu mẹ ngay từ đầu, lại để mẹ phạm tội rồi mới cứu?
_ Ừ nhỉ! Ngài Mục Kiền Liên để mẹ phạm tội, phải khổ đau trong địa ngục rồi mới cứu, vậy đâu phải là đệ nhất thần thông, chưa phải là đại báo hiếu.
_ Lại nữa, đặt trường hợp ngài Mục Kiền Liên không biết, nhưng còn một ngàn hai trăm năm mươi vị Thánh Tăng A La Hán, còn hàng ngàn Thánh Ni khác, không lẽ tất cả cũng không biết để báo cho vị trưởng lão ngay từ đầu hay sao?
_ Ừ nhỉ! Thánh Tăng, Thánh Ni phải biết chứ. Đó là chưa nói đến chuyện, trong kinh văn Đại Thừa có hàng hà sa số các Bồ-tát cao siêu. Chẳng lẽ tất cả đều không biết? không tìm mọi cách ngăn chặn ngay từ đầu? Đúng là vô lý!
_ Và ngay cho dù tất cả không biết, nhưng chắc chắn Bụt Đại Thừa phải biết để ngăn chặn mẹ của vị đại đệ tử của mình chứ? Chính Phật Thích Ca đã dạy phải ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện kia mà? Bụt Đại Thừa phải báo cho ngài Mục Kiền Liên hoặc trực tiếp ngăn bà Mục Liên Thanh Đề làm ác ngay từ đầu thì mới là bậc Thế Gian Giải chứ?
_ Đúng thế! Có vậy mới đúng là Đức Chánh Biến Tri, bậc Thầy Trời Người, mới xứng là Đạo Sư của Đệ nhất thần thông. Trong kinh văn Nguyên Thủy, Đức Phật tiên tri sự việc đúng y như thật, thậm chí biết được cả tỉ năm sau trái đất sẽ bị nung chảy hoàn toàn nữa kia.
_ Chưa hết, không lẽ tất cả các vị Tăng ăn bữa cơm cúng dường ấy lại bị lú lẫn đến độ không một ai nhận biết được thịt chó? Không một ai có thể phát hiện sớm mình bị lừa? Tất cả đều giả ngơ đến thế hay sao? Không lẽ Bụt, các Thánh Tăng, Thánh Ni và các Bồ-tát khác không cảnh báo cho họ để tránh phạm giới hay sao?
_ Vô lý đến độ đáng nghi ngờ.
_ Đã vậy, nếu bà Mục Liên Thanh Đề đã làm ác, bị đọa địa ngục; sao lại được chư Tăng hùa nhau cứu thoát, như vậy họ có phá luật nhân quả không? Cứ cứu độ kiểu đó, cha mẹ hoặc người thân của mấy tăng ni thấy vậy rồi cứ tha hồ làm ác tạo tội, không còn ai sợ quả báo địa ngục vì tin rằng sẽ được con cháu cứu rỗi; thử hỏi có phải kinh văn Đại Thừa đã dẫn đường cho ác pháp không?
_ Chứ còn gì nữa! Tà pháp, phi pháp rành rành. Trong kinh văn Nguyên Thủy làm gì có những chuyện vô lý ấu trĩ như thế.
_ Vả lại, theo kinh văn Nguyên Thủy dù con cái có cõng cha mẹ cả trăm năm cũng chưa đền đáp hết công ơn cha mẹ, mà phải an trú cha mẹ trong chánh tín, thiện giới, bố thí, trí tuệ mới thực là báo hiếu.
_ Đúng vậy. Với người con Phật chân chính, suốt 365 ngày trong cả trăm năm đều phải nhớ ơn và báo hiếu cho cha mẹ đúng pháp.
_ Đằng này mấy ông luận sư rởm đời sau vẽ ra chuyện Vu Lan cứu rỗi đầy vô lý rồi mỗi năm chỉ rầm rộ “báo hiếu” có một ngày, còn 364 ngày còn lại thì sao? Như vậy có thật sự báo hiếu không? Có thực hành đúng chánh pháp không?
_ Rõ ràng đã có những ông Bà-la-môn gián điệp cố tình vẽ ra kinh dỏm, thánh giả để phá hoại Phật Pháp.
_ Ấy vậy mà hàng ngàn năm qua người ta cứ nhắm mắt tin theo, ông xem có vô minh không?
_ Mô Phật! Vậy thì từ nay ngày “Vu Lan báo hiếu” phải đổi thành ngày “Vu Lan báo oán” để nhắc các Phật tử phải luôn ghi nhớ chớ có tin bừa, tín ẩu.
_ Và mọi người phải nhắc nhở nhau “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì theo truyền thống, chớ có tin vì nghe người ta đồn, chớ có tin vì đó là kinh điển, chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình, chớ có tin vì theo một lập trường, chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện, chớ có tin vì phù hợp với định kiến, chớ có tin vì uy quyền, và chớ có tin vì người nói là mấy ông tổ sư Bà-la-môn gián điệp”.
Đúng vậy! Ngày “Vu Lan báo hiếu” thực ra là ngày “Vu Lan báo oán”của mấy ông Bà-la-môn gián điệp mà thôi. Chớ có tin! Chớ có tin!
CƯ SĨ CHÁNH TRUYỀN

KINH THẬT - KINH GIẢ VÀ CÁCH THỨC PHÁ HOẠI CỦA CÁC BÀ LA MÔN GIÁN ĐIỆP


Một Học Giả phía bắc hỏi vị Học Thật phương nam:
_ Thưa ngài, tạng Pali phương Nam và tạng A Hàm phương Bắc được xem như cùng một gốc, thế nhưng khi so sánh giữa hai tạng này, người ta thấy có nhiều bài kinh trong tạng Pali có nhưng A Hàm không có bản tương đương; ngược lại có những bài kinh trong tạng A Hàm có nhưng tạng Pali không có. Trường hợp này nên hiểu như thế nào?
_ Lành thay, Hiền giả đã đặt vấn đề thiết thực. Nhưng trước khi lý giải cần nhận định rõ một điều hết sức quan trọng, đó là phải biết phân cấp hệ thống các kinh điển, từ đây mọi sự so sánh, đối chiếu, đánh giá mới khách quan được.
_ Phân cấp như thế nào?
_ Xét riêng về yếu tố dịch thuật, mỗi lần chuyển dịch ngôn ngữ cấp độ của kinh tăng lên. Do vậy các kinh gốc Nikaya được chuyển dịch từ tiếng Pali gốc được xem như kinh cấp 1, còn các kinh Pali chữ Việt dịch từ tạng Pali gốc là kinh cấp 2. Ví dụ có bản kinh Pali nào đó dịch từ bản Pali tiếng Việt, đây là các kinh cấp 3…
Học Giả phía bắc nhanh nhảu tiếp lời:
_ Tương tự, các kinh A Hàm phương Bắc bằng chữ Sanskrit được xem như kinh cấp 1, còn tạng A Hàm chữ Hán là kinh cấp 2, tạng A Hàm chữ Việt dịch từ A Hàm chữ Hán là kinh cấp 3. Tôi nói đúng không?
_ Đúng vậy, các Kinh gốc hoặc có cấp số nhỏ có mức độ tin cậy nhiều hơn các kinh có cấp số lớn, ngược lại các Kinh có cấp số lớn ít tin cậy hơn vì chúng đã bị chuyển dịch qua nhiều thứ tiếng.
_ Tôi hiểu rồi vì “Tam sao thất bản”: qua ba lần sao chép, bản gốc thường không còn. Đã thế các bản kinh gốc bằng chữ Sanskrit còn bị biến mất, không còn một cuốn. Học Giả chúng tôi muốn so sánh đối chiếu cũng không thể.
Vị Học Thật phía nam nhấn giọng:
_ Đây là điều quan trọng thứ hai chúng ta cần phải lưu ý. Căn cứ vào các bài kinh A Hàm chữ Hán đã bị cải biên một cách ấu trĩ, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng các kinh gốc chữ Sanskrit đã bị “ai đó” tiêu hủy.
_ Khi người ta cố ý làm giả, tất phải tiêu hủy bản chính gốc để không ai phát hiện ra thủ đoạn của họ.
_ Rõ ràng là như thế. Do vậy khi so sánh giữa kinh Pali và kinh A Hàm, chúng ta phải đặc biệt lưu ý những vấn đề trên.
_ Nhằm tránh tin vào các kinh ngụy tạo.
_ Thật vậy. Trở lại vấn đề, nếu trong trường hợp tạng Pali có, nhưng A Hàm không có. Có hai khả năng xảy ra: một là “ai đó” đã thêm vào trong tạng Pali, hai là “người quen” nào đó đã lược bỏ chúng trong A Hàm. Muốn biết chính xác phải xét cụ thể từng bài kinh.
_ “Người quen” phải xóa bỏ các bài kinh gốc vì nó đặc biệt quan trọng, hoặc sự biến mất của chúng có lợi cho sự xuyên tạc, cho kế sách gián điệp?
_ Đúng thế. Điển hình như bài kinh Đại Niệm Xứ, có trong Trường Bộ Pali nhưng trong A Hàm bị biến mất hoàn toàn, còn Kinh Niệm Xứ trong Trung A Hàm lại bị cải biến, cải biên nhiều pháp trọng yếu. Hoặc những bài kinh Pali Đức Thế Tôn chỉ rõ những kẻ mạo danh Ngài, xuyên tạc Tam Bảo cũng bị lược bỏ trong A Hàm. Hoặc những bài kinh Pali đả phá thần Chú cũng bị “bỏ quên”, có vậy các kinh A Hàm và các kinh Đại thừa sau này mới phổ biến tà pháp này.
Học Giả phía bắc chép miệng thở dài:
_ Quả như ai đó đã nói “Giang hồ hiểm ác, nhưng trong tôn giáo không thiếu những Dạ-xoa đội lốt thánh hiền”! Hẳn, các Dạ-xoa này cũng thừa sức tạo thêm vào các kinh giả trong tạng Pali.
_ Không loại trừ khả năng này. Hiền giả đọc kỹ các chuyện “Tiền Thân” trong Tiểu Bộ về cuối sẽ có thêm nhiều chứng cớ cụ thể. Xin lưu ý, các kinh trong Tiểu Bộ cũng được kết tập về sau này. Nếu xét về thời gian xuất hiện, các kinh này không thể được tin cậy như các kinh gốc kết tập lần đầu.
_ Tôi hiểu ý ngài. Còn trường hợp nếu A Hàm có các bài kinh nhưng Pali không có các bản tương đương?
_ Cũng có hai khả năng xảy ra: một là “ai đó” đã lược bỏ các bài kinh Pali, tất nhiên cũng là các bài kinh quan trọng. Điển hình là một loạt các bài kinh nói về thiền trong Tương Ưng không còn nội dung mà chỉ còn có tựa đề.
_ Nghe đâu, Phật Âm (Buddhaghosa) một luận sư khét tiếng của Bà-la-môn, sống sau Phật cả ngàn năm, thế nhưng được nhiều người tin tưởng là Thánh Tăng; và thế là ông ta mặc nhiên hủy bỏ những bài kinh Pali ông ta cho rằng không phải của Đức Phật.
Học Thật phía nam lắc đầu:
_ Nếu vậy, thật điên rồ! Đương nhiên, nếu những người ở phương Bắc cũng tin một ông “Phật âm” của mình, vị “Bồ-tát” này hoàn toàn có khả năng bí mật thêm vào các bài kinh “lạ” trong tạng A Hàm nhằm phá hoại Phật pháp. Ông khách quan đọc kỹ các bài kinh A Hàm không có bản kinh tương đương trong Pali sẽ có nhiều dẫn chứng cụ thể hơn.
_ Đúng là thêm bớt, bớt thêm kiểu này Diệu pháp của Phật bị biếm mất chứ làm sao còn được.
_ Để kết luận, ông hãy tịnh tâm đọc kỹ điều tiên tri của Phật trong Bài kinh “Cái Chốt Trống”, Kinh Tập số 27 này.
Nói xong, vị Học Thật đưa cho Học Giả phương bắc cuốn kinh. Vị Học Giả phương bắc kính cẩn hai tay đỡ lấy Pháp bảo rồi trịnh trọng đọc to:
“Trú ở Sàvatthi.
Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, dân chúng Dasàrahà có một cái trống tên là Anaka. Khi cái trống Anaka bắt đầu nứt ra, dân chúng Dasàrahà đóng vào một cái chốt khác. Cho đến một thời gian, này các Tỷ-kheo, cả cái thùng ván của trống Anaka biến mất và chỉ còn lại những cái chốt tụ tập lại.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo sẽ thành trong tương lai. Những bài kinh nào do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không Tánh, họ sẽ không nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ không lóng tai; họ sẽ không an trú chánh tri tâm, và họ sẽ không nghĩ rằng các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải thấu đáo.
Còn những bài kinh nào do các thi sĩ làm, những bài thơ với những danh từ hoa mỹ, với những câu văn hoa mỹ, thuộc ngoại điển, do các đệ tử thuyết giảng, họ sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ lóng tai; họ sẽ an trú chánh tri tâm và họ sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các kinh do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không Tánh, sẽ đi đến tiêu diệt.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: "Những bài kinh nào do Như Lai thuyết giảng, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không Tánh, chúng tôi sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; chúng tôi sẽ lóng tai; chúng tôi sẽ an trú chánh tri tâm. Và chúng tôi sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo”.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập”.
Không hẹn mà nên, cả hai vị Học Thật và Học Giả cùng chấp tay niệm lớn:
_ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chánh Học Pháp

CHÚ CUỘI LÀM THƠ


Một nhóm cư sĩ đang ngồi thảo luận với nhau về vấn đề kinh giả kinh thật. Mọi người đều đồng ý phải thận trọng trước các tam tạng xuất hiện sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, thế nhưng có ý kiến sọc dưa:
Kinh điển lưu truyền tám vạn tư.
Học hành không thiếu cũng không dư.
Năm nay nghĩ lại chừng quên hết.
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ.
Mọi người liền nhao nhao phản đối. Cư sĩ áo lam góp ý kiến:
- Sàm! Nói kiểu đó ai nói không được. Một tên đại bịp cũng bịa chuyện hắn đọc hết thiên kinh vạn quyển rồi, bây giờ hắn chỉ còn biết có một chữ ‘như’ thì sao?
Cư sĩ áo trắng mau mắn:
- Thì... như Cuội chứ sao. Nói vậy tất cả các kinh điển đốt hết cho xong. Các trang Web, trang blog Phật giáo cũng xóa luôn cho gọn.
Cư sĩ áo trắng mau mắn:
- Các học viện Phật giáo, các trường sơ cấp, trung cấp, cao cấp Phật học cũng dẹp hết cho rồi. Mọi người chỉ cần biết có một chữ ‘như’ (Cuội) là được rồi.
Cư sĩ áo nâu tiếp lời:
- Các chùa, các pháp đường cũng dẹp luôn cho tiện. Có tám vạn bốn ngàn tự viện giảng kinh nói pháp làm gì cho uổng công.
Vị ngồi kế bên thở phì:
- Phật có nói thế không? Chắc chắn là không! Mọi người nên tin Phật hay tin ‘Như Cuội’
Cư sĩ áo vàng bèn ngâm nga:
Kinh giả lưu truyền tám vạn tư.
Học hành phải biết bậc Chân Sư.
Chánh kinh không đọc, theo tà giáo.
Đọa ngục A-tỳ chẳng sợ ư?
Cư sĩ hội trưởng vội họa theo:
Kinh dỏm có thừa tám vạn tư.
Học hành không lựa, khéo lại hư.
Trọn năm nghĩ lại, không thì chết.
Phải nhớ trên đầu một chữ DƯ.
Mọi người cùng vỗ tay tán thưởng hai nhà thơ cư sĩ.
CƯ SĨ NGUYÊN THUỶ

ĂN CƯỚP LỚN, ĂN CƯỚP HÀNG ĐẦU


HT Thích Trí Quảng trong bài viết “Mùa Xuân Thanh Văn” đã phán:
“Trong Tam Thừa giáo Đức Phật dạy, chúng ta tự lượng sức mình có thể sử dụng xe nào để ra khỏi sanh tử là vấn đề quan trọng, chúng ta cần suy nghĩ vì tu sai pháp tất phải đọa thôi. Nếu chúng ta vừa khỏe, vừa thông minh, lại có đồ chúng đầy đủ phương tiện trong tay, bấy giờ chúng ta thừa sức dấn thân giáo hóa chúng sanh theo con đường Bồ Tát
Nhưng nếu chúng ta không đầy đủ phước đức nhân duyên của hàng thượng căn mà chỉ được phần nhân duyên và trí tuệ của hàng trung căn, chúng ta phải tu theo Duyên Giác Thừa
Và thượng căn, trung căn vì đạo đức còn kém, trí tuệ tài năng yếu ớt, người đời khó kính trọng được, về mọi phương diện ta không hơn họ mà làm thầy họ, điều này không phù hợp thực tế, không thể chấp nhận. Trên cuộc đời này còn nhiều người hơn ta, nếu ta mang hoài bão giáo hóa họ, ta liền chạm trán với bao nhiêu phiền lụy khó khăn. Vì vậy chúng ta chấp nhận sự tầm thường này ẩn nhẫn tu hành, miệt mài làm những việc trong tầm tay của mình để tạo trạng thái an lạc, giải thoát cho bản thân”.  
Thế nhưng, trong Kinh Tăng Chi Đức Phật dạy:
“1. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, khiến Tỷ-kheo hữu học thối chuyển. Thế nào là năm?
2. Ưa sự nghiệp, ưa đàm luận, ưa ngủ, ưa có quần chúng, không quán sát tâm như đã được giải thoát.
Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, khiến Tỷ-kheo hữu học thối chuyển.
3. Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không khiến Tỷ-kheo hữu học thối chuyển. Thế nào là năm?
4. Không ưa sự nghiệp, không ưa đàm luận, không ưa ngủ, không ưa có quần chúng, quán sát tầm như đã được giải thoát.
Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không khiến Tỷ-kheo hữu học thối chuyển.” (Tăng Chi 2, Chương 5, Phẩm Trưởng Lão(IX), (89) Vị Tỷ Kheo Hữu Học (1) (trang 496))
Ý KIẾN CON PHẬT:
- Tuân theo lời dạy của Phật, các Tỳ-kheo Thanh Văn sợ con đường Bồ-tát Đại thừa cũng phải. Bởi, họ sợ cả “mùa xuân thối chuyển” theo kiểu “nhất niên Phật tại tiền. Nhị niên Phật thăng thiên. Tam niên bất kiến Phật”. Mà “bất kiến Phật” thật sự, bởi có một ông Bồ-tát con nào còn ghi nhớ những lời dạy chánh gốc của Phật hay tất cả chỉ còn biết những “tam tạng” do các luận sư Bà-la-môn kết tập.
Hơn thế nữa các Tỳ-kheo Thanh Văn còn sợ cả năm kẻ cướp lớn trên thế gian đã được Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni vạch mặt trong Tạng Luật Patimokkha.
“[230] Này các Tỳ-khưu, đây là năm kẻ cướp lớn được biết đến ở thế gian?
Thế nào là năm?
Này các Tỳ-khưu, ở đây có kẻ cướp lớn khởi ý như vầy: “Đến khi nào được tháp tùng bởi một trăm hay một ngàn, ta sẽ vừa đi quanh làng mạc phố thị kinh thành vừa giết vừa ra lệnh giết, vừa chém vừa ra lệnh chém, vừa hành hạ vừa ra lệnh hành hạ.” Một thời gian sau, được tháp tùng bởi một trăm hay một ngàn, kẻ ấy vừa đi quanh làng mạc phố thị kinh thành vừa giết vừa ra lệnh giết, vừa chém vừa ra lệnh chém, vừa hành hạ vừa ra lệnh hành hạ. 
Này các Tỳ-khưu, tương tợ như thế, ở đây có hạng ác Tỳ-khưu khởi ý như vầy: “Đến khi nào được tùy tùng bởi một trăm hay một ngàn, ta sẽ đi quanh làng mạc phố thị kinh thành và được tiếp rước, được cung kính, được nể sợ, được cúng dường, được tôn trọng, và có được lợi lộc về vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh của các gia chủ và các bậc xuất gia.” 
Một thời gian sau, được tùy tùng bởi một trăm hay một ngàn, vị ấy đi quanh làng mạc phố thị kinh thành và được tiếp rước, được cung kính, được nể sợ, được cúng dường, được tôn trọng, và có được lợi lộc về vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh của các gia chủ và các bậc xuất gia. Này các Tỳ-khưu, đây là kẻ cướp lớn thứ nhất được biết đến ở thế gian.
Này các Tỳ-khưu, hơn nữa, ở đây có hạng ác Tỳ-khưu sau khi đã học tập Pháp và Luật được công bố bởi Như Lai lại xem là của chính bản thân. Này các Tỳ-khưu, đây là kẻ cướp lớn thứ nhì được biết đến ở thế gian.
Này các Tỳ-khưu, hơn nữa, ở đây có hạng ác Tỳ-khưu bôi nhọ vị trong sạch, có Phạm hạnh, đang thực hành Phạm hạnh thanh tịnh bằng điều phi Phạm hạnh không có nguyên cớ. Này các Tỳ-khưu, đây là kẻ cướp lớn thứ ba được biết đến ở thế gian.
Này các Tỳ-khưu, hơn nữa, ở đây có hạng ác Tỳ-khưu chiêu dụ mua chuộc các người tại gia bằng các trọng vật là các vật dụng chủ yếu của hội chúng như là tu viện, vùng đất của tu viện, trú xá, vùng đất của trú xá, gường, ghế, nệm, gối, chum đồng, chậu đồng, hũ đồng, vại đồng, rìu, búa, cuốc, xẻng, lưỡi đục, dây leo, tre, cỏ muñja, cỏ pabbaja, cỏ tiṇa, đất sét, đồ gỗ, đồ gốm. Này các Tỳ-khưu, đây là kẻ cướp lớn thứ tư được biết đến ở thế gian.
Này các Tỳ-khưu, trong thế gian bao gồm cõi chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, và loài người, kẻ cướp lớn đứng hàng đầu là kẻ khoác lác về pháp thượng nhân không có, không thực chứng. Điều ấy có lý do thế nào? Này các Tỳ-khưu, các ngươi đã ăn thức ăn của xứ sở theo lối trộm cướp.
Vị tuyên bố thế này,
bản thân như thế khác,
ăn cơm kiểu dối lường
như cờ gian bạc lận.
Nhiều kẻ cổ quấn y,
ác pháp không thu thúc,
kẻ ác, vì nghiệp ác
phải sanh vào địa ngục.
Kẻ ác giới buông lung
thà ăn vào sắt cục
cháy đỏ có lửa ngọn
hơn đồ ăn xứ sở.”
(Trích Tạng Luật - Bộ Phân Tích Giới Bổn, Phân Tích Giới Tỳ-khưu - I, IV. Chương Pārājika Thứ Tư. Bản dịch của Tỳ-khưu Indacanda Nguyệt Thiên)

THÍCH THANH VĂN

XƯƠNG MINH VÀ HỘ TRÌ CHÁNH PHẬT PHÁP LÀ TRÁCH NHIỆM, LÀ CÔNG ĐỨC THIÊNG LIÊNG CỦA NGƯỜI CON PHẬT


Phật dạy"Lành thay, lành thay, này Gia chủ. Như vậy, này Gia chủ, những kẻ ngu si ấy thường cần phải được bác bỏ với sự khéo bác bỏ nhờ Chánh pháp… Tỷ-kheo nào dầu đã được đầy đủ 100 năm an cư mùa mưa trong Pháp và Luật này, vị ấy cần phải như vậy, thường thường bác bỏ các du sĩ ngoại đạo, với sự khéo bác bỏ nhờ Chánh pháp, như Gia chủ Anāthapiṇḍika đã khéo bác bỏ” (Trích kinh ‘Kiến’, AN X:93)
Ý kiến:
Như bài kinh ‘Kiến’ ghi lại, gia chủ Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc) muốn đến yết kiến Đức Thế Tôn, nhưng vì còn quá sớm nên ông ghé qua khu vườn của các du sĩ ngoại đạo. Tại đây, các ngoại đạo sư đã nêu các kiến chấp sai lầm của họ về thế giới cũng như về Như Lai, và họ đã bị cư sĩ Cấp Cô Độc phản bác một cách xác đáng.
Sau đó gia chủ Cấp Cô Độc trình lại với Đức Thế Tôn và được Ngài tán dương, không những thế ông còn được nêu gương trước Tăng chúng. Cũng theo lời Phật, dù cho một vị trưởng lão đã được đầy đủ 100 tuổi hạ cũng cần phải có trách nhiệm thường xuyên bác bỏ các ngoại đạo sư với sự ‘khéo bác bỏ nhờ chánh Pháp’ để xương minh bảo vệ đạo Phật.
Bởi, 100 năm tu hành nghiêm túc cho riêng mình là rất đáng quý, nhưng việc bác bỏ các tà kiến xuyên tạc Chánh Đạo để bảo vệ Chánh Pháp cũng rất quan trọng và cao quý không kém. Đây vừa là trách nhiệm vừa là công đức của người con Phật.
Các Phật tử chân chánh phải biết ‘khéo bác bỏ nhờ Chánh pháp’, điều này có nghĩa phải dựa vào những lời dạy đích thực của Đức Thế Tôn làm cơ sở, chứ không nói chung chung, vô căn cứ. Bởi, những kẻ ngu si thường rất cuồng tín với đức tin của mình, một khi khi đã tin vào điều gì họ sẽ bám chặt lấy tín ngưỡng ấy cho dù có được nghe lời ngay ý phải.
Thế gian mỉa mai ‘đàn gảy tai trâu’ hay ‘nước đổ đầu vịt’ và bảo nhau ‘nói chuyện với đầu gối’ cũng trong ý nghĩa này. Do vậy nếu ‘khéo bác bỏ’ bằng chính lời Phật dạy, người trí sẽ nhận thức được ngay và sẽ ủng hộ, còn kẻ mê tín cũng bớt cãi ngang cãi bướng, tranh luận vô ích. Riêng đối với hạng cuồng tín cố chấp hoặc vô tâm thì... miễn bàn.
Trích kinh ‘Vajjiyamāhita’ kế tiếp. Phật dạy
"- Lành thay, lành thay, này Gia chủ. Như vậy, này Gia chủ, những kẻ ngu si ấy thường cần phải được bác bỏ với sự khéo bác bỏ nhờ Chánh Pháp… Phàm Tỷ-kheo nào, đã lâu ngày với trần cấu ít trong Pháp và Luật này, vị ấy hãy như vậy bài bác các du sĩ ngoại đạo với sự khéo bài bác nhờ Chánh Pháp, như Gia chủ Vajjiyamāhita đã làm” (AN X:94)
Ý kiến:
Gia chủ Vajjiyamāhita cũng như gia chủ Anāthapiṇḍika đều thực hành công đức hộ pháp, bác bỏ tà pháp, bảo vệ chánh Pháp nên được Đức Thế Tôn khen ngợi và nêu gương.
Cần nói ngay, người Phật tử chân chính rất tôn trọng đức tin và tín ngưỡng của người khác, không gây gổ đả kích vô cớ để gây thù chuốc oán với bất cứ ai. Thế nhưng trước các tà kiến, tà pháp phá hoại Đạo Phật, xuyên tạc Tam Bảo thì mỗi người con Phật phải có trách nhiệm nêu rõ phải trái, trắng đen, chánh tà để gạn đục khơi trong, vàng thau phân định.
Ngay thời Phật, các ngoại học thâm độc luôn tìm đủ mọi cách, mọi thủ đoạn để phá hoại Đạo Phật, kể cả việc họ giả danh lời Phật hoặc giả dạng Tăng Ni để lũng đoạn từ bên trong. Chính vì thế, sau khi Đức Phật nhập diệt, nếu một chiều tin tưởng tất cả các luận sư gốc Bà-la-môn cùng các ‘tam tạng’ do họ giới thiệu là một sự cả tin ngây thơ đến độ mù quáng.
Qua hàng ngàn năm ‘bóng ma’ của các tổ sư gián điệp gốc Bà-la-môn đã bao trùm và phong tỏa tâm linh của biết bao thế hệ Phật tử. Trải qua hàng thế kỷ, những nhận thức Phật pháp cũng đã bị các giả sư gốc Bà-la-môn biến thái cải biên quá nhiều thông qua các ‘tam tạng’ ngụy tạo của họ. Do vậy việc nhận chân và chỉ rõ ‘bộ mặt thật nham hiểm’ của các tổ sư gián điệp cùng các tà kinh ngụy trá hoàn toàn không đơn giản.
Vị Tỷ-kheo muốn có ‘đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh’, tức tri kiến đúng đắn biết rõ đâu là chánh đạo, đâu là ngụy đạo giả danh, phải có ‘đoạn nghi thanh tịnh’. Muốn có ‘đoạn nghi thanh tịnh’, phải có ‘tri kiến thanh tịnh’. Muốn có ‘tri kiến thanh tịnh’, phải có ‘tâm thanh tịnh’. Muốn có ‘tâm thanh tịnh’, phải có ‘giới thanh tịnh’ (Kinh Trạm Xe, MN24)
Do vậy, chỉ có các Tỷ-kheo ‘đã lâu ngày trần cấu ít’, có giới hạnh thanh tịnh mới có ‘đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, mới có đủ tuệ lực để thấy rõ đâu là chánh kinh, đâu là tà kinh, đâu là chân Tăng, đâu là ngụy tổ. Chính các vị này mới đủ sức vượt qua ‘bóng ma’ của các tổ sư gián điệp nêu rõ phải trái, trắng đen, thắng liệt, chánh tà.
Hơn bao giờ hết, các Tăng Ni Phật tử phải trau dồi giới hạnh thanh tịnh, để có tâm thanh tịnh, tri kiến thanh tịnh, đoạn nghi thanh tịnh, đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, nhờ vậy mới có thể phân biệt rõ chánh đạo Phật pháp và tà pháp giả danh, mới tu đúng hướng, mới giải thoát đúng đường; bằng không sẽ rơi vào bẫy của ác ma.
Đồng thời các Phật tử phải khéo dựa vào Chánh Pháp để bác bỏ tà pháp giả danh, bảo vệ xương minh đúng Phật pháp, tạo lập công đức hộ pháp. Trách nhiệm và công đức cao quý này đến cả những vị trưởng lão có ‘đầy đủ 100 năm an cư mùa mưa trong Pháp và Luật này’ còn phải thường xuyên thực hiện, huống hồ với những Thánh cư sĩ Anāthapiṇḍika, Vajjiyamāhita; huống hồ với tất cả con Phật.
Mỗi Phật tử hãy theo lời Phật dạy, tích cực bác bỏ tà pháp, bảo vệ đúng Chánh Phật Pháp để tự cứu chính mình và cứu cho những người thân của mình! Đây là công đức Từ Bi!
Có cứu lấy Chánh Pháp, mới được Chánh Pháp soi đường cứu thoát; giao duyên với pháp tà, tất sẽ bị pháp tà cuốn trôi. Đây là luật nhân quả!
Cula Dhammapala

NGỤ NGÔN THỜI @: CÁ, RÙA VÀ CÁO


DẪN: Các giảng sư Tịnh Độ thường truyền dại nhau câu chuyện "Cá và rùa", ví mình như rùa leo được lên bờ thấy bầu trời, trăng sao. Nhưng khi rùa trở xuống nước, kể lại cho cá. Cá không thấy không tin. Sự thật câu chuyện này thế nào, mời đọc tiếp
-----------------
Cá gặp lại rùa mừng vui hớn hở:
_ Chào bác rùa, bác đi đâu bấy lâu không gặp?
_ A Di Đà Phật! Ta đi Tây du hí.
_ Là chỗ nào? Có gì vui?
_ Đó là cõi Tây phương Cực lạc của ngài A Di Đà. Nơi ấy có bảy lớp lưới giăng, có hàng cây, ao, hồ cùng với nhiều thứ châu báu, vàng, bạc, lưu li, xà cừ, trân châu, mã não… Ối thôi, vô lượng vô biên!
_ Có giống “go-tờ gôn” (water world - thế giới nước) ở đây không?
_ Vui hơn nhiều. Đã bảo “cực lạc” có nghĩa là cực kỳ lạc thú cơ mà.
_ Cháu không tin!
_ Hừ! Những kẻ ngu si không thấy, không tin như ngươi suốt đời chỉ ở trong cái vũng nước nhơ nhớp này mà thôi.
_ Cháu có thể đến Tây phương được không?
_ Được chứ!
_ Bằng cách nào?
_ Trước hết cháu phải hoàn toàn tin nơi bác. Sau đó chỉ cần niệm “A mi tò phò” và nhất tâm bám sau đuôi bác là đến liền hè.
Cá tin lời, nhắm một mắt niệm “A mi tò phò”, còn mắt kia mở to cố bơi theo sát rùa. Hấp! Rùa phóng nhanh lên bờ, cá cũng vội vàng cong mình nhảy theo. Phập! Ngay tức khắc cá nằm gọn dưới móng vuốt sắc nhọn của con cáo đứng chực sẵn trên bờ từ lúc nào. Cá cố sức vẫy vùng nhưng vẫn không sao thoát được. Nó chỉ nghe tiếng cáo nói với rùa:
_ Khá lắm rùa, mày là tay sai đắc lực đấy! Hãy kiếm thêm vài con cá ngu dại nữa cho ta!
_ Dạ!
Vừa đáp xong, rùa liền quay đầu lủi nhanh xuống nước mất hút. Cá nhìn theo rùa, nước mắt lưng tròng khóc thương cho sự ngây dại của mình. Trời ơi, ta làm sao báo động cho đồng loại biết đây? 
“Chớ có tin…” cá cố sức dùng tàn hơi nhép miệng nhưng nó vẫn không sao thốt nổi thành lời. Cuối cùng cá đành thoi thóp lịm dần trong tiếng cười đắc chí của con cáo già. 
Nào đã xong chuyện, khổ đau hơn, thần thức của cá còn bị tống thẳng về u minh đọa xứ vì cái tội tà tín, tà kiến.
Thế mới biết: vô minh là nguyên nhân gây ra đau khổ, nhưng cả tin mê tín cũng là cội nguồn của bao nỗi khổ đau.
THẦN BIỂN